Thứ năm, 21/11/2024, 11:15

Mạng xã hội 'hút' hết 50% doanh thu báo chí

Doanh thu truyền thông khoảng 4 tỉ USD nhưng khoảng 50% 'chảy' vào nền tảng xuyên biên giới, mạng xã hội, khiến cơ quan truyền thông trong nước hụt nguồn thu.

 

Đại biểu các nước ASEAN tham gia hội thảo chuyển đổi số báo chí ngày 21-9 - Ảnh: TẤN LỰC

Đại biểu các nước ASEAN tham gia hội thảo chuyển đổi số báo chí ngày 21-9 - Ảnh: TẤN LỰC

Đó là chia sẻ của ông Lưu Đình Phúc - cục trưởng Cục Báo chí - về ảnh hưởng của mạng xã hội, các nền tảng xuyên biên giới, tại Hội thảo ASEAN 'Chuyển đổi số báo chí - kiến tạo tri thức số' ngày 21-9.

Theo ông Phúc, các cơ quan truyền thông Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn bởi sự cạnh tranh của các nền tảng xuyên biên giới, dẫn tới thiếu hụt nguồn thu, sụt giảm bạn đọc.

Trước tình trạng này, Chính phủ đã đưa ra định hướng chuyển đổi số báo chí để giúp tăng sức chống chịu và thích nghi trong bối cảnh mới; hướng các luồng quảng cáo xuyên biên giới sang các nền tảng thông tin trong nước, sử dụng báo chí trong việc tạo sự đồng thuận xã hội, xây dựng nền kinh tế tri thức dựa vào thông tin báo chí.

Ông Lưu Đình Phúc, cục trưởng Cục Báo chí - Ảnh: TẤN LỰC

Ông Lưu Đình Phúc, cục trưởng Cục Báo chí - Ảnh: TẤN LỰC

Tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Lâm - thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông - khẳng định chuyển đổi số quyết định tính sống còn của ngành truyền thông hiện đại.

Hiện thói quen tiếp cận thông tin của người dân đã thay đổi mạnh mẽ trong kỷ nguyên chuyển đổi số. Cùng với đó là sự thay đổi về cách trình bày thông tin, thị phần, quảng cáo, mô hình kinh doanh và các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ.

Ông Lâm nói cơ quan quản lý đã nhìn thấy sự khó khăn của cơ quan báo chí và cũng nhìn thấy sự quyết tâm chuyển đổi số của truyền thông, doanh nghiệp. Cơ quan chức năng sẽ có cách hỗ trợ các cơ quan truyền thông trong việc chuyển đổi số.

Ông Nguyễn Thanh Lâm - thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông - Ảnh: TẤN LỰC

Ông Nguyễn Thanh Lâm - thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông - Ảnh: TẤN LỰC

Đại diện Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) cho biết sau thời gian tích cực chuyển đổi số, ứng dụng VTV Go của đơn vị này đã thu hút được lượng sử dụng đông đảo. Sắp tới, đài này có kế hoạch tích hợp sâu ứng dụng vào các TV thông minh để tăng sức hút người dùng.

Theo đại diện Bộ Thông tin và Quan hệ công chúng Thái Lan, hành vi tiếp nhận thông tin của người dùng đang có sự thay đổi.

Người dân tăng cường tiếp nhận thông tin trên các nền tảng mang tính quốc tế. Bình quân mỗi người dân dành hơn 8 giờ mỗi ngày sử dụng các phương tiện cầm tay để tiếp cận thông tin. Ví dụ, hiện nước này có hơn 19 triệu người theo dõi thông tin thời sự qua Facebook.

Xác định thông tin tiên quyết cho sự phát triển, năm 2015 Thái Lan đã khởi xướng nền tảng số phát triển bền vững với sự tham gia của chính quyền. Chính phủ định hướng người dân truy cập các nền tảng thông tin phục vụ lợi ích người dân.

Nở rộ nạn vi phạm bản quyền báo chí, truyền hình

Ông Thomas Jayet, CEO kênh truyền hình K+ - Ảnh: TẤN LỰC

Ông Thomas Jayet, CEO kênh truyền hình K+ - Ảnh: TẤN LỰC

Theo ông Thomas Jayet - CEO kênh truyền hình K+, nạn vi phạm bản quyền trực tuyến khá phổ biến trong khu vực ASEAN, trong đó 80% vi phạm diễn ra trên các nền tảng số. Nạn vi phạm bản quyền không chỉ gây thiệt hại với ngành công nghiệp sáng tạo mà còn tác động tiêu cực đến nền kinh tế quốc gia.

Tại Việt Nam, vấn nạn này gây thiệt hại 348 triệu USD cho ngành công nghiệp truyền thông và nội dung trong năm 2022. Đáng chú ý, các trang web lậu còn tạo điều kiện cho các hoạt động bất hợp pháp như cá độ, quảng cáo nội dung bị cấm, phát tán vi rút và phần mềm có hại…


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây