Cửa Lò - Nghệ An là vùng “địa linh nhân kiệt”, không chỉ là nơi “Lò thiên địa đúc nên nền khanh tướng”, khơi dậy niềm tự hào về một vùng đất giàu tiềm năng, với những con người làm nên lịch sử to lớn cho dân tộc mà mảnh đất này còn được ví là “viên ngọc xanh” của vùng biển Bắc Trung Bộ, đang vươn mình phát triển.
Người khai canh lập làng ban đầu của vùng đất Cửa Lò là Nguyễn Hội (thân phụ Nguyễn Xí). Trên phần đất đai của gia đình, Nguyễn Hội đã chiêu dân lập nên hai đồng muối ở Thượng Xá và Yên Lương và trở nên giàu có (các nại muối này, ngày nay không còn nữa, do đất phù sa bồi lấp dần).
Nguyễn Xí, với công lao to lớn được Vua Lê Thái Tổ ban thưởng lộc điền hơn 5.000 mẫu, nằm ở giữa Cửa Lò và Cửa Hội ngày nay. Các dòng họ đến định cư, khai phá đất đai để sinh sống ở Cửa Lò theo các mốc thời gian khác nhau như: họ Chế, họ Phùng, họ Nguyễn, họ Hoàng, họ Lê, họ Trần,... Mỗi họ lại có nhiều dòng, chi khác nhau. Trải qua năm tháng, dân cư phát triển ngày càng đông đúc, hình thành các làng, xã quần tụ xây dựng đời sống ổn định.
Tuy cuộc sống rất khổ cực nhưng sự học vẫn được người dân nơi đây coi là việc trọng. Qua khảo sát tìm hiểu ở vùng Cửa Lò, riêng làng Vạn Lộc đã có nhiều vị đậu đại khoa: Hoàng Văn Cư, đậu Cử nhân năm 1903, đậu Phó bảng khoa Giáp Thìn, Thành Thái thứ 16 (1904). Họ Nguyễn có một gia tộc, cả ba thế hệ ông, cha, cháu nối tiếp nhau đậu đạt qua các triều đại: người ông là Nguyễn Huy Triêm, đậu Cử nhân năm Kỷ Mão, năm Gia Long thứ 18 (1819), làm quan Án sát, rồi chức Đốc học; người cha là Nguyễn Đào, đậu Cử nhân khoa Mậu Tý, năm Đồng Khánh thứ 3 (1888); người con là Nguyễn Huy Nhu, đậu Đệ tam giáp Tiến sĩ khoa Bính Thìn, năm Khải Định thứ nhất (1916), làm quan giáo thụ ở Thanh Hóa...; về các thầy thuốc giỏi, thời xưa, riêng làng Vạn Lộc có danh y Hoàng Nguyên Cát, Thái y Hoàng Nguyên Lễ, Chánh ngự y Phạm Văn Dụ,...
Năm 1986, thị trấn Cửa Lò được thành lập với 14.532 nhân khẩu (trên cơ sở diện tích, dân số của 2 xã Nghi Tân và Nghi Thủy cùng 82 ha diện tích tự nhiên của xã Nghi Thu và 15 ha diện tích tự nhiên của xã Nghi Hợp). Ngày 29/8/1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 113-CP thành lập thị xã Cửa Lò trực thuộc tỉnh Nghệ An (trên cơ sở thị trấn Cửa Lò và 4 xã: Nghi Thu, Nghi Hương, Nghi Hòa, Nghi Hải; 50 ha diện tích tự nhiên, 2991 nhân khẩu của xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc) Sau khi thành lập, thị xã có nhiều thuận lợi về giao thông, cơ sở vật chất, hệ thống điện, đường, trường, trạm. Sự mở rộng không gian từ thị trấn lên thị xã được tổ chức song hành với việc phát triển mạnh mẽ các ngành kinh tế trọng điểm trên địa bàn, trong đó, chủ lực là tập trung phát triển du lịch biển và các ngành dịch vụ phục vụ du lịch biển.
Truyền thống yêu nước và cách mạng là một trong những nét đẹp nổi bật và đáng trân trọng, cần lưu giữ và phát huy của nhân dân thị xã Cửa Lò. Đặc biệt, trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, vùng biển Cửa Lò là một trong những địa bàn trọng điểm đánh phá của đế quốc Mỹ. Dưới sự lãnh đạo của các cấp bộ đảng, quân dân huyện Nghi Lộc nói chung, Cửa Lò nói riêng đã thực hiện tốt vai trò hậu phương của tiền tuyến lớn miền Nam, tiền tuyến của hậu phương miền Bắc với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”; với tinh thần vì miền Nam ruột thịt “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, hưởng ứng phong trào chi viện cho tiền tuyến miền Nam, quân dân Cửa Lò đã tích cực tham gia chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam.
“
Với những thành tích xuất sắc trong chống Mỹ, cứu nước, nhiều đơn vị và cá nhân trong địa phương thuộc thị xã Cửa Lò hiện nay đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nhiều bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đó là niềm tự hào và vinh dự lớn lao của Đảng bộ và nhân dân thị xã.
Không chỉ là nơi “Lò thiên địa đúc nên nền khanh tướng”, khơi dậy niềm tự hào về một vùng đất gan góc, kiên cường, Cửa Lò còn có lợi thế về cảnh quan và những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể cùng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, vùng đất giàu tiềm năng, được xác định là vùng trọng điểm thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh Nghệ An và du lịch biển Việt Nam.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Cửa Lò lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu đưa thị xã phát triển toàn diện, vững chắc, văn minh, hiện đại, cùng với thành phố Vinh trở thành cực tăng trưởng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Ngày 14/6/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về “Xây dựng và phát triển Cửa Lò đến năm 2025 và những năm tiếp theo” với mục tiêu trọng tâm, đưa thị xã Cửa lò phát triển nhanh, bền vững, cùng với thành phố Vinh trở thành đầu tàu tăng trưởng, trung tâm đổi mới, sáng tạo của tỉnh Nghệ An và vùng Bắc Trung Bộ.
Để thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ VI đề ra, thị xã Cửa Lò xác định 4 mũi kinh tế trọng tâm. Ngoài phát triển kinh tế du lịch đó còn là kinh tế cảng biển; kinh tế nghề cá và hậu cần nghề cá; kinh tế nông nghiệp. Do đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thị ủy đã ban hành Chương trình thu hút đầu tư, tập trung nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển.
Triển khai Đề án Ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác, chế biến hải sản và sản xuất nông nghiệp sạch tạo sản phẩm phục vụ du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo theo Quyết định số 3434/QĐ-UBND, ngày 31/12/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh và Đề án Phát triển du lịch bền vững gắn với phát triển kinh tế biển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, UBND thị xã hỗ trợ 10 triệu đồng đối với sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao; 15 triệu đồng đối với sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao và 20 triệu đồng đối với sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao. Do đó, tính đến 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn thị xã có hơn 15 sản phẩm được công nhận là OCOP 4 sao, có thêm 8 sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng OCOP.
Thị ủy quyết liệt chỉ đạo nâng cao năng lực khai thác, đánh bắt cho người dân phường Nghi Thủy, đồng thời, khôi phục nghề biển ở 2 phường (Nghi Tân, Nghi Hải) lâu nay đã mai một thông qua việc tạo điều kiện để người dân tiếp cận về vốn, tổ chức các lớp đào tạo nghề, hình thành một lực lượng lao động thanh niên làm nghề biển ở Cửa Lò.
Một trong những dấu ấn nổi bật của thị xã Cửa Lò trong giai đoạn thực hiện Nghị quyết Đảng bộ thị xã lần thứ VI là đã thực hiện tốt thu hút đầu tư, tập trung nguồn lực xây dựng kết cầu hạ tầng kinh tế đồng bộ, từng bước hiện đại, thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch thị xã, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển. Giai đoạn 2021 - 2023, tổng nguồn đầu tư phát triển xã hội của thị xã là 23.910 tỷ đồng. Với nguồn vốn này, thị xã đã xây dựng tập trung chỉ đạo thi công các công trình trọng điểm theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thị xã, xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, cùng với đầu tư của tỉnh, trung ương và các doanh nghiệp, cụ thể như năm 2021, đã thông cầu Cửa Hội, tuyến đường ven biển, triển khai dự án khu vui chơi giải trí Cửa Hội...
Trong suốt năm 2023, thị xã Cửa Lò là một đại công trường rộn vang tiếng máy móc, đẩy nhanh tiến độ trong việc tạo nên gương mặt mới cho đô thị biển, trong đó, Dự án cáp treo “Cửa Hội - Đảo Ngư” dài 3,5km với công suất phục vụ 1.500 khách/giờ đã được hoàn thành, Dự án này kết nối tổ hợp công viên vui chơi giải trí Cửa Hội đa chức năng trên diện tích 195,5ha, tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng đã trở thành điểm nhấn quan trọng, góp phần tạo nên diện mạo mới cho đô thị biển. Ngoài ra, thị xã còn nâng cấp mở rộng đường Bình Minh dài 7,54km với vốn đầu tư 310 tỷ đồng, xây dựng kè biển kết hợp đường dạo bộ ven biển dài 4,3km xây dựng chợ đêm, phố đi bộ trên đường Nguyễn Huệ (phường Nghi Thu) cùng với 7 điểm check-in tại Lâm viên bãi tắm, chợ bán mực nháy ban đêm trên tuyến đường ra đảo Lan Châu và làng chài ở phường Nghi Thủy phục vụ khách tham quan.
Ngoài các dự án trọng điểm, thị xã đang tiếp tục triển khai 15 hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật như: Hệ thống chiếu sáng, vỉa hè, mương thoát nước, trồng cây xanh trên một loạt tuyến đường... Đến cuối năm 2023, các dự án của nhà đầu tư, ngân sách tỉnh trên địa bàn như: dự án khu vui chơi giải trí Cửa Hội, đường ven biển, Đại lộ Vinh - Cửa Lò, đường Sào Nam, đường dọc số 5, dự án chung cư và biệt thự cao cấp kết hợp thương mại dịch vụ và đường Quốc gia ven biển (giai đoạn 2 đoạn qua phường Nghi Tân)... đã được hoàn thiện đúng tiến độ. Và thị xã Cửa Lò của năm 2024 đã có một sự đột phá mang tính bước ngoặt với một gương mặt mới, quy củ, hiện đại.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm, truyền thống hiếu học, học giỏi và khoa bảng, chất lượng giáo dục ngày càng khẳng định vị trí trong những đơn vị tốp đầu của tỉnh. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tập trung với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong công tác tư tưởng, công tác dân vận, công tác xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức Đảng, phát triển đảng viên...
Đặc biệt, thị xã đã xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp năng động, sáng tạo, nhiệt huyết, trách nhiệm với quê hương và tận tụy với nhân dân… Công tác quốc phòng - an ninh giữ vững ổn định, tạo môi trường an toàn, lành mạnh để nhân dân và doanh nghiệp phát triển.
Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển (29/8/1994 - 29/8/2024), từ một thị xã có diện tích nhỏ nhất nước, cơ sở vật chất lạc hậu, hạ tầng kinh tế - xã hội chưa theo kịp nhu cầu phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân còn ở mức thấp, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự quan tâm đầu tư của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã các khóa, sự điều hành của chính quyền và sự đồng thuận, nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, Đảng bộ và nhân dân thị xã Cửa Lò đã tập trung khắc phục mọi khó khăn, thử thách, đoàn kết, năng động và phát huy tốt những tiềm năng, lợi thế của địa phương, tranh thủ sự quan tâm giúp đỡ, đầu tư của các cấp, các ngành để xây dựng thị xã ngày càng phát triển, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Trở thành đô thị du lịch biển đầu tiên của cả nước, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách gần xa và thị xã Cửa Lò đang trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế trọng điểm của tỉnh.
“
Đảng bộ và nhân dân thị xã Cửa Lò đã tập trung khắc phục mọi khó khăn, thử thách, đoàn kết, năng động và phát huy tốt những tiềm năng, lợi thế của địa phương để xây dựng thị xã ngày càng phát triển...
Thành tựu vẻ vang của Đảng bộ thị xã Cửa Lò trong suốt 30 năm qua đã khẳng định sự đúng đắn và sáng tạo trong đường lối đổi mới toàn diện đất nước, vai trò chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng và từ sức mạnh đại đoàn kết của nhân dân trên địa bàn. Toàn bộ hoạt động của Đảng đều xuất phát từ nguyện vọng của nhân dân, sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Do vậy, Đảng bộ thị xã luôn quán triệt sâu sắc tư tưởng tiến công của Đảng, xác định sự lãnh đạo của Đảng là yếu tố quan trọng và có ý nghĩa then chốt quyết định đến mọi thành công.
Ngày 4/6/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 475/QĐ-TTg về việc công nhận thành phố Vinh mở rộng, tỉnh Nghệ An đạt tiêu chí đô thị loại I, trong đó thị xã Cửa Lò được sáp nhập vào thành phố Vinh. Đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã, vừa là cơ hội lớn cho sự phát triển của thị xã Cửa Lò nói chung và về du lịch Cửa Lò nói riêng; vừa đặt ra những thách thức lớn hơn đối với cấp ủy và chính quyền thị xã Cửa Lò hiện nay là phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực hơn nữa để đáp ứng yêu cầu tương xứng là một phần của thành phố Vinh rộng lớn và giàu tiềm năng phát triển.
Cửa Lò bước vào chặng đường mới với những thời cơ và vận hội mới.