Thứ năm, 05/12/2024, 05:08

Các nước đang ‘nói chuyện’ với người dân bằng cách nào?

Cùng với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, các loại hình thông tin cơ sở cũng phát triển đa dạng hơn, giúp Chính phủ hình dung lại những cách thức giao tiếp với người dân.

 

Lời tòa soạn: Thông tin cơ sở là một lực lượng truyền thông đặc biệt. Đây là hệ thống truyền thông tiếp cận trực tiếp đến người dân, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của Nhà nước, lan tỏa năng lượng tích cực, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội và sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên. VietNamNet xin gửi tới độc giả tuyến bài viết về công việc của những người đang làm công tác thông tin cơ sở. 

Truyền thông hiệu quả là nhiệm vụ quan trọng đối với các Chính phủ, đóng vai trò quan trọng trong mọi khía cạnh của quản trị, dù đưa ra chính sách mới, công bố các mục tiêu, kêu gọi đóng góp ý kiến hay truyền đạt thông tin thiết yếu. Cùng với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, Chính phủ các nước cũng dần hiện đại hóa các loại hình thông tin cơ sở để truyền thông tốt hơn.

2srwmurm 204
 Thái Lan hoàn thành thử nghiệm hệ thống cảnh báo khẩn cấp sử dụng hệ thống phát sóng di động vào tháng 3. Ảnh: mobileworldlive

Một kênh giao tiếp công dân hiệu quả sẽ nâng cao trách nhiệm giải trình của công chức và hiệu quả của các dịch vụ công. Tùy theo mục tiêu mà Chính phủ lựa chọn giao tiếp một chiều (cảnh báo thiên tai, công bố thông tin qua ứng dụng đặc biệt, SMS) hoặc hai chiều (xin ý kiến, đối thoại, phản hồi). Chưa bao giờ Chính phủ lại có nhiều công cụ để giao tiếp với công dân như vậy: thông qua báo in, truyền hình, kênh phương tiện trực tuyến, qua mạng xã hội, email, tin nhắn văn bản, hệ sinh thái ứng dụng di động.

Cách Singapore "nói chuyện" với người dân

Singapore nhận thức rõ sự tham gia của người dân và truyền thông công cộng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì niềm tin của công dân vào Chính phủ. Bộ Thông tin và Truyền thông (MCI) Singapore là cầu nối giữa người dân và Chính phủ, trong đó hoạt động thông tin cơ sở áp dụng cách tiếp cận lấy công dân làm trung tâm và dựa trên dữ liệu để giải thích và thu hút công chúng về các chính sách của quốc gia.

Khi xảy ra khủng hoảng quốc gia, MCI phụ trách điều phối truyền thông công cộng trong toàn bộ máy Chính phủ để quản lý và phản ứng hiệu quả trước sự cố. MCI cũng làm việc với các bộ và cơ quan chủ chốt về lập kế hoạch khủng hoảng để tăng cường các quy trình và cách tiếp cận của họ đối với truyền thông công cộng và quản lý thông tin. Khi truyền đạt chính sách cho công chúng, MCI đảm bảo các chính sách được truyền đạt rõ ràng, người dân hiểu được họ hưởng lợi thế nào.

Công việc của MCI là thông báo và thu hút người dân Singapore đối với các vấn đề quốc gia và xã hội, tuyên truyền về các hành động của chính phủ để xử lý những thách thức mà Singapore phải đối mặt và người dân có thể đóng góp những gì.

Trang web Gov.sg là nền tảng truyền thông số chính thức của Chính phủ Singapore, cung cấp các thông báo và thông tin chính sách mới nhất. Trong khi đó, REACH (tiếp cận mọi công dân ở mỗi gia đình) là nỗ lực khác để thu hút và thu thập phản hồi từ mỗi người dân về các vấn đề quốc gia, xã hội ttrong nước.

MCI sẽ phân tích và chia sẻ tất cả phản hồi nhận được với các đồng nghiệp trong các bộ, cơ quan liên quan như một phần trong quá trình hoạch định chính sách. Dù là Gov.sg hay REACH, MCI đều truyền đạt thông tin thiết yếu qua hàng loạt các kênh như website, Facebook, Instagram, Twitter, LinkedIn, TikTok, Telegram, WhatsApp hay YouTube.

Công nghệ hỗ trợ trao đổi thông điệp giữa người dân và Chính phủ Trung Quốc

Chính phủ Trung Quốc tiếp cận người dân thông qua mạng lưới các phương tiện rộng lớn, đa dạng và hiệu quả. Những tiến bộ công nghệ đã tạo ra những cách thức mới để Chính phủ và người dân trao đổi thông điệp. Internet là một trường hợp cụ thể. Trung Quốc có số lượng người dùng Internet lớn nhất thế giới với hơn 1 tỷ người dùng tính đến tháng 12/2023.

Theo Wu Hailong, cựu Đại sứ Trung Quốc tại EU, Chính phủ Trung Quốc xác định Internet là một cách để thúc đẩy dân chủ và pháp quyền. Phần lớn các văn phòng chính phủ thiết lập các trang web chính thức, ra mắt các diễn đàn trực tuyến và có người phát ngôn.

Hàng chục nghìn nhân viên Chính phủ được mở blog chính thức. Internet đã trở thành một phương tiện quan trọng để thông qua đó công chúng Trung Quốc có thể thực hiện quyền được thông báo, tham gia, thể hiện bản thân và thực hiện giám sát. Điều này đã làm tăng tính minh bạch, hiệu quả và trách nhiệm giải trình.

Lãnh đạo Chính phủ có một cái nhìn rõ ràng rằng mối quan hệ chặt chẽ với người dân là cơ sở cho sự ủng hộ của công chúng, một công cụ để quản trị hiệu quả và một phương tiện phục vụ người dân.

Phuket dùng mạng xã hội để giao tiếp với người dân hiệu quả hơn

Phuket là một trong những điển hình của Thái Lan trong việc dùng mạng xã hội để giao tiếp với công dân. Thành phố sử dụng nhiều kênh như Line, website, Facebook, Twitter (nay là X) và YouTube. Chính quyền Phuket truyền tải thông tin thông qua website phuket.city.go.th và thông qua kênh này, người dân cũng có thể gửi đơn khiếu nại về các vấn đề nói chung vào một biểu mẫu. Sau đó, biểu mẫu được gửi đến cán bộ cấp cao để xem xét hằng tháng và quyết định bộ phận hay cá nhân nào là người giải quyết khiếu nại.

Cũng như vậy, trên fanpage Narisorn, người dân có thể nêu ý kiến, khiếu nại hoặc thông tin. Thành phố Phuket cũng dùng kênh để quảng bá, thông tin về các hoạt động của mình. Trên YouTube, thành phố đăng tải các chương trình truyền hình. Các kênh khác còn có số điện thoại đường dây nóng 1132 và 119, màn hình LED đặt tại quầy dịch vụ thông tin, phòng đăng ký hộ tịch.

Ưu điểm của mạng xã hội là mở rộng các kênh truyền thông, tăng cường trao đổi thông tin giữa các nhóm người khác nhau, tiếp cận nhóm mục tiêu dễ hơn, giảm chi phí PR, nhanh chóng báo cáo bất kỳ vấn đề nào mọi lúc mọi nơi và giảm chi phí di chuyển cho người dân. Bên cạnh đó, nó cũng giúp chính quyền phản hồi một cách hiệu quả.


Du Lam/Vietnamnet.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây