Sáng 8/12, tại Đại học Quốc gia TP HCM, Ban tổ chức Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka lựa chọn và trao giải cho 187 trong số 2.000 đề tài tham gia. Trong đó có 15 giải nhất, 14 giải nhì, 18 giải ba và 140 giải khuyến khích, tổng giá trị giải 414 triệu đồng.
Đoạt giải nhất lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, nhóm sinh viên trường Đại học Hàng hải Việt Nam nghiên cứu chế tạo trạm lắp ráp trong nhà máy có khả năng tùy biến theo nhân trắc học (phép đo lường cá nhân) từng công nhân giúp họ cải thiện sức khỏe, nâng cao năng suất lao động. Nhóm chỉ ra, thực tế các trạm lắp ráp thủ công thường là dạng cố định. Do đó công nhân khi lắp ráp, thường bị đau mỏi các khớp cổ, vai, lưng, cánh tay... làm giảm hiệu suất lao động. Khảo sát 147 dữ liệu từ 20 doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu chế tạo trạm lắp ráp có thể tùy biến theo nhân trắc học từng công nhân.
Trạm lắp ráp có khả năng tùy biến theo nhân trắc học từng công nhân do nhóm thiết kế. Ảnh: BTC
Khi công nhân đến làm việc, họ sẽ quét thẻ RFID, trạm làm việc sẽ tự động điều chỉnh cơ cấu phù hợp với thể chất của họ. Ngoài ra trạm được trang bị camera theo dõi tư thế ngồi, thao tác công nhân để đưa ra cảnh báo. Máy chiếu được tích hợp trong trạm giúp hướng dẫn công việc để họ không làm sai, làm lỗi. Thử nghiệm trên 8 công nhân, khi sử dụng trạm lắp ráp do nhóm thiết kế, thời gian họ hoàn thành sản phẩm từ 1.819 phút xuống 1.560 phút so với trạm thông thường, giúp tăng năng suất lao động.
Ở lĩnh vực khoa học y dược, giải nhì được trao cho nhóm sinh viên trường Đại học Y dược Cần Thơ nghiên cứu xây dựng mô hình sàng lọc, chẩn đoán và can thiệp cho trẻ 18 - 36 tháng rối loạn phổ tự kỷ. Nhóm tiến hành khảo sát cho khoảng 3.600 trẻ, tập huấn công cụ M chat R/F (sàng lọc trẻ tự kỷ bằng câu hỏi) cho hơn 300 giáo viên, 50 nhân viên y tế tại Cà Mau. Trên cơ sở này, nhóm hoàn thiện các dữ liệu thang đo, phân tích để xác định trẻ tự kỷ. Kết quả sàng lọc có trên 200 trẻ có nguy cơ rối loạn phổ tự kỷ, chẩn đoán xác định 75 trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ. Nghiên cứu này giúp người dân sớm phát hiện, có các biện pháp can thiệp y tế khi con bị tự kỷ. Đại diện nhóm, sinh viên Nguyễn Văn Trình nói sắp tới sẽ nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào công đoạn sàng lọc, hỗ trợ chẩn đoán bệnh cho trẻ.
Phát biểu tại lễ tổng kết, GS Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM, đánh giá các nghiên cứu của sinh viên đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào y tế, giáo dục, giải quyết các vấn đề giao thông, xã hội. Nhiều sinh viên ứng dụng mô hình học sâu trong công nghệ thông tin, nghiên cứu tối ưu hóa quy trình sản xuất trong ngành công nghệ thực phẩm... Điều này thể hiện sự nhanh nhạy các công nghệ mới, hướng đi mang tính ứng dụng cao vào thực tiễn.
GS Mai cho rằng, Giải thưởng Euréka không chỉ tôn vinh các nghiên cứu xuất sắc mà còn định hình phong trào nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục. Giải thưởng trở thành bệ phóng cho các tài năng trẻ giúp các bạn tự tin bước ra thế giới. "Khi mỗi người có tư duy về khoa học thì dù làm việc ở bất cứ công việc hay vị trí nào cũng sẽ thành công", GS Mai nói.
Nhóm sinh viên Đại học Hàng hải Việt Nam nhận giải nhất cuộc thi. Ảnh: BTC
Euréka là giải thưởng thường niên do Thành đoàn TP HCM phối hợp Đại học Quốc gia thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức thường niên từ năm 1998. Năm 2017, cuộc thi mở rộng quy mô toàn quốc.
Cuộc thi nhằm ươm mầm tình yêu nghiên cứu, chắp cánh ước mơ trở thành nhà khoa học xuất sắc trong tương lai của các bạn trẻ. Euréka được coi là cuộc thi về nghiên cứu khoa học quy mô lớn nhất nước dành cho sinh viên. Cuộc thi được chia thành các lĩnh vực tương ứng với các hướng nghiên cứu như vật lý, hóa học, sinh học, kỹ thuật - công nghệ, pháp lý, kinh tế, giáo dục, văn hóa - nghệ thuật... Mỗi lĩnh vực sẽ có giải nhất với phần thưởng 10 triệu đồng, giải nhì 5 triệu đồng, giải ba 2 triệu đồng, giải khuyến khích 1 triệu đồng. Cuộc thi có giải đặc biệt 50 triệu đồng, song nhiều năm qua chưa có công trình đoạt giải.