Thứ năm, 21/11/2024, 19:12

“Bắc cầu” cho nhân tài AI Việt Nam vươn tầm thế giới

Bắt đầu lập trình từ khi 9 tuổi, nhưng Nguyễn Xuân Phong lại dành 4 năm đại học để theo đuổi ngành quản trị kinh doanh. Thời gian đầu, anh đặt mục tiêu trở thành doanh nhân nhưng nhanh chóng nhận ra công nghệ và kỹ thuật mới là ước mơ thật sự của mình.

 

Nguyễn Xuân Phong quay trở lại nghiên cứu cao học ngành khoa học máy tính tại Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) và lấy bằng tiến sĩ AI tại Đại học Tokyo (Nhật Bản), đều là các trường hàng đầu thế giới về công nghệ và khoa học máy tính. Nguyễn Xuân Phong đã thực hiện hơn 20 bài báo khoa học, 8 bằng sáng chế đăng ký cùng Hitachi tại nhiều quốc gia, đồng thời có cơ hội tới Canada với vị trí đại diện liên kết với Viện nghiên cứu AI hàng đầu thế giới Mila và làm việc với giáo sư Yoshua Bengio, "bố già" của AI hiện đại.


Nguyễn Xuân Phong cho biết, danh sách đối tác lúc bấy giờ của Mila chỉ toàn những cái tên rất nổi tiếng trên thế giới như Google, Facebook, Microsoft, Hitachi, Samsung. Để một công ty đến từ đất nước đang phát triển xa xôi như Việt Nam có cơ hội được hợp tác với Mila quả là một bài toán rất khó.


“Sau 8 năm làm việc, tôi đã đến thời điểm phải lựa chọn hướng đi cho sự nghiệp. Tôi muốn tìm một nơi cần mình, có thể đóng góp cho Việt Nam và muốn nghiên cứu của mình có ảnh hưởng sâu rộng hơn đến kinh doanh, tạo ra sản phẩm thật sự hữu ích cho thị trường. Khi đó, tôi cũng có nhiều lựa chọn nhưng, FPT Software là môi trường phù hợp nhất. Đây là một công ty toàn cầu, với nhiều văn phòng trên thế giới và đội ngũ đa quốc tịch. Điều mà tôi thích nhất là văn hóa của công ty luôn ủng hộ ý tưởng, sản phẩm mới, là nơi thích hợp để "ươm mầm" những tài năng và dự án tiềm năng”, Phong chia sẻ.


Với Phong, cơ hội được làm cầu nối mang các chương trình đào tạo AI và đưa các tài năng trẻ của Việt Nam vươn ra đấu trường thế giới là 1 thử thách vô cùng thú vị. Trong chương trình AI Residency, Phong cùng đồng nghiệp tạo ra một môi trường nghiên cứu chuyên sâu cho các bạn sinh viên ưu tú của Việt Nam, giúp họ có cơ hội được học tập và làm việc trực tiếp với các chuyên gia trên thế giới. Bên cạnh đó, các bạn thực tập sinh được khuyến khích tham gia các dự án phát triển sản phẩm, từ đó đưa những kết quả nghiên cứu và ứng dụng trong giải quyết bài toán thực tế.

“Một trong các bài toán hiện nay chúng tôi đang tập trung nghiên cứu là bài toán thay đổi ngành phát triển phần mềm với AI. Đây là bài toán có tầm thế giới và nếu giải được bài toán này thì có thể đưa Việt Nam vươn tầm trên bản đồ AI toàn cầu”, Nguyễn Xuân Phong nói.


Chia sẻ với VietNamNet về khát vọng của mình, Phong nói rằng anh tin vào thế giới nơi con người và robot (AI) có thể sống chung một cách hoà bình và tạo ra giá trị lớn mà chỉ riêng AI hoặc con người không làm được. Những giá trị này sẽ được tạo ra khi con người và AI cùng hợp tác và cùng nhau phát huy thế mạnh. AI sẽ "giải phóng" con người khỏi những công việc nhàm chán, lặp đi lặp lại hàng ngày để họ có nhiều thời gian cho gia đình, để sáng tạo và rèn luyện sức khoẻ.


Ví dụ, thời kỳ đầu của máy móc công nghiệp, con người cũng lo sợ bị lấy mất việc làm. Nhưng thực tế, máy móc đã giúp con người có thêm thời gian để làm những công việc chuyên sâu chất lượng cao hơn. Ngày nay, một chiếc khăn được thêu tay luôn đắt hơn cả trăm, nghìn lần những chiếc khăn được làm bởi máy móc.

“Khi về FPT Software, tôi được giao nhiệm vụ đưa Công ty lọt Top 50 Lab nghiên cứu về AI xuất sắc nhất thế giới, góp phần đưa trí tuệ và con người Việt Nam vươn ra thế giới. Đây là nhiệm vụ rất thử thách nhưng cũng vô cùng thú vị, nhờ vậy mà tôi có cơ hội làm việc với rất nhiều nhà nghiên cứu AI Việt trên thế giới cũng như các nhân tài trẻ trong nước. Có thể thấy, gần đây, các nhà khoa học Việt Nam đang và dần được công nhận nhiều hơn trên các diễn đàn quốc tế về AI. Điển hình như việc tôi đã mời được các giáo sư, chuyên gia AI đầu ngành thế giới hợp tác với FPT về AI như giáo sư Yoshua Bengio và viện nghiên cứu Mila đang đồng hành với FPT trong mảng nghiên cứu AI. Tiến sĩ Andrew Ng và Landing AI đang đồng hành với FPT trong đào tạo và phát triển sản phẩm. Với sự hỗ trợ từ những chuyên gia hàng đầu thế giới, tôi tin rằng từ đây những nhân tài Việt Nam sẽ có chỗ đứng trong bản đồ AI thế giới”, Nguyễn Xuân Phong chia sẻ.


Phong cho rằng, Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ về giáo dục AI với sự trợ giúp của Andrew Ng trong việc xây dựng giáo trình học từ lớp 1 đến lớp 12, cũng như hỗ trợ của Yoshua Bengio trong nghiên cứu về AI. Đây là nền móng giúp thế hệ trẻ Việt Nam sau này có cơ hội tiếp xúc với các giáo trình đào tạo và công trình nghiên cứu mới nhất trên thế giới.


Với những thế mạnh về dữ liệu (phần mềm, sản xuất công nghiệp), Việt Nam có thể tạo ra mô hình AI chuyên biệt nhằm biến các thế mạnh trên thành đòn bẩy để trở thành những người chơi chủ chốt trong sân chơi AI của thế giới.

Thái Khang/Vietnamnet.vn


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây