Chủ nhật, 13/04/2025, 13:51

Bộ Nội vụ lý giải nguyên nhân Thanh Hóa, Nghệ An không thuộc diện sáp nhập

Thanh Hóa, Nghệ An là 2 tỉnh được đề xuất không sắp xếp trong giai đoạn này. Diện tích, dân số là yếu tố ban đầu, song không phải yếu tố quyết định trong việc sắp xếp đơn vị hành chính...

Ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ), đã chia sẻ tại buổi tọa đàm trực tuyến do Báo Dân trí tổ chức ngày 10.4 về tầm quan trọng của việc sắp xếp, sáp nhập các tỉnh, thành. 

Ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, chia sẻ tại buổi tọa đàm ẢNH: MẠNH QUÂN
Ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, chia sẻ tại buổi tọa đàm ẢNH: MẠNH QUÂN

Thời điểm chín muồi để thực hiện sắp xếp

Theo ông Phan Trung Tuấn, việc sắp xếp các đơn vị hành chính không phải cách đây mấy tháng Bộ Nội vụ mới nghiên cứu, mà từ Đại hội XIII của Đảng, vấn đề này đã đặt ra.

Bộ Nội vụ đã có những bước chuẩn bị căn cơ, trong thời gian dài. Quá trình đưa ra chủ trương, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã cân nhắc rất kỹ.

"Tôi có thể khẳng định đây là thời điểm chín muồi để thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính với các căn cứ quy mô, diện tích, dân số, dư địa phát triển của nhiều địa phương... Quá trình xây dựng đề án, chúng tôi thực hiện khẩn trương, song cũng nghiên cứu kỹ lưỡng, tính đến tất cả yếu tố tác động có liên quan. Bên cạnh đề xuất phương án sắp xếp, chúng tôi tính toán đến nhiều yếu tố đảm bảo phương án sáp nhập này khả thi, đi vào thực tiễn", ông Tuấn thông tin.

Liên quan đến các tỉnh không thuộc diện sắp xếp, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương cho hay, dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính có đề xuất 11 tỉnh không thuộc diện sắp xếp lần này.

Diện tích, dân số là yếu tố ban đầu, nhưng không phải yếu tố quyết định trong việc sắp xếp đơn vị hành chính. Yếu tố quyết định là làm sao tạo ra được nhiều dư địa phát triển tốt hơn trong tương lai.

Một góc TP.Thanh Hóa ẢNH: MINH HẢI
Một góc TP.Thanh Hóa ẢNH: MINH HẢI

"Trong phương án chúng tôi tham mưu, trình Hội nghị Trung ương xem xét thì có một số địa phương như tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa không đề xuất sắp xếp trong giai đoạn này. Ngoài yếu tố diện tích, dân số của 2 tỉnh, chúng tôi tính đến tiềm năng, lợi thế nội tại để phát triển địa bàn này đủ lớn, đủ rõ ràng để tạo động lực phát triển cho địa phương, cho một vùng.

Nghệ An và Thanh Hóa đều nằm trong vùng Bắc Trung bộ. Đây là một trong 5 tiểu vùng của 6 vùng kinh tế. Hai tỉnh này chúng ta có thể ví von như "Việt Nam thu nhỏ" với đầy đủ miền núi, đồng bằng, ven biển, biên giới, sân bay, cảng biển, cao tốc...", ông Tuấn lý giải.

Mở rộng dư địa phát triển cho các địa phương

Bên cạnh diện tích tự nhiên, dân số, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương cũng cho biết, các tiêu chí khi sáp nhập còn tính đến yếu tố về quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế.

"Phải tính toán rất kỹ lưỡng các yếu tố để đưa ra phương án tối ưu nhất, vừa thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy, mở rộng dư địa phát triển nhưng vẫn bảo đảm được chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân", ông Phan Trung Tuấn chia sẻ.

Trong các tiêu chí, mở rộng không gian phát triển thực sự là tiêu chí lớn nhưng cũng có rất nhiều vấn đề đặt ra, cần xem xét như yếu tố địa lý, văn hóa, các vấn đề quy hoạch vùng, liên vùng.

Ông Tuấn thông tin: "Tổng Bí thư Tô Lâm khi tiếp xúc cử tri có nói thực tế từ chính quê ông, tỉnh Hưng Yên, là có những tỉnh khi tách ra phát triển rất tốt, bật lên được. Đó là quyết định phù hợp với giai đoạn lịch sử đó.

Giờ đây, cùng với sự phát triển của nhiều địa phương, một số tỉnh, thành dư địa phát triển không còn mà cái nhìn thấy rõ ràng nhất là quỹ đất. TP.Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh đều là những trọng điểm kinh tế nhưng không còn không gian nào để phát triển thêm nữa. Trong khi đó, bên cạnh các đơn vị hành chính cấp tỉnh này lại có những địa phương, tỉnh khác rộng lớn, có nhiều dư địa, không gian hơn".

Các địa phương gửi đề án sắp xếp hợp nhất cấp tỉnh, xã trước 1.5

Theo ông Phan Trung Tuấn, Hội nghị Trung ương lần thứ 11 đang diễn ra sẽ quyết định vấn đề rất lớn, rất hệ trọng với đất nước.

Cùng với sắp xếp lại cấp tỉnh, bỏ cấp huyện, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương cho biết, các địa phương tiếp tục sáp nhập cấp xã.

"Qua nắm bắt ban đầu của Bộ Nội vụ, nhiều địa phương đã tích cực chuẩn bị các phương án kỹ lưỡng. Ngày 1.5 tới là thời hạn cuối cùng địa phương gửi đề án sắp xếp hợp nhất cấp tỉnh, xã về Bộ Nội vụ. Từ đó, Bộ Nội vụ tổng hợp, nghiên cứu hoàn thiện đề án trình Quốc hội, Chính phủ", ông Tuấn nói.

Bên cạnh đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp sẽ được trình Trung ương, dự kiến Bộ Nội vụ cũng trình Chính phủ dự án luật Tổ chức chính quyền địa phương, sửa đổi căn cơ, để thay thế luôn cho luật hiện hành.

Với việc này, từ ngày 1.7, sau khi sửa Hiến pháp, bộ máy chính quyền 2 cấp ở địa phương sẽ đi vào vận hành ngay. 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây