Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo CCHC tỉnh chủ trì, điều hành.
Dự cuộc làm việc có đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Chỉ đạo tỉnh và các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo.
Có nhiều chuyển biến tích cực
Năm 2024, Nghệ An lãnh đạo, chỉ đạo công tác CCHC với phương châm “chọn việc trọng tâm - hành động quyết liệt”; theo đó đã ban hành kế hoạch công tác với 40 nhiệm vụ trọng tâm; đồng thời lựa chọn 7 đơn vị điểm: Sở Tư pháp, Sở Giao thông vận tải, Ban Quản lý KKT Đông Nam, UBND thị xã Hoàng Mai và UBND các huyện: Đô Lương, Nghĩa Đàn, Hưng Nguyên.
Qua đánh giá của Ban Chỉ đạo tỉnh cho thấy, 6 tháng đầu năm, công tác CCHC có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, trực tiếp là đồng chí bí thư cấp uỷ, trưởng ban chỉ đạo CCHC của các ngành, các địa phương. Công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp quyết liệt hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Công tác CCHC gắn với trách nhiệm người đứng đầu ngày càng rõ hơn, đầy đủ hơn. Ý thức, thái độ, tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về cơ bản có sự chuyển biến tích cực.
Sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, những mô hình, cách làm mới, sáng tạo trong CCHC của tỉnh được Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ đánh giá cao, ghi nhận sự nỗ lực và biểu dương.
Thông qua kết quả xếp hạng Chỉ số CCHC (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2023 đều tăng (chỉ số PAR INDEX xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố, tăng 1 bậc, đứng thứ nhất trong 6 tỉnh Bắc Trung Bộ; Chỉ số SIPAS xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố, tăng 2 bậc, xếp thứ 2 trong 6 tỉnh Bắc Trung Bộ).
Tại cuộc làm việc, các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh cơ bản thống nhất với các báo cáo, đánh giá trong 6 tháng đầu năm; đồng thời trao đổi, đề xuất bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp cho 6 tháng cuối năm.
Trên cơ sở phân tích thêm các tồn tại, hạn chế và chỉ ra các nguyên nhân cơ bản nhất vẫn là yếu tố con người, cụ thể là ý thức, trách nhiệm thực thi công vụ, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu đề nghị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách liên quan đến công tác cải cách hành chính để người dân, doanh nghiệp nắm được quyền, nghĩa vụ của các chủ thể liên quan khi thực hiện các thủ tục hành chính, đồng thời để nâng cao ý thức, trách nhiệm cán bộ, đảng viên.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cũng đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý hành chính; quy trách nhiệm của người đứng đầu để các cơ quan, đơn vị quyết liệt thực hiện tự luân chuyển cán bộ trong cơ quan mình nếu có dư luận; tăng cường kiểm tra, giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với hoạt động CCHC.
Ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị quan tâm thêm nguồn lực tương xứng để thực hiện chuyển đổi số; biểu dương, khuyến khích, tạo không khí thi đua giữa các địa phương, sở, ngành trong thực hiện Chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành và địa phương (DDCI); quan tâm chỉ đạo thực hiện Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII); nâng cao kỹ năng hướng dẫn, giải thích cho người dân, doanh nghiệp một cách thấu đáo; đẩy mạnh thực hiện Đề án 06.
Các ý kiến cũng tập trung phân tích các nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Nghệ An không ổn định; gắn với đề ra các giải pháp khắc phục, nhất là với các chỉ số thành phần qua đánh giá vừa qua còn thấp.
Lắng nghe dư luận để chỉ đạo kiểm tra, xác minh, chấn chỉnh
Phát biểu kết luận, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý ghi nhận kết quả triển khai kế hoạch của Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh với 24/40 nhiệm vụ trong năm nay đã hoàn thành; thực hiện Đề án 06 được Trung ương đánh giá tốt, mang lại nhiều thuận lợi cho người dân; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị rất rõ, thúc đẩy nhiệm vụ cải cách hành chính, nhất là từ khi thành lập ban chỉ đạo các cấp, ngành;…
Tuy vậy, Bí thư Tỉnh ủy bày tỏ những trăn trở khi còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức bị người dân, doanh nghiệp phản ánh, bị xử lý kỷ luật hành chính, thậm chí bị xử lý hình sự.
Các chỉ số PCI, PAPI bị tụt hạng. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến còn thấp. Kết quả tại các đơn vị được chỉ đạo điểm vẫn chưa rõ.
Lấy ví dụ về việc thi công đường dây 500kV mạch 3 đạt tiến độ thần tốc từ khi khởi công đến nay mới chỉ hơn 7 tháng song đã cơ bản hoàn thành và dự kiến sẽ khánh thành vào tháng 8/2024, trong đó tỉnh Nghệ An đã phối hợp thực hiện hiệu quả các phần việc liên quan, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh vấn đề mấu chốt là ở yếu tố con người, mà điều quan trọng là quyết tâm của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực thi công vụ; người đứng đầu phải trăn trở, suy nghĩ có giải pháp để giải quyết vấn đề.
Trực tiếp nêu tên một số cá nhân ở một số cơ quan, đơn vị cấp tỉnh có dư luận phản ánh không tốt, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đó theo dõi, nhắc nhở, uốn nắn (nếu có); sau đó nếu không chuyển biến thì có biện pháp xử lý.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đề nghị Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh tập trung chỉ đạo hoàn thành kế hoạch năm 2024, nhất là các đơn vị chỉ đạo điểm phải tạo được chuyển biến rõ nét; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh là Sở Nội vụ nghiên cứu, tham mưu phương pháp để tiếp thu ý kiến phản ánh của người dân, doanh nghiệp thông qua ứng dụng công nghệ.
Bên cạnh đó, tỉnh cần tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 06, gắn trách nhiệm của người đứng đầu; trong đó Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý thống nhất với đề xuất chọn thành phố Vinh làm đơn vị điểm triển khai Đề án 06 của tỉnh.
Các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung bám sát để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua 2 đề án lớn là: Sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 – 2025 và mở rộng địa giới hành chính, không gian đô thị thành phố Vinh.
Người đứng đầu Tỉnh ủy Nghệ An đồng thời yêu cầu đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; trong đó cần tăng cường lắng nghe dư luận, nếu có phản ánh thì tham mưu Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh trực tiếp làm việc với cơ quan, đơn vị có cán bộ, công chức, viên chức bị phản ánh, để yêu cầu người đứng đầu kiểm tra, chấn chỉnh (nếu có); gắn với công tác hậu kiểm để xem xét tại các cơ quan, đơn vị đó có chuyển biến hay không.
Đồng chí Trưởng ban Chỉ đạo CCHC tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu có nên thành lập trung tâm phát triển quỹ đất ở một số địa phương trọng điểm, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến trong phiên họp tháng 8 tới đây; tiếp tục giao Sở Nội vụ kiểm soát số lượng tuyển dụng giáo viên ở các địa phương, song phải thực hiện nhanh, khách quan; kiện toàn Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh với sự bổ sung giám đốc các sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng và Trưởng ban Quản lý KKT Đông Nam, đồng thời mời thủ trưởng các cơ quan ngành dọc Trung ương trên địa bàn tỉnh là Cục Thuế, Cục Hải quan tỉnh tham gia;…