Chia sẻ về ký ức những ngày cùng đồng đội về tiếp quản Thủ đô 70 năm về trước ông Lê Nguyên Diệu (hiện ở phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai) kể: "Lúc đó tôi đang theo học tại trường Công an Trung ương thì Hiệp định Genève được ký kết. Tất cả sinh viên trong trường dừng việc học, chia nhau đi nhận công tác. Tôi được phân công về Cục Cảnh vệ, sau đó cùng đoàn Công an Hà Nội về tiếp quản Thủ đô. Lúc đó tôi mới 21 tuổi".
Ông Diệu kể, cánh quân của ông được lệnh tiếp quản Hà Nội theo hướng từ Hà Đông đi vào Hà Nội. Khi về phía Hà Nội, hiện ra trước mặt là Hà Nội một rừng cờ hoa, biểu ngữ khẩu hiệu, các kiểu chữ rất cầu kỳ, nhiều nhất là "Hồ Chí Minh muôn năm". Nhân dân đông đảo đứng hai bên đường vẫy cờ hoa đón chào hàng quân chỉnh tề diễu qua, những ánh mắt ướt lệ, những cánh tay chơi vơi, giơ ra như muốn ôm chặt lấy người thân xa lâu ngày gặp lại...
Trong căn nhà nhỏ ở tổ 29, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, ông Nguyễn Ngọc Ky - một cựu thanh niên xung phong chống thực dân Pháp dẫn chúng tôi trở về quá khứ.
Ông kể, năm 1953, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang bước vào giai đoạn căng thẳng, ông đã gia nhập thanh niên xung phong. Đây là thời điểm quân đội triển khai chiến dịch Đông Xuân và chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Sau khi gia nhập, ông Ky hành quân lên Việt Bắc rồi tiến ra Tây Bắc để làm đường kéo pháo vào Điện Biên Phủ. Ông thuộc Đại đoàn 308, đơn vị chủ lực do Đại tá Vương Thừa Vũ chỉ huy, người sau này thăng Thiếu tướng sau khi tiếp quản Thủ đô.
Ông Ky nhớ lại trung đoàn của mình do đồng chí Phạm Hồng Sơn chỉ huy, cùng Chính ủy Phạm Hồng Cư. Ông vinh dự được dẫn dắt bởi những vị tướng giàu kinh nghiệm, tạo nên sự vững tâm cho những người lính. "Từ cấp trung đội đến tiểu đoàn, tất cả đều một lòng trung thành. Chúng tôi, những người nông dân giác ngộ cách mạng, đã chiến đấu với tình yêu nước mạnh mẽ," ông Ky chia sẻ.
Nhắc đến ký ức ngày tiếp quản Thủ đô, ông Ky xúc động khi nhớ lại khoảnh khắc trở về Hà Nội trong tư thế người chiến thắng. Ngày 9-10-1954, đơn vị tập kết tại Đông Dương học xá. Sáng 10-10, họ hành quân qua phố Bạch Mai, Ô Cầu Dền, Hàng Bài, bờ Hồ và cuối cùng đến khu Đấu Xảo.
Ông Ky vẫn nhớ rõ hình ảnh hai bên đường, người dân chào đón bộ đội với cờ hoa, tiếng đàn Accordion và những lời ca rộn rã. Trung đoàn 36 của ông may mắn được hành quân qua các phố chính, nơi tình cảm của người dân Thủ đô khiến những người lính xúc động.
Chiều hôm đó, đơn vị tổ chức lễ chào cờ tại sân vận động Cột cờ Hà Nội. "Lá cờ đỏ sao vàng bay trên đỉnh cột cờ là dấu mốc quan trọng, khẳng định Thủ đô Hà Nội đã hoàn toàn giải phóng," ông Ky nhớ lại.
Sau đó, đơn vị ông chia thành nhiều nhóm giúp đỡ nhân dân, tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, tham gia xây dựng và dọn dẹp thành phố. Ông còn kể rằng, sau ngày 10-10, Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ. Đơn vị ông tiếp tục tập luyện duyệt binh, chuẩn bị cho lễ diễu binh ngày 1-1-1955 tại quảng trường Ba Đình. Sau đó, đơn vị rút khỏi Thủ đô, nhường lại nhiệm vụ cho các đơn vị khác.
Ông Ky chia sẻ, dù không sinh ra tại Hà Nội, nhưng từ khi về tiếp quản Thủ đô, ông đã quyết định ở lại và dành cả cuộc đời gắn bó với nơi này. Ông chứng kiến quá trình xây dựng lại Hà Nội từ những ngày đầu sau khi giải phóng.
"Tôi đóng quân ở Bạch Mai, lúc đó khu vực này có tuyến đường sắt dành cho xe lửa vận chuyển hàng quân sự qua Trường Chinh vào sân bay Bạch Mai. Khu vực đó không cho phép người dân qua lại, và chúng tôi thường ra Ngã Tư Sở để luyện tập ban đêm. Con đường từ Ngã Tư Sở đến Hà Đông khi ấy còn bao quanh bởi đồng ruộng, không có nhà cửa hay phố xá. Khu vực Nguyễn Chí Thanh hay gò Đống Đa, từ đường Sơn Tây nhìn sang Bách Khoa đều chỉ là những thửa ruộng. Nhà cửa trong thành phố đa số là nhà một tầng, chỉ lác đác mới có nhà hai tầng. Phố Hàng Ngang, Hàng Đào lúc đó tấp nập hơn các khu khác," ông Ky kể lại.
Nhắc về Hà Nội thời kháng chiến chống Mỹ, ông Ky nói rằng con đường từ Ngã Tư Sở đến Hà Đông vẫn còn thưa thớt nhà cửa, hai bên là ruộng. Người dân chủ yếu di chuyển bằng tàu điện và xe đạp, nhưng xe đạp lúc đó rất ít, chỉ những gia đình có điều kiện mới sở hữu. Hà Nội khi ấy chỉ có vài khu tập thể như Cao Xà Lá, Trung Tự, Kim Liên... Nước máy cũng chưa dẫn vào tận nhà.
"Sau 70 năm, Hà Nội đã thay đổi toàn diện. Thủ đô hiện nay phát triển về mọi mặt, trở thành trung tâm của chính trị, văn hóa và giáo dục cả nước," ông Ky nói.
Còn ông Lê Văn Tính, hội viên cựu chiến binh phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, kể lại giây phút lịch sử ngày 10-10-1954. Khi đó, ông là chiến sĩ liên lạc của Đại đội 238, Trung đoàn Thủ đô (102), Sư đoàn 308. "Lúc 5 giờ sáng, chúng tôi rời làng Phùng, đội ngũ chỉnh tề, theo đường 32 tiến về Hà Nội. Khi qua Cầu Diễn, Hà Nội hiện ra trước mắt, phủ kín cờ hoa, biểu ngữ và những khẩu hiệu như 'Hồ Chí Minh muôn năm'.
Nhân dân đông đảo đứng hai bên đường, vẫy cờ hoa chào đón đoàn quân diễu qua. Những ánh mắt xúc động, những cánh tay vươn ra như muốn ôm chầm lấy những người lính vừa trở về sau bao năm xa cách," ông Tính nhớ lại.
Ông Lê Văn Tính chia sẻ về niềm vinh dự khi được chứng kiến sự phát triển của Thủ đô. Ông bày tỏ: "Giờ phút kỷ niệm này, tôi xúc động, nhớ đến các anh hùng liệt sĩ, đồng chí, đồng đội đã hy sinh vì độc lập của Tổ quốc và hạnh phúc của Nhân dân Thủ đô."
Ông Tính cũng khẳng định quyết tâm giữ gìn phẩm chất của "Bộ đội Cụ Hồ", luôn trung thành với Đảng, tận tụy với Nhân dân, và tiếp tục tu dưỡng để làm gương. Ông nhấn mạnh sự biết ơn đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội và chính quyền Hà Nội, những người đã quan tâm và tạo điều kiện cho các cựu chiến binh.
Ông cũng mong muốn thế hệ trẻ noi gương cha anh, rèn luyện và sống xứng đáng, trong khi cán bộ, đảng viên cần ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ về cần, kiệm, liêm, chính để bảo vệ độc lập và hạnh phúc cho Nhân dân.