Tham gia thảo luận tại tổ 3 có 19 đại biểu HĐND tỉnh được bầu tại các đơn vị bầu cử:Thanh Chương, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Đô Lương, Anh Sơn. Ông Trình Văn Nhã - Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương chủ trì phiên thảo luận.
Cùng tham dự có các đồng chí Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ: Nguyễn Nam Đình - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Ngọc Kim Nam - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ; lãnh đạo một số Sở, ngành.
Toàn cảnh phiên thảo luận tổ 3. |
Đã có 11 lượt ý kiến liên quan đến việc thực hiện các kết luận chất vấn tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh (công tác quản lý khai thác khoáng sản, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19); Nghị quyết quy định mức thu học phí trong các cơ sở giáo dục công lập; mức hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh tiểu học tư thục thuộc đối tượng được hưởng chính sách miễn giảm học phí theo quy định thuộc tỉnh Nghệ An quản lý từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025-2026; Nghị quyết thông qua Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh Nghệ An Khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026.
Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghĩa Đàn) phát biểu ý kiến. |
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang cho biết, qua tiếp xúc, cử tri phản ánh về các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai. Đại biểu đề nghị cần xem xét, làm rõ phản ánh của người dân về bất cập trong giải quyết thủ tục hành chính về đất đai do đạo đức công vụ của cán bộ công chức hay do thủ tục quá rườm rà. Bên cạnh đó, tỉnh cần sát cánh với các địa phương để giải quyết các vướng mắc liên quan đến công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường.
Đại biểu Trình Văn Nhã (Thanh Chương) cho rằng hiện nay tình trạng “cò đất” vẫn đang còn diễn ra.
Các đại biểu dự họp tại tổ. |
Đại biểu Phạm Thành Chung – Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh cho biết, nguyên nhân của việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm do thủ tục hành chính còn phức tạp; thái độ, trách nhiệm của cán bộ trong thực thi nhiệm vụ. Đại biểu đề nghị trong quá trình thực thi cần tổng hợp rà soát lại các thủ tục hành chính, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ các thủ tục không còn phù hợp. Bên cạnh đó, cần nâng cao trách nhiệm, thái độ của cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ.
Liên quan đến lĩnh vực này, các đại biểu cũng đề nghị cần có giải pháp đối với việc người dân tại các huyện miền núi mong muốn được được hạ đất vườn để đem đất đi đổ ở nơi khác; xem xét quy trình cấp phép khai thác khoáng sản.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Thái Văn Nông giải trình ý kiến của đại biểu. |
Giải trình về các nội dung liên quan đến công tác quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Văn Nông cho biết: Đối với việc người dân tại các vùng miền núi, trung du có nhu cầu hạ vườn, cải tạo vườn đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn. Khi người dân muốn hạ vườn, cải tạo vườn để đưa đất đi đến nơi khác thì phải được cấp có thẩm quyền cho phép.
Về công tác quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành thanh tra. Về quy trình cấp giấy phép khai thác khoáng sản, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định được thực hiện rất chặt chẽ.
Đối với công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tỉnh đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; ban hành bộ thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên trong quá trình thực tế phát sinh nhiều khó khăn như việc xác định nguồn gốc đất.
Đồng chí Lê Hồng Vinh - Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận tổ. |
Cho ý kiến thêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh cho rằng, nhu cầu cải tạo vườn của người dân rất chính đáng. Tuy nhiên việc hạ đất vườn thành đất ở, việc lấy đất thông qua hạ vườn để đem đi bán nới khác là trái quy định của pháp luật. Vì vậy, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu được những trường hợp nào thì được hạ vườn, cải tạo vườn.
Đại biểu Hoàng Thị Hồng Hạnh (Đô Lương) nêu ý kiến về vấn đề chế độ, chính sách cho cán bộ thôn, xóm, bản sau sáp nhập. |
Tiếp tục cho ý kiến về vấn đề chế độ, chính sách cho cán bộ thôn, xóm, bản sau sáp nhập, đại biểu Hoàng Thị Hồng Hạnh (Đô Lương) phản ánh còn nhiều bất cập sau sáp nhập khối, xóm, đặc biệt là trong thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ thôn, xóm sau sáp nhập, dẫn đến một số nơi rất khó tìm ra cán bộ xóm, khối bản.
Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (huyện Nghĩa Đàn) đề nghị cần quan tâm đến chế độ, chính sách đối với cán bộ khối, xóm sau sáp nhập để tăng thêm niềm tin trong nhân dân.
Đại biểu Trần Ngọc Sơn (huyện Đô Lương) nêu lên thực trạng, sau sáp nhập, các hội quán không đủ điều kiện cho nhân dân sinh hoạt, đề nghị có giải pháp để xây dựng hội quán cho các xóm, bản sau sáp nhập.
Đại biểu Trần Ngọc Sơn (Tân Kỳ) nêu ý kiến. |
Về các nội dung liên quan đến sáp nhập các xóm, bản, đại biểu Nguyễn Thanh Tùng (Đô Lương) cho biết, thời gian qua HĐND tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết để điều chỉnh chế độ cho cán bộ khối, xóm, bản. Hiện nay, mức chế độ này đã thực hiện tột khung theo quy định của Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Đại biểu Tùng đề nghị các cơ quan chức năng kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung các quy định. Về trụ sở các cơ quan, đơn vị sau sáp nhập, vừa qua Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức phiên giải trình để đưa ra các giải pháp quản lý cơ sở vật chất đạt hiệu quả.
Cho ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh cho biết: Chế độ đối với các chức danh tại các xóm, khối, bản sau sáp nhập hiện nay, Nghệ An đã điều chỉnh “kịch sàn” trên cơ sở Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Một số ít thôn bản sau sáp nhập đạt trên 350 hộ. Tuy nhiên trước đây đã có những thôn bản đạt 350 hộ, vẫn mức hỗ trợ cũ nhưng vẫn quản lý hoạt động tốt. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị cần tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Đệ giải trình tại phiên thảo luận tổ. |
Trước tình hình giá cả vật tư, phân bón tăng cao, đầu ra sản phẩm nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, các đại biểu đề nghị cần có chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Giải trình vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Đệ (Đại biểu huyện Thanh Chương) cho biết, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp (tổng mức hỗ trợ các chính sách phát triển nông nghiệp khoảng 135 tỷ đồng). Trong thời gian tới, Sở sẽ tăng cường kiểm tra giá cả, chất lượng vật tư nông nghiệp; chỉ đạo sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sạch, hạn chế phân bón vô cơ; xây dựng các cánh đồng lớn, thu hút các doanh nghiệp vào sản xuất…
Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu phản ánh tình trạng bố trí xi măng chậm trong xây dựng nông thôn mới; hệ thống điện lưới nông thôn xuống cấp; việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công còn chậm...
Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận. |
Chia sẻ về Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh Nghệ An Khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình cho biết, ngay khi bước vào thực hiện nhiệm kỳ, HĐND tỉnh đã bắt tay vào thực hiện nội dung này. Đề án đã được BTV Tỉnh uỷ thông qua, tiếp tục trình kỳ họp để ban hành Nghị quyết. Trong đó một số nội dung đã được thực hiện như: đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kỳ họp, nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri,…
Nhiệm kỳ này, trong công tác chuẩn bị các kỳ họp, ngoài các kỳ họp thường lệ, Thường trực HĐND tỉnh quan tâm tổ chức các kỳ họp chuyên đề để giải quyết các vấn đề đột xuất. Công tác chuẩn bị triển khai từ sớm, xa; UBND tỉnh, các Sở, ban ngành cùng tham gia ngay từ đầu.
Tiếp thu ý kiến các biểu, thời gian tới, HĐND tỉnh sẽ đẩy nhanh công tác hoàn thiện tài liệu các kỳ họp thường lệ gửi các đại biểu phục vụ cho kỳ tiếp xúc cử tri; Đồng thời đổi mới nâng cao năng lực tiếp xúc cử tri. Sắp tới, HĐND tỉnh sẽ triển khai tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, ví dụ như tiếp xúc cử tri trong các khu công nghiệp để nghe tâm tư nguyện vọng của công nhân.
Bên cạnh đó, cử tri gửi ý kiến được cập nhật cụ thể, vừa thể hiện trách nhiệm của cử tri; đồng thời khi chuyển ý kiến cử tri cho các cấp thẩm quyền có thể trực tiếp trả lời, không cần thông qua địa phương; xử lý lúc nào trả lời lúc đó, không chờ đến kỳ họp. HĐND tỉnh cũng sẽ sử dụng CNTT, phần mềm để quản lý theo dõi hệ thống ý kiến cử tri. Công tác khảo sát, giám sát, giải trình phiên chất vất có tính xâu chuỗi và hệ thống hoá cao. Ý kiến xác đáng, phù hợp, phản ánh trực tiếp sẽ tiến hành với các cơ quan liên quan.
Tổ trưởng tổ thảo luận số 2 - ông Trình Văn Nhã phát biểu kết luận. |
Kết luận phiên thảo luận, Tổ trưởng tổ thảo luận 3 - ông Trình Văn Nhã đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của đại biểu HĐND tỉnh, khách mời; Đồng thời tiếp thu ý kiến, tổng hợp, chọn lọc để trình lên HĐND tỉnh.
https://truyenhinhnghean.vn/thoi-su-chinh-tri/202207/van-nong-van-de-khai-thac-khoang-san-va-cap-quyen-su-dung-dat-35f036b/