Thứ tư, 05/02/2025, 03:56

Tinh hoa trường tồn

(hoinhabaonghean.vn) - Thế hệ cán bộ tiền khởi nghĩa, 42 năm tận tụy với mọi nhiệm vụ được giao, khi nghỉ hưu ông Nguyễn Văn Phượng (1927-2011) là Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Nghệ An. Ông bảo, “nghề” Văn phòng tìm ông và cho ông được ba lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ba thời điểm sâu đậm trong lịch sử dân tộc Việt Nam giữa thế kỷ 20.

Vào một sáng mùa Xuân năm Quý Mùi 2003, ông dành cho tôi cuộc đàm đạo bốn tiếng đồng hồ tại nhà riêng ở khối Bình Yên, phường Hưng Bình, Tp Vinh. Trước khi vào chuyện, ông sơ quát mấy dòng trích ngang về mình: SN 1927, người xã Thanh Tiên huyện Thanh Chương. Hồi nhỏ được theo học chữ Tây (Pháp ngữ), lớn lên tham gia phong trào Thanh niên Phan Anh (4/1945), rồi tham gia tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại quê nhà. Sau ngày nước nhà độc lập, cấp trên phân công làm ủy viên Chấp hành Thanh niên huyện, Trưởng ban văn thư tuyên huấn huyện, phụ trách công tác Hiến điền (hiến ruộng nuôi quân) thuộc huyên đội Thanh Chương
  • Giải tỏa “ngọn núi bức xúc” trong 25 phút.
Năm 1956, bấy giờ Nghệ An đang tập trung khắc phục quá tả trong cải cách ruộng đất. Hà Tĩnh tập trung khắc phục quá tả trong chỉnh đốn tổ chức, dù vậy Ban lãnh đạo Liên khu IV vẫn tiến hành mít tinh kỷ niệm trọng thể Lễ quốc khánh 2/9 tại Hội trường Tỉnh ủy Nghệ An, bấy giờ đóng ở Cửa tả Thành cổ Vinh. Trước đó đồng chí Đặng Thí-Bí thư Liên  khu IV đã trân trọng gửi Giấy mời các vị Đảng viên lão thành 1930-1931 của hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh về dự đại Lễ. Kết thúc Lễ mít tinh kỷ niệm, Ban tổ chức tiến hành tặng quà và mời các Đảng viên lão thành lên ô tô để đưa các vị về nhà, nhưng tất cả các vị không nhận quà, cũng không lên xe, mà tụm năm tụm ba đàm luận về những việc làm quá tả của Nghệ An trong cải cách ruộng đất, của Hà Tĩnh trong chỉnh đốn tổ chức. Các vị thống nhất nêu nguyện vọng muốn được trực tiếp ra Hà Nội gặp Bác Hồ để phản ánh lên Bác và Trung ương nỗi oan trái của nhiều Đảng viên lão thành và của nhiều quần chúng nhân dân hai tỉnh Nghệ-Tĩnh.
 
A 1 Đoàn Đảng viên lão thành 1930 1931 Nghệ Tĩnh tại Trụ sở Đảng lao động Việt Nam số 54 Nguyễn Du, Hà Nội ngày 08 9 1956
Đoàn Đảng viên lão thành 1930 - 1931 Nghệ - Tĩnh tại trụ sở Đảng Lao động Việt Nam số 54 Nguyễn Dũ, Hà Nội ngày 08.9.2956 (ảnh nhân vật cung cấp)
 
Sự việc vượt quá thẩm quyền của lãnh đạo Liên khu IV, đồng chí Đặng Thí-Bí thư Liên khu IV ghi nhận và hứa trình nguyện vọng chính đáng của các  lão thành lên Bác Hồ và Trung ương Đảng. Bác cử đồng chí Nguyễn Chí Thanh vào Vinh truyền đạt ý kiến, rằng, Bác sẽ tiếp Đảng viên lão thành cách mạng Nghệ-Tĩnh với điều kiện Đoàn không quá 10 người. Nghiêm chỉnh thực hiện ý kiến của Bác, Đảng viên lão thành của hai tỉnh tiến hành bình chọn để cử đại diện theo tinh thần: Nghệ An  sai lầm nặng trong cải cách ruộng đất được cử 5 người. Tỉnh Hà Tĩnh sai lầm nhẹ hơn cử 3 người. Cơ quan Liên khu IV cử 1 người làm nhiệm vụ ghi chép kiêm công việc hậu cần phục vụ Đoàn, cơ quan Liên khu IV chọn Nguyễn Văn Phượng, Phó Văn phòng Tỉnh ủy Nghệ An đảm trách thư ký kiêm công việc hậu cần.
Chàng trai 29 tuổi được “suất ăn theo” phục vụ Đoàn lão thành cách mạng để ra Thủ đô gặp Bác, là điều may mắn, Nhà báo ạ, ông Phượng bồi hồi kể lại.
          Ngày 8/9/1956, Đoàn có mặt tại Trụ sở Đảng lao động Việt Nam số 54 Nguyễn Du. Mọi người đang đứng tại bậc tam cấp Trụ sở để chuẩn bị chụp ảnh, lúc ấy anh Phượng đang ôm cặp đựng giấy tờ liền ngồi bệt dưới chân các Đảng viên lão thành, ông thợ ảnh thấy vậy dừng tay bảo:
-Mời đồng chí đứng dậy để bố cục bức ảnh được tốt hơn !
Anh Phượng cự lại:
-Tui (tôi) thuộc hàng con cháu, được Liên khu ủy cử theo làm thư ký phục vụ các bác, tui xin được ngồi phía dưới thôi!
Ông nhiếp ảnh nghe có lý cũng đành phì cười và bấm máy.
Khoảng 14h cùng ngày, xe đón Đoàn đến Nhà khách số 3 Mai Xuân Thưởng để vào gặp Bác. Mọi người lên xe, riêng anh Phượng còn phân vân vì mình không là thành viên chính thức liệu có được vào gặp Bác không? Ông Hoàng Văn Đường trưởng đoàn bảo:
  • Cậu không đi cùng thì không có ai ghi chép, mọi người trong Đoàn chỉ biết nghe thôi, mà nghe thì câu được câu mất.
           Đoàn đến Nhà khách, mọi người tập trung đứng trước cửa thấp thỏm chờ Bác. Anh Phượng nhìn vào phòng thấy trên bàn bày sẵn 11 chiếc chén uống trà, hộp đựng trà, bao thuốc lá. Lát sau Bác đến. Cả Đoàn đứng vỗ tay nồng nhiệt, Bác ra hiệu không vỗ tay, mọi người đều nhận thấy ánh mắt Bác nặng trĩu nỗi buồn oan sai của đồng chí, đồng bào đang chờ được Trung ương giải tỏa.
Cả Đoàn lặng lẽ theo Bác vào phòng khách, Bác nói chỉ đủ để mọi người nghe:
                - Mời các cô các chú ngồi.
Bác ngồi phía đầu bàn. Đồng chí Nguyễn Duy Trinh-Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh văn phòng Trung ương Đảng ngồi cạnh Bác.
Vào cuộc, Bác hỏi:
  • Chú nào tố cáo sai về cải cách ruộng đất? Chú nào tố cáo sai về chỉnh đốn tổ chức? Chú nào bị tra tấn cùm kẹp? Chú nào bị tuyên án xử tử?
                Tất cả im lặng, Bác nói tiếp:
  • Báo cáo của các cô các chú, Bác và Trung ương đọc cả rồi. Bây giờ mời các cô các chú uống nước.
Trong lúc mọi người nâng chén trà thơm thì Bác (không hiểu vô tình hay cố ý) gạt nhẹ ngón tay làm đổ chén nước trước mặt. Bác hỏi:
                -Trước đây các cô các chú có hoạt động bí mật không?
                -Thưa Bác có ạ !
                -Hoạt động bí mật là vô vàn hiểm nguy , có thực dân Pháp, có Việt gian, có lính Nam triều...Thế mà ta vẫn làm được. Kháng chiến chống Pháp ta cũng làm được. Bây giờ làm cải cách ruộng đất lại phạm một số sai lầm. Mục đích của Đảng làm cải cách ruộng đất là đưa ruộng về cho dân cày, đưa nhà cửa cho những người nghèo khổ. Trong bầu trời này không có gì lớn hơn nhân dân, đó là tối thượng! Cải cách ruộng đất để đưa ruộng về cho dân cày, chủ trương của Đảng của Bác là như vậy, các cô các chú thấy đúng không?
                -Dạ đúng ạ !
                -Trong việc làm của cấp dưới có sai, đã sai thì phải sửa, nhưng không thể sửa hết được những cái sai. Lần này Trung ương họp bàn sửa sai, phải trả lại đúng thành phần. Dừng một lát, Bác nói tiếp:
                -Các cô các chú thấy đó, chén nước của các cô các chú giữ được thì các cô các chú được uống. Chén nước của Bác vô ý làm đổ mất rồi, giờ có muốn lấy lại cũng không thể đầy được. Bây giờ Trung ương không thể vào làm để sửa sai thay cho Nghệ-Tĩnh, vai trò chính là các Chi bộ!
Các Đảng viên lão thành ngồi nghe uống từng lời Bác nói, bỗng Bác quay sang hỏi đồng chí Nguyễn Duy Trinh:
-Bao nhiêu thời gian rồi, chú?
-Thưa Bác, 25 phút ạ!
Bác bảo đồng chí Nguyễn Duy Trinh:
-Ngày mai chú nói Văn phòng cho xe đưa các cô các chú ra Viện mắt, khám xong tặng mỗi người một cặp kính để đọc sách đọc báo cho thấu hiểu đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước. Trước khi Đoàn trở về Nghệ, Văn phòng bố trí đưa các cô các chú đi xem Nhà máy điện, Nhà máy diêm!
Mọi người nói:
-Thưa Bác, Nghệ-Tĩnh vừa bị lụt bão vừa bị nhân tai, công việc đang bề bộn, xin Bác cho phép Đoàn về để cùng anh em ở nhà lo sửa sai!
Bác cười đôn hậu:
-Các chú các cô rất tốt!
Mọi người lưu luyến chia tay Bác.
Từ Nghệ ra Hà Nội, Đoàn Đảng viên lão thành 1930-1931 Nghệ-Tĩnh mang theo quả núi bức xúc, được vỏn vẹn 25 phút gặp Bác, thế mà được Bác giải tỏa thấu lý trọn tình. Được Bác dành cho bài học lớn mang về, các vị lão thành ghi lòng tạc dạ để truyền lại cho các con các cháu.
Tấm ảnh duy nhất cả Đoàn chụp tại Trụ sở Đảng lao động Việt Nam số 54 Nguyễn Du, sau đó Văn phòng Trung ương Đảng giao cho bác Hoàng Văn Đường cất giữ. Mấy chục năm sau, sức khỏe bác Đường bấy giờ đã yếu nhiều, bác nhờ người cháu là Hoàng Anh Tài-Thư ký UBND tỉnh Nghệ An, mang tấm ảnh quý giao cho ông Phượng kèm lời dặn “gắng bảo quản lưu giữ tấm ảnh quý cho các thế hệ sau”. 
 
  • Để Bác ngồi chung với mọi người!
 Tháng 6.1957 Bác về thăm quê Nghệ An lần 1. Tỉnh ủy chỉ định ông Nguyễn Văn Phượng-Phó Văn phòng Tỉnh ủy; UBND tỉnh chỉ định ông Đặng Thọ Cán, Chánh Văn phòng UBND tỉnh cùng chung nhiệm vụ chuẩn bị “đón đoàn khách Trung ương vào làm việc”. Hồi ấy Trụ sở Tỉnh ủy Nghệ An đóng ở Cửa tả Thành cổ Vinh, nhà làm việc của Thường vụ Tỉnh ủy chỉ 3 gian: gian giữa tiếp khách, một gian làm chỗ nghỉ của Bí thư Liên khu ủy Nguyễn Chí Thanh, một gian làm chỗ nghỉ của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Trường Khoát. Hôm ấy ông Khoát tạm thời sơ tán để Văn phòng dọn dẹp thu xếp làm chỗ nghỉ của khách. Chiều 13/6/1957, các đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy mới biết tin Bác Hồ về thăm quê.
 
A 4 Các đồng chí Chu Huy Mân Chính ủy QK IV, Võ Thúc Đồng Bí thư Tỉnh ủy Võ Trọng Ân Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An đón Bác tại sân bay Vinh (12h30 ngày 08 12 1961)
Các đồng chí Chu Huy Mân - Chính ủy Quân khu 4, Võ Thúc Đồng - Bí thư Tỉnh ủy; Võ Trọng Ân - Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An đón Bác tại sân bay Vinh (12h30 ngày 08.12.1961) - Ảnh tư liệu.
 
Tối 13/6/1957, đồng chí Ngô Thuyền-Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa tháp tùng Bác đến Khe Nước Lạnh giáp giới Thanh Hóa-Nghệ An, tại đây đã có mặt các đồng chí ra đón Bác, gồm: Hoàng Văn Diệm-Phó Chủ tịch Liên khu IV; Nguyễn Trường Khoát-Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Sỹ Quế-Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An. Đêm ấy thời tiết tốt, xe Bác vào thẳng Hội trường Tỉnh ủy nơi mọi người đang nóng lòng chờ Bác. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh chỉ đạo Lễ đón ngắn gọn để giành thời gian Bác nghỉ sau gần một ngày hành trình trên QL1A bấy giờ mặt đường đang như ruộng cày ải.       

Sáng 14/6/1957, Bác gặp Ban chấp hành Tỉnh ủy, nói chuyện với CBCNV cơ quan Tỉnh ủy. Chiều ngày 14/6, Bác nói chuyện với hơn 3000 đại biểu cán bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An đón chào Bác, phấn khởi trước đông đủ các tầng lớp nhân dân tỉnh nhà, Bác đọc câu thơ:
Chúng ta đoàn kết một nhà,
Ấy là nghĩa trọng, ấy là tình sâu
.


Bác  nói: “Tôi là một người con tỉnh nhà đã hơn 50 năm xa cách quê hương. Hôm nay là lần đầu trở về thăm tỉnh nhà. Có thể nói là:
Quê hương nghĩa trọng tình cao
Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình!”.


Sáng 15/6, Bác dậy sớm cùng các anh Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Trường Khoát tập thể dục và bách bộ khắp khu vực cơ quan. Bác khen cơ quan Tỉnh ủy từ nơi sơ tán vừa mới về mà làm được nhiều nhà thế này là rất tốt. Bác hỏi đồng chí Khoát:
-Làm được mấy nhà rồi chú?
Bí thư Tỉnh ủy lúng túng, vì việc xây dựng Trụ sở  giao cho Tài chính quản trị đảm trách, ngay như Chánh phó Văn phòng Tỉnh ủy cũng không biết, cách làm việc ngày ấy là thế. Thấy ông Khoát và ông Phượng đang nhẩm đếm đầu ngón tay nhà nào đã xong, nhà nào đang xây dở, Bác cười:
                -Ơ hay, bây giờ các chú mới đếm à?
                Ông Khoát như cậu học trò được thầy gọi lên bảng mà không thuộc bài, bèn gãi đầu:
                -Dạ thưa Bác vì nhiều việc quá cháu chưa kịp nắm ạ !
                Bác nhẹ nhàng:
                -Chú nhớ, dù bận trăm công ngàn việc, từ việc lớn đến việc nhỏ trong cơ quan chú đều phải biết!

                Tối 14/6 vào lúc 19h tại Hội trường Tỉnh ủy, Bác gặp Đoàn chuyên gia đến từ 15 nước cộng hòa thuộc Liên Xô (cũ) đang giúp ta xây dựng Nhà máy điện Vinh. Suốt chiều ấy, hai Chánh Văn phòng là ông Phượng, ông Cán lo sắp đặt sửa soạn Hội trường. Khoảng 17h công việc gần xong thì Bác bách bộ vào Hội trường, vẫn bộ áo quần bà ba màu nâu quen thuộc, tay Bác cầm tờ giấy ông Phượng đoán là tài liệu gì đó, Bác hỏi:
-Các chú chuẩn bị để tối nay Bác tiếp các chuyên gia Liên Xô tại đây?
-Dạ.
Bác đưa mắt nhìn chiếc ghế gụ đặt trang trọng giữa Hội trường:
-Các chú đặt chiếc ghế gụ này để làm gì?
Hai ông chánh Văn phòng lúng túng chưa biết trả lời thế nào thì Bác hỏi tiếp:
-Có bao nhiêu khách cả thảy?
-Thưa Bác, có 40 chuyên gia, 20 cán bộ của Trung ương và tỉnh.
-Các chú có đủ 60 chiếc ghế gụ không?
-Thưa Bác, trong phòng Bác nghỉ có 4 chiếc ghế gụ, chúng cháu mang ra đây 1 chiếc, toàn cơ quan đang ngồi ghế băng!
-Các chú cất chiếc ghế gụ này đi, hãy để Bác ngồi chung với mọi người!

Ông Phượng thoáng nghĩ, cất chiếc ghế gụ thì dễ nhưng không biết để Bác ngồi chỗ nào cho đúng lễ nghi tiếp khách tối nay? Lo lắng, băn khoăn nhưng hai ông chánh vẫn phải khiêng chiếc ghế gụ trả về chỗ cũ.
Bác nhìn lên trần nhà Hội trường có treo hai cây quạt:
-Hôm nay trời nóng, cuộc gặp dù diễn ra ban đêm, hai chiếc quạt trần liệu có đủ mát cho sáu chục người không?
Hai ông chánh Văn phòng lại thêm lo lắng, Bác tiếp:
-Các chú điện sang Thương nghiệp nhờ mua 60 chiếc quạt giấy. Không đủ quạt giấy thì quạt lá cọ, quạt mo cau cũng được, miễn là mỗi người một chiếc để mọi người tự quạt lấy!

Buổi tiếp các chuyên gia sử dụng hai thứ tiếng Việt, Nga. Đồng chí Sức phiên dịch tiếng Nga tốt nhất của Nhà máy điện Vinh được giao nhiệm vụ phiên dịch. Đồng chí Sức học thứ tiếng Nga Matxcơva phổ thông, bốn chục chuyên gia thì đến từ các nước cộng hòa thuộc Liên Xô, đến khi Bác trực tiếp nói chuyện với từng chuyên gia thì đồng chí Sức không chuyển ngữ nổi, Bác nói nhỏ đồng chí Sức đủ nghe:
-Cháu ngồi xuống để Bác nói chuyện trực tiếp với khách! Bác nói đại ý là: Cũng như các nước cộng hòa thuộc Liên Xô, đất nước Việt Nam chúng tôi vừa ra khỏi chiến tranh đang muôn vàn khó khăn thiếu thốn. Các đồng chí sang giúp Việt Nam xây dựng Nhà máy điện trên tỉnh quê của Bác, mong các đồng chí sớm hoàn thành Nhà máy. Có điện là có tất cả.

Sau lời mở đầu của Bác, cả Hội trường râm ran tiếng Việt tiếng Nga. Sự đồng cảm sẻ chia gian khổ khó khăn đã xua tan ranh giới chủ-khách. Mọi người vui vẻ cụng bia, ăn bánh kẹo, lạc rang, đang giữa cuộc vui các chuyên gia Liên Xô đồng loạt viết lên nan quạt dòng chữ “Chủ tịch Hồ Chí Minh” bằng tiếng mẹ đẻ quê hương mình. Mãn cuộc vui, các chuyên gia xin Bác cho họ cất giữ món quà đặc biệt là những chiếc quạt giấy do người dân Nghệ An chế tác, để sau khi hoàn thành nhiệm vụ các bạn mang kỷ vật “những chiếc quạt giấy Hồ Chí Minh” về trên quê hương cách mạng tháng Mười!    
 
  • Lát cơm với cá rô kho của Bác!
Tháng 12/1961, miền Bắc XHCN đã vào thơ Tố Hữu với “đỉnh cao muôn trượng”, đã có “đường rộng thênh thang...tám thước”. Trong không khí ấy Nghệ An long trọng đón Bác về thăm quê lần 2, cũng là lần cuối. Lúc này vừa giải thể xong cấp hành chính Liên khu IV, cơ quan Tỉnh ủy Nghệ An chuyển về tiếp quản Trụ sở cũ của Liên khu IV (nay là vị trí Sở Công thương, đường Nguyễn Thị Minh Khai, Tp Vinh), đồng chí Võ Thúc Đồng đang là Chính ủy Trung đoàn được Trung ương điều chuyển làm Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An. Trước hôm Bác vào Vinh, đồng chí Võ Thúc Đồng hỏi ông Phượng:

-Khi Bác về thăm quê lần đầu, các anh Trung ương đi cùng có cho biết tại sao giữa năm 1957 Nghệ An đang buồn do thiên tai bão lụt, do nhân tai sai lầm trong cải cách ruộng đất, mà Bác vẫn quyết định về thăm quê?
-Thưa anh, tôi không được nghe, nhưng anh đã hỏi thì tôi có trách nhiệm sẽ hỏi anh Vũ Kỳ - thư ký của Bác!

   Hồi đó cả cơ quan Tỉnh ủy có 2 chiếc xe cũ rích, lãnh đạo Tỉnh ủy quyết định mượn lãnh đạo Quân khu IV chiếc xe mới để ra sân bay Vinh đón Bác, mang xe về lại còn trải ga trắng trong xe và kết hoa tươi bên ngoài xe rất là lộng lẫy. Đúng 12h30 ngày 08/12/1961, chuyên cơ chở Bác đáp xuống sân bay Vinh. Các đồng chí Chu Huy Mân-Chính ủy Bộ tư lệnh QK IV, Võ Thúc Đồng-Bí thư Tỉnh ủy; Võ Trọng Ân-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã chờ sẵn, mời Bác lên chiếc xe kết hoa tươi. Bác nhìn khắp lượt rồi tiến đến chiếc Uoát của bộ phận bảo vệ, nhanh nhẹn lên ngồi ghế phía trước cạnh lái xe. Bác bảo các đồng chí bảo vệ tháo cất tấm bạt để Bác vẫy chào đáp lễ đồng bào dọc hai bên đường.
 
A 3 Nhân dân TP Vinh đón Bác thăm quê lần 2 ( tại sân bay Vinh 12h30 ngày 08 12 1961)
Nhân dân Thành phố Vinh đón Bác thăm quê lần 2 
 
 Bác không lên chiếc xe kết hoa là tình huống bất ngờ vượt ngoài dự kiến. Khi chiếc Uoát mui trần chở Bác đã bon bon vào Trung tâm Thị xã Vinh, tại bãi đậu xe trong sân bay Vinh khoảng một trăm người ra đón Bác bấy giờ cuống cuồng tìm xe của mình để lên. Thôi thì ai gặp xe nào cứ lên xe nấy để kịp bám theo chiếc Uoát mui trần cho kịp về Hội trường đón Bác. Trong bãi đỗ xe  chỉ còn chiếc xe kết hoa tươi, cùng mấy người chậm chân đã bị “đoàn” chủ nhà đi đón bỏ lại, trong đó có cụ Lê Nhu (1900-1985) nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến tỉnh, nguyên Chủ tịch MTTQ tỉnh Nghệ An, cũng đành phải leo lên chiếc xe kết hoa sang trọng bị Bác bỏ lại. Cụ Lê Nhu râu tóc cũng bạc cước, da dẻ cũng hồng hào, trong khi hàng vạn người dân đang đứng vẫy chào thì lại chưa nhìn thấy Bác ngoài đời bao giờ, thế nên chiếc xe kết hoa phải rùa bò giữa biển người đang như sóng cuộn trên suốt 7km QL1A từ Ngã ba Quán Bánh vào Trung tâm Vinh. Người ta kháo nhau rằng chiếc xe Uoát mui trần đi đầu chở người đóng thế để nghi binh, chiếc xe kết hoa tươi sang trọng sau cùng mới đích thị chở Bác Hồ thật (!), thế mới tréo ngoe: Chiếc xe kết hoa chở cụ Lê Nhu ra tới Ngã ba Quán Bánh thì phải bò giữa biển người nêm cối trên QL1A với tiếng hô dậy đất “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm. Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm...” Và khi chiếc Uoát mui trần chở Bác đã về tới Trụ sở Tỉnh ủy, thì dọc đường từ Quán Bánh-Vinh, Cụ Lê Nhu  phải hạ kính cửa xe để thò đầu ra ngoài đính chính:
-Tui là Lê Nhu không phải Bác Hồ mô. Xe chở Bác Hồ về trước rồi!
Ông Phượng cười bảo:
                  -Lúc đó lời cụ Lê Nhu nếu phóng ra loa cũng là “đá ném ao bèo” chẳng ai nghe.

Cùng thời khắc ấy tại Hội trường Tỉnh ủy đã được trang hoàng khẩu hiệu, cờ, hoa lộng lẫy, các đồng chí trong Ban lãnh đạo Quân khu IV, Ban lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đã tập trung đông đủ chờ đón Bác vào Hội trường. Thế nhưng khi xuống xe Bác không vào Hội trường, Bác bảo đồng chí Võ Thúc Đồng dẫn vào Nhà ăn tập thể cơ quan, Bác nâng chiếc lồng bàn xem cơm trắng và mấy món ăn thịnh soạn đã bày trong đó. Bác nói với đồng chí Võ Thúc Đồng:
-Cơ quan cho anh em ăn tốt đấy chứ!
-Thưa Bác! Hôm nay Bác về thăm quê, cơ quan quyết định cho anh em cải thiện, ngày thường không có đâu ạ!     
 
A5 Các chú cho anh em ăn tốt đấy chứ
" Các chú cho anh em ăn tốt đấy chứ" (ảnh tư liệu)
 
                Chuyện là năm 1960 Bác kêu gọi cả nước thắt lưng buộc bụng, Bác đề xuất chủ trương cả nước ăn độn, hũ gạo tiết kiệm nuôi quân, dành lương thực chi viện chiến trường, Bác gương mẫu thực hiện trước. Trưa ấy Nhà khách Tỉnh ủy chuẩn bị bữa tiệc đón Bác gồm mấy chục suất ăn khá thịnh soạn. Gần đến giờ dùng bữa, văn phòng nhận chỉ thị: Trưa nay Bác dùng cơm với Bí thư Tỉnh ủy Võ Thúc Đồng, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sỹ Quế tại phòng riêng của Bác. Văn phòng Tỉnh ủy hỏi lại đồng chí Nguyễn Khai-Trưởng Ban tổ chức tháp tùng Bác, đồng chí Nguyễn Khai bảo:
-Anh Đồng, anh Quế được ngồi dùng bữa với Bác. Các cậu mang cơm nước lên nhé!

Ông Phượng xuống nhà bếp lấy cơm và thức ăn trong đó có 2 món cà Nghi Lộc, tương Nam Đàn, chọn bốn đôi đũa, bốn cái bát, đĩa sứ có in rồng bay phượng múa thuộc loại đẹp nhất của bếp ăn cơ quan, rồi mang lên phòng Bác, bày soạn tươm tất lên bàn. Bác mở túi lấy chai rượu mang theo, rót ra bốn chén nhỏ:
              -Trước khi dùng cơm, Bác mời các chú một chén rượu khai vị của Bác!

                Các đồng chí Nguyễn Khai, Võ Thúc Đồng, Nguyễn Sỹ Quế uống xong chén rượu chuẩn bị xới cơm do văn phòng Tỉnh ủy bố trí, Bác ngăn lại và lấy ra gói cơm độn ngô được nén chặt, cắt sẵn bốn miếng:
                -Trước khi ăn cơm chung, Bác mời các chú ăn lát cơm với cá rô kho của Bác mang từ Hà Nội vào. Bác chỉ có chừng này thôi. Những thứ trên bàn là của chú Đồng chú Quế!
                Bác cùng ba người ăn hết gói cơm độn ngô, sau đó mới dùng đến cơm do Văn phòng chuẩn bị. Bác khen cà Nghi Lộc ngon, tương Nam Đàn tốt. Bữa đó Văn phòng chuẩn bị quá nhiều món ăn, Bác bảo:
                -Cơm trắng, thức ăn ngon của chú Đồng chú Quế, anh em đã chuẩn bị thì trách nhiệm chúng ta phải ăn hết, không được để thừa cái gì!

Cuối cùng chỉ còn chủ nhà là ông Đồng ông Quế bám trụ chiến đấu với ngần ấy cà Nghi Lộc và tương Nam Đàn, còn đồng chí Nguyễn Khai thì bấm bụng cười không nói gì. Lát sau đồng chí Võ Thúc Đồng xuống Nhà ăn gặp ông Phượng:
           -Bữa ni các cậu làm hại mình, không biết lấy nước mô mà uống giã mặn.
Ông Phượng phì cười:
                -Vì anh em mình cạn nghĩ cứ tưởng Bác cũng như mình ăn không hết thì mang vào!
                -Không đơn giản như thế.Bác bắt chúng tớ phải ăn kỳ hết mới thôi!
                                     
                                                                            *
                                                                         *   *
          Kết thúc cuộc đàm đạo trọn một sáng Xuân tôi không quên đặt câu hỏi cuối với ông Phượng:
                
                - “Tại sao giữa năm 1957, Nghệ An đang buồn do thiên tai bão lụt, do nhân tai sai lầm trong cải cách ruộng đất, Bác Hồ vẫn quyết định về thăm quê?”, câu hỏi của Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Võ Thúc Đồng nêu ra từ năm 1961, về sau ta có tìm được lời giải không?
                -Mãi tới 26 năm sau mới gặp được đồng chí Vũ Kỳ Nhà báo ạ. Ngày 19/8/1987, bấy giờ đồng chí Vũ Kỳ làm Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh vào làm việc tại Nghệ An, trước Hội nghị Tỉnh ủy tôi mới có dịp đưa câu hỏi của anh Võ Thúc Đồng ra trình. Đồng chí Vũ Kỳ tâm đắc với câu hỏi lý thú này và cho biết: Trước đó, Bộ Chính trị đã thông qua chương trình: Đầu tháng 7/1957, Bác đi thăm, cảm ơn các nước trong phe XHCN. Bác nói “ta về thăm quê ta trước, rồi sẽ đi thăm quê chung”. Quả đúng như vậy. Ngày 1/7 Bác đi Bắc Kinh, Trung Quốc; 5/7 Bác đi Triều Tiên, tiếp đó Bác đi loạt nước cho đến ngày 31/7/1957 Bác trở về Hà Nội họp Ban chấp hành Trung ương...    
 
Giao Hưởng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây