Thứ năm, 21/11/2024, 12:13

Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp phiên thường kỳ tháng 5

Chuyển đổi số - quy trình, cách làm và những vấn đề cần quan tâm; triển khai phân công nhiệm vụ tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020… là những nội dung chính được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thảo luận, cho ý kiến tại phiên họp thường kỳ tháng 5 tổ chức trong sáng 28/5. Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị. Dự họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Toàn cảnh phiên họp thường kỳ tháng 5.

Dự thảo Nghị quyết chuyển đổi số của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định 4 trụ cột sẽ được triển khai thực hiện. Đó là xây dựng chính quyền số, xã hội số, kinh tế số và hạ tầng số. Trong đó, các lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số gồm: xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử; lĩnh vực y tế, giáo dục; an ninh trật tự, ATGT; giao thông vận tải, logictic; nông nghiệp; văn hóa, du lịch; công thương, tài nguyên môi trường.

Đồng chí Ngọc Kim Nam - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy phát biểu góp ý về nội dung dự thảo Nghị quyết. 

Ý kiến BTV Tỉnh ủy thống nhất cần tập trung mạnh vào chính quyền số vì nó sẽ thúc đẩy các trụ cột còn lại như xã hội số, kinh tế số. Đồng thời, do thời gian đến năm 2025 không còn nhiều nên chỉ nên chọn một số nội dung chính để thực hiện.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Khối CCQ tỉnh phát biểu góp ý về nội dung dự thảo Nghị quyết.

Một số ý kiến cũng cho rằng: cần xem xét cân nhắc đối với một số chỉ tiêu để khi đưa ra có thể triển khai có hiệu quả như: quy định các cơ quan cấp Sở phải có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin; 60% các hộ gia đình mua sắm bằng hình thức thương mại điện tử; 80% sản phẩm OCOP tham gia các sàn thương mại điện tử.

Đồng chí Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy phát biểu góp ý về nội dung dự thảo Nghị quyết. 

Quan điểm của BTV Tỉnh ủy cũng đồng tình việc triển khai nội dung này cũng không nên nóng vội; tiên phong thực hiện trong các cơ quan Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội và ưu tiên các dịch vụ phục vụ thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Nguồn nhân lực và kinh phí thực hiện là một trong những khó khăn đối với tỉnh Nghệ An.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu góp ý về nội dung dự thảo Nghị quyết.

Vì vậy, ngoài đầu tư các hạng mục thiết yếu thì phương án thuê hạ tầng số của các doanh nghiệp là giải pháp phù hợp với điều kiện của tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trao đổi về một số nội dung dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. 

Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý lưu ý cơ quan soạn thảo phải có trọng tâm trong đánh giá tình hình. Cụ thể, phải nhận diện được Nghệ An đang ở vị trí nào trong chuyển đổi số quốc gia. Quan điểm chuyển đổi số cũng phải rõ ràng với mục đích cuối cùng là hướng tới người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Bí thư Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh: mỗi cơ quan tới đây cần có một người được đào tạo về công nghệ thông tin. Các chỉ tiêu đưa ra trong dự thảo Nghị quyết phải có khảo sát thực tế để có giải pháp thực hiện trong lộ trình. Đồng thời, cần có chỉ tiêu đánh giá kinh tế số đóng góp cho GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, từng đơn vị. Về xây dựng đô thị thông minh,Bí thư Tỉnh ủy đề nghị thí điểm thành công ở Thành phố Vinh, TX Cửa Lò, TX Hoàng Mai sau đó nhân rộng ra các địa phương còn lại. Cho rằng 9 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số là chưa tập trung, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý yêu cầu cần chú trọng vào xây dựng chính quyền số và các lĩnh vực thương mại, du lịch, an ninh trật tự…

Đồng chí Thái Thanh Quý - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An kết luận nội dung về dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. 

Phân công nhiệm vụ tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu tập trung cao độ cho nội dung này. Đề cao trách nhiệm các Sở, ban, ngành, các cấp ủy, tổ chức Đảng tổng kết và xây dựng báo cáo tổng kết của tỉnh; các tham luận, báo cáo chuyên đề tham gia hội thảo theo phân công của Ban Kinh tế trung ương; các sở, ngành, đơn vị của tỉnh phối hợp tốt với các Bộ, ngành, đơn vị trung ương để tổng kết Nghị quyết theo ngành, lĩnh vực, phối hợp xây dựng các báo cáo chuyên sâu. Cùng với đó, phối hợp với Thường trực Tổ Biên tập trung ương tổ chức khảo sát thực tế tại một số địa phương, khu vực, đơn vị kinh tế, xã hội; tổ chức các hoạt động tọa đàm, hội thảo về các nội dung liên quan.

Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu về nội dung dự thảo Đề án xây dựng Trường Chính trị tỉnh Nghệ An đạt chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn. 

Tiếp đó, BTV Tỉnh ủy cũng đã nghe và cho ý kiến đối với dự thảo đề án xây dựng trường Chính trị tỉnh Nghệ An đạt chuẩn. Giai đoạn 2017 – 2021, trường Chính trị Nghệ An được đánh giá là một trong những Trường trong hệ thống các trường chính trị cấp tỉnh có số lượng chỉ tiêu theo 6 nhóm tiêu chí đạt và vượt nhiều nhất so với chuẩn mức 1. Trên cơ sở 43 chỉ tiêu đã đạt, 7 chỉ tiêu đang hoàn thiện và 6 tiêu chí chưa đạt cùng lộ trình, kế hoạch hoàn thiện, Trường Chính trị tỉnh phấn đấu đạt chuẩn mức 1 vào giai đoạn 2022-2023 và đạt chuẩn mức 2 vào giai đoạn 2023-2027, định hướng đến năm2030 theo quy định 11 của Ban Bí thư. Ý kiến các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy và BTV Tỉnh ủy đề nghị Nhà trường cần xác định rõ mốc thời gian sẽ đạt chuẩn. Tỉnh sẽ hết sức quan tâm có chính sách đối với đội ngũ giáo viên; nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất Nhà trường. Tuy vậy, những cố gắng chủ quan của Nhà trường để khỏa lấp những chỉ tiêu chưa đạt là yếu tố quan trọng, nhất là những chỉ tiêu cho chuẩn giai đoạn 2 về: chất lượng đội ngũ, cơ sở vật chất khuôn viên. Trước mắt, quyết tâm tập trung đầu tư để Nhà trường hoàn thành chuẩn mức 1 vào cuối năm 2022; tiếp tục hoàn thành các tiêu chí để đến năm 2030 đạt chuẩn mức 2.
 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây