Báo chí hiện đại không thể không trở lại những giá trị cốt lõi, đồng thời thể hiện tầm cao trí tuệ, gắn với công nghệ hiện đại trong thời đại mới.
Báo chí phải có tính nhân văn!
Xuyên suốt lịch sử, nền Báo chí Cách mạng Việt Nam luôn thể hiện tư tưởng nhân văn, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng, phong phú của cuộc sống. Từ đó đấu tranh loại bỏ những nhân tố xấu trong xã hội, nhân rộng những tấm gương người tốt, việc tốt, giữ gìn những nét đẹp văn hóa của dân tộc, hướng con người đến giá trị chân, thiện, mỹ...
Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Tôi tha thiết mong rằng, sau hội nghị này, công tác văn hóa của chúng ta sẽ có bước chuyển biến, tiến bộ mới, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, ghi một dấu mốc mới trên con đường chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Báo chí là một phần của văn hóa và đội ngũ những người làm báo không thể nằm ngoài dòng chảy ấy. Mỗi tác phẩm báo chí là một sản phẩm văn hóa, mỗi nhà báo là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Mỗi nhà báo phải nỗ lực nâng cao chất lượng từng tác phẩm của mình, để xây dựng một nền báo chí vừa giàu tính chiến đấu vừa giàu tính nhân văn, như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng nói: “Muốn đi xa thì phải về gần. Hơn lúc nào hết báo chí cần quay về với những giá trị cốt lõi của mình”.
Báo chí văn hóa theo nghĩa đó chính là báo chí vì con người, lấy con người làm trung tâm và vì lợi ích của con người. Theo nhà báo Lại Thúy Hà - phóng viên Báo Văn hóa: “Văn hóa trong báo chí còn thể hiện ở tính tiên phong và góp phần khơi dậy khát vọng Việt Nam, lan tỏa năng lượng tích cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu và củng cố niềm tin xã hội”. Hai năm vừa qua, tinh thần cống hiến của báo chí trong đại dịch COVID-19 được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.
Tính nhân văn của báo chí cách mạng Việt Nam thể hiện ở nội dung tác phẩm với hàng loạt chương trình, cuộc thi, chuyên mục... ấn tượng, sâu sắc như: Cuộc thi viết về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (Báo Nhân Dân), Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” (Báo Quân đội nhân dân), “Như chưa hề có cuộc chia ly”, “Việc tử tế”, “Cặp lá yêu thương” (Đài Truyền hình Việt Nam)...
Ði đến cùng sự thật chính là nhân văn
Đi tìm sự thật là mục đích tối thượng của người làm báo. Vấn đề là sự thật không dễ tìm và nó đòi hỏi nhà báo phải có những kỹ năng đặc biệt, phải biết dừng lại, đào sâu phân tích, tìm hiểu trước khi vội chạy theo những thị hiếu nhất thời… Tìm hiểu cho đến cùng sự thật chính là nhân văn.
Báo chí tồn tại nhờ niềm tin xã hội. Giá trị của báo chí không ở đâu xa, mà chính là những thông tin khách quan, trung thực, chính xác, nhân văn, bổ ích mà báo chí đã mang lại cho công chúng và xã hội. Thực tế đã chỉ ra rằng, giá trị công cao nhất của báo chí thể hiện ở việc các cơ quan báo chí coi trọng, ưu tiên lợi ích chung của xã hội và lấy đại đa số công chúng làm đối tượng phục vụ chính. Mạng xã hội dù có một số thông tin của cá nhân đưa ra nhanh nhạy đến mấy, nhưng cũng không thể và không bao giờ thay thế được sứ mệnh của báo chí, vì tính chính xác, nhân văn mới là giá trị cốt lõi và là lý do tồn tại của báo chí.
Báo chí có thể nhanh hơn mạng xã hội không? Câu trả lời là không. CNN, khi xuất hiện mạng xã hội thì đã đổi Slogan từ “Be The First To Know” thành “Facts First”. CNN đã chuyển từ nhanh nhất sang tin chính xác nhất. Báo chí của chúng ta không nên chạy đua với mạng xã hội về việc đưa tin nhanh nhất. Hãy đưa tin có kiểm chứng.
Mạng xã hội đang mất uy tín vì Fake News, đang tạo ra một nhu cầu ngày một lớn hơn về tin chính xác, về tin có kiểm chứng. Và đây chính là mảnh đất của báo chí. Mạng xã hội không chỉ cạnh tranh với báo chí mà còn giúp xã hội nhìn rõ hơn giá trị của báo chí. Báo chí phải thấy rõ giá trị của mình để phát huy, thay vì bắt chước thì hãy giữ giá trị cốt lõi của mình.
Báo chí tạo niềm tin xã hội, thì nhà báo phải là người được tin cậy nhất trong xã hội. Nhưng theo một điều tra xã hội gần đây, người có niềm tin thấp trong xã hội lại là phóng viên báo chí. Các nhà báo, các tờ báo, những nhà lãnh đạo, quản lý báo chí chắc đã đến lúc phải suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này, có chương trình hành động về vấn đề này, để tăng niềm tin của xã hội vào những người làm nghề báo. Lấy lại thương hiệu cho những người làm báo, việc này chỉ có thể là chính nhà báo phải làm, không ai ngoài chúng ta cả. Vẫn còn đó những tồn tại của báo chí, như cơ quan chủ quản buông lỏng quản lý cơ quan báo chí của mình, xa rời tôn chỉ mục đích, báo hoá tạp chí, cơ quan đại diện tràn lan tại các tỉnh và thiếu quản lý, liên kết có xu thế tư nhân hoá, sách nhiễu doanh nghiệp, v.v…
Năm 2021, các cơ quan chức năng đã xử phạt 20 cơ quan báo chí với tổng số tiền 780,9 triệu đồng; 11 trường hợp vi phạm quy định thông tin điện tử với tổng số tiền hơn 467,5 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động báo chí đối với một cơ quan báo chí và thu hồi thẻ nhà báo của 3 trường hợp do có sai phạm nghiêm trọng. Những con số trên không phải là nhiều nhưng là mối nguy hại không thể xem thường. Người làm báo đã suy thoái đạo đức thì ngòi bút không thể nào đặt lợi ích nhân dân lên trên lợi ích bản thân, tính nhân văn trong tác phẩm chắc chắn sẽ bị xem nhẹ.
Trong thời đại bùng nổ thông tin, cạnh tranh đưa ra thông tin nhanh nhất, chính xác nhất và tạo sức hấp dẫn bạn đọc rất quyết liệt. Nhiều cơ quan báo chí bất chấp tất cả gia tăng lượng độc giả, “câu view” bằng mọi giá: Rút tít giật gân, ly kỳ, “sốc, sến, sex”, chăm chăm vào chuyện “tiền, tình, tù, tội”, moi móc chuyện đời tư, miêu tả tỉ mỉ, rùng rợn chuyện vụ án, làm “nóng” sự việc, đăng thông tin không kiểm chứng... Những kiểu tin, bài như vậy sẽ tạo ra hiệu ứng dư luận, thu hút công chúng khai thác thông tin; song đồng thời lại tạo ra bầu không khí văn hóa thiếu lành mạnh, nhìn đâu cũng thấy văn hóa, con người xuống cấp, xã hội thiếu an toàn...
Tiến sĩ Mạch Lê Thu (Viện Thông tin khoa học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết: “Hiện nay, báo chí giải pháp là cách có thể dung hòa giữa các thái cực xấu và tốt trong tin tức. Báo chí giải pháp là phương pháp tiếp cận tập trung phát hiện và đưa tin về các vấn đề trong xã hội, đồng thời gợi mở cách xử lý, giải quyết vấn đề. Lấy ví dụ, nhà báo của báo chí giải pháp không chỉ đưa kẻ vi phạm pháp luật đứng trước vành móng ngựa, mà còn mạnh dạn chỉ ra những tồn tại trong chính sách, trong cơ chế làm việc những kẽ hở pháp luật để giải quyết tận gốc vấn đề”. Như vậy có thể hiểu báo chí giải pháp sẽ mở ra những điều tốt đẹp, hy vọng tươi sáng đằng sau những hiện tượng xấu, mặt trái xã hội.
Báo chí luôn cần đưa tin khách quan, trung thực nhưng không phải tất cả những gì mắt thấy, tai nghe đều có thể đưa lên mặt báo mà trước khi đưa ra thông tin, báo chí phải cân nhắc đến cả tính hiệu quả cũng như sự tác động của thông tin tới công chúng, từ đó lựa chọn cách thức khai thác cho phù hợp.
Một bài học “nằm lòng” cũ nhưng vẫn luôn mới mà mỗi nhà báo đều phải luôn có trong hành trang của mình, đó là cho dù phóng viên trẻ mới vào nghề hay nhà báo lão luyện, có chuyên nghiệp đến đâu, thì trước sáng tạo tác phẩm phải trả lời được các các câu hỏi: “Viết cho ai?”, “Viết để làm gì?”, “Viết cái gì?”, “Viết như thế nào?”.
Trả lời những câu hỏi này không chỉ đơn thuần là hoàn thành quy trình sáng tạo một tác phẩm, mà ở đó còn thể hiện cách cảm, cách nghĩ, thế giới quan của mỗi người cầm bút khi khát khao mang đến cho người đọc một sản phẩm tinh thần có giá trị, nhằm khiến cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Hiểu đơn giản, đó chính là chữ Tâm, là sự nhân văn trong mỗi người cầm bút. Và chắc chắn, khi mỗi nhà báo có khát khao sáng tạo ra tác phẩm khiến cho cuộc sống tốt đẹp hơn, mà không vấn vương một chút lợi ích cho cá nhân hay người thân, thì đó chính là khi báo chí đang hướng vào lòng dân.
Năm 2022 sẽ là năm Bộ Thông tin và Truyền thông giải quyết dứt điểm, triệt để tình trạng báo hoá tạp chí, bao gồm cả việc cho chấm dứt hoạt động và không cấp phép lại đối với những tạp chí có nhiều vi phạm, không đem lại giá trị cho xã hội.
Uy tín của phóng viên, của báo chí cũng có lúc đã xuống thấp, nhất là năm 2018. Nhưng báo chí đã chủ động làm sạch báo chí, dám nói về cái xấu của mình, của đồng nghiệp mình. Vì chỉ có mình thì mới làm sạch được chính mình. Quản lý nhà nước cũng đã xử lý nghiêm các phóng viên vi phạm, đã đình bản cả tờ báo nếu vi phạm nghiêm trọng, đã thay đổi quy định để có thể đình bản đến 12 tháng.
Đã có công cụ đo lường, giám sát các cơ quan báo chí, đánh giá từng tờ báo, từng phóng viên và cả không gian báo chí. Niềm tin của xã hội vào báo chí đang ngày một tăng lên. Suy cho cùng, tính nhân văn trong báo chí không phải là điều gì đó cao siêu, trừu tượng. Báo chí nhân văn là báo chí thực hiện đúng chức trách, tôn chỉ mục đích, hoạt động theo pháp luật và có tính toán đến tác động của thông tin với độc giả và với chính nhân vật.
Như vậy, không chỉ dùng pháp luật, quy định, quy tắc để điều chỉnh, răn đe, xử phạt mà còn phải giáo dục, tuyên truyền để cơ quan báo chí và người làm báo tự ý thức về sứ mệnh giữ gìn tính nhân văn của báo chí cách mạng.
Theo Báo Công luận