Đây là năm thứ 7 giải được tổ chức với sự tham gia của đông đảo các cơ quan báo chí trên cả nước. Dự lễ trao giải có ông Lê Hải Bình - Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, ông Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện các bộ, ngành liên quan.
Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực.
Giải nhằm tôn vinh các tác giả có nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc về sự nghiệp Giáo dục, về các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho sự nghiệp Giáo dục. Qua đó, tuyên truyền, tôn vinh đóng góp của ngành Giáo dục cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời thu hút sự quan tâm của các cấp, ngành và xã hội đối với sự nghiệp Giáo dục Việt Nam.
Năm 2024, Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam nhận được hơn 800 tác phẩm dự thi với nhiều loại hình báo chí, trong đó loại hình báo điện tử nhận được nhiều tác phẩm dự thi nhất. Qua nhiều buổi làm việc nghiêm túc, công tâm, Ban Giám khảo đã lựa chọn được 81 tác phẩm vào chung khảo.
Phát biểu tại lễ trao giải, ông Triệu Ngọc Lâm - Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức giải cho biết: Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam năm nay đã phản ánh sinh động và đa chiều bức tranh giáo dục Việt Nam. Các tác phẩm đã thể hiện tầm nhìn sâu sắc về những vấn đề then chốt của ngành, từ đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ trong giáo dục, đến những câu chuyện cảm động về các thầy, cô giáo nơi vùng sâu, vùng xa.
Nhiều tác phẩm phản biện chính sách, phân tích chuyên sâu để phản ánh những chủ điểm của ngành Giáo dục trong quá trình triển khai đổi mới căn bản, toàn diện.
Bên cạnh đó, các tác phẩm có tính phát hiện, tính thực tiễn, đề cập đến các vấn đề về chế độ, chính sách cho nhà giáo, học phí, thu - chi trong trường học; gương người tốt, việc tốt; hợp tác quốc tế trong giáo dục; an toàn trường học; giữ gìn ngôn ngữ dân tộc; nhóm đề tài về sự hỗ trợ của cộng đồng, cách làm giúp học sinh khó khăn, giáo dục học sinh khuyết tật…
Một điểm đáng chú ý là năm nay số cơ quan báo chí địa phương có tác phẩm dự thi loại hình báo in phong phú hơn, trải dài từ Bắc đến Nam, như Báo Lào Cai, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu…
Qua các tác phẩm, đã thể hiện tinh thần trách nhiệm và sự sáng tạo của các nhà báo trong việc phản ánh những thách thức của ngành Giáo dục trong bối cảnh mới. Nhiều tác phẩm không chỉ nêu bật vấn đề mà còn đề xuất những giải pháp thiết thực, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền giáo dục nước nhà.
Qua 7 năm tổ chức, giải ngày càng nhận được nhiều hơn sự quan tâm, tham gia của các cơ quan báo chí trên cả nước. Thành công của giải cũng cho thấy vai trò quan trọng của báo chí đối với sự nghiệp phát triển giáo dục - đào tạo.
Tại lễ tổng kết, Ban tổ chức đã trao giải cho 59 tác phẩm xuất sắc nhất của 4 loại hình, bao gồm 1 giải Đặc biệt, 4 giải Nhất, 8 giải Nhì, 12 giải Ba, 32 giải Khuyến khích và 2 nhân vật tiêu biểu.
Trong đó, giải Đặc biệt thuộc về tác phẩm: Nghị định 116 về đặt hàng đào tạo giáo viên "Cung" hào hứng - "Cầu" thờ ơ của nhóm tác giả đến từ Ban Thời sự (VOV1), Đài Tiếng nói Việt Nam
Năm nay, Báo Nghệ An cũng đoạt giải Ba với tác phẩm Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực tạo cầu nối thúc đẩy tình đoàn kết Việt - Lào (loại hình Báo điện tử, 5 kỳ) của nhóm tác giả Khánh Ly - Thanh Nga - Mỹ Hà.