Thứ năm, 21/11/2024, 17:06

Tạm khép lại 3 vụ án, cựu chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung lãnh tổng cộng 12 năm tù

Trong vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Sở KH&ĐT TP Hà Nội, cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung được giảm từ ba năm tù xuống còn hai năm tù.

Chiều 13-7, TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên án đối với các bị cáo trong vụ vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Sở KH&ĐT TP Hà Nội và một số đơn vị liên quan.

Giảm án cho cả ba bị cáo

Tòa chấp nhận giảm án cho cả ba bị cáo. Trong đó, ông Nguyễn Đức Chung (cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội) được giảm từ ba năm tù xuống còn hai năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Tạm khép lại 3 vụ án, cựu chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung lãnh tổng cộng 12 năm tù ảnh 1

Ảnh: Các bị cáo tại tòa. Ảnh: UYÊN TRANG

Cộng với hai bản án đã có hiệu lực trước đó (năm năm tù vụ chiếm đoạt tài liệu mật và năm năm tù vụ mua chế phẩm Redoxy-3C), tổng hợp hình phạt chung bị cáo Nguyễn Đức Chung phải chấp hành là 12 năm tù.

Hai bị cáo còn lại là Phạm Thị Thu Hường (cựu chánh Văn phòng Sở KH&ĐT) và Phạm Thị Kim Tuyến (cựu trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh Sở KH&ĐT) lần lượt được giảm từ 42 tháng tù xuống còn hai năm tám tháng tù và bốn năm sáu tháng tù xuống còn ba năm tù cùng về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

HĐXX nhận thấy ông Chung đã lợi dụng chức vụ được giao để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu, gây ảnh hưởng xấu đến lựa chọn nhà thầu, làm bức xúc trong xã hội. Tuy nhiên, tại tòa phúc thẩm, ông Chung đã nhận trách nhiệm cá nhân nên được ghi nhận thêm tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo.

Hơn nữa, cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội đã xuất trình nhiều giấy khen, bằng khen, giấy tờ thể hiện sự đóng góp với xã hội trong các hoạt động thiện nguyện. Bị cáo còn đang mắc bệnh hiểm nghèo phải chữa trị nên tòa chấp nhận giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Ngoài ra, theo tòa phúc thẩm, án sơ thẩm đã tuyên với hai bị cáo Tuyến và Hường là đúng và phù hợp. Tuy nhiên, hai bị cáo này thực hiện hành vi phạm tội theo chỉ đạo của cấp trên và suốt quá trình điều tra, xét xử đã khai báo thành khẩn. Khi tòa phúc thẩm diễn ra, hai bị cáo đã tác động gia đình hoàn thành nghĩa vụ dân sự nên được xem xét giảm nhẹ.

Gây thiệt hại hơn 26 tỉ đồng

Trước đó, trong phần tranh luận, mặc dù kháng cáo kêu oan nhưng đại diện VKS vẫn đề nghị giảm án cho bị cáo Nguyễn Đức Chung. Lý do, trong giai đoạn phúc thẩm, ông Chung nộp 85 tài liệu là bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương, huân chương... trong thời gian công tác.

Bị cáo Nguyễn Đức Chung đã lợi dụng chức vụ được giao để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu, gây ảnh hưởng xấu đến lựa chọn nhà thầu, làm bức xúc trong xã hội.

Ông Chung còn nộp ba bộ hồ sơ thể hiện đang bị bệnh ung thư trực tràng di căn phổi. Cựu chủ tịch Hà Nội cũng thừa nhận toàn bộ hành vi như cáo buộc dù cho rằng việc làm này chưa đáng bị xét xử.

Tương tự, với hai bị cáo Phạm Thị Thu Hường và Phạm Thị Kim Tuyến, VKS cho rằng gia đình các bị cáo đã nộp thêm tiền để khắc phục nên đề nghị giảm án.

Theo hồ sơ, gói thầu số hóa dữ liệu đăng ký doanh nghiệp do Sở KH&ĐT TP Hà Nội làm chủ đầu tư. Dù vậy, ông Chung đã chỉ đạo cấp dưới tại Sở KH&ĐT dừng thầu trái quy định. Ông Chung còn yêu cầu Sở KH&ĐT lựa chọn công nghệ số hóa cơ sở dữ liệu doanh nghiệp để đảm bảo tích hợp với hệ thống dùng chung của TP, trong khi đến nay Hà Nội chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung.

Các bị cáo tại Sở KH&ĐT TP Hà Nội tiếp nhận chỉ đạo này và thực hiện can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu bằng việc sửa đổi hồ sơ mời thầu, tạo lợi thế cho liên danh Đông Kinh - Nhật Cường trúng thầu.

Về phía mình, các bị cáo tại Công ty Đông Kinh cùng với Công ty Nhật Cường thiết lập “quân xanh” để thông thầu, sau khi trúng thầu lại chuyển nhượng trái phép cho nhau để hưởng lợi.

Hành vi của các bị cáo đã làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, dẫn đến hiệu quả, mục đích, yêu cầu gói thầu không đạt được (chỉ có 45% tài liệu, hồ sơ được đẩy lên hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp), gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26 tỉ đồng.

Chuyển từ kêu oan sang xin giảm nhẹ

Trước khi thực hiện quyền tranh luận, HĐXX hỏi ông Chung: “Nếu bị cáo đồng ý với quan điểm giải quyết vụ án của đại diện VKS thì HĐXX sẽ xem xét giảm nhẹ cho bị cáo. Còn nếu bị cáo vẫn giữ nguyên kháng cáo kêu oan thì tòa sẽ chỉ xem xét oan hay không oan”.

Cựu chủ tịch Hà Nội không trả lời trực tiếp vào câu hỏi mà xin HĐXX dựa vào những gì ông đã trình bày để xem xét một cách khách quan. Ông cảm ơn và không phản bác đề nghị của VKS, đồng thời tiếp tục cho rằng hành vi của mình không đến mức bị truy tố, mong được đối xử công bằng để sớm khép lại vụ án.

Chủ tọa sau đó chốt lại, ông Chung “đã xin giảm nhẹ” nên đề nghị các luật sư chỉ tranh luận về các tình tiết giảm nhẹ, loại bỏ tình tiết kêu oan.

Theo PLO


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây