Thứ sáu, 04/10/2024, 07:53

Quy định mới của Bộ Chính trị, sự nghiêm minh trước tham nhũng, tiêu cực

Trong hai nhiệm kỳ vừa qua công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, lấy lại niềm tin cho nhân dân.

Một chỉ dấu quan trọng, một quyết tâm chính trị đột phá đó chính là thực hiện phương châm: Không có vùng cấm, không trừ một ai bất kể người đó giữ chức vụ gì. Một số cán bộ từ Ủy viên Bộ Chính trị đến Ủy viên Trung ương Đảng trong hai nhiệm kỳ vừa qua khi có vi phạm, sai phạm nghiêm trọng đều bị xử lý kỷ luật và cả xử lý hình sự.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Ảnh: Ban Nội chính Trung ương

Có thể nói Quy định số 07-QD/TW của Bộ Chính trị khoá XII về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm và Quy định số 102-QD/TW của Bộ Chính trị khoá XII về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm là “trụ cột”, là “hành lang pháp lý” để xử lý những sai phạm và đã đạt được thành tựu, bước ngoặt to lớn trong công cuộc đấu tranh và phòng, chống tham nhũng thời gian qua.

Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, đường lối, vì vậy, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng đòi hỏi phải có cương lĩnh, đường lối đúng đắn. Tính đúng đắn chính là xuất phát từ thực tiễn và khi thực tiễn thay đổi cũng phải thay đổi cho phù hợp, đó chính là tính cách mạng và khoa học.

Quy định số 07 và Quy định 102 của Bộ Chính trị như nêu ở trên, tuy đã góp phần tạo bước ngoặt trong phòng, chống tham nhũng nhưng thực tiễn đã mới hơn, tham nhũng đã tinh vi hơn, nhiều hình thức hơn nên vẫn cần có những quy định mới, kịp thời để “bịt” hết lỗ hổng. Chính vì vậy, ngày 6/7 vừa qua, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã ký ban hành Quy định số 69-QD/TW về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm thay thế quy định số 07 và 102.

Đây là một bước tiến mới trong việc cụ thể hoá, để “bịt” các lỗ hổng phát sinh trong thời gian qua. Đó là sự kịp thời mang tính cách mạng, tính khoa học, tính thực tiễn.

Ở đây, Quy định số 69-QD/TW đã cụ thể hoá các hình thức kỷ luật với những vi phạm mà thời gian vừa qua nổi lên như một xu hướng, một mối đe doạ, một thách thức nguy hiểm.

Tình trạng chạy chức chạy quyền kiểu “mua quan bán chức”; tình trạng tạo điều kiện để vợ (chồng), bố, mẹ, con, con dâu, con rể, anh, chị, em ruột mình hoặc bên vợ (chồng) hoặc người khác thực hiện dự án, kinh doanh ngành nghề thuộc lĩnh vực, đơn vị do mình trực tiếp phụ trách, theo dõi trái quy định nhằm trục lợi…là những hành vi tinh vi để tham nhũng.

Thời gian qua, nhiều vụ án mà quan chức đã dùng quyền của mình, ảnh hưởng của mình để giành dự án cho người thân, chiến hữu rất phổ biến. Những vụ án xét xử các ông Nguyễn Đức Chung, Tất Thành Cang hay trước đấy như ông Vũ Ngọc Hoàng với những thông tin về mức độ vi phạm đến mức gây bức xúc dư luận.

Rồi thực tế những dự án béo bở, những lô đất vàng họ đều giành hết các người thân quen. Họ trục lợi trên sự chia chác những lợi ích kếch xù từ những dự án đó để rút ruột nguồn lực của nhà nước của nhân dân.

Những hành vi trên giờ đây đã có những chế tài xử lý cụ thể trong quy định, đó là cảnh cáo hay bị cách chức.

Những sai phạm như: Dùng công quỹ của Nhà nước, tập thể hoặc tiền, tài sản của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp, tài trợ để giao dịch, biếu xén, hối lộ hoặc sử dụng trái quy định; Kê khai tài sản, giải trình biến động tài sản, nguồn gốc tài sản, thu nhập không trung thực; Nhờ người khác đứng tên hoặc đứng tên hộ người khác mua bất động sản, tài sản có giá trị nhằm trục lợi, che giấu kê khai tài sản, thu nhập…cũng xử lý bằng cảnh cáo hoặc cách chức.

Ở đây, có một hành vi mà các “quan tham” hay dùng đó chính là tẩu tán tài sản bằng cách nhờ người khác đứng tên. Chúng ta đều biết vụ án Trịnh Xuân Thanh hay Giang Kim Đạt…,các bị can đã tầu tán tài sản bằng cách để người nhà đứng tên hoặc chuyển ra nước ngoài. Nhiều bị can còn có nhà ở nước ngoài, thậm chí có cả quốc tịch để hòng tẩu tán tài sản.

Luật pháp hay những quy định bao giờ cũng xuất phát từ những thực tiễn. Nó phải bắt kịp cuộc sống. Sự nhanh nhạy, tính cách mạng chính là vừa bắt kịp thực tiễn vừa dự báo và điều chỉnh những hành vi có thể xẩy ra.

Có một tội danh làm nhức nhối dư luận thời gia qua, đó là vấn nạn “hoa hồng” trong các vụ làm ăn. Vụ Việt Á là điển hình cho tội tham nhũng dạng này, thực tế đây cũng là hành vi đưa và nhận hối lộ.

Ở ta, việc nhận “hoa hồng” đôi khi bị hiểu như một điều tất nhiên, đó chính là sự nguy hiểm. Chính điều này đã làm băng hoại đạo đức, làm méo mó các quan hệ. Không có “hoa hồng” không nhận được dự án. Và ở chiều ngược lại, không có “hoa hồng” không thực hiện dự án. Chuyện chạy dự án đôi khi đã trở thành “lệ”, từ đó hình thành nhưng tư tưởng, tư duy, hành vi xấu trong giải quyết công việc.

Những tệ nạn kiểu này, trong Quy định 69 lần này được quy định hình thức xử lý khá cụ thể. Những tội danh như: Đưa, nhận, môi giới hối lộ; môi giới làm thủ tục hành chính hoặc lợi dụng vị trí công tác để môi giới hưởng thù lao dưới mọi hình thức trái quy định. Đưa, nhận "hoa hồng" hoặc môi giới đưa, nhận "hoa hồng" trái quy định. Nhũng nhiễu, vòi vĩnh khi thực thi công vụ…đều bị thi hành kỷ luật đảng rất nặng: Khai trừ ra khỏi Đảng.

Cuộc sống luôn phát triển, xã hội luôn phát triển và đôi khi những tiêu cực cũng phát triển theo. Nó là những mặt trái, mặt đối lập và vẫn luôn tồn tại. Vấn đề là chúng ta biết phát hiện và có chế tài để ngăn chặn.

Quy định mới, kịp thời là một chỉ dấu mới, một khung pháp lý cho các cơ quan chức năng, cho toàn dân trong công cuộc đấu tranh với vấn nạn này. Bản quy định đã nói rất rõ những hành vi cụ thể và áp dụng chế tài nào, giúp mọi người có thể “định giá” được mức độ nguy hiểm của từng hành vi.

Ngay cả những hành vi mà từ trước chỉ mới đề cập, mới dự báo thì nay trong Quy định mới cũng đã nói rất rõ. Việc chủ trì, tham mưu, đề xuất, tham gia ban hành chế độ, chính sách, quy trình, thủ tục trái quy định tạo lợi ích nhóm hoặc lợi ích cục bộ nhằm mục đích trục lợi lần này được chỉ đích danh là hành vi tham nhũng và kèm theo là chế tài xử lý rất nặng. Những ai vi phạm phải chịu hình thức khai trừ khỏi đảng. Những người lạm dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che hoặc cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để làm trái quy định, trục lợi; dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực cũng đều bị xử lý.

Hy vọng những quy định mới sẽ đặt một dấu mốc mới trong công cuộc phòng, chống tham nhũng để những người có ý đồ, có dã tâm nhìn vào đã thấy “không dám tham nhũng”, “không thể tham nhung”. Và cũng để các cơ quan chức năng, người dân có công cụ để giám sát.

Những quy định mới, kịp thời cùng với quyết tâm phòng, chống tham những từ Trung ương sẽ tạo thêm niềm tin để người dân giám sát với phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Và khi công cuộc phòng, chống tham nhũng với chỗ dự vững chắc từ sức mạnh của nhân dân, công cuộc đó sẽ thành công.

Theo Vietnamnet


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây