Chủ nhật, 24/11/2024, 13:16

Minh bạch tiền hỗ trợ dân khó khăn do lụt bão: Chất keo kết nối lòng tin

 “Khi những đóng góp dù lớn hay nhỏ đều được ghi nhận và công khai, đó chính là cách tôn vinh tấm lòng của mỗi người, đồng thời khích lệ thêm nhiều tấm lòng khác sẵn sàng sẻ chia trong lúc hoạn nạn", ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, chia sẻ với Tiền Phong.

Phông bạt”, khoe mẽ sớm muộn cũng tự lộ

Vừa qua, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam công khai số tiền, đơn vị hỗ trợ người dân là nạn nhân, gặp khó khăn do lụt bão. Người ủng hộ cho rằng, công khai, minh bạch như vậy rất cần thiết, ý kiến khác lại băn khoăn về lộ lọt thông tin cá nhân. Ý kiến của ông ra sao về việc này?

Tôi cho rằng, việc Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam công khai số tiền và các đơn vị hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi lụt bão là một hành động rất đáng ghi nhận, vì nó thể hiện tinh thần minh bạch và trách nhiệm đối với lòng tin của nhân dân. Trong bối cảnh xã hội đang ngày càng đòi hỏi sự rõ ràng, minh bạch trong mọi hoạt động từ thiện, việc công khai những thông tin này là cách tốt nhất để khẳng định rằng, mọi đóng góp đều được quản lý cẩn trọng, phân bổ đúng mục đích, và phục vụ cho những nhu cầu khẩn cấp của đồng bào gặp khó khăn.

Minh bạch không chỉ là một yêu cầu trong quản lý tài chính, mà còn là chất keo kết nối lòng tin giữa người ủng hộ và các tổ chức, tạo nên một tinh thần đoàn kết mạnh mẽ trong xã hội. Khi những đóng góp dù lớn hay nhỏ đều được ghi nhận và công khai, đó chính là cách tôn vinh tấm lòng của mỗi người, đồng thời khích lệ thêm nhiều tấm lòng khác sẵn sàng sẻ chia trong lúc hoạn nạn. Đó cũng là thông điệp về sự cam kết rằng không có sự đóng góp nào bị lãng quên hay phung phí.

Tuy nhiên, bên cạnh giá trị tích cực của việc công khai, không ít người cũng bày tỏ sự lo ngại về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân. Trong thời đại công nghệ, quyền riêng tư là một trong những tài sản quý giá và cần được tôn trọng. Sự lo lắng này cũng hoàn toàn chính đáng, vì việc lộ lọt thông tin cá nhân có thể gây ra những hệ lụy không mong muốn. Do đó, câu chuyện ở đây không chỉ đơn thuần là minh bạch mà còn là tìm ra cách làm sao để minh bạch một cách thông minh và nhân văn.

Do vậy, chúng ta cần nghĩ đến việc công khai thông tin theo cách không xâm phạm đến quyền riêng tư của người ủng hộ. Thay vì công khai toàn bộ danh tính hay số tiền cụ thể của từng cá nhân, có thể chỉ công khai tổng số tiền và tên những đơn vị, tổ chức nếu họ đồng ý, hoặc có thể để họ tự chọn ẩn danh nếu muốn. Điều này vừa thể hiện được sự minh bạch trong sử dụng nguồn lực, vừa bảo vệ quyền riêng tư của mỗi cá nhân, đảm bảo rằng mọi người vẫn cảm thấy an toàn khi đóng góp.

Ông thấy sao về chuyện nghệ sĩ “phông bạt”, “làm màu”, rồi thực trạng khoe mẽ, phóng đại số tiền ủng hộ nhằm đánh bóng hình ảnh, câu view, câu like trên mạng xã hội?

Tôi nghĩ rằng, việc một số nghệ sĩ hay cá nhân “làm màu” trong hoạt động cứu trợ, phóng đại số tiền ủng hộ hay lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của đồng bào để đánh bóng tên tuổi thật sự là một hiện tượng đáng buồn và phản cảm. Khi lũ lụt tàn phá, thiên tai xảy ra, lòng người hướng về nhau bằng sự đồng cảm, chia sẻ, đó là khi chúng ta cần thấy sự chân thành và lòng nhân ái, chứ không phải những hành động chỉ nhằm mục đích thu hút sự chú ý, hay thậm chí là trục lợi từ sự khốn khó của người khác.

Những hành vi “phông bạt” khoe mẽ số tiền ủng hộ chỉ để câu like, câu view không chỉ làm mất đi giá trị thực sự của việc từ thiện mà còn làm tổn hại đến lòng tin của cộng đồng. Khi mọi người nhìn thấy sự không thành thật trong hành động, niềm tin vào ý nghĩa cao cả của từ thiện bị lung lay. Những người thực sự có lòng cũng cảm thấy ngần ngại, thậm chí dè chừng trong việc ủng hộ, bởi họ lo sợ rằng sự thiện tâm của mình có thể bị hiểu lầm, bị lợi dụng hay lẫn lộn với những hành vi giả tạo kia.

Cứu trợ hay từ thiện là hành động đến từ trái tim, xuất phát từ sự đồng cảm sâu sắc và mong muốn làm điều tốt đẹp cho những người cần giúp đỡ. Khi việc làm này bị biến thành công cụ để “làm màu”, để mưu cầu sự nổi tiếng trên mạng xã hội, thì không chỉ làm mất đi ý nghĩa của việc thiện nguyện mà còn gây ra những tác động tiêu cực đối với xã hội. Những hành vi này không chỉ làm xói mòn niềm tin của công chúng mà còn tạo ra hình ảnh xấu về trách nhiệm xã hội của người nổi tiếng.

Trong bối cảnh khó khăn như thiên tai, những hành động chân thành, giản dị, dù lớn hay nhỏ, đều có giá trị vô cùng lớn. Chính những hành động thầm lặng, không khoe mẽ mới là những ngọn đèn sáng, lan tỏa tinh thần tương thân tương ái. Còn những ai lợi dụng thời điểm khó khăn để đánh bóng tên tuổi thì sớm muộn cũng sẽ tự lộ rõ bản chất và phải đối mặt với sự phán xét của dư luận.

Giám sát mỗi bước đi để tránh trục lợi

Không ít lần cứu trợ về thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, dư luận lại lên tiếng về việc chậm trễ trong việc đưa nguồn tiền đã quyên góp đến tay người gặp nạn. Việc này cần rút kinh nghiệm ra sao trong lần bão lụt này, theo ông?

Tôi hoàn toàn đồng ý rằng, trong những lần cứu trợ thiên tai, hỏa hoạn hay dịch bệnh trước đây, vấn đề chậm trễ trong việc chuyển giao nguồn tiền quyên góp đến tay người dân gặp nạn đã trở thành một nỗi trăn trở lớn trong lòng dư luận. Vì vậy, trong bối cảnh đợt lũ bão lần này, việc nhanh chóng đưa nguồn tiền hỗ trợ đến tay người dân cần phải được xem là một ưu tiên hàng đầu. Để làm được điều đó, việc cải thiện quy trình cứu trợ cần được thực hiện trên nhiều mặt trận.

Minh bạch tiền hỗ trợ dân khó khăn do lụt bão: Chất keo kết nối lòng tin ảnh 1

Ngập lụt sau bão ở Thái Nguyên Ảnh: Trường Phong

 

Trước hết, tính minh bạch và công khai là vô cùng cần thiết. Khi nguồn tiền và vật phẩm cứu trợ được quyên góp, việc lập kế hoạch phân bổ và công khai danh sách chi tiết về nơi, đối tượng nhận hỗ trợ cần phải rõ ràng ngay từ đầu. Điều này không chỉ giúp đảm bảo tính công bằng, mà còn giúp người dân có thể theo dõi và giám sát quá trình cứu trợ, tránh sự mơ hồ, thiếu rõ ràng.

Tiếp theo, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, từ Trung ương đến địa phương, để quá trình chuyển giao tiền hỗ trợ không bị tắc nghẽn ở bất kỳ khâu nào. Khi một hệ thống làm việc nhanh nhạy và hiệu quả, tiền và vật phẩm cứu trợ sẽ được chuyển đến những nơi cần thiết một cách kịp thời và chính xác. Điều này đòi hỏi sự đồng bộ trong công tác tổ chức, tránh chồng chéo nhiệm vụ và giảm thiểu thủ tục hành chính không cần thiết.

“Sự minh bạch và rõ ràng trong mỗi đồng tiền được giải ngân sẽ là sự cam kết với cộng đồng rằng, mọi sự đóng góp đều được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng và tạo ra những giá trị thiết thực nhất cho người dân”.

ông Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa –

Giáo dục của Quốc hội

Đặc biệt, chúng ta cần khuyến khích sự tham gia của cộng đồng và các tổ chức xã hội trong quá trình phân bổ cứu trợ. Những tổ chức này thường có mạng lưới rộng khắp và khả năng tiếp cận nhanh chóng tới các khu vực bị ảnh hưởng. Họ có thể giúp lấp đầy khoảng trống trong công tác cứu trợ chính thống, đảm bảo rằng không có ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình hỗ trợ.

Và cuối cùng, bài học lớn nhất là về lòng tin. Niềm tin của người dân vào những hoạt động cứu trợ sẽ tăng lên nếu họ thấy được sự nhanh nhẹn, minh bạch và chính xác trong quá trình hỗ trợ. Khi lòng tin được củng cố, không chỉ quá trình quyên góp trở nên thuận lợi hơn, mà sự ủng hộ dành cho hoạt động cứu trợ cũng sẽ mạnh mẽ hơn.

Trong đại dịch COVID-19, đã có nhiều vụ việc trục lợi đáng tiếc xảy ra, như đại án Việt Á, rồi “chuyến bay giải cứu”… Ông có cảnh báo gì để ngăn chặn, không để xảy ra các vụ việc đáng tiếc như vừa qua?

Những vụ việc như đại án Việt Á hay “chuyến bay giải cứu” trong đại dịch COVID-19 là những bài học đau xót về sự trục lợi trong bối cảnh khó khăn của đất nước. Đây là những câu chuyện không chỉ làm tổn thương lòng tin của người dân, mà còn ảnh hưởng lớn đến hình ảnh của các cơ quan chức năng.

Để ngăn chặn những vụ việc đáng tiếc tái diễn, theo tôi, trước hết cần có một cơ chế kiểm soát, giám sát rõ ràng, minh bạch hơn bao giờ hết. Trong khó khăn, sự phối hợp giữa các cấp lãnh đạo, bộ, ban, ngành cần được thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao độ. Những cá nhân hay tổ chức chịu trách nhiệm trong việc điều hành, quản lý các nguồn lực quốc gia phải có sự minh bạch trong từng quyết định, từng hành động. Mỗi bước đi cần được báo cáo và giám sát bởi các tổ chức liên quan để tránh tình trạng trục lợi.

Song song đó, công nghệ hiện đại cũng nên được áp dụng vào quản lý và giám sát các hoạt động. Ví dụ, các giao dịch, hợp đồng, hoặc các dự án cứu trợ, hỗ trợ cần được lưu trữ công khai trên hệ thống số hóa, dễ dàng kiểm tra và đánh giá. Hệ thống giám sát tài chính và điều hành cần được xây dựng với sự công khai để mọi người có thể theo dõi và giám sát, qua đó giảm thiểu cơ hội cho những hành vi gian lận, lạm quyền.

Quan trọng hơn cả là việc xây dựng văn hóa đạo đức công vụ và tinh thần trách nhiệm của những người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Trong những lúc đất nước khó khăn, việc những người có quyền lực sử dụng quyền hạn của mình để mưu cầu lợi ích cá nhân là hành vi không thể chấp nhận được.

Cảnh báo quan trọng nữa là cần nâng cao hơn nữa tính nghiêm minh của pháp luật. Những vụ việc trục lợi, lợi dụng khó khăn để làm giàu cần phải được xử lý triệt để, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Chính sự răn đe và những hình phạt thích đáng sẽ là bài học cảnh tỉnh cho những ai có ý định lợi dụng hoàn cảnh để trục lợi...


Theo TPO


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây