Thứ bảy, 07/09/2024, 22:26

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung thăm và làm việc tại Trung Quốc

Chiều 26/5, bắt đầu chuyến thăm, làm việc tại Trung Quốc, đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Nghệ An đã làm việc với Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu; thăm Di tích Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và dâng hoa, dâng hương tưởng niệm liệt sĩ Phạm Hồng Thái.

Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Nghệ An do đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn.

Tham gia đoàn có các đồng chí: Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Đặng Thanh Tùng - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Lê Tiến Trị - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam; Phạm Văn Hoá - Giám đốc Sở Công thương; Lê Quốc Khánh - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh uỷ; Trần Khánh Thục - Giám đốc Sở Ngoại vụ; Nguyễn Văn Trường - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Tiếp và làm việc với đoàn, có đồng chí Vũ Việt Anh - Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu; cùng các cán bộ trong Tổng lãnh sự.

bna-img-0929-1640.jpg.webp
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung gặp gỡ, chào hỏi, làm việc với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu. Ảnh: Phạm Bằng

Tại thành phố Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung đã gặp gỡ, làm việc với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung bày tỏ vui mừng được gặp và làm việc với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu; đồng thời gửi lời cảm ơn chân thành tới Tổng lãnh sự cùng các cộng sự đã dành thời gian đón tiếp cũng như đã hỗ trợ kết nối, sắp xếp chương trình làm việc của đoàn tại tỉnh Quảng Đông.

bna-img-0872-8321.jpg.webp
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cảm ơn sự đón tiếp, hỗ trợ, kết nối của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam đối với đoàn. Ảnh: Phạm Bằng

Chủ tịch UBND tỉnh đã thông báo chương trình chuyến thăm, làm việc của đoàn tại Trung Quốc theo chương trình hoạt động đối ngoại của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Chuyến làm việc nhằm tiếp tục vận động thu hút đầu tư đối với các nhà đầu tư đã và đang có ý định đầu tư vào Nghệ An.

Thông tin khái quát tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho biết, điểm sáng của tỉnh trong thời gian qua là thu hút đầu tư nước ngoài. Do có sự chuẩn bị chu đáo về hạ tầng, nhân lực, chính sách, thủ tục, 2 năm gần đây, Nghệ An đã chuyển mình vươn lên, liên tiếp nằm trong tốp 10 các địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước.

bna-img-0897-8400.jpg.webp
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình và lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự cuộc làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Đến nay, toàn tỉnh có 137 dự án FDI còn hiệu lực đến từ 14 quốc gia, tổng vốn đầu tư đạt hơn 4,2 tỷ USD. Riêng các đối tác đến từ Trung Quốc, Nghệ An đã thu hút được 44 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt hơn 2,33 tỷ USD. Nghệ An đã hình thành một hệ sinh thái các nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất điện tử của Trung Quốc như: Foxconn, Goertek, Everwin, Ju Teng...

Các dự án này chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, pin năng lượng mặt trời, thấu kính quang học cung cấp cho các tập đoàn lớn; sản xuất bao bì và các sản phẩm từ nhựa; may mặc; chế biến thực phẩm.

bna-img-0881-9563.jpg.webp
Lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự cuộc làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, tỉnh đã chuẩn bị các điều kiện thuận lợi về quy hoạch, mặt bằng khu công nghiệp, hạ tầng giao thông; đồng thời được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39 và dự kiến tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh.

Vì vậy, đồng chí mong muốn Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu quan tâm, hỗ trợ và là cầu nối cho các cơ quan, cộng đồng doanh nghiệp giữa Nghệ An với các đối tác Trung Quốc trong việc tăng cường các hoạt động hợp tác thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại thời gian tới.

Hoan nghênh đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Nghệ An sang thăm và làm việc tại Quảng Đông, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu Vũ Việt Anh nhấn mạnh, nếu nói Trung Quốc là "công xưởng của thế giới" thì tỉnh Quảng Đông là "công xưởng của Trung Quốc".

bna-img-0965-6261.jpg.webp
Đồng chí Vũ Việt Anh - Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc) phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Phạm Bằng

Để thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Việt Nam, việc hợp tác với tỉnh Quảng Đông hết sức hiệu quả và có vai trò quan trọng. Bởi hiện nay, GDP của tỉnh Quảng Đông đạt khoảng 1.900 tỷ USD, chiếm 13% GDP của Trung Quốc, hơn 40 năm qua liên tục có tốc độ phát triển đứng đầu Trung Quốc.

Đồng chí Vũ Việt Anh cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng gần gũi có nhiều nét tương đồng về văn hóa, xã hội, chính trị. Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian qua ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực.

bna-img-1009-4419.jpg.webp
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung tặng quà lưu niệm đến Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu. Ảnh: Phạm Bằng

Việt Nam coi Trung Quốc là đối tác ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại. Trung Quốc coi Việt Nam là ưu tiên rất quan trọng trong chính sách ngoại giao láng giềng. Dựa trên điều kiện của mỗi nước, việc Việt Nam nói chung và các tỉnh, thành nói riêng hợp tác với Trung Quốc là nhu cầu, sự cần thiết và mang lại lợi ích cho cả 2 bên.

Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu Vũ Việt Anh cũng chia sẻ một số vấn đề trong công tác thu hút đầu tư tại tỉnh Quảng Đông và chúc cho tỉnh Nghệ An nói chung, đoàn công tác nói riêng gặt hái được nhiều thành công, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng hùng cường, giàu mạnh, văn minh.

bna-img-1033-1341.jpg.webp
Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Nghệ An đã đến thăm Di tích Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Ảnh: Phạm Bằng

Tiếp đó, đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Nghệ An đã đến thăm Di tích Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại căn nhà số 13 (nay là 248 - 250) đường Văn Minh, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông - địa danh gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1924 đến năm 1927.

Căn nhà số 13 là trụ sở của Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, và ra tờ báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Hội. Tại đây, Nguyễn Ái Quốc đã mở ba lớp huấn luyện chính trị, đào tạo cán bộ cách mạng Việt Nam, với tổng số 75 người. Người trực tiếp phụ trách và là giảng viên chính.

bna-img-1045-6493.jpg.webp
Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Nghệ An thăm quan Di tích Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Ảnh: Phạm Bằng

Năm 1971, căn nhà số 13 đường Văn Minh được Nhà nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa quyết định giữ gìn làm Di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, lấy tên là “Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên”. Di tích thuộc quyền quản lý của Bảo tàng Lịch sử Cách mạng Quảng Đông, đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hoá quốc gia Trung Quốc.

Năm 2002, Chính quyền thành phố Quảng Châu đã đầu tư tu sửa toàn diện Di tích và khánh thành Di tích vào ngày 30/4/2002 nhân dịp kỷ niệm 112 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

bna-img-1137-5234.jpg.webp
Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Nghệ An chụp ảnh lưu tại căn nhà số 13, nay là số 248-250, Di tích Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Ảnh: Phạm Bằng

Trong nhiều năm qua, Bảo tàng Lịch sử Cách mạng Quảng Đông, Cục Văn hoá Quảng Châu đã giữ gìn và phát huy tác dụng Di tích lịch sử này. Di tích trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên gồm: Lớp học, phòng Bác ở, phòng ở của các học viên, bếp và gian trưng bày các tư liệu về thời kỳ Bác hoạt động ở Quảng Châu những năm 1924 - 1927.

Di tích là địa chỉ đỏ quan trọng cho những người dân Việt Nam tới thăm mỗi khi đến Quảng Châu, là một minh chứng sống động cho những năm tháng hoạt động sôi nổi của Nguyễn Ái Quốc trên đất bạn và cũng là hiện thân cho tình hữu nghị giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

bna-img-1158-938.jpg.webp
Căn nhà số 13 (nay là 248 - 250) đường Văn Minh, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông - địa danh gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1924 đến năm 1927. Ảnh: Phạm Bằng

Trong chương trình, đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Nghệ An đã đến đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm liệt sĩ Phạm Hồng Thái tại Công viên nghĩa trang liệt sĩ Hoàng Hoa Cương, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của liệt sĩ Phạm Hồng Thái.

Tại đây, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung và đoàn đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ liệt sĩ Phạm Hồng Thái, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước sự hy sinh anh dũng của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, nguyện phát huy truyền thống đoàn kết, cách mạng, ý chí tự lực tự cường, xây dựng tỉnh Nghệ An phát triển nhanh, bền vững.

bna-img-1246-2579.jpg.webp
Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Nghệ An đã đến đến đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm liệt sĩ Phạm Hồng Thái tại Công viên nghĩa trang liệt sĩ Hoàng Hoa Cương, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông. Ảnh: Phạm Bằng
bna-img-1270-432.jpg.webp
Mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái trong Công viên nghĩa trang liệt sĩ Hoàng Hoa Cương, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông. Ảnh: Phạm Bằng

Liệt sĩ Phạm Hồng Thái (sinh năm 1895, quê quán xã Hưng Nhân, nay là xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An), là một chiến sĩ yêu nước của Việt Nam đã hy sinh tại Quảng Châu vào ngày 19/6/1924.

Khi đó, đồng chí Phạm Hồng Thái cùng tổ chức Tâm Tâm xã (tiền thân của Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội) tổ chức ám sát Toàn quyền Đông Dương Martial Merlin khét tiếng khi đang công tác tại Quảng Châu.

bna-1-5168.jpg.webp
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung dâng hoa trước mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái. Ảnh: Phạm Bằng
bna-img-1212-9897.jpg.webp
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung dâng hương tưởng niệm liệt sĩ Phạm Hồng Thái. Ảnh: Phạm Bằng
bna-img-1222-756.jpg.webp
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình dâng hương tưởng niệm liệt sĩ Phạm Hồng Thái. Ảnh: Phạm Bằng

Vụ ám sát bất thành, toàn quyền Merlin chỉ bị thương. Bị địch truy nã gắt gao, liệt sĩ Phạm Hồng Thái đã gieo mình xuống dòng Châu Giang tự vẫn. Sự kiện này đã để lại tiếng vang rất lớn tại Trung Quốc cũng như trên thế giới với tên gọi “Tiếng bom Sa Diện”.

Sau khi chính quyền thực dân ở khu Sa Diện vớt được xác đồng chí Phạm Hồng Thái, chính quyền thành phố Quảng Châu lúc đó đã đứng ra đề nghị xin chôn cất. Năm 1925, Chính phủ Trung Hoa dân quốc chuyển nơi táng đầu tiên của đồng chí ở chân núi Bạch Vân về khu nghĩa trang Hoàng Hoa Cương ngày nay.

bna-img-1256-5976.jpg.webp
Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Nghệ An dành phút mặc niệm tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ Phạm Hồng Thái. Ảnh: Phạm Bằng

Trước khuôn viên ngôi mộ có một tấm bia lớn ghi bằng chữ Hán lược thuật lại hành động anh hùng của đồng chí. Mộ phần của đồng chí Phạm Hồng Thái có đặt dòng chữ “Mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái” bằng tiếng Việt và tiếng Trung Quốc. Nơi đây đã trở thành địa chỉ đỏ để mỗi người dân Việt Nam khi đến Quảng Châu tìm về thăm viếng.

Phạm Bằng/baonghean.vn


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây