Thứ sáu, 20/09/2024, 10:39

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu nêu cao tinh thần chủ động ứng phó khẩn cấp với bão số 3

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu các cấp, ngành đều phải nêu cao tinh thần chủ động ứng phó với bão số 3, sai ở đâu phải quy rõ trách nhiệm.

 

Chiều 5/9, đồng chí Trần Hồng Hà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo các bộ, ngành và 28 tỉnh, thành phố nhằm ứng phó với bão số 3.

Đồng chí Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng chủ trì cuộc họp.

Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì.

pho-thu-tuong-tran-hong-ha-chi-dao-ung-pho-sieu-bao-yagi-143053_916-143200.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Lê Minh Hoan họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương để chuẩn bị phương án ứng phó siêu bão Yagi. Ảnh: nongnghiep.vn

Siêu bão, sức gió giật cấp 17

Ngày 3/9, bão YAGI đi vào vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 3 trong năm 2024 và là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong vòng 10 năm trở lại đây.

Sáng 5/9, bão số 3 tiếp tục mạnh lên cấp 16 (cấp siêu bão).

Hồi 13 giờ ngày 5/9, vị trí tâm siêu bão trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 460 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (184-201 km/h), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 10 km/h.

bna_img_7354.jpg
Toàn cảnh điểm cầu tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng

Dự báo, đến 13 giờ ngày 6/9, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 10 - 15 km/giờ, vị trí bão trên vùng biển phía Đông Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách Quảng Ninh khoảng 510 km về phía Đông Đông Nam, cường độ bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17.

Đến 13 giờ ngày 7/9, bão số 3 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, khoảng 20 km/giờ và suy yếu dần, trên vùng biển ven bờ từ Quảng Ninh đến Nam Định, cường độ bão mạnh cấp 12, giật cấp 15.

Đến 13 giờ ngày 8/9, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, khoảng 20 km/giờ và suy yếu dần thành vùng áp thấp, trên khu vực phía Tây Bắc Bộ, cường độ bão dưới cấp 6.

bna_111img_7428.jpg
Các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì điểm cầu tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng

Trên đất liền, từ gần sáng 7/9, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 8 - 9, vùng gần tâm bão cấp 10 - 12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6 - 8, giật cấp 9 - 11.

Các chuyên gia cảnh báo, từ đêm 6/9 đến sáng 9/9, ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng xuất hiện một đợt mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông, với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-350mm, có nơi trên 500mm.

Mưa lớn, tập trung trong thời gian ngắn là mối nguy đặc biệt về lũ quét, sạt lở đất, tập trung tại vùng núi, trung du của Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An.

bna_img_7389.jpg
Lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Nghệ An tham gia cuộc họp. Ảnh: Phạm Bằng

Để phòng tránh bão, hơn 51.000 tàu cá và hơn 90.000 người đã được thông tin về tình hình diễn biến của bão số 3. Các phương tiện đang di chuyển tránh trú về nơi an toàn. Từ ngày mai (6/9), các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An sẽ cấm biển. Riêng Ninh Bình cấm biển từ hôm nay.

Tính đến 9h ngày 5/9, toàn tỉnh Nghệ An còn 371 phương tiện đánh cá với 2.800 lao động đang hoạt động tại Vịnh Bắc Bộ. Tất cả các phương tiện đang hoạt động trên biển đã nhận được thông báo về vị trí, hướng di chuyển của bão số 3.

Tỉnh Nghệ An có trên 1.061 hồ, đập lớn, nhỏ, đến ngày 5/9 đã có 47 hồ, đập đầy nước. Hồ Vực Mấu và hồ Sông Sào đã tiến hành kiểm tra, vận hành thử, sẵn sàng phương án vận hành theo quy trình.

Nông dân trên địa bàn tỉnh đã thu hoạch hơn 40 ha lúa hè thu - mùa và đang khẩn trương tiếp tục thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. UBND tỉnh đã xây dựng 5 kịch bản sơ tán dân vùng ven biển phòng tránh nước dâng do bão.

Tỉnh Nghệ An đang tiếp tục theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ; kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.

Làm tốt dự báo, hành động nhanh chóng

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đề nghị các cơ quan, đơn vị cần hành động nhanh chóng và chuẩn bị tốt để ứng phó kịp thời với tình hình bão.

pho-thu-tuong-tran-hong-ha-hop-chi-dao-ung-pho-sieu-bao-yagi-155908_581.jpg
Bộ trưởng Lê Minh Hoan kiến nghị Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo thêm các địa phương hành động khẩn trương. Ảnh: nongnghiep.vn

Tại các tỉnh và thành phố, cần có các phương án cấm biển, ngừng chợ và hoạt động mua bán, giao thông để đảm bảo mức độ an toàn cao nhất cho người dân. Các tỉnh cần sớm kiểm tra các điểm tránh, trú bão của tất cả bà con địa phương, quân đội và sự an toàn của du khách để đảm bảo danh tiếng về ngành Du lịch nước ta.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, với cường độ gió mạnh như dự báo thì sức tàn phá của bão số 3 sẽ rất lớn. Do đó, phải đặt ra các kịch bản khác nhau, không chờ công điện chỉ đạo từ trên, các địa phương cần chủ động xây dựng kịch bản ứng phó, chỉ đạo hoạt động sinh sống và sản xuất của người dân.

pho-thu-tuong-tran-hong-ha-hop-chi-dao-ung-pho-sieu-bao-yagi-150628_159.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu cơ quan chuyên môn chỉ rõ những vùng ảnh hưởng chính của bão, các vùng hoàn lưu để địa phương có phương án chủ động. Ảnh: nongnghiep.vn

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, bão số 3 rất mạnh, khó dự báo. Trên đường tiến vào Biển Đông, bão gặp những điều kiện thuận lợi để thành siêu bão. Thực tế, bão đã tăng mấy cấp độ trong 24 giờ qua.

Để phòng, chống bão hiệu quả hơn nữa, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu làm tốt công tác dự báo, nhất là việc thông tin cho người dân, không thể bó buộc dự báo chỉ bằng số liệu. Đây cũng là cơ sở để lực lượng, cứu hộ, cứu nạn phối hợp làm việc.

bna_img_7404.jpg
Lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Nghệ An tham gia cuộc họp. Ảnh: Phạm Bằng

Ngoài dự báo về bão, Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cơ quan thường trực về phòng, chống thiên tai lưu ý thêm về dự báo thủy văn, bởi đây là yếu tố có thể ảnh hưởng tới hướng di chuyển, tốc độ, cũng như hoàn lưu của bão.

Mặt khác, các lực lượng liên quan cần phối hợp tốt, hiệu quả theo phân công nhiệm vụ. Các cấp, từ lãnh đạo, đều phải nêu cao tinh thần chủ động, sai ở đâu phải quy rõ trách nhiệm.

Đồng chí Nguyễn Văn Đệ chỉ đạo TX Hoàng Mai và các đơn vị đảm bảo an toàn cho tàu thuyền neo đậu. Ảnh: Quang An
Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thị xã Hoàng Mai và các đơn vị đảm bảo an toàn cho tàu thuyền neo đậu, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão và hoàn lưu bão số 3 gây ra. Ảnh: Quang An

Dự báo hoàn lưu bão số 3, với sức gió mạnh sẽ gây mưa to, ngập úng, có thể xảy ra lũ ống, lũ quét. Vì vậy, yêu cầu cơ quan khí tượng gấp rút làm bản đồ về lũ, gửi cho địa phương, tránh ảnh hưởng đến các công trình giao thông.

Cơ quan thường trực phối hợp chặt với địa phương, giúp người dân phòng ngừa, tránh tổn thất về tài sản, cũng như con người khi ứng phó bão số 3.


Phạm Bằng/baonghean.vn


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây