Thứ năm, 21/11/2024, 17:47

5 năm Bảo tàng Báo chí Việt Nam: Năm tháng cứ rộn ràng xa khuất!

Tôi chọn một câu thơ hay của nhà báo, nhà thơ, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam (BCVN) Trần Kim Hoa để nhớ về 5 năm “Lắng giọt mồ hôi”, miệt mài công sức để “Mở cánh cửa quá khứ đi tới tương lai”.

Một khoảng thời gian ngắn, chưa đủ tháng ngày cho một đứa trẻ bước vào lớp tiểu học, nhưng Bảo tàng BCVN đã gặt hái nhiều thành công. Năm tháng cứ rộn ràng xa khuất, cứ âm thầm trôi vào quá khứ, nhưng những giá trị đích thực của quá khứ, ta không thể không lưu giữ và lan tỏa làm đẹp cho đời!

1. Nhà báo, nhà thơ Trần Kim Hoa vốn là cây bút năng nổ, yêu nghề của Báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh và Báo Doanh nhân Sài Gòn. Chị trở về làm công tác Hội Nhà báo, làm Phó Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm báo, sau đó là Giám đốc Nhà Văn hóa, Tổng Biên tập đề nghị vẫn kiêm nhiệm Phó Tổng Biên tập Tạp chí. Năm 2016, Trần Kim Hoa điện thoại cho tôi:

 - Chủ tịch HNBVN Thuận Hữu và Phó Chủ tịch Thường trực Hồ Quang Lợi dự định chuyển em về làm Giám đốc Bảo tàng BCVN, đơn vị vừa được thành lập trực thuộc Hội, em phân vân vì việc mới, nghề mới, không biết có hoàn thành được nhiệm vụ không?

Tôi biết Trần Kim Hoa tin cậy tham khảo thêm ý kiến một đồng nghiệp cao tuổi, nhiều gắn bó với Hội. Tôi là người đề nghị xin Trần Kim Hoa về Hội từ tháng 9/2011 làm Tạp chí, bởi chị là nhà báo năng động, viết tốt. Tôi trả lời ngay:

- Lãnh đạo Hội đã chọn mặt gửi vàng, cũng là việc của Hội, Bảo tàng BCVN  cần người năng nổ, nhiệt thành, chịu học, anh ủng hộ em thay đổi công việc, thẳng tiến!

Như “Ván đã đóng thuyền”,  năm 2017 nhà thơ, nhà báo Trần Kim Hoa  đã trở thành Giám đốc đầu tiên của Bảo tàng BCVN.

5 nam bao tang bao chi viet nam nam thang cu ron rang xa khuat hinh 1

Các đại biểu tham dự sự kiện chụp ảnh lưu niệm nhân kỷ niệm 5 năm thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

2. Tôi có 10 năm (2005-2015) tham gia ban lãnh đạo Hội, trải qua thời gian lãnh đạo của hai Chủ tịch, 2 cựu Tổng Biên tập Báo Nhân Dân: Nhà báo Đinh Thế Huynh, nhà báo Thuận Hữu. Chừng ấy năm càng thấy mong ước xây dựng Bảo tàng BCVN trở thành nhu cầu bức thiết của giới báo chí cả nước. Các nhà báo lão thành Hữu Thọ, Phan Quang, Hà Đăng, Nguyễn Hồng Vinh, Tạ Ngọc Tấn… nhiều lần phát biểu ý kiến, đề xuất giải pháp. Thời kỳ nhà báo Phan Quang làm Chủ tịch, BCH Hội đã bàn thảo và ra Nghị quyết về việc chuẩn bị mọi mặt sớm xây dựng Bảo tàng BCVN.

Điều kiện và nhu cầu đòi hỏi đã chín muồi. Tòa nhà 10 tầng lầu của Hội, diện tích sử dụng tổng thể khoảng 15.000m2  tại khu đô thị mới Dương Đình Nghệ, bề thế, khang trang cũng chính là điều kiện cần và đủ để xây dựng Bảo tàng BCVN. Hội dành diện tích thỏa đáng để trưng bày hiện vật của Bảo tàng, liên hoàn một nửa tầng 1 và một nửa tầng 2, một số phòng làm việc tại tầng 3. Đảng và Nhà nước, ngành bảo tàng và văn hóa, các cơ quan liên quan đồng thời vào cuộc, bảo đảm tính pháp lý và hết sức hỗ trợ cho một Bảo tàng chuyên ngành báo chí hình thành, sớm đưa vào hoạt động.

Tháng 8 năm 2017, Bảo tàng BCVN chính thức ra đời, Giám đốc Trần Kim Hoa và tập thể cán bộ, nhân viên Bảo tàng lên yên ngựa truy phong. Làm việc và hoạt động ở phía Nam, tôi vẫn dõi theo từng bước tiến của Bảo tàng. Trần Kim Hoa và cộng sự nhiều lần vào các tỉnh phía Nam, ngược lên phía Bắc, rong ruổi vùng Tây Nguyên, đi dọc dải đất duyên hải miền Trung để tìm kiếm hiện vật, truy cứu tài liệu.

Ngày nghỉ, Giám đốc Trần Kim Hoa và cán bộ bảo tàng vẫn miệt mài đến nhiều vùng miền, phối hợp với đồng nghiệp địa phương săn tìm những tài sản vô giá đưa về Bảo tàng. Nhà báo Dương Phước Thu - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội Nhà báo Thừa Thiên - Huế, nhà nghiên cứu lịch sử - Huế học, điện thoại cho tôi:

- Vui lắm bác Toàn ơi, chú Thu sưu tầm được trọn bộ, nguyên gốc các số báo DÂN, cơ quan của xứ ủy Trung Kỳ thời kỳ Mặt trận dân chủ do Hải Triều, nhà lý luận nòng cốt của Đảng chỉ đạo và các bản gốc báo Tiếng Dân do cụ Huỳnh Thúc Kháng chủ biên. Hội Nhà báo Thừa Thiên - Huế đã báo cho Giám đốc Bảo tàng Trần Kim Hoa, xong hội thảo tại Huế là bàn giao cho Bảo tàng cất giữ.

Nhà báo Dương Phước Thu đã cất công sưu tập nhiều hiện vật quý, có tiền cũng không thể mua. Tôi điện thoại chúc mừng luôn cả hai: Phó Chủ tịch chuyên trách Hội Nhà báo tỉnh bên bờ sông Hương và Giám đốc Bảo tàng:

- Quá tuyệt vời, không gì là không thể, dù “Năm tháng cứ rộn ràng xa khuất”!

Quảng Trị - vùng giới tuyến tạm thời, vùng chiến địa “Máu và hoa” cũng là địa chỉ đỏ để Bảo tàng BCVN cày xới truy tìm các hiện vật quý. Kỷ niệm 50 năm giải phóng Quảng Trị (1972 - 2022), Bảo tàng BCVN phối hợp với Hội Nhà báo Quảng Trị mở đợt sưu tầm hiện vật, hình ảnh của đất lửa, trong đó có hình ảnh và hiện vật của các nhà báo liệt sỹ hy sinh trên chiến trường Quảng Trị. Cuộc trưng bày các hình ảnh và hiện vật, góp thêm sức sống của hoạt động Bảo tàng, nguồn sống vô giá.

Tây Bắc, Việt Bắc - căn cứ địa của cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược, nơi Bác Hồ chỉ đạo mở lớp nghiệp vụ làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại Thái Nguyên; vòng lên chiến trường Điện Biên Phủ của Tây Bắc huyền thoại, hàng trăm hiện vật quý đã được các cán bộ, nhân viên Bảo tàng sưu tầm, lưu giữ. Đó là những tư liệu sống động của thế hệ nhà báo lão thành bậc cha chú trong những năm kháng chiến đầy gian khổ mà rất đỗi hào hùng… 

3. Nhìn lại chặng đường 5 năm xây dựng Bảo tàng BCVN,  không thể không ghi lại những con số biết nói rất ý nghĩa - đổi bằng giọt mồ hôi tần tảo, tận tụy ngày đêm của Giám đốc Trần Kim Hoa và anh chị em làm công tác Bảo tàng.

Đến thời điểm này, kho cơ sở của Bảo tàng đã lưu giữ, bảo quản hơn 30.000 hiện vật, tư liệu được khai thác trực tiếp từ 63 tỉnh thành phố. Có những hiện vật lớn có giá trị đặc biệt như chiếc loa bên cầu Hiền Lương (Quảng Trị); Chiếc máy in báo Việt Nam Độc Lập (do Bác Hồ sáng lập), phương tiện cổ động, tổ chức cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945. Dày công sưu tầm, Bảo tàng lưu giữ bộ sưu tập báo chí của nhà báo vĩ đại Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh; lưu giữ bộ sưu tập của các nhà báo lão thành Hoàng Tùng, Hồng Hà, Hữu Thọ, Hà Đăng, Phan Quang, Trần Công Mân…

Trong khuôn khổ hoạt động của Bảo tàng, nhiều hoạt động như tọa đàm, hội thảo, triển lãm, trưng bày hiện vật, tham gia Hội báo… đã từng bước tạo nên thương hiệu - địa chỉ đỏ tin yêu của giới báo chí, góp phần nâng tầm hoạt động giáo dục truyền thống báo chí cách mạng nước nhà. Bảo tàng BCVN coi trọng hoạt động nghiên cứu khoa học, tổ chức trưng bày chuyên sâu mang tính nghiên cứu, hoạt động nghiệp vụ và giáo dục truyền thống Báo chí Cách mạng, một nền báo chí “Giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại”.

Bảo tàng BCVN thường xuyên mở cửa, đến nay đã đón hơn 15.000 lượt khách tham quan, trong đó có nhiều sinh viên trẻ chuyên ngành báo chí - truyền thông đến nghiên cứu, học tập; hơn 150 lượt khách nước ngoài. Với nhiều hình ảnh, hiện vật quý, chuyên sâu, năm 2022 Bảo tàng tổ chức thành công triển lãm: “100 năm Báo LeParia”, “Nhà báo Nguyễn Ái Quốc và 100 năm báo Người Cùng Khổ” tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã tạo dấu ấn lớn, có tiếng vang.

Tôi trực tiếp hướng dẫn 3 nhà báo Thái Lan đến Đại lộ Đồng Khởi, TP. Hồ Chí Minh xem trưng bày “Nhà báo Nguyễn Ái Quốc & 100 năm Báo Người Cùng Khổ”. Các đồng nghiệp Thái Lan vô cùng cảm kích và vui mừng chúc mừng thắng lợi của báo chí Việt Nam, báo chí Hồ Chí Minh.

***

Kỷ niệm 5 năm thành lập một cách thiết thực, Bảo tàng BCVN luận bàn định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, điểm mốc nửa thế kỷ XXI. Thành công của 5 năm thật đáng tự hào, niềm tự hào của chính cán bộ, nhân viên Bảo tàng BCVN, cũng là niềm tự hào của những người làm báo cả nước. Phía trước còn nhiều gian khó, còn nhiều việc phải làm. Thành quả thu được chỉ là bước đầu, tạo nền móng cho tòa nhà đồ sộ tiếp tục được hoàn chỉnh, vươn cao. Và điều quan trọng nhất là việc đưa bảo tàng BCVN vào khai thác sao cho thật sự hiệu quả, lan tỏa sâu rộng.

 

Theo Phạm Quốc Toàn/ Nhà báo & Công luận


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây