Thứ năm, 21/11/2024, 08:33

Xử lý dứt điểm các vụ phá rừng, chiếm đất ở xã Đôn Phục

Chỉ vẻn vẹn trong 5 tháng đầu năm 2022, xã Đôn Phục (huyện Con Cuông) đã xảy ra 9 vụ phá rừng, chiếm đất cộng đồng. Dù các hành vi phá rừng đều đã được phát hiện, xử lý nhưng thực tế này là rất đáng lo ngại

Phá rừng
Thông tin tình trạng phá rừng ở xã Đôn Phục đến với đường dây nóng Báo Nghệ An ngày đầu tháng 6/2022. Theo người đưa tin, trên địa bàn xã Đôn Phục, huyện Con Cuông có nhiều diện tích rừng tự nhiên đã bị chặt phá. Kèm thông tin, có thêm một số hình ảnh, video clip về một số khoảnh rừng bị chặt phá; cây rừng bị đốn hạ nằm lăn lóc. Người đưa tin còn cho biết, khu vực có tình trạng chặt phá rừng thuộc bản Tổng Tiến; những vụ phá rừng đều đã bị chính quyền địa phương và kiểm lâm phát hiện, xử lý. Tuy nhiên, tình trạng phá rừng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, cần được báo chí quan tâm phản ánh. Ông nói: “Họ là người địa phương, phá rừng tự nhiên để lấy đất trồng keo. Vấn đề này, nếu không được quan tâm thì sẽ tiếp tục tái diễn…”.

Bởi “chính quyền địa phương và kiểm lâm đã phát hiện, xử phạt”, ngày 8/6, PV Báo Nghệ An kết nối với lực lượng liên quan, ngược lên Đôn Phục. Ở Trạm Kiểm lâm Mậu Đức, kiểm lâm viên Thái Bá Cường tiếp nhận thông tin, hình ảnh từ PV xác nhận: “Hình ảnh vùng rừng bị phá thuộc địa bàn bản Tổng Tiến. Hầu hết các địa điểm này đã được phát hiện, xử lý về hành vi chặt phá rừng”. Sau đó, Thái Bá Cường liên hệ với cán bộ xã Đôn Phục, đề nghị phối hợp kiểm tra thực tế hiện trường.

Anh 1

Hiện trường tại khoảnh rừng ông Lương Văn Xao chặt phá; Hình ảnh người dân cung cấp về hiện trạng chặt phá rừng tự nhiên ở Đôn Phục;
Phóng viên Báo Nghệ An và lực lượng kiểm lâm Con Cuông kiểm tra hiện trạng các vùng rừng tại bản Tổng Tiến, xã Đôn Phục.

Tiếng là vùng núi, nhưng rừng tự nhiên ở Đôn Phục nằm trên những quả đồi thấp. Điểm rừng bị phá nơi chúng tôi được đưa đến, là tại lô 32, khoảnh 6, tiểu khu 763. Tại đây, trên một khoảng đồi lớn có những vùng trống nham nhở các gốc cây gỗ, cây tre mét bị đốt cháy dở, cùng vô số khúc gỗ đã cưa rời vun thành đống. Theo những cán bộ cùng đi, người thực hiện hành vi phá rừng là ông Lương Văn Xao (SN 1966, trú tại bản Tổng Tiến), bị phát hiện, lập biên bản hiện trường ngày 3/5/2022… Qua xác minh, diện tích rừng bị thiệt hại là hơn 5.650m²; số lượng 560 cây/ha, trữ lượng 8,18m³/ha; trạng thái rừng khoanh nuôi chưa có trữ lượng; thuộc đối tượng rừng sản xuất. Với vi phạm này, ngày 6/5/2022, ông Lương Văn Xao bị lập biên bản vi phạm hành chính; sau đó, bị Hạt Kiểm lâm Con Cuông xử phạt với mức phạt 11 triệu đồng.

