Bên cạnh đó, việc quản lý báo chí cũng đòi hỏi một cách tiếp cận mới với công nghệ đóng vai trò then chốt. Trong năm 2024, các cơ quan quản lý đã chủ động áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến để đối phó với những thách thức như tin giả, thông tin xấu độc và sự bùng nổ của các nền tảng xuyên biên giới.
Nhân dịp Hội nghị tổng kết công tác báo chí toàn quốc năm 2024, báo VietNamNet khởi đăng loạt bài "Báo chí song hành cùng công nghệ".
Công nghệ định hình lại tư duy, vận hành và quản lý báo chí
Trong thời đại số, mọi người dù làm gì cũng đều cần tư duy số và công nghệ số. Những tác động to lớn từ công nghệ đang khiến báo chí phải đối mặt với nhiều thách thức.
Cụ thể, báo chí không còn là nguồn cung cấp thông tin độc quyền cho công chúng như trước. Các cơ quan báo chí không chỉ phải cạnh tranh với nhau, mà còn phải cạnh tranh với một loạt kênh nội dung người dùng đang nở rộ trên Internet.
Báo chí cũng mất dần thông tin độc quyền, do tốc độ lan tỏa thông tin siêu nhanh của mạng xã hội, dẫn đến việc các tờ báo muốn giữ chân độc giả cần đầu tư vào các sản phẩm mang tính chiều sâu hơn như: Báo chí dữ liệu, báo chí giải pháp, báo chí đa phương tiện. Nhưng nguồn lực của các cơ quan báo chí là khác nhau, trong khi áp lực cần có tin bài hàng ngày lại rất lớn.
Đặc biệt, doanh thu từ quảng cáo tiếp tục sụt giảm, rơi vào tay các ông lớn công nghệ như Google, Meta, ByteDance, dẫn đến việc các tòa soạn phải tìm nguồn thu thay thế từ những hợp đồng tài trợ truyền thông. Nhưng nếu làm vậy, báo chí có nguy cơ bị hòa lẫn với quảng cáo, PR và sẽ dẫn đến sự suy giảm niềm tin của công chúng.
Trong 5 năm tới, tôi dự đoán báo chí truyền thống sẽ tiếp tục đối mặt với sự sụt giảm về độc giả và doanh thu quảng cáo, trong khi báo chí số sẽ phát triển mạnh mẽ.
Các nền tảng tin tức trực tuyến, ứng dụng di động và mạng xã hội sẽ ngày càng tiếp cận công chúng được rộng rãi hơn. Báo chí sẽ chuyển sang mô hình hoạt động chủ yếu trên nền tảng số, với sự gia tăng các dịch vụ trả phí, như mô hình đăng ký - subscription và các bài báo chuyên sâu.
Các tờ báo cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm các mô hình kinh doanh mới, bao gồm việc phát triển các dịch vụ nội dung đặc biệt, tài trợ từ các doanh nghiệp và những hình thức hợp tác với các tổ chức truyền thông quốc tế. Sự dịch chuyển từ nguồn thu chủ yếu là quảng cáo truyền thống sang nguồn thu từ người dùng sẽ là một phần quan trọng trong mô hình này.
Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm cho rằng báo chí song hành cùng công nghệ là xu hướng tất yếu và không thể khác trong thời đại số. Như nhà nghiên cứu truyền thông nổi tiếng người Canada Marshall McLuhan đã viết: “Đầu tiên chúng ta tạo ra các công cụ, sau đó các công cụ định hình lại chúng ta”.
Rõ ràng là, chúng ta đang sống trong giai đoạn bị/được công nghệ định hình lại từ tư duy đến cách vận hành, quản lý, đặc biệt là trong lĩnh vực báo chí.
Cả nhà báo và công chúng đều cần nâng cao năng lực số
Về các xu hướng công nghệ đang thay đổi cách thức sản xuất và phân phối nội dung báo chí, theo tôi, AI tạo sinh đang là công nghệ có nhiều tác động nhất đến báo chí truyền thông. AI giúp tạo nội dung tự động từ ảnh, text và âm thanh rất phong phú, giúp đỡ người làm báo trong tất cả các khâu, từ thu thập thông tin, trình bày, biên tập lẫn xuất bản lên các nền tảng.
Công nghệ AI, big data và phân tích dữ liệu sẽ giúp các tòa soạn báo cải thiện khả năng hiểu nhu cầu và hành vi của độc giả. Các công cụ AI có thể hỗ trợ trong việc tạo nội dung tự động, cung cấp gợi ý nội dung cho độc giả, hoặc thậm chí là tối ưu hóa trải nghiệm người dùng.
Công nghệ AI cũng giúp các cơ quan báo chí cá nhân hóa nội dung cho từng nhóm công chúng khác nhau. Điều này thay đổi rất nhiều cách thức sản xuất và phân phối nội dung báo chí.
Thực tế, dù còn nhiều tranh cãi về khía cạnh đạo đức, song hiện nay nhiều cơ quan báo chí trên thế giới đang tích cực ứng dụng AI vào hoạt động của mình. Đơn cử, tờ “The Times” của Anh đã kết hợp với Twipe tạo ra 1 quản gia kỹ thuật số cho bạn đọc có tên là James. Ứng dụng này học hỏi từ thói quen của người dùng rồi thiết kế những bản tin được cá nhân hóa đến từng bạn đọc.
Tờ “The Times” cũng đã thử nghiệm với ChatGPT để phân tích kho lưu trữ 200 triệu trang của mình, tạo ra các câu đố đánh giá kiến thức của độc giả về các vấn đề thời sự. Sự tích hợp AI này kết hợp giáo dục và tương tác, khuyến khích độc giả chú ý hơn đến tin tức trên báo chí. Đây đều là những ví dụ về việc ứng dụng hiệu quả công nghệ vào báo chí.
Với Việt Nam, từ góc nhìn của mình, theo tôi, để phát triển 1 hệ sinh thái báo chí số mạnh mẽ, chúng ta cần hoàn thiện nhiều thứ, từ định hình khuôn khổ pháp lý và quy định hợp lý, xây dựng các nền tảng và công cụ công nghệ hỗ trợ báo chí số, cho đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển 1 hệ sinh thái dữ liệu mở.
Các tòa soạn cần ứng dụng một cách sáng tạo để tạo ra nội dung hấp dẫn độc giả hơn. Các công nghệ tạo nội dung hiện nay là rất đa dạng, nhưng nếu áp dụng theo kiểu “bắt chước” thì cũng không thể tạo được nội dung hay. Nếu thông tin đầu vào của AI không chất lượng, thì sản phẩm đầu ra cũng không có chất lượng. Yếu tố con người ở đây vẫn rất quan trọng.
Cũng cần lưu ý rằng, công nghệ có sức mạnh lớn, nhưng nó không thể biến những nội dung khô khan trở nên hấp dẫn, nếu cách tư duy của người dùng những công nghệ đó không thay đổi. Thành thạo công nghệ chỉ là điều kiện cần, không phải là điều kiện đủ để tạo ra những chương trình truyền thông hiệu quả. Điều kiện đủ phải là sự sáng tạo và thấu hiểu công chúng của nhà báo, cơ quan báo chí khi tuyên truyền.
Cũng như các tòa soạn báo, công nghệ mới phát triển đặt ra nhiều thách thức cho các nhà quản lý báo chí. Bởi lẽ, bên cạnh các nhóm công cụ số giúp phát triển nội dung báo chí, còn tồn tại không ít sản phẩm công nghệ giúp đối tượng xấu tạo tin giả, thực hiện các hành vi lừa đảo, gian lận, ăn cắp bản quyền.
Những thách thức trên đòi hỏi cơ quan quản lý cần có các hệ thống công nghệ giúp phòng ngừa từ sớm, ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực. Dẫu vậy, tôi cho rằng cách phòng ngừa các biểu hiện tiêu cực trên không gian mạng tốt nhất, vẫn là việc nâng cao năng lực số, năng lực thông tin, phát triển văn hóa số cho cả nhà báo lẫn công chúng.
Tiến sĩ Trần Duy, phụ trách bộ môn Báo chí, Khoa Đa phương tiện, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.