Thứ năm, 14/11/2024, 20:23

Nguồn tiền để thực hiện lương cơ sở 2,34 triệu đồng năm 2025

Nghị quyết của Quốc hội xác định nguồn tiền được dùng để thực hiện mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng trong năm 2025.

 

Nguồn tiền để thực hiện lương cơ sở 2,34 triệu đồng năm 2025
Lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng hiện đang áp dụng cho công chức, viên chức, lực lượng vũ trang. Ảnh: Bảo Hân

Chiều 13.11, với 90,19% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2025.

Theo Nghị quyết, tổng số thu ngân sách trung ương là 1.020.164 tỉ đồng; tổng số thu ngân sách địa phương là 946.675 tỉ đồng.

Nghị quyết quyết nghị sử dụng 60.000 tỉ đồng nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách trung ương và 50.619 tỉ đồng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2024 còn dư chuyển sang bố trí dự toán năm 2025 của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thực hiện mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng.

Tổng số chi ngân sách trung ương là 1.523.264 tỉ đồng.

Quốc hội thông qua
Quốc hội thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2025. Ảnh: Quốc hội

Đối với các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước của Trung ương có cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù theo phê duyệt của các cấp thẩm quyền, Nghị quyết cho phép bố trí chi đảm bảo tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản đóng góp theo chế độ quy định, thu nhập tăng thêm, kinh phí chi thường xuyên theo định mức và các nhiệm vụ đặc thù của các cơ quan, đơn vị này (ngoại trừ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam) theo Báo cáo số 41/BC-CP ngày 16.10.2024 của Chính phủ.

Nghị quyết giao Chính phủ giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước, mức phân bổ ngân sách trung ương cho từng Bộ, cơ quan trung ương, từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội và thông báo bằng văn bản đến từng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Giao Chính phủ sử dụng nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết cho đầu tư phát triển; ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực giáo dục - đào tạo và giáo dục nghề nghiệp (bao gồm cả mua sắm thiết bị dạy học phục vụ chương trình đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông), lĩnh vực y tế; phần còn lại ưu tiên bố trí thực hiện các nhiệm vụ đầu tư phát triển quan trọng, cấp bách khác thuộc đối tượng đầu tư của ngân sách địa phương.

Sử dụng phần kinh phí dành ra từ việc tiết kiệm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước và hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập của ngân sách địa phương, theo nguyên tắc: 50% bổ sung nguồn cải cách tiền lương theo quy định; 50% còn lại để ưu tiên chi trả các chính sách an sinh xã hội do địa phương ban hành và tăng chi cho nhiệm vụ tăng cường cơ sở vật chất của lĩnh vực tương ứng. Việc quyết định chi cho từng nội dung do địa phương quyết định theo thẩm quyền quy định tại Luật Ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát toàn bộ khung khổ pháp lý để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị của trung ương theo quy định tại Nghị quyết số 142/2024/QH15 của Quốc hội…


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây