Chủ nhật, 24/11/2024, 15:09

Doanh nghiệp Việt từng làm được việc thế giới nghĩ chỉ riêng Disney có khả năng

‘Lúc ấy, cả thế giới chỉ mỗi Disney có app sách tô màu này. Chúng tôi thuyết phục đội ngũ rằng Disney làm được thì mình cũng làm được. Và cuối cùng mình cũng làm được thật’, ông Nguyễn Thế Duy, Phó Chủ tịch Công ty Công nghệ ADT Global, chia sẻ.


Táo bạo khởi nghiệp với công nghệ tương tác đầu tiên: Thực tế ảo

Mười năm trước, sau một thời gian dài học tập ở nước Anh, nhận được lời mời về nước tham gia một dự án khá thú vị, chàng thanh niên Nguyễn Thế Duy quyết định từ bỏ công việc ở “xứ sở sương mù”.

“Với những kinh nghiệm, góc nhìn tích lũy được tại Anh quốc, tôi thấy mình nên làm điều gì đó có ích hơn cho đất nước mình. Thời điểm đó, tôi cho rằng thị trường Việt Nam có nhiều cơ hội để có thể làm được những thứ đột phá hơn so với việc ở lại Anh”, Nguyễn Thế Duy lý giải quyết định về nước cùng một số anh em lập nhóm khởi nghiệp (start-up).

Nghiên cứu một số dự án về tài chính, công nghệ, truyền thông ở Việt Nam thời điểm đó, Nguyễn Thế Duy nhận thấy thị trường trong nước có vẻ đang thiếu trải nghiệm liên quan đến công nghệ trong việc truyền thông cho các doanh nghiệp. 

anh duy 2 1123
  Ông Nguyễn Thế Duy, Phó Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ ADT Global.

“Từng được trau dồi tri thức về công nghệ tương tác ở London, mong muốn đưa những công nghệ mới về nước để ứng dụng, tôi quyết định thành lập công ty để hiện thực hóa mong muốn của mình. ADT ra đời năm 2015, trong đó A mang ý nghĩa là Advance (tiên tiến), D là Digital (kỹ thuật số), T là Tech (công nghệ). Ban đầu, chúng tôi vẫn chưa đặt sứ mệnh gì lớn lao, chỉ đơn giản nghĩ rằng thị trường mới, có nhiều “đất” cho mình phát triển nhiều thứ mới với tính hiệu quả, khả thi cao. Mục tiêu lúc đấy chỉ là giúp các doanh nghiệp của Việt Nam truyền tải được thông điệp về sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp đến với khách hàng của họ một cách trực quan, dễ hiểu hơn nhờ công nghệ”, ông Duy kể.

Ngay từ ngày đầu thành lập, đội ngũ ADT đã xác định “ADN” của công ty là luôn tập trung vào những công nghệ đổi mới sáng tạo đột phá như thực tế ảo (VR, AR), và những năm gần đây là vũ trụ ảo (Metaverse), trí tuệ nhân tạo (AI).

Trong bối cảnh khái niệm “thực tế ảo” còn rất mới tại Việt Nam, quá trình đầu tư thời gian, chi phí, tham gia sự kiện, làm showcase (trưng bày) để thuyết phục khách hàng thử nghiệm diễn ra đầy gian nan. Tìm nhân sự cho ngành mới cũng là một việc khó. Cùng với đó còn phải liên tục nghiên cứu và phát triển (R&D) để tối ưu sản phẩm vừa tốt vừa “hợp túi tiền” của các doanh nghiệp Việt. 

“Trái ngọt” đầu tiên đến với ADT một cách rất tình cờ, theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương”. 

“Một ngày đẹp trời, Tập đoàn Viettel liên hệ với chúng tôi. Lúc ấy, Viettel ra mắt 4G, cần những trải nghiệm, công nghệ mới có những khả năng thể hiện rõ sức mạnh tốc độ của mạng 4G. Phía Viettel tìm kiếm trên Google những tên tuổi nhà cung cấp dịch vụ, công nghệ thực tế ảo, song lướt 9 trang toàn thấy doanh nghiệp nước ngoài, đến trang thứ 10 thì thấy ADT xuất hiện. Đây là “trái ngọt” đầu tiên mà ADT nhận được. Chúng tôi rất vui khi được một doanh nghiệp lớn trong nước tìm đến. Đây cũng là cơ hội để chúng tôi lan tỏa được sản phẩm mới, công nghệ mới đến thị trường Việt Nam”, ông Duy hồi tưởng.

Nhìn lại hành trình 10 năm từ startup phát triển thành quy mô như bây giờ (với các thành viên: ADT Creative, ADT Global, OneS, Labelless), không ít lần chịu sự đè nén, cực kỳ áp lực, ông Duy rút ra một số “bí kíp” giúp đội ngũ ADT không dễ dàng bỏ cuộc.

Trước hết, startup cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Trước khi bước chân vào con đường khởi nghiệp, phải lường trước môi trường cạnh tranh rất khắc nghiệt. Những điều kiện cần và đủ không chỉ đơn giản mỗi ý tưởng mà còn là tổng hòa của nhiều yếu tố như con người, thị trường, sản phẩm… Đôi khi làm tốt chưa chắc đã đủ, còn dựa cả vào yếu tố may mắn và thời điểm đúng.

Những lúc nguy khó, cần ekip thật sự hiểu nhau, sẵn sàng hy sinh thời gian, công sức, niềm vui cá nhân vì tập thể, sẵn sàng “chiến đấu” vì nhau.

Cùng với đó, cần phải thực sự kiên trì vượt qua khó khăn. Đôi khi mọi thứ đang rất ổn, bỗng nhiên xuất hiện những vấn đề không như mong muốn thì phải hiểu đó là chuyện bình thường, đón nhận với một tâm thế bình thản, sẵn sàng đương đầu và vượt qua. 

“Cứ bước đi, mình sẽ lớn dần, sẽ chứng minh được sản phẩm, uy tín của mình trên thị trường, từ đấy, những điều tốt đẹp sẽ đến với mình một cách tự nhiên” – triết lý sống được hình thành từ thực tiễn có vẻ rất tương đồng với nội dung hai cuốn sách mà Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Duy rất yêu thích, đó là “Trò chơi vô cực” và “Hồi ký Lý Quang Diệu – Tập 2: Từ thế giới thứ ba vươn lên thứ nhất”.

Kết hợp logic khô cứng với sức sáng tạo bay bổng để tạo lợi thế cạnh tranh

Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Duy luôn tự hào về việc ADT là một công ty truyền thông công nghệ, vừa làm truyền thông vừa làm công nghệ, giống như kết hợp giữa não trái và não phải, một bên là logic, code… khô cứng, một bên là sự sáng tạo, bay bổng, nghệ sĩ tính. Rất khó để kết hợp như vậy nhưng ADT quyết tâm làm bằng được để đem lại cảm giác cực kỳ “Wow” cho người trải nghiệm sản phẩm/dịch vụ.

Muốn xây dựng đội ngũ R&D công nghệ đáp ứng yêu cầu đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và sự khéo léo, đa dạng góc nhìn. Đôi khi vẫn có những ý tưởng sáng tạo vượt ngoài khả năng công nghệ, chưa thể làm được. Song với những ý tưởng công nghệ cảm thấy hiện chưa thực sự chín, nhưng có thể cải thiện được trong tương lai, và đem lại giá trị to lớn, thì phải theo đuổi đến cùng.

“Tôi vẫn nhớ có lần chúng tôi có 1 giao dịch liên quan tới phát triển ứng dụng (app) sách tô màu. Lúc ấy, cả thế giới chỉ mỗi Disney có app sách tô màu này. Mọi người đều nghĩ Disney là tập đoàn toàn cầu rất lớn, đã phải đầu tư rất nhiều tiền, làm sao một startup Việt bé như ADT có thể làm được. Chúng tôi thuyết phục đội ngũ rằng Disney làm được thì mình cũng làm được. Và cuối cùng mình cũng làm được thật. Thành công này cũng là một trong những động lực giúp ADT luôn cố gắng, nỗ lực, tin tưởng vào đội ngũ để phát triển công nghệ mới”, ông Duy kể lại chuyện cũ, trong mắt ánh lên vẻ tự hào.

Trả lời câu hỏi “đâu là những sản phẩm/giải pháp công nghệ của ADT mà ông tâm đắc nhất”, ông Duy cho biết: Ngoài dịch vụ về truyền thông, marketing, có 4 sản phẩm ADT phát triển đang đạt được những thành công bước đầu. 

Người nhân tạo (Digital human) là một trong những dòng sản phẩm nổi bật của ADT.

Một là sản phẩm về người nhân tạo (Digital human) có chức năng AI tạo sinh (Generative AI), có tạo hình như con người, và có khả năng giao tiếp tương tác như người thật, với nhiều biểu cảm, trạng thái khác nhau. ADT đã mang sản phẩm này đi trình diễn nhiều nơi cả trong nước và quốc tế.

Hai là sản phẩm lõi về AI xử lý ngôn ngữ với tốc độ phản hồi cực tốt, mới đây ADT cung cấp cho một khách hàng trình diễn ở Gitex - một trong những sự kiện công nghệ toàn cầu lớn nhất - và đã được cộng đồng thế giới ghi nhận. 

Ba là sản phẩm vũ trụ ảo (Metaverse), đã phát triển thành hình, mọi người có thể vào giao tiếp, tương tác với nhau. ADT hiện có kế hoạch gắn các nhân vật AI không phải người chơi (AI NPC) vào môi trường Metaverse, có khả năng tự tư duy và giao tiếp linh hoạt, rất hữu ích cho các hoạt động tập huấn, đào tạo. 

Và bốn là nền tảng thực tế ảo XR: bao gồm thực tế tăng cường (AR), thực tế ảo (VR), thực tế hỗn hợp (MR); chạy được “tất cả trong một” ngay trên nền web mà không cần tải app. Trước kia, muốn xem được các nội dung thực tế ảo thì người dùng buộc phải tải một ứng dụng mới, điều này bị đánh giá là một trở ngại rất lớn. Bây giờ, mọi người chỉ cần quét mã QR hoặc lên link web là có thể trải nghiệm thực tế ảo một cách dễ dàng.

Theo ông Duy, những sản phẩm công nghệ của ADT có nhiều ưu thế cạnh tranh so với các đối thủ trong nước và quốc tế.

“Với các đơn vị trong nước, đâu đó chúng tôi có thêm yếu tố công nghệ ở phần truyền thông, giúp tăng trải nghiệm của người dùng, khách hàng của doanh nghiệp, khi họ sử dụng các dịch vụ sẽ có nhiều cảm xúc hơn. Đặc biệt với những đơn vị quốc tế, chúng tôi có lợi thế rất tốt để cạnh tranh về giá khi vừa đạt chất lượng về phần mềm, lại có cả tính thẩm mỹ, chất lượng nghệ thuật cao, đáp ứng được những tiêu chí rất khắt khe”, ông Duy mô tả kỹ hơn lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp mình.

Tự hào sản phẩm Digital human do người Việt phát triển

Những ngày gần đây, nhân vật Hạ Vy – sản phẩm do ADT cùng các đơn vị thành viên nghiên cứu và phát triển - đang thu hút sự quan tâm của công chúng Việt Nam.  

Hạ Vy là AI Digital human đầu tiên tại Việt Nam, do ADT phát triển, vừa chính thức ra mắt tại Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2023). 

Để xây dựng Hạ Vy, lõi trí tuệ nhân tạo AI được nâng cấp và tích hợp với người ảo siêu thực (hyper-real Digital human), từ đó tạo ra AI Digital Human duy nhất tại Việt Nam tới thời điểm hiện tại.

ha vy 1122
Người ảo Hạ Vy thu hút sự quan tâm của công chúng Việt Nam.

Người ảo Hạ Vy xuất hiện với tạo hình toàn thân hoàn thiện, có khả năng tự quyết định biểu cảm, ngôn ngữ cơ thể và trò chuyện theo thời gian thực (real-time).

Đặc biệt, AI Digital Human Hạ Vy phá vỡ nhiều kỷ lục về: Tốc độ xử lý lời nói thành văn bản (speech to text) - 0,1 giây cho 50 từ; Tốc độ chuyển văn bản thành lời nói (text to speech) - dưới 2 giây cho 50 từ; Có khả năng nhận biết ngữ cảnh (context recognition) và đạt tốc độ phản hồi cực nhanh - 0,1 giây phản hồi 50 từ theo ngữ cảnh (trung bình mỗi từ 3 - 5 ký tự).

Bên cạnh khả năng giao tiếp nhuần nhuyễn bằng tiếng Việt và xử lý thông tin nhanh chóng, Hạ Vy còn có thể chủ động sáng tạo nội dung, tự học và tự cung cấp câu trả lời khi được hỏi. 

Những người ảo như Hạ Vy có khả năng tham gia vào hàng loạt hoạt động quảng cáo - bán hàng như: Chăm sóc khách hàng, tự phục vụ (self-service), video bot, KOLs, Model, MC AI, Tour guide AI, đại sứ thương hiệu… thậm chí cả livestream bán hàng 24/7 trên đa nền tảng.

“Hạ Vy là sản phẩm do đội ngũ ADT phát triển từ việc tạo hình, dựng lên model 3D, biểu cảm, phản hồi… Toàn bộ những nội dung liên quan đến digital đều do ADT xử lý. Chúng tôi rất tự hào về Digital human do người Việt phát triển này”, ông Duy nhấn mạnh.

Chia sẻ cảm nhận về Hạ Vy, ông Lê Khánh Hưng, CEO Aries Strategy cho biết: "Đây là lần đầu tiên tôi được trải nghiệm công nghệ này và thấy rất tân tiến. Tôi nghĩ rằng các khách hàng của tôi hiện tại cũng đang cần những công nghệ như vậy. Nó không chỉ giới hạn ở KOL hay là trải nghiệm bán hàng. Những tập đoàn lớn đang là khách hàng của tôi rất cần công nghệ tự động hóa và cung cấp thông tin ở tần suất cao, văn minh và chuyên nghiệp. Nhìn ở góc độ những tập đoàn lớn thì công nghệ này sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí, tạo được tính chuyên nghiệp, tính đồng nhất trên khắp các chi nhánh của họ".

Nắm bắt cơ hội xuất khẩu “chất xám” Việt ra quốc tế

Cách đây ít lâu, ADT đã nỗ lực đưa công nghệ thực tế ảo tiếp cận trẻ em tại các trường học, với mong muốn lan toả công nghệ mới tới các em nhỏ - những người đặt nền móng tương lai để công nghệ này trở nên phổ biến hơn. Tuy nhiên, quy mô công ty còn khiêm tốn, đưa công nghệ tới trẻ em lại tốn rất nhiều thời gian, công sức, nên ADT đành tạm giãn hoạt động này để tập trung cho hoạt động R&D và kinh doanh, hướng tới mục tiêu đưa sản phẩm công nghệ Việt ra thế giới. Hiện công ty vẫn có một số chương trình hợp tác với các trường đại học, trung học trong nước về hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên.

“Không chỉ cộng tác với doanh nghiệp lớn của Việt Nam, ADT Global còn “bắt tay” với khá nhiều doanh nghiệp lớn quốc tế như Intel, Meta, STE, Surbana Jurong, G42,…Chúng tôi đã cung cấp sản phẩm Digital human sang một số thị trường quốc tế như Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, UAE,... và gần đây có thêm 1 số doanh nghiệp ở các quốc gia khác bày tỏ sự quan tâm, ADT đang nghiên cứu để mở rộng thị trường ngoại”, ông Duy nói.

Đánh giá về tiềm năng phát triển của công nghệ tương tác, Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Duy bày tỏ: “Công nghệ tương tác hay truyền thông công nghệ là xu hướng tất yếu. Tôi nghĩ đó cũng là cơ hội để Việt Nam có thể xuất khẩu “chất xám” ra quốc tế, tiến bước ra thế giới. Với nguồn nhân lực tốt, tính chuyên nghiệp ngày càng được chuẩn hoá, đáp ứng yêu cầu chi phí hợp lý, Việt Nam có thể phát triển sản phẩm, cung cấp dịch vụ cho thế giới với chất lượng không thua kém các nước lớn”.

Ông Duy lưu ý, Việt Nam có nhiều lợi thế trong việc phát triển ứng dụng liên quan đến Digital human, AI trong rất nhiều ngành như nông nghiệp, y tế, quản lý đô thị… Việt Nam có dân số tương đối lớn, Internet được phổ cập, giá thành dễ tiếp cận, rất nhiều người giỏi toán học, và có nhiều ưu đãi thúc đẩy cho sự phát triển công nghệ, sản phẩm đổi mới sáng tạo. Việc cần làm của doanh nghiệp Việt là nắm bắt cơ hội để vươn lên.

Hiện tại, ADT đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, tối ưu sản phẩm của mình. Digital human sẽ là một trong những điểm nhấn trọng tâm của doanh nghiệp Việt này trong năm 2024.

Hình dung về những sản phẩm công nghệ “Make in Vietnam” do ADT nghiên cứu phát triển tại thời điểm 5 năm và 10 năm tới, ông Duy kỳ vọng: “Thế giới sẽ biết đến Việt Nam như một quốc gia cung cấp sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo các tiêu chí cả về hình ảnh, trải nghiệm cũng như hiệu năng bên trong. Tập trung vào những công nghệ đột phá như thực tế ảo, vũ trụ ảo, trí tuệ nhân tạo…, ADT Global đã sẵn sàng hoà vào cuộc chạy đua trên thế giới phẳng”.

Trước khi ngừng câu chuyện, chúng tôi dò hỏi thêm về khát vọng lớn nhất của “sếp” ADT, ông Duy vui vẻ “bật mí”: “Tôi luôn mong muốn mọi người xung quanh mình được sống một cách vui vẻ, hạnh phúc và tiện nghi nhất. Những người xung quanh mình hạnh phúc là mình hạnh phúc rồi. Đó là mong muốn lớn nhất của tôi khi quyết định về nước lập nghiệp và tới bây giờ vẫn vậy”. 


Bình Minh/Vietnamnet.vn


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây