Theo các văn bản hiện hành, 2 cấp này được gọi là tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và ở cấp cơ sở được gọi là phường, xã hoặc đặc khu. Dĩ nhiên, điều này sẽ rất xa lạ với thực tế hàng bao năm nay chúng ta đã quen, nhưng để phù hợp với tình hình, để phát triển thì chúng ta phải tập quen dần với những thay đổi lớn lao, thậm chí mang tính cách mạng. Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính các cấp nằm trong ý tưởng bao trùm là đổi mới, hoàn thiện thể chế chính trị, nó không chỉ liên quan đến cơ cấu chính quyền địa phương, quy mô, địa giới mà còn tác động mạnh mẽ đến rất nhiều vấn đề khác ngoài công tác cán bộ và cơ cấu lãnh đạo như: vấn đề quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, việc thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng - an ninh, mối quan hệ giữa các thiết chế chính trị, nó nhằm mục đích đạt hiệu quả trong điều hành, chỉ đạo của bộ máy hành chính, nhưng đồng thời cũng phải bảo đảm cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực xã hội…



Những ngày gần đây có rất nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề bỏ cấp huyện và gọi tên các cấp hành chính như đã nói trên thì những gì liên quan đến chế định “thành phố thuộc tỉnh”, “thị xã thuộc tỉnh”, “thành phố trực thuộc thành phố” và “thị trấn” (mà tương lai sẽ không tồn tại nữa) sẽ được xử lý ra sao, thậm chí có ý kiến bỏ cấp “xã”, coi cấp “huyện” là cơ sở (chẳng hạn như thành phố Vinh, chỉ cần bỏ các phường, xã và giữ lại “thành phố Vinh” là được)… Ví dụ: Trong các kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thì địa phương nào cũng có chỉ tiêu về phát triển đô thị dưới các tên gọi : thành phố, thị xã và thị trấn. Dĩ nhiên, chúng ta hiểu rằng, phường cũng là đơn vị hành chính đô thị và chất đô thị của một thành phố, một thị xã cũng không thể đậm đặc hơn phường vì trong thành phố, thị xã có thể có cả xã. Thế nhưng, quy mô về dân số, về diện tích phường không thể bằng thành phố, thị xã hay quận vốn dĩ hiện nay đang là cấp trên của nó. Về mặt lý thuyết sự phát triển đô thị là một trong các thước đo của phát triển xã hội, mà đô thị ở đây đang được hóa thân vào các chế định thành phố, thị xã. Nay việc thực hiện những mục tiêu về đô thị hóa, về phát triển thành phố, thị xã trong các văn bản hiện hành tại cấp phường sẽ có nhiều khó khăn bước đầu, nếu không phù hợp sẽ làm giảm tốc độ phát triển của địa phương, làm mất vai trò động lực của đô thị.

Trên thế giới có nhiều mô hình về tổ chức chính quyền cơ sở có tên gọi là thành phố (city), thị trấn (town), làng (village), thậm chí là khu vực… và người ta rất linh hoạt trong việc quy định chức năng, thẩm quyền, nhiệm vụ của các chế định này. Chẳng hạn như ở Mỹ, về mặt thứ bậc, chúng ngang nhau vì đều là cấp hành chính cơ sở, tuy nhiên, nhiệm vụ, quyền hạn không hoàn toàn giống nhau, sự khác nhau không chỉ tồn tại giữa đô thị với làng, mà thậm chí giữa các đô thị cùng cách gọi cũng có thể không giống nhau nữa. Với cách gọi “phường” như sắp tới thì có vẻ như tất cả đều bị đồng nhất hóa.
Thiết nghĩ, chúng ta nên tham khảo và nghiên cứu để thiết kế sao cho phù hợp với trình độ quản lý, trình độ phát triển xã hội hiện nay của mình ngõ hầu có một phương án tốt nhất. Người viết, mặc dù tầm hiểu biết còn hạn chế nhưng cũng khá tâm đắc với mô hình giống như ở một số nước có 3 cấp tính từ Trung ương mà có sự phân hóa khá rõ ở cấp cuối cùng, dĩ nhiên phải được Việt hóa. Cụ thể, các cấp hành chính của chúng ta sẽ như sau:
- Trung ương;
- Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Thành phố, thị xã, xã, phường (chỉ có trong các thành phố trực thuộc Trung ương) và đặc khu. Đây là cấp cơ sở, cấp thấp nhất của hệ thống hành chính.



Theo mô hình này thì Nhà nước cũng phân loại các thành phố, thị xã thành các mức khác nhau (như hiện nay chúng ta có các tiêu chí để phân loại đô thị).
Ứng với mỗi loại thành phố, thị xã sẽ có các quy định khác nhau về thẩm quyền quản lý Nhà nước, và đối với những thành phố, thị xã nào mà không được giao đầy đủ tất cả các nhiệm vụ quản lý Nhà nước thì mảng này sẽ do cấp tỉnh thực hiện.
Tên gọi không đơn thuần chỉ là để phân biệt, để nhận diện trật tự thứ bậc một thực thể mang tính quy ước mà nó còn phải được thiết kế phù hợp với tính chất, với sự phát triển hiện tại, phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, phải bao hàm cả việc thể hiện sự kỳ vọng vào vai trò, vị trí của nó nữa. Vì vậy cần được nghiên cứu một cách thấu đáo và có sức thuyết phục thật cao.