Một trong những đối tượng liên quan đến chủ trương sắp xếp, sáp nhập xã là cán bộ không chuyên trách (KCT) ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, với số lượng hơn 400.000 người.
Thời gian tới, khi sáp nhập 10.035 đơn vị hành chính cấp xã còn 5.000 đơn vị thì số cán bộ KCT này là một trong những đối tượng tinh giản.
Chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã được quy định rõ theo Nghị định 178 và 67. Cán bộ KCT thuộc diện tinh giản sẽ được giải quyết theo quy định nào là vấn đề mà nhiều người đang thắc mắc.
Đại diện Bộ Nội vụ cho biết, với cán bộ KCT, việc giải quyết chế độ, chính sách khi sáp nhập xã được thực hiện theo Nghị định 29/2023 của Chính phủ về tinh giản biên chế.
Theo đó, người hoạt động KCT ở cấp xã, thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính được hưởng trợ cấp khi nghỉ việc trong khoảng thời gian từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền đến trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp.
Theo tính toán của Bộ Nội vụ, tính đến hết năm 2021, cả nước có 436.617 người hoạt động KCT tại xã, thôn, tổ dân phố. Trong mấy năm qua, số lượng tăng thêm 7.418 người. Như vậy, ước tính cả nước có hơn 444.000 người hoạt động KCT.
Cụ thể, cán bộ KCT giữ các chức danh bầu cử, nếu nghỉ việc trong vòng 12 tháng sắp xếp, sẽ được hưởng trợ cấp bằng 1/2 mức phụ cấp hàng tháng hiện hưởng cho mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc nhiệm kỳ.
Riêng đối tượng có thời điểm nghỉ hưu trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp thì số tháng được hưởng trợ cấp được tính bằng số tháng nghỉ trước so với thời điểm nghỉ hưu.
Đối với cán bộ KCT giữ các chức danh không do bầu cử, cứ mỗi tháng nghỉ trước so với thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp được hưởng trợ cấp bằng 1/2 mức phụ cấp hàng tháng hiện hưởng.
Riêng đối tượng có thời điểm nghỉ hưu trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp thì số tháng được hưởng trợ cấp được tính bằng số tháng nghỉ trước so với thời điểm nghỉ hưu.
![]() |
Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng |
Trong khi đó, với các cán bộ chuyên trách, chế độ hỗ trợ nghỉ việc do dôi dư sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính đầy đủ hơn.
Cụ thể, ngoài những hỗ trợ khi nghỉ việc trước thời điểm kết thúc lộ trình sắp xếp, các cán bộ chuyên trách được chia thành nhiều nhóm đối tượng để nhận hỗ trợ.
Với các đối tượng nghỉ hưu trước tuổi từ 2-5 năm theo quy định, chế độ hỗ trợ gồm có: 3 tháng tiền lương bình quân cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi, 5 tháng tiền lương bình quân cho 20 năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã hội (từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương), không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi.
Với nữ cán bộ chuyên trách nghỉ trước tuổi từ 2-5 năm, ngoài hưởng chế độ hưu trí theo quy định, còn được hưởng 5 tháng tiền lương bình quân và trợ cấp 3 tháng tiền lương bình quân cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi, đồng thời không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi.
Theo Nghị định số 33/2023 về cán bộ, công chức cấp xã, số lượng cán bộ KCT được tính theo loại đơn vị hành chính cấp xã. Cụ thể, xã, phường loại 1 là 14 người, loại 2 là 12 người, loại 3 là 10 người.
Cán bộ KCT ở thôn, tổ dân phố không quá 3 chức danh (bao gồm bí thư chi bộ, trưởng thôn hoặc tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác Mặt trận) được hưởng phụ cấp hàng tháng.
Một số chức danh người hoạt động không chuyên trách xã, phường, thị trấn:
1. Văn phòng Đảng ủy cấp xã
2. Phụ trách công tác truyền thanh cấp xã
3. Phó chỉ huy trưởng Quân sự
4. Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc
5. Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh
6 Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ
7. Phó chủ tịch Hội Nông dân (đối với xã và các phường, thị trấn có tổ chức Hội Nông dân)
8. Phó bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh
9. Chủ tịch Hội Người cao tuổi
10 Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ ở xã, phường, thị trấn.