Chiều 8-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có mặt tại các tỉnh thành Hải Phòng, Quảng Ninh để kiểm tra tình hình thiệt hại, chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3.
Đây là hai địa phương bị cơn bão đổ bộ với sức gió mạnh nhất, gây nhiều thiệt hại nhất theo thống kê tới sáng nay.
Thủ tướng đã thăm hỏi người dân về các thiệt hại và động viên các lực lượng quân đội, công an, thanh niên, công nhân môi trường đô thị đang làm nhiệm vụ dọn dẹp sau bão.
Theo Cổng TTĐT Chính phủ, tại hội nghị sáng cùng ngày, Thủ tướng đã chỉ đạo trước mắt hỗ trợ khoảng 100 tỉ đồng cho mỗi địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng để khắc phục hậu quả do cơn bão gây ra.
Bão số 3 (Yagi) là cơn bão rất đặc biệt, hình thành từ phía đông của Philippines nhưng mạnh lên thành siêu bão trên Biển Đông và là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong vòng 30 năm qua.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17; khi đổ bộ vào đất liền Quảng Ninh - Hải Phòng với sức gió mạnh nhất cấp 13-14, giật cấp 16-17.
Hai địa phương này đã cùng các lực lượng quán triệt, thực hiện nghiêm túc 3 công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Quảng Ninh đã sơ tán gần 3.500 người, Hải Phòng sơ tán hơn 23.500 người trên lồng bè, chòi canh nuôi thủy sản, trong các nhà yếu đến nơi an toàn.
Thống kê sơ bộ thiệt hại, Quảng Ninh đã có 3 người chết, Hải Phòng 1 người chết.
Trong số người bị thương do bão thì Quảng Ninh có 157 người, Hải Phòng 13 người. 25 tàu xi măng và gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh.
Trên 1.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi chủ yếu ở Quảng Ninh...
Quảng Ninh, Hải Phòng cùng các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng.
Sáng cùng ngày, chủ trì hội nghị đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại, khắc phục hậu quả cơn bão số 3, Thủ tướng yêu cầu cần rà soát ngay, hỗ trợ cho các địa phương bị thiệt hại, các gia đình có người thiệt mạng.
"Trong lúc này người dân đang phải chịu thiệt hại, do đó phải bàn với tinh thần khẩn trương; khắc phục ngay; kịp thời xử lý các vấn đề liên quan tới đời sống người dân, sản xuất, kinh doanh, ứng phó sạt lở, sụt lún", Thủ tướng chỉ đạo.
Hậu quả bão còn gây ra mất điện làm ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh, sóng viễn thông bị ảnh hưởng.
Thủ tướng cũng đã chỉ đạo các nhà mạng liên kết chia sẻ kết nối mạng viễn thông để bảo đảm sóng viễn thông phục vụ công tác chỉ huy, khắc phục hậu quả thiên tai.
Khẩn cấp khắc phục mưa lũ ở Sơn La, Điện Biên
Cùng ngày, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc ký quyết định số 939 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất tại hai tỉnh Sơn La, Điện Biên.
Cụ thể, hỗ trợ 20 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 cho hai địa phương trên mỗi tỉnh 10 tỉ để hỗ trợ nhân dân ổn định đời sống ngay sau mưa lũ như đề nghị của Bộ Tài chính.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh Điện Biên, Sơn La có trách nhiệm phân bổ cụ thể số kinh phí được bổ sung nêu trên, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan; bảo đảm đúng mục đích sử dụng, không để thất thoát, tiêu cực. Sử dụng nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ, nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để kịp thời hỗ trợ nhân dân ổn định đời sống ngay sau mưa lũ.