Đây cũng là hoạt động hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025).

Tham dự chương trình có đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, các nhà báo lão thành, lãnh đạo Hội qua các thời kỳ, đại diện Hội Nhà báo 63 tỉnh, thành phố, các chi hội, liên chi hội trực thuộc và đại diện lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên.

Tại Khu Di tích Đèo De – xã Phú Đình, các đại biểu đã dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đoàn đã đến thăm Khu Di tích nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc. Đây là nơi Hội Nhà báo được thành lập vào ngày 21/4/1950 – dấu mốc quan trọng trong lịch sử Báo chí Cách mạng.

Tại đây, đoàn công tác của Hội Nhà báo Việt Nam đã trao tặng những phần quà ấm áp đến các gia đình thương binh, liệt sĩ và các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Điềm Mặc, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc và trách nhiệm của những người làm báo đối với cộng đồng, đặc biệt là những người đã có những đóng góp, hy sinh to lớn vì độc lập, tự do của Tổ quốc, tiếp nối truyền thống uống nước nhớ nguồn tốt đẹp của dân tộc.
Đoàn cũng đến thăm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ - ngôi trường đào tạo báo chí đầu tiên của nước ta.
Tại đây, Chủ tịch Lê Quốc Minh khẳng định, dù Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng nay đã là di tích lịch sử, nhưng "tinh thần Huỳnh Thúc Kháng, tinh thần những nhà báo chiến sĩ năm xưa sẽ mãi trường tồn cùng sự nghiệp Báo chí cách mạng của chúng ta!".

Chương trình “Về nguồn” là dịp để các nhà báo trong cả nước ôn lại truyền thống, nhắc nhớ chặng đường hình thành và phát triển của Hội Nhà báo Việt Nam, đồng thời thể hiện sự tri ân với thế hệ đi trước và trách nhiệm của người làm báo hôm nay./.
Như Biển