Các đại biểu dự lễ khánh thành bàn giao công trình tu bổ, tôn tạo Di tích Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
Tham dự chương trình có bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Trịnh Việt Hùng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên; ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; ông Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam, cùng các nhà báo lão thành, nguyên lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ, đại diện các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo địa phương, thân nhân các giảng viên, học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng và đông đảo hội viên nhà báo.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, đây là công trình văn hóa, lịch sử quan trọng nhằm tôn vinh di sản báo chí to lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà báo cách mạng tiền bối đã để lại cho các thế hệ nhà báo hôm nay và mai sau.
Năm 1949, cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn ác liệt. Để thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng bộ Việt Minh và Đoàn Báo chí Kháng chiến đã chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền báo chí, cụ thể là xúc tiến thành lập Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
Trường ra đời là dấu mốc đặc biệt gắn liền với những chặng đường làm báo vinh quang dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tên trường do Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn đặt. Người đặc biệt quan tâm và hai lần viết thư động viên tinh thần dạy và học của thầy và trò. Người căn dặn: “Lớp này là lớp học viết báo đầu tiên, tôi mong các chú và các cô, thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí. Báo chí cũng phải thực hiện khẩu hiệu: Tất cả để chiến thắng!” .
Ông Đỗ Đức Dục, Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh làm Giám đốc, ông Xuân Thủy làm Phó Giám đốc Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Trong vòng 3 tháng (từ ngày 4/4 - 6/7/1949), trường đã tổ chức thành công khóa đào tạo ngắn hạn đặc biệt. Do hoàn cảnh kháng chiến, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng chỉ tổ chức được duy nhất khóa học này.
Khóa học có sự tham gia của hơn 40 học viên là cán bộ chính trị, quân sự, báo chí trên cả nước, cùng đội ngũ giảng viên hơn 30 người. Đây đều là những người giàu kinh nghiệm chính trị, lý luận và thực tiễn, cũng như những nhà hoạt động văn hóa văn nghệ, trí thức cách mạng nổi tiếng.
Nhiều học viên sau khi tốt nghiệp đã trở thành những cây bút trụ cột trong các cơ quan báo chí hoặc lĩnh vực văn hóa văn nghệ của đất nước.
“Từ dấu son đầu tiên của sự nghiệp đào tạo báo chí tại Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, đến nay chúng ta đã có hơn chục cơ sở đào tạo cán bộ báo chí cho cả 4 loại hình: Báo in, báo phát thanh, báo truyền hình, báo điện tử với trình độ từ cử nhân đến tiến sĩ.
Năm 1949, chúng ta có khoảng 10 tờ báo với khoảng 300 người làm báo thì tính đến hết năm 2023, cả nước có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí, 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình và trên 40 nghìn người làm báo”, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho biết.
Năm 2019, trên cơ sở những hồ sơ, tài liệu, hiện vật do Bảo tàng Báo chí Việt Nam sưu tầm, với quyết tâm rất cao của lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, sự quan tâm của các cấp ủy chính quyền, nhân dân tỉnh Thái Nguyên và ngành văn hóa, “địa chỉ đỏ” Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã được khoanh vùng bảo vệ và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Bằng Di tích quốc gia, đúng dịp kỷ niệm 70 năm thành lập trường.
Với mong muốn tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị, tầm vóc lịch sử của di tích, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã được giao làm chủ đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo từ nguồn vốn xã hội hóa.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nhấn mạnh, sau 6 tháng 22 ngày bất kể thời tiết nắng mưa, công việc tu bổ, tôn tạo đã hoàn tất.
“Để công trình đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tốt nhất, tôi đề nghị Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên, UBND huyện Đại Từ, Ban Quản lý Di tích và các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện kế hoạch, đề án quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, gắn kết với các địa danh lịch sử, văn hóa chiến khu Việt Bắc năm xưa; hình thành tuyến du lịch về nguồn ý nghĩa, tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân, đồng thời trải nghiệm văn hóa địa phương và khám phá vẻ đẹp của “Thủ đô gió ngàn” thập kỷ 50 của thế kỷ trước ở thời hiện đại”, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên sau khi nhận bàn giao di tích sẽ phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Hội Nhà báo Việt Nam triển khai những hoạt động hữu ích; khai thác, sử dụng hiệu quả công năng của những hạng mục đã được tu bổ, tôn tạo để tiếp tục gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị bền vững của một di tích quốc gia có tầm vóc và ý nghĩa thiêng liêng. Đây sẽ là nơi kết nối lịch sử, hiện tại và tương lai của nền báo chí cách mạng Việt Nam, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu, tham quan, du lịch “về nguồn” của nhân dân.
Một số hình ảnh tại buổi lễ:
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Tổng Biên tập báo Nhân Dân-Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh và các đại biểu tham quan công trình sau khánh thànhBí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng trao Bằng khen tặng 2 tập thể có thành tích xuất sắc trong xây dựng Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
Các đại biểu tham quan công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
Nằm bên bờ hồ Núi Cốc, Di tích lịch sử quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng sẽ là một điểm thu hút khách du lịch đến Thái Nguyên.
Nhà trưng bày - Bảo tàng thu nhỏ về Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, dưới hình thức căn nhà cấp 4 rộng 80m2 xây trên đồi cao, phỏng dựng theo tài liệu ghi chép và một số hình ảnh tư liệu để lại, xưa là nhà tre nứa, nay là nhà khung gỗ, mái lá nhân tạo chống cháy.
Nhà sàn - Bảo tàng thu nhỏ trưng bày về Báo chí Chiến khu Việt Bắc 1946-1954, rộng 80m2, phỏng dựng từ ngôi nhà sàn của Tổng bộ Việt Minh, nơi chỉ đạo trực tiếp các hoạt động báo chí kháng chiến và cũng là nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam năm 1950.