Thứ hai, 02/12/2024, 03:23

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý dự cuộc làm việc của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng

Sáng 1/8 tại Đà Nẵng, đoàn công tác của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng làm việc với các địa phương vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.

 

Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Ảnh: VGP/Minh Khôi
Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: VGP/Minh Khôi

Đồng chí Trần Hồng Hà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chủ trì.

Đồng chí Nguyễn Văn Quảng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng đồng chủ trì.

Dự cuộc làm việc có lãnh đạo một số ban, bộ, ngành và 14 tỉnh, thành phố trong vùng. Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An dự cuộc làm việc.

Đề xuất tiếp tục ưu tiên tạo đột phá hạ tầng giao thông Bắc - Nam, Đông - Tây

Cuộc làm việc hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng để góp phần chuẩn bị chu đáo, chất lượng các nội dung văn kiện, báo cáo kinh tế, xã hội 5 năm phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030), Nghị quyết Đại hội đảng bộ các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; đồng thời, đề xuất cách làm, giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tiếp theo (2026 - 2030).

Phát biểu tại cuộc làm việc, góp ý vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm (2021 - 2025), Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý nhận định: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành từ Trung ương đến địa phương đều hết sức khẩn trương, quyết liệt, linh hoạt và hiệu quả.

Tinh thần cải cách, phát triển, đối mới từ Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ, lan tỏa xuống các bộ, ngành, địa phương để quyết tâm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực; nhất là qua việc ứng phó với đại dịch Covid-19, thúc đẩy phục hồi kinh tế, chỉ đạo các công trình trọng điểm quốc gia… đã tạo ra những tiền đề rất quan trọng phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn tới.

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý phát biểu thảo luận tại cuộc làm việc. Ảnh: VGP/Minh Khôi
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý phát biểu thảo luận tại cuộc làm việc. Ảnh: VGP/Minh Khôi

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, thách thức vượt xa so với dự báo và khó đoán định; tuy vậy, với sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta đạt được nhiều thành tựu quan trọng như: quy mô nền kinh tế tăng; giá trị thương hiệu quốc gia tăng; kết quả trong phát triển hạ tầng giao thông, nhất là hệ thống cao tốc; chỉ số phát triển con người tăng; làm tốt công tác an sinh xã hội;...

Theo Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, các chỉ tiêu trên cần được nhấn mạnh trong bối cảnh so sánh tương quan với tăng trưởng và phục hồi của kinh tế thế giới và khu vực, trong khi nhiều nền kinh tế tăng trưởng âm thì Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng, cao hơn so với dự báo của nhiều tổ chức quốc tế.

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, việc Bộ Chính trị ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh các vùng kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chính phủ đã khẩn trương ban hành các chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị.

“Điều đó đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Chính phủ đối với sự phát triển của các vùng, là cơ sở chính trị quan trọng để xây dựng các cơ chế, chính sách mới, nhằm khai thác và phát huy cao nhất mọi tiềm năng, lợi thế để vùng và các địa phương trong vùng phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới”, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An phát biểu.

Cho rằng, trong giai đoạn 2026 - 2030, thuận lợi vẫn sẽ là cơ bản, song đan xen với đó còn không ít khó khăn, thách thức, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý đề nghị cần tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, do đây vẫn là điểm nghẽn trong nhiều nhiệm kỳ.

Theo đó, cần quyết liệt tháo gỡ những chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, nhất là các quy định pháp luật trên các lĩnh vực như: đầu tư, tài chính, quản lý đất đai, lâm nghiệp, phương thức đối tác công - tư… để khơi thông được nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển vùng đảm bảo các quy định pháp lý; các cơ chế, chính sách ưu tiên, có tính đặc thù của vùng trong các ngành, lĩnh vực để triển khai thực hiện có hiệu quả.

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cũng đề nghị tiếp tục có giải pháp tạo đột phá trong phát triển hạ tầng, nhất là các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, các dự án giao thông đường bộ liên vùng, các tuyến đường bộ cao tốc, hàng không, đường sắt tốc độ cao,…

bna_uploaded-quanganbna-2024_04_27-_bna-cao-5-5700.jpg
Đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Nghệ An. Ảnh tư liệu: P.V

“Nếu như giai đoạn 2021 - 2025, chúng ta đã tạo ra sự đột phá về mạng lưới đường bộ cao tốc thì trong giai đoạn 2026-2030 cần tập trung để tạo đột phá trong đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và các tuyến đường sắt đô thị”, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đề xuất.

Đồng thời, tăng cường, tạo đột phá hơn nữa đề đầu tư kết nối giao thông Đông - Tây nhằm rút ngắn được khoảng cách phát triển giữa khu vực đồng bằng phía Đông và các khu vực miền núi phía Tây; kết nối giao thông đối ngoại với Lào và Đông Bắc Thái Lan như: đường bộ cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn…

Liên quan đến huy động các nguồn lực, bên cạnh đầu tư công, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đề nghị trong nhiệm kỳ mới cần nghiên cứu, hoàn thiện tạo ra được đột phá lớn về thể chế trong huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực xã hội hóa cho phát triển.

Đối với nguồn nhân lực, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý nêu ý kiến trên 2 khía cạnh. Trước hết, cần sớm hướng dẫn cụ thể hơn, có cơ chế rõ ràng hơn để bảo vệ, giúp cán bộ, công chức các cấp, các ngành phát huy vai trò sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, yên tâm thực thi công vụ theo Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ.

Mặt khác, nên có chiến lược đào tạo nguồn lực chất lượng cao để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho từng địa phương, vùng và cho cả nước bạn Lào.

Phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm

Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao những ý kiến đóng góp làm mới những nội dung, nhiệm vụ đã được nêu trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIV, nhất là nhóm vấn đề mới đặt ra đối với cả nước, cũng như từ đặc trưng, thực tiễn của các địa phương vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Thường trực Tiểu ban Kinh tế - Xã hội phát biểu kết luận. Ảnh: VGP/Minh Khôi
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà - Thường trực Tiểu ban Kinh tế - Xã hội phát biểu kết luận. Ảnh: VGP/Minh Khôi

Phó Thủ tướng Chính phủ đồng thời trao đổi các nội dung mà lãnh đạo các địa phương nêu ý kiến, trong đó, đối với công tác xây dựng thể chế cần đổi mới mạnh mẽ theo hướng tạo không gian phát triển mới, phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm từ người quản lý đến doanh nghiệp, người dân.

Đồng thời, cùng với việc thể chế hóa vai trò, vị trí, công cụ quản lý của Hội đồng Điều phối vùng đối với những hoạt động mang tính liên kết vùng về địa lý, tự nhiên, văn hóa, xã hội, kinh tế… các địa phương phải chủ động thống nhất quy chế hoạt động, tổ chức lựa chọn những nhiệm vụ, thứ tự ưu tiên các công trình, dự án cấp vùng nhằm triển khai quy hoạch vùng, tăng cường liên kết vùng;…


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây