Tổng Bí thư Tô Lâm dự, chỉ đạo Hội nghị tại điểm cầu Trung ương.
Cùng dự ở điểm cầu Trung ương có: Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Lương Cường; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư.
Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh ủy; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Hồng Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, lãnh đạo các ban, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh.
Hội nghị được kết nối từ điểm cầu Trung ương tới 15.345 điểm cầu tại các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các ban, bộ, ngành, đơn vị sự nghiệp Trung ương; các điểm cầu cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã với tổng số 978.532 đại biểu tham dự.
Cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực
Ngày 22/12/2024, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Nghị quyết của Bộ Chính trị nêu rõ việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban.
Quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57, Phó ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý nêu rõ, Bộ Chính trị khẳng định, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nghị quyết số 57 xác định, tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của doanh nhân, doanh nghiệp và Nhân dân đối với phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Xác định đây là cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; được triển khai quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, nhất quán, lâu dài với những giải pháp đột phá, mang tính cách mạng.
Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính; nhà khoa học là nhân tố then chốt; Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Nghị quyết xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và đặt mục tiêu, đến năm 2030 tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao.
Trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của thế giới. Một số lĩnh vực khoa học, công nghệ đạt trình độ quốc tế. Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử.
Thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà Việt Nam có lợi thế. Tối thiểu có 5 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến.
Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 55%; tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trên tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt tối thiểu 50%. Quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30% GDP.
Cũng theo nghị quyết, đến năm 2045 khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát triển vững chắc, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Việt Nam có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GDP; là một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Tỉ lệ doanh nghiệp công nghệ số tương đương các nước phát triển; tối thiểu có 10 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến. Thu hút thêm ít nhất 5 tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở, đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam.
Triển khai Nghị quyết số 57, Bộ Chính trị quyết định thành lập Hội đồng Tư vấn quốc gia về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước.
Bộ Chính trị giao Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, hoàn thiện pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình hành động triển khai thực hiện nghị quyết; phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách nêu trong nghị quyết này và bố trí đủ nguồn lực để thực hiện, cơ bản hoàn thành trong năm 2025.
Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt thực hiện nghị quyết
Quán triệt, triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, quan điểm thực hiện Nghị quyết là tư tưởng phải thông, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, làm việc có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, phân công 5 rõ: "rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ trách nhiệm".
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm, đó là nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xoá bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm quốc phòng và an ninh.
Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Chính phủ cũng đặt ra 41 chỉ tiêu cụ thể đến năm 2045; đồng thời xây dựng danh mục 140 nhiệm vụ triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị.