Những thông tin không chính xác xuất hiện nhiều trên nền tảng xuyên biên giới do người dùng có thể phát biểu ẩn danh, không sợ bị truy cứu. Ngoài ra, các nền tảng xuyên biên giới cũng chưa hoàn toàn hợp tác với cơ quan chức năng trong nước trong việc gỡ bỏ thông tin vi phạm.
Nhiều thông tin xấu độc trên các nền tảng số xuyên biên giới
Trong buổi Hội thảo đánh giá hoạt động thông tin điện tử 6 tháng đầu năm 2022, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) Lưu Đình Phúc cho rằng, dù các nền tảng xuyên biên giới đã có cam kết, thỏa thuận với Bộ TT&TT để ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam, tuy nhiên do có sự khác biệt về quan điểm và môi trường pháp lý, nên việc xử lý các thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam trên các nền tảng này còn chậm.
Đặc biệt, những tài khoản, fanpage thường xuyên bị Bộ TT&TT yêu cầu gỡ thông tin vi phạm, song các nền tảng chưa chịu xử lý triệt để, dẫn đến hiệu quả chưa cao, mất nhiều thời gian và công sức xử lý của các cơ quan quản lý nhà nước.
Theo Cục trưởng Lưu Đình Phúc, nguyên nhân chủ yếu của sự gia tăng vi phạm trên các nền tảng số xuyên giới chủ yếu là do người sử dụng cho rằng khi cung cấp, phát tán thông tin trên các nền tảng mạng xã hội của nước ngoài khó bị phát hiện danh tính, có tư tưởng “vô danh nên vô trách nhiệm”, không sợ bị xử lý.
Thêm vào đó, các đối tượng phát tán thông tin thường xuyên tận dụng những thay đổi, những bước phát triển mới về công nghệ để cải tiến các hình thức phát tán thông tin.
Ngoài ra, người dân trong nước ngày càng phụ thuộc vào các mạng xã hội nước ngoài, đặc biệt là Facebook, YouTube, TikTok trong bối cảnh nước ta chưa có các dịch vụ tương tự phục vụ nhu cầu sử dụng của nhân dân.
Ông Lưu Đình Phúc nhận định, một số doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam vẫn tìm cách né tránh không thực hiện ngăn chặn thông tin xấu độc tại Việt Nam, điển hình là Facebook.
Trong khi hiện nay, giải pháp kỹ thuật hiện có chưa cho phép tách riêng nội dung vi phạm trên Facebook, YouTube, TikTok để chặn, mà chỉ có thể chặn hoàn toàn toàn bộ website vi phạm. Ngoài ra, các giải pháp hiệu ngăn chặn dòng tiền quảng cáo phục vụ cho các mục đích xấu trên Facebook, YouTube và Tik Tok chưa đạt hiệu quả.
Chính vì vậy, trong 6 tháng đầu năm vừa qua, Cục PTTH&TTĐT đã đẩy mạnh tăng cường quản lý các mạng xã hội cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, đề nghị 4 doanh nghiệp lớn là Facebook, Google, Tik Tok và Apple ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm trên các nền tảng do các doanh nghiệp này cung cấp.
Tin giả phát tán chủ yếu trên mạng xã hội
Trong thời gian qua, Cục trưởng Lưu Đình Phúc cho rằng, hành vi loan truyền tin giả, tin sai sự thật diễn ra chủ yếu trên mạng xã hội, nhất là các mạng xã hội xuyên biên giới.
Nguyên nhân một phần do người sử dụng vẫn còn suy nghĩ không gian mạng là ảo, là “vô danh” nên tự do phát ngôn và không nghĩ đến hậu quả tiêu cực cho xã hội, cho cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, khi tin giả xuất hiện trên mạng, nếu không được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác định, công bố là tin giả thì người dân vẫn nghĩ đó có thể là tin thật và tiếp tục phát tán theo cấp số nhân, nhất là những vấn đề “nóng” nhiều người quan tâm, gây hoang mang trong xã hội.
Tin giả phát tán thì nhanh nhưng việc xử lý, ngăn chặn của các mạng xã hội xuyên biên giới thì vẫn chậm so với mạng xã hội trong nước nên tin giả tồn tại lâu, ảnh hưởng trên phạm vi rộng ở mạng xã hội xuyên biên giới. Để đối phó tình trạng này, Cục PTTH&TTĐT đã thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế, xử lý tình trạng phát tán, lan truyền tin giả. Cụ thể, Cục nghiên cứu, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, bổ sung nhiều quy định về chống tin giả, đồng thời tăng chế tài và mức phạt tin giả.
Cục PTTH&TTĐT cũng thành lập Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) để xác minh, công bố tin giả trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, Cục PTTH&TTĐT cũng tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người sử dụng Internet, mạng xã hội và blog cá nhân; chỉ đạo các cơ quan báo chí chính thống chủ động tìm hiểu, xác minh tin đồn được cho là tin giả từ các cơ quan chức năng để kịp thời thông tin chính xác, công bố/phản bác tin giả khi có kết quả xác minh.
Tăng cường đẩy mạnh việc khuyến khích, phát triển nội dung thông tin phù hợp với người Việt Nam trên mạng. Qua đó góp phần phát triển tri thức, đồng thời hạn chế việc lợi dụng mạng để vi phạm pháp luật, hoặc truy cập vào các nội dung thông tin không lành mạnh, thông tin không có ích.
Dù đã thực hiện nhiều biện pháp, song Cục trưởng Lưu Đình Phúc đánh giá, thời gian qua việc xác minh tin giả còn chậm chễ dẫn tới các tin giả vẫn được lan truyền trên mạng, gây bức xúc cho người dân. Nguyên nhân có thể kể như các bộ, ngành, địa phương chưa chủ động rà quét, việc phối hợp xác minh còn mất nhiều thời gian…
Do đó, Cục PTTH&TTĐT đã chủ động thực hiện ký kết các biên bản ghi nhớ với các Sở Thông tin và Truyền thông về hợp tác xử lý và công bố tin giả trên không gian mạng, tiến tới Bộ TT&TT sẽ ký kết với các bộ ngành để tăng cường công tác phối hợp, giảm thiểu thời gian, quy trình xác minh tin giả. Cụ thể, trong sáng 30/6, Cục PTTH&TTĐT đã ký kết biên bản ghi nhớ với các Sở TT&TT gồm: TP.HCM, Đồng Nai, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội và Cần Thơ.
Đối với các nền tảng xuyên biên giới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục đấu tranh, tăng cường áp dụng các biện pháp hiệu quả để tạo áp lực buộc Facebook, Google, TikTok... phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành đấu tranh, đàm phán để Facebook, Google, Apple, Tiktok... phải tích cực hợp tác, gỡ bỏ các nội dung, ứng dụng vi phạm pháp luật Việt Nam và có giải pháp ngăn chặn tình trạng phát tán tin giả trên nền tảng này.
Theo Vietnamnet