Chủ nhật, 22/12/2024, 03:02

Công nghệ số sẽ định hình tương lai của báo chí số

Sự kết hợp giữa báo chí sáng tạo với công nghệ số mang thêm nhiều trải nghiệm mới tới công chúng, góp phần giúp báo chí giữ được “trận địa” thông tin.

 

truyen hinh 118630
 Việc sử dụng công nghệ số để làm báo đã trở thành vấn đề sống còn của báo chí. Ảnh: TK
 

Công nghệ số là vấn đề sống còn của báo chí 

Chỉ chưa đầy 20 năm trở lại đây, những chiếc máy tính để bàn màn hình lồi đã được thay thế bằng máy tính xách tay nhỏ gọn. Báo chí cũng thế, những tờ báo đơn sắc được in trên giấy đã dần bị thay thế bởi những dòng thông tin đa sắc màu gói gọn trên thiết bị di động. 

Điều này có thể thấy được cách chúng ta tiếp cận với loại hình thông tin này đã thay đổi nhanh như thế nào.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Nguyễn Đức Lợi cũng cho biết, thực tiễn cho thấy công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên, mạnh mẽ và sâu rộng tới lĩnh vực báo chí, truyền thông. Việc sử dụng công nghệ số để làm báo đã trở thành vấn đề sống còn của báo chí.

Báo chí sẽ phát triển trên nền tảng hạ tầng số

Hiện nay, các nền tảng mạng xã hội lớn trên thế giới như Facebook, Youtube, Tiktok… được hậu thuẫn bởi những tập đoàn hàng đầu thế giới về công nghệ, với hàng chục triệu người dùng tại Việt Nam đang ngày một lấn át các loại hình báo chí truyền thống. Vì vậy, các cơ quan báo chí phải tìm hướng phát triển mới trước xu hướng này.  

Chia sẻ ở góc độ truyền hình, ông Đinh Đắc Vĩnh, Phó Tổng Giám đốc VTV cho biết, VTV sẽ phải xây dựng hệ thống truyền hình trên nền tảng số để phát triển khán giả số. VTVGo sẽ phân phối nội dung cho khán giả để có những trải nghiệm mới. VTV sẽ cùng các đơn vị khác đưa nội dung lên nền tảng này để làm phong phú nội dung.

Theo ông Đinh Đắc Vĩnh, VTV sẽ xây dựng một hệ sinh thái với ứng dụng VTVGo làm cốt lõi, cho phép tích hợp các nội dung số của các đài địa phương và các kênh truyền hình trên cả nước, thiết lập một hệ thống dữ liệu lớn, cho phép chia sẻ, lưu trữ nội dung, trên cơ sở các bên đều có lợi.

Chia sẻ tiếp về vấn đề này, ông Phạm Anh Chiến, Phó Giám đốc VTV Digital, cho biết VTV là đơn vị sản xuất nội dung và phân phối trên tivi truyền thống nhưng phải chuyển sang phân phối nội dung trên đa nền tảng. VTV đưa ra mô hình Total VTV để phân phối nội dung với đa nền tảng.

Ông Chiến cho rằng hệ sinh thái phải được xây dựng trên hạ tầng công nghệ điện toán đám mây tập trung, duy nhất và thống nhất thì mới có thể kinh doanh được. VTV đưa ra khái niệm kinh doanh mới là kinh doanh dịch vụ nội dung mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Vì vậy, việc tổ chức của VTV cũng phải thay đổi để phù hợp với mô hình số.

vtvgo 19313 118631
VTV đưa ra mô hình Total VTV để phân phối nội dung với đa nền tảng. Ảnh: TK

Tương tự VTV, báo Nhân Dân đã xác định chuyển đổi số trở thành chiến lược, để mong muốn trở thành cơ quan báo chí đa phương tiện chủ lực. Nhân Dân đã đề ra các giải pháp quan trọng, đều lấy công nghệ làm trung tâm. Thứ nhất, đổi mới và phát triển theo mô hình “cơ quan báo chí-công nghệ” (media-tech). "Đây là con đường chắc chắn phải bước đi nếu muốn phát triển thành cơ quan báo chí đa phương tiện chủ lực, phù hợp với xu hướng trên thế giới là các công ty công nghệ lớn thì trở thành “tech-media” (tăng cường hoạt động báo chí truyền thông bên cạnh thế mạnh công nghệ) còn các tập đoàn báo chí thì trở thành “media-tech” (nâng cao năng lực công nghệ để hỗ trợ cho lĩnh vực chuyên môn là báo chí)" (trích trong bài Chiến lược chuyển đổi số của Báo Nhân Dân). 

Thứ hai, cơ cấu hoạt động như một cơ quan sản xuất và phân phối nội dung đa nền tảng, đa phương tiện. Có nghĩa là, để có thể vươn lên dẫn đầu trong bối cảnh hiện nay thì một cơ quan báo chí phải có khả năng phục vụ độc giả ở bất cứ nơi đâu và bất cứ khi nào độc giả muốn. Là một chuyên gia chỉ trong một kênh giờ đây là không đủ và một cơ quan báo chí chỉ có thể đạt được ảnh hưởng thực sự bằng cách áp dụng một mô hình kinh doanh truyền thông đa nền tảng – multi-platform.

Thứ ba, là sản xuất thông tin theo phương thức tích hợp, nội dung thống nhất, cách thể hiện linh hoạt. Thứ tư là đầu tư công nghệ hiện đại và đội ngũ nhân sự công nghệ giỏi. Thứ năm là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và báo chí tự động (robot journalism)

Ngoài ra, theo một số chuyên gia, để phát triển, các cơ quan báo chí ở Việt Nam không có cách nào khác là phải xác định đặt công nghệ ở trung tâm của mọi chiến lược. Sử dụng công nghệ để tạo ra những nội dung hấp dẫn và chinh phục được các nhóm độc giả khác nhau, lan tỏa các giá trị nội dung hơn, và đặc biệt kiếm tiền được nhiều hơn so với khi không có yếu tố công nghệ..

“Sự di chuyển vĩ đại nhất” trong lịch sử nhân loại

Trong công cuộc chuyển đổi số, báo chí và truyền thông đóng vai trò quan trọng. Sứ mệnh của báo chí, truyền thông là tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc; chủ động, tích cực đấu tranh phản bác thông tin xấu độc, làm sạch không gian mạng; phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội, đồng thời lan tỏa năng lượng tích cực, xây dựng niềm tin xã hội và tạo nên khát vọng về một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Mỗi quốc gia muốn phát triển bứt phá vươn lên đều phải khơi dậy được sức mạnh tinh thần dân tộc đó. Ngành TT&TT tạo thành một đôi cánh: Một cánh là công nghệ số, một cánh là báo chí và truyền thông. Đôi cánh này sẽ góp phần làm cho đất nước bay lên, bay cao và bay xa dựa trên sức mạnh nội lực về vật chất và tinh thần.

Báo chí – truyền thông, ngoài vai trò tạo ra niềm tin, khát vọng, khơi dậy tinh thần nội lực dân tộc, góp phần tạo nên thành công của quá trình chuyển đổi số quốc gia thì tự thân cũng là một đối tượng phải tiến hành quá trình chuyển đổi số của chính mình.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí là việc sử dụng công nghệ số để thay đổi mô hình quản lý, tác nghiệp, sản xuất, xuất bản, phân phối nội dung và kinh doanh... nhằm tối ưu mô hình hoạt động của các cơ quan báo chí; tạo ra những sản phẩm, cơ hội, doanh thu và các giá trị mới. Cũng giống như công cuộc chuyển đổi số ở tất cả ngành nghề khác, công cuộc chuyển đổi số ngành báo chí - truyền thông không đơn giản là đưa lên mạng Internet một cách thuần vật lý, mà phải thể hiện ở cả các hoạt động mang tính đồng bộ, cả chiều sâu lẫn bề rộng.

Trên thực tế, nhân loại đang bước vào một không gian sống mới. Sự di chuyển từ thế giới thực vào thế giới số là “sự di chuyển vĩ đại nhất” trong lịch sử nhân loại. 

Trong cuộc di chuyển này, thách thức lớn và cơ hội lớn luôn đi song hành. Công nghệ số, chuyển đổi số và báo chí truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình chuyển đổi.


Thái Khang/Vietnamnet.vn


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây