Thứ năm, 21/11/2024, 17:01

Toàn văn phát biểu của Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An lần thứ IV - năm 2024

Hội Nhà báo Nghệ An xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An lần thứ IV - năm 2024.

 

Quang cảnh Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An lần thứ IV, giai đoạn 2024 - 2029. Ảnh: Thành Duy
Quang cảnh Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An lần thứ IV, giai đoạn 2024 - 2029. Ảnh: Thành Duy

Kính thưa đồng chí Hầu A Lềnh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc!

Thưa Đoàn Chủ tịch Đại hội!

Thưa quý vị đại biểu!

Thưa toàn thể Đại hội!

Hôm nay, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An lần thứ IV được diễn ra trọng thể - sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc của cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong toàn tỉnh.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi trân trọng gửi tới đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, các vị đại biểu khách mời và 250 đại biểu đại diện cho gần 500 nghìn đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh về dự Đại hội những lời chúc tốt đẹp nhất!

bna_img_4586(1).jpg
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu chỉ đạo Đại hội. Ảnh: Thành Duy

Thưa quý vị đại biểu!

Lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh Nghệ An gắn liền với quá trình tụ cư của đồng bào các dân tộc từ nhiều vùng, miền khác nhau, tạo nên một cộng đồng đa dạng, giàu bản sắc. Suốt quá trình đó, đồng bào các dân tộc của tỉnh đã phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần đấu tranh yêu nước, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, quê hương.

Quán triệt sâu sắc các quan điểm, đường lối và chỉ đạo của Trung ương về công tác dân tộc, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, chương trình để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác này; huy động, lồng ghép nhiều nguồn lực từ các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các chương trình mục tiêu quốc gia để tập trung nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh.

Các đại biểu dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An lần thứ IV. Ảnh: Thành Duy
Các đại biểu dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An lần thứ IV. Ảnh: Thành Duy

Đến nay, chúng ta vui mừng nhận thấy, diện mạo khu vực miền núi của tỉnh đã có những đổi thay tích cực. Kinh tế toàn vùng liên tục tăng trưởng qua các năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình, điểm sáng về sản xuất nông, lâm nghiệp hiệu quả gắn với các vùng nguyên liệu tập trung cho các nhà máy chế biến đường, chè, sắn, dược liệu; các mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở Con Cuông, Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Quế Phong... thu hút ngày càng đông du khách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng, đồng thời từng bước làm thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh nhà.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trong vùng được quan tâm đầu tư; các lĩnh vực y tế, văn hóa - giáo dục có nhiều tiến bộ. Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số đã được cải thiện đáng kể, một số vấn đề bức thiết như: xóa nhà tạm, bố trí ổn định dân cư, chuyển đổi nghề cho hộ gia đình thiếu đất sản xuất… được tập trung giải quyết có hiệu quả; tỷ lệ hộ nghèo giảm khá nhanh, từ 17,24% năm 2021, hiện còn 12,48%.

An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Công tác đối ngoại của cấp ủy, chính quyền và nhân dân hai bên biên giới Việt - Lào được chú trọng, ngày càng đi vào chiều sâu. Hệ thống chính trị cơ sở được tăng cường; công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số được quan tâm.

Các phong trào thi đua yêu nước đã được đồng bào dân tộc thiểu số tích cực hưởng ứng, tham gia có hiệu quả, nhất là “Giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Xây dựng nông thôn mới”… Từ đó, xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trên các lĩnh vực, được các cấp, các ngành tuyên dương, khen thưởng. Đồng thời, những kết quả đó, đã đóng góp rất quan trọng vào thành tựu phát triển chung của tỉnh trong thời gian qua.

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi trân trọng ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, những thành tích mà cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh đã đạt được trong thời gian qua.

Thưa quý vị đại biểu!

Đại hội đại biểu dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An lần thứ 4 diễn ra trong thời điểm toàn tỉnh đang nỗ lực thi đua về đích việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; tập trung triển khai Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc của tỉnh đứng trước nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít thách thức, nhất là trong điều kiện vùng dân tộc miền núi vẫn là địa bàn khó khăn nhất của tỉnh.

Đời sống đồng bào tuy được cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn nhiều vất vả; kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở một số địa bàn còn tiềm ẩn yếu tố mất ổn định, dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng. Việc triển khai thực hiện một số chính sách dân tộc có nơi, có thời điểm chưa tốt. Một bộ phận cán bộ, đảng viên và đồng bào vẫn còn biểu hiện thiếu quyết tâm vượt khó vươn lên.

Tôi bày tỏ thống nhất cao với phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2024 - 2029 được nêu trong Báo cáo chính trị và các ý kiến tham luận tại Đại hội. Đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã có bài phát biểu quan trọng, chỉ ra những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong giai đoạn tới. Tại diễn đàn trọng thể này, tôi nhấn mạnh và gợi mở thêm một số nội dung, đó là:

Với đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh, tôi mong thực hiện tốt 5 việc:

Việc thứ nhất: Tôi mong đồng bào giữ tình đoàn kết. Đoàn kết là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được các thế hệ bền bỉ xây dựng, vun đắp, bằng mồ hôi, công sức, bằng sự nhọc nhằn, hy sinh; bằng ý chí, sức mạnh và niềm tin của lòng dân. Trước những thay đổi nhanh chóng, phức tạp của tình hình thế giới, khu vực như hiện nay, hơn bao giờ hết, cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong tỉnh phải tiếp tục phát huy cao độ khối đại đoàn kết, tạo thành sức mạnh để vượt qua khó khăn, thử thách, cùng nhau xây dựng bản làng ấm no, quê hương giàu đẹp. Sức mạnh đoàn kết phải được bắt đầu từ tình thương yêu trong mỗi gia đình; sự gắn kết giữa các dòng họ; tinh thần tương trợ, “tối lửa tắt đèn có nhau” giữa các hộ dân; kết nghĩa, sẻ chia giữa các bản làng, đoàn kết giữa các dân tộc...

Việc thứ hai: Tôi mong đồng bào giữ tài nguyên đầu nguồn. Có thể nói, với không gian rộng lớn trên 13.700km2, vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của tỉnh là nơi sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, quý giá, nhất là rừng, nước, khoáng sản. Nơi đây là không gian sống, điều kiện sống, là sinh kế hàng ngày của đồng bào các dân tộc thiểu số; đồng thời cũng là khu vực dễ bị tổn thương. Mỗi tác động tiêu cực, bất hợp lý ở khu vực đầu nguồn có ảnh hưởng sâu sắc tới môi trường, hệ sinh thái chung của cả tỉnh, cả nước, thậm chí là toàn cầu.

Do vậy, bên cạnh trách nhiệm của các cấp, các ngành, tôi mong đồng bào dân tộc thiểu số luôn nêu cao ý thức giữ rừng, giữ nước đầu nguồn như chính cuộc sống của mình. Cùng nhau lên án và chặn đứng tệ nạn khai thác, chặt phá rừng, khai thác tài nguyên trái phép. Nỗ lực thay đổi tập tục canh tác theo hướng bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến tài nguyên đầu nguồn, góp phần quan trọng phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu.

Việc thứ ba: Tôi mong đồng bào giữ gìn bản sắc văn hóa: Tỉnh ta có tới 47 dân tộc thiểu số, đồng nghĩa có 47 giá trị, bản sắc văn hóa khác nhau, tạo nên bức tranh đậm màu sắc, phong phú và đa dạng. Tuy vậy, trước những thay đổi nhanh chóng của thời đại, nhiều văn hóa tốt đẹp của đồng bào đang đứng trước những thách thức không nhỏ.

Tôi mong đồng bào ta hãy luôn nâng niu, tự hào và giữ gìn văn hóa của dân tộc mình. Đó là truyền dạy cho con cháu mình biết yêu, biết nói, biết viết chữ của tổ tiên để lại; biết hát các bài hát, nhảy các điệu múa, nấu các món ăn, mặc các trang phục của dân tộc mình trong mỗi sự kiện, lễ hội quan trọng. Truyền dạy cho con cháu về đức tính cần cù, chịu khó, thật thà, tốt bụng; về lòng yêu nước, về tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc; về ý thức chấp hành pháp luật. Động viên, khuyến khích con cháu nỗ lực học tập vì ngày mai tươi sáng. Đồng thời kiên quyết bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...

Việc thứ tư: Tôi mong đồng bào tự tin, tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên. Có thể nói, Đảng, Nhà nước và tỉnh ta đã, đang dành nhiều nguồn lực quan trọng để hỗ trợ phát triển vùng miền núi. Nhưng những nguồn lực này chỉ là bước đầu, là điều kiện cần nhưng chưa thể đủ so với những thiếu thốn, khó khăn, thách thức ở nơi đây. Để có những vườn cây ăn quả dọc những sườn đồi, những vườn dược liệu quý hiếm, có giá trị cao dưới tán rừng, những đàn gia súc, gia cầm số lượng lớn... thì ý chí, quyết tâm vượt khó của bà con ta phải đủ lớn, dám mạnh dạn thay đổi và lao động chăm chỉ. Tôi được biết, nhiều cá nhân sản xuất kinh doanh giỏi, tiêu biểu đang có mặt tại đại hội hôm nay như ông Và Bá Đại, ông Lộc Văn Trung, ông Hà Văn Đức, ông Vi Văn Kỳ, bà Vi Thị Lệ Thúy... cũng đã có quá trình nỗ lực, trăn trở, lao động hết mình, là những tấm gương sáng để chúng ta học tập.

Việc thứ năm: Tôi mong đồng bào giữ yên biên giới. Trên tuyến biên giới dài hơn 468 km của tỉnh, ngoài lực lượng chức năng, đồng bào các dân tộc thiểu số chính là những “tai mắt”, là “cột mốc sống” vùng biên cương. Mong rằng, mỗi đồng bào ta luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, tích cực tham gia tuần tra canh gác, tố giác tội phạm; tham gia các hoạt động đối ngoại Nhân dân hai bên biên giới Việt - Lào, góp phần giữ được “trong ấm ngoài êm”.

Các đại biểu dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An lần thứ IV. Ảnh: Thành Duy
Các đại biểu dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An lần thứ IV. Ảnh: Thành Duy

Thưa quý vị đại biểu!

Thưa toàn thể Đại hội!

Để đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh thực hiện tốt 5 việc trên, tôi đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành của tỉnh triển khai nghiêm túc 4 nội dung sau:

Một là: Tiếp tục quán triệt, nhận thức đầy đủ công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, có tính chiến lược, lâu dài trong quá trình phát triển của tỉnh. Bám sát các chương trình mục tiêu quốc gia, các nhiệm vụ của tỉnh về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai kịp thời, đạt hiệu quả cao.

Hai là: Tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực để đầu tư, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là về giao thông, năng lượng, thông tin truyền thông, dịch vụ thương mại, y tế, giáo dục, nước sạch, văn hóa, thể thao... tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền. Chú trọng đổi mới và tổ chức lại phương thức sản xuất cho đồng bào theo hướng khuyến khích phát triển các sản phẩm chủ lực có thế mạnh gắn với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”. Thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển dịch vụ, nhất là các phiên chợ biên giới, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm... Tăng cường công tác quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Ba là: Chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung, ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh về cơ chế, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, tránh thất thoát, trục lợi chính sách, gây mất niềm tin trong cán bộ, đảng viên và đồng bào.

Nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, quản lý của chính quyền; đổi mới phương thức hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội các cấp; chú trọng công tác phát triển đảng viên, nhất là ở các thôn, bản, vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nơi có nguy cơ không còn chi bộ đảng. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; phát huy hơn nữa vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín để dẫn dắt, vận động đồng bào thực hiện tốt các chủ trương, chính sách.

Bốn là: Chủ động, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm với các hành vi lợi dụng chính sách tự do, tín ngưỡng, nhân quyền để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đấu tranh hiệu quả hoạt động của các loại tội phạm. Nắm chắc tình hình an ninh biên giới, an ninh vùng đồng bào dân tộc; xây dựng đường biên giới với nước bạn Lào hòa bình, hữu nghị, phát triển bền vững.

bna_img_4654.jpg
Đồng chí Hầu A Lềnh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và các đồng chí lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu về dự Đại hội. Ảnh: Thành Duy

Nhân dịp này, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tôi trân trọng cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ quý báu của lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, cá nhân đồng chí Hầu A Lềnh, mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm thường xuyên của các đồng chí dành cho tỉnh Nghệ An và công tác dân tộc của tỉnh trong thời gian tới.

Kính chúc quý vị đại biểu cùng toàn thể các đồng chí tham dự Đại hội luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc và thắng lợi!

Chúc Đại hội thành công tốt đẹp!

Xin trân trọng cảm ơn!


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây