Hành tinh "sơ sinh" này ước tính có khối lượng gấp khoảng 10 đến 20 lần Trái đất, là một trong những hành tinh trẻ nhất ngoài Hệ Mặt trời từng được phát hiện. Ngoại hành tinh này nằm cạnh những tàn tích của đĩa khí và bụi dày đặc bao quanh ngôi sao chủ, cung cấp các thành phần để hình thành hành tinh.
Ngôi sao mà nó quay quanh dự kiến sẽ trở thành sao lùn cam, ít nóng hơn và có khối lượng bằng khoảng 70% khối lượng của Mặt trời, sáng bằng nửa Mặt trời. Nó nằm trong Dải Ngân hà, cách Trái đất khoảng 520 năm ánh sáng. Một năm ánh sáng là 9,5 nghìn tỷ km.
"Phát hiện này xác nhận rằng các hành tinh có thể ở dạng gắn kết trong vòng 3 triệu năm, điều trước đây không rõ vì Trái đất mất 10 đến 20 triệu năm để hình thành", Madyson Barber, sinh viên tốt nghiệp khoa vật lý và thiên văn học tại Đại học North Carolina ở Chapel Hill (UNC) và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết.
Hành tinh này được đặt tên là IRAS 04125+2902 b và TIDYE-1b, quay quanh ngôi sao của nó cứ sau 8,8 ngày. Khoảng cách của nó giữa ngôi sao chủ bằng khoảng 20% khoảng cách giữa sao Thủy và Mặt trời. Nó ít đặc hơn Trái đất và có đường kính lớn hơn khoảng 11 lần. Thành phần hóa học của nó không được biết đến.
Các nhà nghiên cứu nghi hành tinh này hình thành ở xa ngôi sao của nó hơn và sau đó di chuyển vào bên trong, vì việc hình thành các hành tinh lớn gần ngôi sao rất khó khăn.
Hành tinh này được phát hiện bởi kính viễn vọng không gian TESS, hay Vệ tinh Khảo sát Ngoại hành tinh Quá cảnh của NASA. "Đây là hành tinh quá cảnh trẻ nhất được biết đến", Barber cho biết.
Các ngôi sao và hành tinh hình thành từ các đám mây khí và bụi giữa các vì sao. "Để hình thành hệ sao-hành tinh, đám mây khí và bụi sẽ sụp đổ và quay thành một môi trường phẳng, với ngôi sao ở trung tâm và đĩa bao quanh nó. Các hành tinh sẽ hình thành trong đĩa đó. Sau đó, đĩa sẽ tiêu tan bắt đầu từ vùng bên trong gần ngôi sao", Barber cho biết.