Cách khoảnh rừng bị ông Lương Văn Xao chặt phá không xa, tại lô 68, khoảnh 13, tiểu khu 755, cũng có tình trạng phá rừng. Trên đường vào khu vực này, cắt qua một vùng rừng giao khoán cho hộ gia đình khoanh nuôi cũng có tình trạng một số cây săng lẻ đã bị đốn hạ, hoặc đào bật gốc. Tại điểm rừng bị phá, cây cối đã bị phá sạch, trơ trụi lại nhiều gốc cây, khúc gỗ bị chặt, cưa nhỏ. Trong đó, có một số gốc săng lẻ có đường kính tầm 15-20cm đã bắt đầu có chồi non. Trên đất rừng, đã trồng lên các cây keo nhỏ.

Các cán bộ cùng đi cho biết, khoảnh rừng này bị phá bởi ông Lương Văn Xuân (trú tại bản Tổng Tiến), thuộc thửa đất 686, tờ bản đồ số 04 xã Đôn Phục, diện tích chặt phá là 2.720m². Vụ việc này được phát hiện ngày 14/3/2022, hành vi vi phạm của ông Lương Văn Xuân đã bị Hạt Kiểm lâm Con Cuông lập biên bản, xử phạt với số tiền 5 triệu đồng.
 

QUOTE 1 DOC 2
Chiếm đất cộng đồng 

Thực tế hiện trường 2 khoảnh rừng bị các ông Lương Văn Xao, Lương Văn Xuân phá hại, thấy băn khoăn. Vì cả hai khu vực rừng bị chặt phá này, đều được rào chắn. Như tại khu vực đồi rừng bị ông Lương Văn Xao chặt phá, có hệ thống hàng rào kéo dài hàng mấy trăm mét, có cổng vào, đều mới dựng kiên cố bằng những đoạn thân cây rừng và những hàng dây thép gai còn sáng bóng ánh thép.

Nói ra điều này, và hỏi những cán bộ xã Đôn Phục về nguồn gốc, quyền sử dụng đất rừng. Được trả lời, cả hai khoảnh rừng bị phá đều là đất rừng thuộc quyền quản lý của cộng đồng thôn bản, nhưng các hộ gia đình ông Lương Văn Xao, Lương Văn Xuân đã canh tác tại đây hàng chục năm, qua nhiều thế hệ.
 

Anh 2 2
Hàng rào bao quanh vùng rừng cộng đồng của bản Tổng Tiến; Hàng rào dây thép gai và cọc gỗ tại vùng rừng ông Lương Văn Xao chặt phá.

Trao đổi lại, việc phá rừng, dựng rào chắn, trồng keo trên đất thuộc quyền quản lý cộng đồng thì là hành vi chiếm đất, cần phải được xử lý dứt điểm. Theo các cán bộ xã Đôn Phục, khoảng năm 1990, huyện Con Cuông thực hiện Chương trình 327-CT của Chính phủ về phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, người dân đã khoanh nuôi, trồng trọt trên các diện tích rừng. Sau này, Nhà nước thực hiện kiểm kê, đo đạc lại đất rừng, rừng và giao cho cộng đồng quản lý, bảo vệ.

Ở xã Đôn Phục, các diện tích rừng tự nhiên cũng được giao cho cộng đồng quản lý bảo vệ. Song thực tế, từ trước đó người dân đã trồng cây cối đan xen với rừng tự nhiên. Vì vậy, đất rừng được giao cho cộng đồng nhưng người dân vẫn tiếp tục sản xuất, trồng các loại cây mét, một số loại cây lấy gỗ như săng lẻ, mỡ… “Đã qua vài thế hệ canh tác, khai thác, nên người dân đã hình thành suy nghĩ đó là đất sở hữu của gia đình” – Phó Chủ tịch UBND xã Đôn Phục, ông Lữ Ngọc Chi nêu thực trạng.

Về đời sống người dân xã Đôn Phục nói chung, ở bản Tổng Tiến nói riêng, còn rất khó khăn, chủ yếu dựa vào nguồn thu nông, lâm sản trên đất rừng. Trên các diện tích rừng khoanh nuôi bảo vệ, nhiều hộ gia đình một thời kỳ dài trồng tre, mét… Do cây trồng lâu năm, kém hiệu quả, nên thời gian gần đây nhiều hộ chặt bỏ để trồng cây keo. Các vùng rừng sản xuất thuộc hộ gia đình và rừng cộng đồng quản lý thường đan xen, sát gần nhau, nên khi chặt mét thì có tình trạng chặt hạ cây rừng tự nhiên, lấn chiếm đất cộng đồng.

“Chúng tôi có những băn khoăn, vướng mắc trong quá trình xử lý các vi phạm về phá rừng. Có một số trường hợp hoàn cảnh gia đình khó khăn, chỉ có nguồn thu nhập dựa vào trồng tre mét. Bị xử phạt với mức phạt 5 triệu đồng, có gia đình phải bán bò để nộp phạt. Chúng tôi đã đề xuất giải pháp thu hồi đất rừng đối với các hộ vi phạm, nhất là các hộ cố tình tái phạm. Song nhìn nhận thực tế, sau khi thu hồi người dân sẽ không còn tư liệu sản xuất, không có nguồn thu nhập để sinh sống nên vẫn đang rất băn khoăn tìm giải pháp hợp tình hợp lý để giải quyết” – Phó Chủ tịch UBND xã Đôn Phục trao đổi.
 

Anh 3 2
Hiện trạng rừgg cộng đồng bị chặt phá tại bản Tổng Tiến; Các khoảnh rừng tự nhiên đan xen rừng trồng của người dân ở bản Tổng Tiến, xã Đôn Phục.
Dù nói ra những khó khăn mang tính lịch sử, nhưng các cán bộ xã Đôn Phục cũng nhìn nhận những hành vi phá rừng, chiếm đất cộng đồng cần phải xử lý nghiêm. Để làm được, theo Phó Chủ tịch UBND xã Lữ Ngọc Chi, UBND xã sẽ phối hợp với Hạt Kiểm lâm rà soát, thống kê lại toàn bộ diện tích đất rừng, các trường hợp giao đất giao rừng để xác lập lại chủ quyền quản lý bảo vệ, sử dụng cũng như xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm.
QUOTE 2 1
tieu de 3 NGANG DOC

Trao đổi về tình trạng phá rừng, chiếm đất cộng đồng, các bước xử lý vi phạm ở xã Đôn Phục, theo ông Hoàng Sỹ Kiện – Chủ tịch UBND huyện, hàng tháng, huyện đều có công văn nhắc nhở, chỉ đạo các cấp ngành, địa phương quan tâm công tác quản lý, bảo vệ rừng. Vì nhận thấy tình trạng chặt phá rừng và lấn chiếm đất rừng vẫn xảy ra ở cơ sở nên ngày 15/4/2022, Ban Thường vụ Huyện ủy Con Cuông đã có cuộc làm việc với Thường trực đảng ủy các xã, thị trấn. Sau đó, đã có Thông báo số 247-TB/HU ngày 18/4/2022 thông báo kết luận của đồng chí Bí thư Huyện ủy về nội dung Ban Thường vụ làm việc với Thường trực Đảng ủy các xã, thị trấn. Tại đây nêu rõ các hạn chế, tồn tại ở một số địa phương khi còn để xảy ra tình trạng mua bán, phá rừng trái phép, lấn chiếm đất công…; đồng thời, đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm để cấp ủy, chính quyền các địa phương thực hiện.

Chủ tịch UBND huyện Con Cuông trao đổi: “UBND huyện sẽ tổ chức kiểm tra, nắm lại tình hình xã Đôn Phục. Quan điểm là không chỉ kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm về bảo vệ rừng, mà còn xem xét trách nhiệm, công tác chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền nơi để xảy ra vi phạm”.

 

Anh 4 2

Cây rừng bị chặt tại bản Tổng Tiến; Cây săng lẻ tại vùng rừng cộng đồng ở bản Tổng Tiến bị đào; Hình ảnh người dân cung cấp về hiện trạng chặt phá
rừng tự nhiên ở xã Đôn Phục

Theo Nhật Lân - Hoài Thu (baonghean.vn)
https://e.baonghean.vn/xu-ly-dut-diem-cac-vu-pha-rung-chiem-dat-o-xa-don-phuc/


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây