Thứ tư, 04/12/2024, 23:52

Nghệ An xếp thứ 3/29 đơn vị về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công

Kết quả giải ngân vốn đầu tư công của Nghệ An 7 tháng đầu năm 2024 đạt 50,5% kế hoạch, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 (40,2%) và cao hơn bình quân chung cả nước 34,68%.

 

Nghệ An xếp thứ 3/29 đơn vị về tỷ lệ giải ngân

 Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh Nghệ An. Ảnh Mai Hoa
Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh Nghệ An. Ảnh: Mai Hoa

Sáng ngày 30/8, Tổ công tác số 2 của Chính phủ tổ chức cuộc họp trực tuyến với 29 bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trong cả nước để kiểm tra, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Đồng chí Trần Hồng Hà - Phó Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác số 2 của Chính phủ chủ trì tại cuộc họp trực tiếp tại Thủ đô Hà Nội. Điểm cầu tỉnh Nghệ An do đồng chí Bùi Thanh An – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

 Đồng chí Bùi Thanh An - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Nghệ An. Ảnh Mai Hoa
Đồng chí Bùi Thanh An - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Nghệ An. Ảnh: Mai Hoa

Hội nghị đã nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình phân bổ, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024. Theo đó, năm 2024, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao cho 29 bộ, cơ quan Trung ương và địa phương là 231.665,947 tỷ đồng.

Trong đó, vốn ngân sách Trung ương trong nước là 90.364,541 tỷ đồng; vốn nước ngoài là 13.071,849 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương là 128.229,557 tỷ đồng.

 Lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Nghệ An tham gia hội nghị tại điểm cầu tỉnh. Ảnh Mai Hoa
Lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Nghệ An tham gia hội nghị trực tuyến. Ảnh: Mai Hoa

Kết quả giải ngân tổng các nguồn vốn đến hết tháng 7/2024 của 29 bộ, cơ quan Trung ương và địa phương là 87.072,786 tỷ đồng, đạt 37,59%, cao hơn mức bình quân cả nước (34,68%). Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân không đồng đều giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

Cụ thể, có 8 đơn vị có kết quả giải ngân cao trên mức bình quân cả nước. Bao gồm: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin - Truyền thông và các tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Bình Định, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế. Có 16 đơn vị giải ngân đạt từ 10 đến 34%; đặc biệt có 5 đơn vị giải ngân đạt dưới 10%.

 Lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Nghệ An tham gia hội nghị tại điểm cầu tỉnh. Ảnh- Mai Hoa
Lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Nghệ An tham gia hội nghị trực tuyến. Ảnh: Mai Hoa

Riêng tỉnh Nghệ An, tổng vốn kế hoạch được Thủ tướng Chính Phủ giao là 9.076,67 tỷ đồng và kết quả giải ngân 7 tháng đầu năm là 4.583 tỷ đồng, đạt 50,5% kế hoạch, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 (40,2%) và cao hơn bình quân chung cả nước 34,68%; xếp thứ 3/29 bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thuộc tổ 2 và xếp thứ 2/13 địa phương.

Một số nguồn giải ngân đạt tỷ lệ cao như: Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt 67,13%; vốn nước ngoài đạt 73,74%; vốn ngân sách địa phương đạt 50,15%. Dự án trọng điểm Đại lộ Vinh - Cửa Lò đã hoàn thành giai đoạn 2 và thông tuyến vào ngày 29/8/2024.

 Lãnh đạo các cơ quan
Lãnh đạo các cơ quan tham mưu trong lĩnh vực đầu tư của tỉnh tham gia hội nghị. Ảnh: Mai Hoa

Tại hội nghị, các địa phương đã nêu những khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, đồng thời đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ.

Tập trung nhất là vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; khó khăn về đảm bảo nguồn cung vật liệu xây lắp; về khả năng cân đối ngân sách địa phương thực hiện các dự án không đáp ứng do nguồn thu từ cấp quyền sử dụng đất tại các địa phương gặp khó khăn…

 Mai Hoa, Đầu tư xây dưng cơ bản là một trong những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực. Ảnh minh hoạ Mai Hoa
Nâng cấp đường giao thông trên địa bàn thành phố Vinh. Ảnh minh hoạ: Mai Hoa

Rà soát để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc

Trên cơ sở nghe ý kiến phản ánh, đề xuất của các địa phương và các bộ, cơ quan Trung ương, kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương tập trung rà soát lại từng loại dự án, phân loại rõ nguyên nhân, trách nhiệm và cam kết thực hiện đối với các dự án đã được phân bổ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương để báo cáo với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 15/9/2024, trên cơ sở đó báo cáo Chính phủ tháo gỡ các vấn đề thuộc thẩm quyền; trong đó yêu cầu trước hết là trách nhiệm của các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương phải tập trung tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn thuộc thẩm quyền, trách nhiệm nội bộ của mình theo tinh thần tự lực, tự cường.

Đồng thời thông qua rà soát để các địa phương thực hiện điều chuyển nguồn vốn trong nội giữa các huyện và giữa ngành này sang ngành khác một cách hợp lý, đẩy mạnh tiến độ giải ngân đầu tư công năm 2024.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng nêu một số quan điểm chỉ đạo liên quan đến điều chuyển vốn giữa các địa phương, hoặc trả vốn lại cho Trung ương, hay đề nghị Trung ương phân bổ thêm thì cần làm rõ điều kiện đề xuất phân bổ thêm. Việc phân bổ thêm vốn cho các địa phương do khó khăn về nguồn thu cấp quyền sử dụng đất phải ưu tiên các dự án quan trọng tính liên vùng, các dự án biến đổi khí hậu để thực hiện ứng vốn để đảm bảo đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành dự án.

Liên quan đến khó khăn về vật liệu xây lắp, khi phê duyệt dự án cần phải tính toán thật cẩn thận lấy vật liệu ở đâu; quá trình chuẩn bị và quyết định chủ trương đầu tư dự án nếu chưa thật sự chắc chắn thì cần trả vốn cho Trung ương…


Mai Hoa/baonghean.vn


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây