Cuộc thi nhằm truyền tải thông điệp về lòng nhân ái, lòng bi mẫn, tuyên truyền, lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong Phật giáo, hướng tăng, ni, phật tử cùng toàn nhân dân tìm đến với chân, thiện, mỹ góp phần tăng cường sức mạnh dân tộc, gắn bó xây dựng phát triển đất nước. Đồng thời, cổ vũ kịp thời các phóng viên, nhà báo, cộng tác viên sáng tác các tác phẩm về Phật giáo, các nhà nghiên cứu công bố những tác phẩm đạt chất lượng, đóng góp cho Phật giáo Việt Nam nói riêng, xã hội nói chung.
THỂ LỆ
GIẢI BÁO CHÍ TOÀN QUỐC VỀ PHẬT GIÁO
“TUYÊN TRUYỀN LỐI SỐNG TỐT ĐẠO – ĐẸP ĐỜI PHẬT GIÁO VIỆT NAM ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC”
LẦN THỨ NHẤT, NĂM 2024
(Kèm theo Quyết định số 145/QĐ-HĐTS ngày 14 tháng 5 năm 2024 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam)
CHƯƠNG I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Tên gọi Giải thưởng
Tên gọi chung: Giải Báo chí toàn quốc về Phật giáo.
Tên gọi theo số lần tổ chức Giải: Giải Báo chí toàn quốc về Phật giáo “Tuyên truyền lối sống Tốt Đạo – Đẹp Đời, Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc” lần thứ nhất, năm 2024
2. Mục đích, Ý nghĩa của Giải thưởng
Giải Báo chí toàn quốc về Phật giáo “Tuyên truyền lối sống Tốt Đạo – Đẹp Đời, Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc” lần thứ nhất, năm 2024 nhằm ghi nhận và tôn vinh những đóng góp xuất sắc của tập thể, cá nhân, đội ngũ những người làm báo đối với công tác Phật giáo.
Thông qua Giải nhằm giới thiệu, quảng bá những kết quả, thành tựu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và cộng đồng chư tăng ni, cư sĩ, phật tử trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đồng thời, phát hiện những tấm gương tiêu biểu cho lối sống “Tốt Đạo - Đẹp Đời” và hoằng dương chính pháp. Cổ vũ, động viên các chư tăng ni, cư sĩ, phật tử chung sức, đồng lòng tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa đối với sự nghiệp phát triển của Phật giáo Việt Nam.
Tạo điều kiện để các nhà báo được trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thông tin, báo chí đối với lĩnh vực tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng.
Việc tổ chức Giải Báo chí toàn quốc về Phật giáo “Tuyên truyền lối sống Tốt Đạo – Đẹp Đời, Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc” lần thứ nhất, năm 2024 (gọi tắt là Giải) là dịp để lựa chọn những tác phẩm báo chí xuất sắc, đạt chất lượng cao, giàu ý tưởng sáng tạo, có nội dung và hình thức thể hiện hấp dẫn, phản ánh trung thực, phong phú về các nội dung Phật giáo.
Giải được tổ chức sẽ góp phần ghi nhận, cổ vũ kịp thời các phóng viên, nhà báo tiếp tục không ngừng phấn đấu, khắc phục khó khăn để có những tác phẩm báo chí đạt chất lượng, mang lại giá trị tích cực cho xã hội, góp phần vào việc tuyên truyền lối sống của nhân dân Việt Nam theo đúng tôn chỉ “Tốt Đạo - Đẹp Đời của Phật giáo.
Việc tổ chức Giải Báo chí toàn quốc về Phật giáo lần thứ nhất, năm 2024 còn có vai trò vô cùng quan trọng và cần thiết trong tình hình hiện nay, bởi vì:
Giải Báo chí Phật giáo đóng vai trò như một nền tảng quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan báo chí và các nhà báo có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, và chia sẻ những thành công trong việc tuyên truyền về Phật giáo và giáo lý phật pháp.
Thông qua việc tổ chức giải thưởng, cộng đồng phật tử và cả xã hội có cơ hội tiếp cận với những thông điệp tích cực, nhân văn, và hòa bình của Phật giáo, từ đó lan tỏa những giá trị này đến với mọi tầng lớp trong xã hội.
Giải Báo chí góp phần vào việc tuyên truyền và phổ biến kiến thức về Phật giáo, nâng cao sự hiểu biết và đồng cảm giữa các tôn giáo và các cộng đồng tôn giáo khác nhau.
Đây là hoạt động phù hợp với chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với hoạt động báo chí; phù hợp với tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng:
Phát huy các nhân tố tích cực, nhân văn trong các tôn giáo, tín ngưỡng. Phê phán các biểu hiện tiêu cực, mê tín, dị đoan.
Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo; có những chính sách đặc thù giải quyết khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc. Ngăn chặn và loại trừ mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, cản trở sự phát triển của đất nước.
Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đạo, đẹp đời”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo, trong đó có Phật giáo cho sự phát triển đất nước.
Nhằm xét chọn, trao giải cho các tác phẩm báo chí có chất lượng cao viết về Phật giáo với nội dung và hình thức hấp dẫn, mang lại hiệu ứng xã hội rộng lớn, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.
Những người làm báo, đặc biệt là các nhà báo theo dõi về lĩnh vực tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng sẽ có môi trường, động lực để phấn đấu, cống hiến cũng như được tôn vinh, khen thưởng xứng đáng đối với những đóng góp của mình.
Thông qua Giải có thể phát hiện, bồi dưỡng những tấm gương tiêu biểu, những chư tăng ni, cư sĩ, phật tử điển hình tiên tiến có cống hiến hết mình cho sự nghiệp hoằng dương chánh pháp.
Nhằm ghi nhận và tôn vinh những đóng góp của các tập thể, cá nhân những người làm báo; quảng bá những kết quả, thành tựu đối với công tác tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng.
Góp phần quảng bá và nâng cao vị thế, vai trò của Phật giáo trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.
3. Các hạng mục Giải thưởng
Giải cá nhân: Có 05 mức giải: giải Đặc biệt, giải Nhất, giải Nhì, giải Ba và giải Khuyến khích được trao cho 05 loại hình báo chí: báo in, báo điện tử, báo phát thanh, báo hình và báo ảnh.
Giải tập thể: Có 01 mức giải được trao cho đơn vị có nhiều tác phẩm tham gia đạt chất lượng cao.
Căn cứ trên số lượng và chất lượng tác phẩm tham dự Ban Tổ chức sẽ quyết định về giải thưởng mỗi loại hình và đưa ra các giải phụ (nếu có), đảm bảo các tác phẩm đạt giải là các tác phẩm có chất lượng cao và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội.
Giải thưởng: Kinh phí giải thưởng được chi từ nguồn vận động tài trợ xã hội hóa và từ nguồn thu hợp pháp khác.
Mức chi từng giải thưởng cụ thể sẽ do Ban Tổ chức ra quyết định căn cứ trên số lượng giải hàng năm.
4. Điều kiện tham gia Giải thưởng
Tác phẩm dự Giải được thể hiện bằng tiếng Việt (hoặc tiếng dân tộc, tiếng nước ngoài được dịch ra tiếng Việt) được đăng, phát sóng trên các cơ quan báo chí được cấp phép.
Tác phẩm dự Giải phải bảo đảm tính chân thực, người thật, việc thật, sự kiện thật có tính chính xác, khách quan. Nội dung tác phẩm phải nêu được những vấn đề về Phật giáo, lối sống “Tốt Đạo - Đẹp Đời”, vai trò của Phật giáo trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước; có tính phát hiện, tổng kết hoặc hướng dẫn có tính thuyết phục và hiệu quả xã hội cao; có phương pháp thể hiện hấp dẫn, sáng tạo; có tác động tích cực phục vụ công tác đổi mới, hoằng dương phật pháp.
Tác phẩm tham dự phải bảo đảm không có tranh chấp về bản quyền.
Những tác phẩm đã được trao thưởng ở các cuộc thi địa phương vẫn được quyền dự Giải nhưng phải ghi rõ mức giải và thông tin về cơ quan/đơn vị, thời gian tổ chức giải thưởng. Ban Tổ chức không nhận các tác phẩm đã đoạt giải ở các cuộc thi cấp quốc gia và quốc tế.
Tác phẩm tham dự hợp lệ được đăng tải, phát sóng trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2024 đến ngày 31/12/2024 trên các cơ quan, ấn phẩm báo chí chính thức được cấp phép.
CHƯƠNG II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
1. Đối tượng tham gia Giải thưởng
Tác giả là công dân Việt Nam có tác phẩm báo chí viết về lĩnh vực Phật giáo được đăng tải, phát sóng trên các cơ quan báo chí được cấp phép (báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình, báo ảnh) trong thời gian quy định.
Tác giả là người nước ngoài có tác phẩm báo chí (viết bằng tiếng Việt) phù hợp với quy định của thể lệ Giải có quyền gửi bài tham dự Giải.
Tác giả có tác phẩm tham dự Giải không vi phạm 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, không vi phạm Luật Báo chí; không vi phạm Luật Tín ngưỡng và tôn giáo và các quy định khác của pháp luật.
2. Tiêu chí xét Giải thưởng
Về nội dung:
Tác phẩm báo chí được tuyển chọn gửi về Ban Tổ chức Giải phải đạt các yêu cầu nội dung như sau:
Nội dung phản ánh khách quan các thông tin và quan điểm về Phật giáo, tránh xa các định kiến và đánh giá thiên vị, kiểm chứng kỹ lưỡng tính chân thật các thông tin trong tác phẩm khi đăng tải.
Các tác phẩm cần thúc đẩy sự tương tác và chia sẻ ý kiến giữa độc giả và tác giả, từ đó tạo ra một không gian trao đổi và thảo luận sâu sắc về các vấn đề liên quan đến Phật giáo.
Sự phản ánh đa chiều: Nội dung phản ánh đa chiều, khách quan về lĩnh vực liên quan đến Phật giáo, từ các khía cạnh lịch sử, triết học, đến các hoạt động xã hội và từ thiện, đảm bảo một cái nhìn toàn diện, sâu sắc, chuẩn mực về Phật giáo nói chung, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói riêng là tổ chức đại diện từ năm 1981 đến nay.
Thể hiện giá trị từ bi, vô ngã, vị tha và các đóng góp của Phật giáo cho sự tiến bộ cho xã hội, đất nước con người Việt Nam và cho nhân loại.
Tác phẩm dự giải phải có thông tin chính xác, trung thực, khách quan; có tính phát hiện, nghiên cứu, có tính định hướng dư luận cao; có sức hấp dẫn, thuyết phục đối với công chúng; có tác động tích cực đến đời sống xã hội, được các tầng lớp nhân dân ủng hộ, hoan nghênh.
Các tác phẩm đề cập đến những vụ việc tiêu cực, mê tín, dị đoan đi ngược với giáo lý Phật giáo, phải được các cơ quan có thẩm quyền kết luận là đúng sự thật hoặc đã được các tổ chức, cá nhân sai phạm thừa nhận và sửa chữa, khắc phục, được các cơ quan chức năng kết luận rõ ràng, đúng quy định.
Về hình thức
Đối với tác phẩm báo in
Là một hoặc nhiều tác phẩm (không quá 05 kỳ) của cùng tác giả hoặc nhóm tác giả cùng đứng tên về cùng một sự kiện, vấn đề, đề tài nghiên cứu và thực hiện cùng một thể loại báo chí.
Không xét loạt bài ghép từ những bài độc lập của các tác giả đứng tên riêng lẻ ở các thời điểm đăng tải khác nhau, không có tên loạt bài.
Đối với tác phẩm báo điện tử
Mỗi tác phẩm là một bài hoặc một loạt bài (không quá 05 kỳ) của cùng một tác giả hoặc nhóm tác giả cùng đứng tên về cùng một sự kiện, cùng một đề tài nghiên cứu thực hiện riêng cho báo điện tử, thể hiện được đặc trưng của báo điện tử về thông tin văn bản, âm thanh, hình ảnh... Không xét những tác phẩm lấy từ các loại hình báo chí khác nhau.
Đối với tác phẩm phát thanh
Mỗi tác phẩm phải là một hoặc một loạt chương trình phát thanh (không quá 05 chương trình) về cùng một chủ đề.
Tác phẩm phải thể hiện được đặc trưng của báo nói, âm thanh rõ ràng, tiếng nói nhân vật, tiếng động, âm nhạc đảm bảo chất lượng, hấp dẫn, thời lượng: tối đa 60 phút/tác phẩm.
Đối với tác phẩm báo hình
Mỗi tác phẩm phải là một, hoặc một loạt chương trình truyền hình (không quá 05 chương trình) về cùng một chủ đề.
Tác phẩm phải thể hiện được đặc trưng của báo hình, kỹ thuật hình ảnh, âm thanh phải đạt yêu cầu chất lượng, hấp dẫn. Thời lượng: tối đa 90 phút/tác phẩm.
Đối với tác phẩm báo ảnh
Tác phẩm báo ảnh bao gồm ảnh đơn, nhóm ảnh hoặc phóng sự ảnh được thể hiện bằng hình ảnh màu hoặc ảnh đen trắng.
Đối với nhóm ảnh hoặc phóng sự ảnh, chỉ tuyển chọn mỗi nhóm ảnh hoặc phóng sự ảnh không quá 10 ảnh, đăng trên cùng một số báo hoặc cùng thời điểm xuất bản (đối với báo điện tử). Mỗi ảnh cần kèm theo chú thích rõ ràng, thời gian chụp, địa điểm chụp, tên tác giả, chức danh, đơn vị.
Không chấp nhận ảnh được xử lý kỹ thuật làm thay đổi nội dung và bản chất sự việc.
Những tác phẩm bị coi là phạm quy (bị loại) là tác phẩm không đáp ứng các quy định nêu trên.
Đối với cơ quan báo chí
Cơ quan, đơn vị, tổ chức được trao Giải báo chí toàn quốc về Phật giáo phải đạt các tiêu chí sau:
Được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép hoạt động trong lĩnh vực báo chí.
Gửi các tác phẩm dự thi theo tính chất chung là cơ quan báo chí gửi dự thi.
3. Hồ sơ tham gia Giải thưởng
Tất cả các tác phẩm dự Giải phải ghi rõ:
Thông tin về tác giả, nhóm tác giả, gồm: Họ và tên, địa chỉ hiện tại hoặc đơn vị công tác, số điện thoại, E-mail. Nếu là nhóm tác giả, phải ghi tên từng tác giả, nếu sử dụng bút danh phải ghi rõ tên thật trong hồ sơ tác phẩm, thông tin liên hệ với tác giả và cơ quan báo chí một cách đầy đủ.
Mỗi tác phẩm dự giải phải sao, chụp làm 02 bộ (ghi rõ đã đăng, phát trên báo, đài nào, có xác nhận của cơ quan báo chí) kèm giới thiệu khái quát về tác phẩm (loại hình, thể loại, nội dung chính, nêu bật tính phát hiện, sức lan toả, hấp dẫn, hiệu quả xã hội... của tác phẩm).
Đảm bảo các yêu cầu:
Đối với tác phẩm báo in: Phải là bản in chính hoặc sao chụp từ báo in, báo điện tử nhưng phải sạch, đẹp, rõ ràng. Nếu tác phẩm có sự tiếp nối nhỏ, lẻ phải cắt dán phần tiếp nối trên giấy trắng khổ A4 hoặc A3 và đánh số trang rõ ràng phần tiếp nối. Tác phẩm viết bằng tiếng dân tộc phải có bản dịch ra tiếng Việt.
Đối với tác phẩm báo điện tử: In giấy khổ A4 (kèm giao diện và đường link tác phẩm).
Đối với tác phẩm báo nói: Ghi USB/ổ cứng, mỗi USB/ổ cứng chỉ ghi 01 tác phẩm, kèm theo văn bản phần lời của tác phẩm. Nếu là tác phẩm tiếng dân tộc phải có bản dịch ra tiếng Việt.
Đối với tác phẩm báo hình: Ghi USB/ổ cứng, mỗi USB/ổ cứng chỉ ghi 01 tác phẩm, kèm theo bản thuyết minh. Nếu là tác phẩm truyền hình tiếng dân tộc phải có bản dịch ra tiếng Việt.
Đối với tác phẩm báo ảnh: Phải là bản in chính hoặc sao chụp từ báo in, báo điện tử trình bày sạch, đẹp, rõ ràng. Kèm theo ảnh phóng trên giấy ảnh cỡ 18cm x 24cm (ảnh đơn) và 12cm x 18cm (đối với ảnh trong nhóm hoặc phóng sự ảnh). Mỗi ảnh cần kèm theo phụ đề, nếu phụ đề ảnh là tiếng dân tộc phải dịch ra tiếng Việt.
4. Những tác phẩm bị cọi là phạm quy
Là tác phẩm/sản phẩm không đáp ứng các quy định tại Quy chế này và Hội đồng không hoàn trả các tác phẩm gửi tham gia Giải thưởng.
5. Địa chỉ và đầu mối tiếp nhận tác phẩm
Đối với tác phẩm gửi theo đường bưu điện, bài thi sẽ gửi về địa chỉ:
Ban Thông Tin Truyền Thông T.Ư - GHPGVN -Phòng 221, Chùa Quán Sứ, Số 73 Phố Quán Sứ, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
Số điện thoại: 0914 335 013
Đối với tác phẩm gửi theo hình thức trực tuyến, sẽ gửi vào địa chỉ hòm thư: giaibaochiphatgiao2024@gmail.com
6. Thời gian tổ chức
- Tổ chức họp báo vào tháng 06/2024;
- Nhận bài từ ngày 18/06/2024 tới ngày 05/01/2025;
- Trao giải dự kiến Quý I năm 2025.
7. Cơ cấu Giải thưởng
- Giải đặc biệt: 50,000,000 vnđ
- Giải nhất: 20,000,0000 vnđ x 5 thể loại giải
- Giải nhì: 15,000,000 vnđ x 5 thể loại giải
- Giải ba: 10,000,000 vnđ x 5 thể loại giải
- Giải khuyến khích: 5,000,000 x 10 giải
- Giải dành cho cơ quan báo chí có nhiều tác phẩm chất lượng gửi dự thi: 20.000.000 x 1 giải
8. Quyền lợi của các tác giả đoạt Giải thưởng
Đối với tác giải có tác phẩm đoạt Giải, phần thưởng gồm có
- Biểu trưng của Giải Báo chí toàn quốc về Phật giáo
- Giấy chứng nhận của Hội đồng Giải thưởng
- Tiền thưởng theo quy định Giải thưởng
Các tổ chức cá nhân đoạt giải được sử dụng, khai thác biểu trưng của Giải thưởng cho các hoạt động quảng bá, tuyên truyền; được các ban, bộ ngành, cơ quan, đơn vị chủ quản khen thưởng theo quy định của pháp luật.
9. Quy trình xét, công bố và trao Giải thưởng
Cách thức xét chọn Giải
Vòng Sơ khảo: Các tác phẩm báo chí gửi tham dự Giải theo quy định sẽ được Hội đồng Sơ khảo xem xét, đánh giá, chấm điểm để chọn ra tác phẩm báo chí đáp ứng tiêu chí xét trao giải đưa vào vòng chung khảo.
Vòng Chung khảo: Hội đồng Chung khảo dựa trên kết quả tuyển chọn của Hội đồng Sơ khảo sẽ tiến hành đánh giá, thẩm định, chấm điểm để lựa chọn ra những tác phẩm xuất sắc nhất trình Ban Tổ chức ra quyết định trao giải.
Công bố và trao Giải
Lễ công bố và trao Giải thưởng toàn quốc về Phật giáo năm 2024 dự kiến được tổ chức vào Quý I năm 2025.
10. Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm
Các tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại về kết quả xét, tặng giải và những vi phạm quy định, trình tự, thủ tục xét, tặng giải. Đơn khiếu nại phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ và lý do khiếu nại gửi cho Cơ quan thường trực Giải Báo chí. Không xem xét đơn không có tên, địa chỉ không rõ ràng hoặc mạo danh. Thời gian muộn nhất sau 1 tháng kể từ khi trao giải.
Tác phẩm tham dự Giải Báo chí nếu vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Báo chí, các quy định của Nhà nước có liên quan và vi phạm các quy định của Giải Báo chí, Ban Tổ chức sẽ thu hồi giải thưởng, thông báo cơ quan chức năng để giải quyết theo quy định của pháp luật hiện hành.
Ban Tổ chức