Cụ thể: Theo quy định tại Khoản 1 và 2 Điều 61, Khoản 1 Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, ngày 5/7/2022 Chánh Thanh tra Bộ đã ban hành Quyết định số 47/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Báo Pháp luật Việt Nam về 13 lỗi vi phạm, trong đó xử phạt cảnh cáo đối với 2 hành vi vi phạm, xử phạt bằng tiền 11 hành vi vi phạm với tổng số tiền 325.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép số 303/GP-BTTTT ngày 8/7/2015 do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp trong thời hạn 3 tháng đối với Báo Pháp luật Việt Nam điện tử kể từ ngày quyết định có hiệu lực.
Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu Báo Pháp luật Việt Nam chấp hành nghiêm chỉnh quyết định xử phạt.
Trước đó, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Kết luận thanh tra số 723/KL-TTra về việc thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về báo chí tại Báo Pháp luật Việt Nam và Báo Pháp luật Việt Nam điện tử.
Kết luận nêu rõ một số tồn tại, hạn chế trong việc chấp hành quy định pháp luật về báo chí tại Báo Pháp luật Việt Nam. Đáng chú ý, về nội dung thông tin, Báo Pháp luật Việt Nam đăng tải thông tin sai sự thật trong 13 bài viết, đã vi phạm quy định tại Khoản 8 Điều 9 Luật Báo chí 2016, trong đó có 2 bài viết gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng.
Báo đăng tải nhiều bài viết có nội dung mang tính suy diễn, không có cơ sở, đăng tải nội dung thông tin không thống nhất, thể hiện quan điểm và cách nhìn nhận trái ngược nhau về cùng một vụ việc là thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp trong hoạt động báo chí. Việc thông tin mang tính suy diễn, không thống nhất cũng gây dư luận nghi ngờ trong hoạt động tác nghiệp báo chí, thể hiện lãnh đạo Báo chưa thực hiện tốt việc kiểm duyệt nội dung trước khi đăng tải.
Bên cạnh đó, Báo Pháp luật Việt Nam đăng tải nhiều bài viết có tính chất giật gân, câu khách, miêu tả tỷ mỉ hành động tội ác, thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam; đăng tải bài viết quy kết tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản cho một cá nhân khi chưa có bản án của tòa án; đăng tải nhiều bài viết điều tra, phản ánh mặt trái, tiêu cực trong đời sống xã hội dưới dạng đặt câu hỏi nghi vấn, thiếu thuyết phục là chưa thể hiện đúng vai trò, trách nhiệm của cơ quan báo chí chuyên ngành về pháp luật là phải chính xác, khách quan.
Báo Pháp luật Việt Nam cũng là cơ quan báo chí có nhiều đơn thư phản ánh, khiếu nại liên quan đến nội dung thông tin đăng tải trên Báo, hoạt động tác nghiệp của phóng viên. Việc giải quyết đơn thư còn nhiều bất cập, chưa đúng quy định pháp luật, một số trường hợp giải trình với cơ quan có thẩm quyền thiếu tính thuyết phục, không có cơ sở.
Báo chưa thực hiện tốt công tác lưu trữ, quản lý hồ sơ liên quan đến đơn thư phản ánh, khiếu nại. Tình trạng đơn thư phát sinh thường xuyên, kéo dài trong thời kỳ thanh tra là biểu hiện cho thấy công tác biên tập, kiểm duyệt nội dung, công tác quản lý hoạt động tác nghiệp chưa tốt, chưa chặt chẽ, gây bức xúc cho đối tượng phản ánh.
Kết luận thanh tra nêu rõ: Việc Báo pháp luật Việt Nam gỡ nhiều bài viết nhưng không thông báo rõ ràng, không nêu rõ lý do, thể hiện sự thiếu tôn trọng độc giả, gây hoài nghi trong dư luận xã hội về hiện tượng tiêu cực trong hoạt động báo chí, làm giảm uy tín của Báo Pháp luật Việt Nam.
Việc quản lý văn phòng đại diện, quản lý tác nghiệp của phóng viên có biểu hiện bị buông lỏng, dẫn đến nhiều đơn thư phản ánh, khiếu nại về nội dung thông tin, về hoạt động tác nghiệp của phóng viên, nhiều trường hợp vi phạm đạo đức người làm báo, vi phạm pháp luật, một số trường hợp bị cơ quan chức năng xử lý hình sự.
Trong thời kỳ thanh tra, lãnh đạo Báo đã cấp giấy giới thiệu cho cộng tác viên nhưng ghi chức danh là phóng viên; cấp giấy giới thiệu cho cộng tác viên không thường xuyên; cấp các giấy giới thiệu nhưng không ghi nội dung làm việc hoặc nội dung làm việc được ghi chung chung; cấp giấy giới thiệu nhưng không ghi cụ thể nơi đến làm việc; hầu hết giấy giới thiệu cấp cho nhân sự của chuyên trang Pháp luật Plus không ghi chức danh…
Theo Báo Nhân dân