Thứ bảy, 12/10/2024, 20:24

Xây dựng huyện Đô Lương trở thành thị xã trước năm 2030

Chiều 20/9, tại huyện Đô Lương, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy đã chủ trì Hội nghị triển khai Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 19/5/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển huyện Đô Lương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các ban Đảng Tỉnh ủy và sở, ngành liên quan.

bna_9847.jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Thành Cường

Dự hội nghị còn có đại diện Thường trực Huyện ủy các huyện: Nam Đàn, Thanh Chương, Anh Sơn, Tân Kỳ, Yên Thành, Nghi Lộc.

Về phía huyện Đô Lương có đồng chí Bùi Duy Đông - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy; các đồng chí trong BTV Huyện ủy, HĐND, UBND huyện.

Cùng dự còn có hơn 1.200 đại biểu từ 33 điểm cầu trực tuyến từ các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đô Lương.

Hướng tới một đô thị phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại

Ngày 19/5/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về về xây dựng và phát triển huyện Đô Lương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết số 15 nêu rõ mục tiêu xây dựng, phát triển huyện Đô Lương tương xứng với tiềm năng, lợi thế và vị trí, vai trò là điểm kết nối giữa các huyện phía Tây với thành phố Vinh, Khu kinh tế Đông Nam và các huyện ven biển.

bna_9850.jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Thành Cường

Trước khi Nghị quyết số 15 được ban hành, Đô Lương đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội. Huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2022, các công trình hạ tầng được đầu tư, đời sống nhân dân được nâng cao, và quốc phòng an ninh được giữ vững. Tuy nhiên, sự phát triển của Đô Lương vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của huyện. Kinh tế tăng trưởng chỉ ở mức trung bình, công nghiệp chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực truyền thống với giá trị gia tăng thấp, và du lịch chưa được khai thác triệt để​.

Nhận thức được những hạn chế này, Nghị quyết số 15-NQ/TU đã đưa ra một số mục tiêu chính đến năm 2030, xây dựng huyện Đô Lương trở thành thị xã; có nền tảng kinh tế vững chắc, tốc độ tăng trưởng cao, đô thị văn minh, hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ, hiện đại. Các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống con người Đô Lương được bảo tồn và phát huy. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội bảo đảm vững chắc. Tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, giữ vững.

Tốc độ tăng tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn giai đoạn 2024 - 2030 đạt từ 13 - 14%/năm trở lên; cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - xây dựng chiếm 48,45%, dịch vụ chiếm 40,05%, nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản chiếm 11,5%; năng suất lao động bình quân tăng khoảng 10%/năm; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng khoảng 12%/năm. Thu nhập bình quân đầu người trên mức bình quân của tỉnh. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 80%; tỷ lệ đô thị hóa đạt 52%; tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 01%.

bna_0436.jpg
Tầm nhìn đến năm 2045, Đô Lương là một đô thị phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại. Ảnh: Thành Cường

Bên cạnh đó, tầm nhìn đến năm 2045 hướng tới một đô thị Đô Lương phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao; giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống con người Đô Lương được bảo tồn, phát huy; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường.

Hình thành 3 vùng phát triển chiến lược và 3 hành lang phát triển

Để triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngày 04/09/2024, UBND tỉnh ban hành chương trình hành động theo Quyết định số 2324/QĐ-UBND; ngày 11/09/2024, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đô Lương đã ban hành Chương trình hành động số 18-Ctr/HU với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

bna_9923.jpg
Đồng chí Lê Hồng Vinh trình bày Chương trình hành động của UBND tỉnh để thực hiện Nghị quyết 15. Ảnh: Thành Cường

Theo đó, UBND tỉnh tổ chức thực hiện hiệu quả các đồ án quy hoạch, đề án xây dựng đã được phê duyệt: Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch xây dựng vùng huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch chung xây dựng đô thị Đô Lương, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An; Đề án “Xây dựng đô thị trung tâm huyện Đô Lương đạt tiêu chí đô thị loại IV, làm tiền đề cho huyện Đô Lương thành thị xã trước năm 2030".

Hoàn thành các quy hoạch phân khu trong phạm vi Quy hoạch chung xây dựng đô thị Đô Lương, huyện Đô Lương và quy hoạch các khu chức năng. Thực hiện cập nhật, lập, điều chỉnh các cấp độ quy hoạch phù hợp.

Xây dựng phương án thành lập các phường tiến tới thành lập thị xã Đô Lương trước năm 2030 theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 162/NQ-CP ngày 04/10/2023 của Chính phủ.

bna_9993.jpg
Đồng chí Bùi Duy Đông - Bí thư Huyện uỷ Đô Lương trình bày Chương trình hành động số 18 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện. Ảnh: Thành Cường

Tập trung cụ thể hóa và đầu tư nguồn lực để hình thành 3 vùng phát triển chiến lược gồm:

Phân vùng 1 (Vùng phía Tây Bắc): Gồm các xã Ngọc Sơn, Lam Sơn (Bạch Ngọc), Giang Sơn Đông, Giang Sơn Tây, Hồng Sơn và Bài Sơn. Tổng diện tích 92,84 km. Định hướng phát triển chính: Xây dựng thị trấn Giang Sơn theo hướng đô thị sinh thái. Phát triển công nghiệp khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng. Phát triển nông nghiệp với vùng trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, dược liệu; chăn nuôi gia súc. Phát triển du lịch sinh thái gắn với hồ nước khoáng nóng Giang Sơn và các hồ đập lớn.

Phân vùng 2 (Vùng trung tâm): Gồm thị trấn Đô Lương và các xã: Bắc Sơn, Bồi Sơn, Đà Sơn, Đặng Sơn, Đông Sơn, Hòa Sơn, Lạc Sơn, Lưu Sơn, Nam Sơn, Thịnh Sơn, Tràng Sơn, Văn Sơn và Yên Sơn. Tổng diện tích: 96,56km. Định hướng phát triển chính: Phát triển thị trấn Đô Lương gắn với phát triển thương mại dịch vụ tổng hợp, trung tâm của vùng Tây Nam tỉnh Nghệ An. Phát triển công nghiệp gồm cụm công nghiệp Lạc Sơn. Phát triển nông nghiệp với vùng trồng lúa và hoa màu sản xuất thực phẩm sạch cho các khu đô thị. Phát triển du lịch gắn với văn hóa lịch sử.

Phân vùng 3 (Vùng Đông Nam): Gồm các xã Trung Sơn, Thuận Sơn, Xuân Sơn, Tân Sơn, Minh Sơn, Thái Sơn, Quang Sơn, Thượng Sơn, Nhân Sơn, Hiến Sơn, Trù Sơn, Đại Sơn và Mỹ Sơn. Tổng diện tích: 165,09km. Định hướng phát triển chính: Xây dựng thị trấn Thượng Sơn. Phát triển công nghiệp gồm cụm công nghiệp Thượng Sơn gắn với phát triển công nghiệp, công nghiệp phụ trợ và chế biến theo hướng hiện đại, bền vững, thân thiện với môi trường. Phát triển lâm nghiệp công nghệ cao, trồng lúa và hoa màu.

bna_9878.jpg
Hơn 300 đại biểu tại hội trường và khoảng 1.239 đại biểu từ 33 điểm cầu trực tuyến từ các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đô Lương theo dõi hội nghị. Ảnh: Thành Cường

Cùng với các vùng phát triển chiến lược, huyện Đô Lương cũng đặt trọng tâm vào việc phát triển 3 hành lang giao thông quan trọng để kết nối các vùng kinh tế và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gồm: Hành lang xuyên tâm, Quốc lộ 46B, Quốc lộ 15; Hành lang Quốc lộ 7C và hành lang Quốc lộ 7A.

Một trong những giải pháp quan trọng khác mà huyện Đô Lương chú trọng là phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, nhằm kết nối chặt chẽ giữa các khu vực trong huyện cũng như với các vùng lân cận. Các công trình giao thông trọng điểm như đường vành đai, đường trục chính đô thị, và hệ thống kết nối liên xã sẽ được ưu tiên đầu tư.

bna_0223.jpg
Đô Lương sẽ tập trung phát triển các cụm công nghiệp, thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ và chế biến. Ảnh: Thành Cường

Song song với đó, Đô Lương sẽ tập trung phát triển các cụm công nghiệp, thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ và chế biến. Các cụm công nghiệp như cụm công nghiệp Thượng Sơn và cụm công nghiệp Lạc Sơn sẽ được đầu tư đồng bộ về hạ tầng, nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và kinh doanh.

Huyện Đô Lương cũng sẽ tập trung khai thác tiềm năng du lịch từ các di tích lịch sử văn hóa quan trọng như Di tích lịch sử Truông Bồn và Đền Quả Sơn cùng các loại hình du lịch sinh thái và du lịch nông nghiệp, nhằm thu hút du khách và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

bna_0490.jpg
Tập trung khai thác tiềm năng du lịch từ các di tích lịch sử văn hóa. Ảnh: Thành Cường

Ngoài ra, nông nghiệp sẽ tiếp tục được phát triển theo hướng bền vững, với ứng dụng công nghệ cao và công nghệ sinh học trong sản xuất; tập trung phát triển các vùng sản xuất hàng hóa lớn, liên kết chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp địa phương.

Phát huy tinh thần tự lực, tự cường và khát vọng phát triển

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, huyện Đô Lương không chỉ có vị trí địa lý quan trọng, là điểm kết nối giữa các huyện phía Tây và thành phố Vinh, mà còn có bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa và cách mạng. Đây là mảnh đất của những con người thông minh, cần cù, kiên cường, và nhân hậu, đã đóng góp to lớn cho sự phát triển của tỉnh Nghệ An trong suốt chiều dài lịch sử. Trong bối cảnh mới, với những thách thức và cơ hội đang đặt ra, huyện Đô Lương cần phát huy tối đa những tiềm năng và lợi thế vốn có, đồng thời tập trung vào các giải pháp mang tính chiến lược để thực hiện Nghị quyết số 15 một cách toàn diện và hiệu quả.

bna_0041-2.jpg
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thành Cường

Phó Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, huyện Đô Lương cần phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đồng thời khơi dậy khát vọng phát triển trong toàn thể Đảng bộ, chính quyền và người dân. Công tác tuyên truyền về nghị quyết cần được thực hiện sâu rộng, với nhiều hình thức phong phú, nhằm tạo sự đồng thuận cao và huy động sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân.

Để đạt được mục tiêu mục tiêu xây dựng huyện Đô Lương trở thành thị xã trước năm 2030, và tiến tới trở thành đô thị phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa xứ Nghệ, việc triển khai Nghị quyết 15 phải được gắn kết với chiến lược phát triển vùng và tỉnh.

Huyện Đô Lương cần xác định rõ vai trò của mình trong mạng lưới phát triển chung, đặc biệt là kết nối với các huyện lân cận như: Nam Đàn, Thanh Chương, Anh Sơn, Tân Kỳ, Yên Thành và Nghi Lộc.

bna_9887.jpg
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Thành Cường

Phó Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị, huyện Đô Lương cần chú trọng cụ thể hóa các định hướng phát triển bằng việc xây dựng 3 vùng phát triển chiến lược và 3 hành lang phát triển, từ đó tạo ra sự đột phá trong cơ cấu kinh tế, tăng cường kết nối vùng và thúc đẩy tăng trưởng.

Bên cạnh đó, quá trình phát triển kinh tế cần phải được hài hòa với các yếu tố xã hội và quốc phòng an ninh. Huyện Đô Lương cần quan tâm đến việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đặc biệt là các gia đình chính sách, người có công và các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn. Việc phát triển cần chú trọng bảo vệ môi trường, duy trì cân bằng sinh thái và phát huy giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương.

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu nhấn mạnh, giá trị văn hóa và truyền thống của huyện Đô Lương sẽ là nguồn lực nội sinh quan trọng, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của huyện trong tương lai.

ats_5465.jpg
Giá trị văn hóa và truyền thống của Đô Lương sẽ là nguồn lực nội sinh, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của huyện trong tương lai. Trong ảnh: Du khách nước ngoài tham quan người dân sản xuất nồi đất ở xã Trù Sơn. Ảnh: Thành Cường

Bên cạnh đó, huyện Đô Lương cần tham mưu cho UBND tỉnh để ban hành các cơ chế chính sách đặc thù, hỗ trợ quá trình thực hiện nghị quyết. Cơ chế chính sách này cần hướng tới việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng cường công nghiệp, thương mại và dịch vụ, nâng cao chất lượng tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu lao động. Đô Lương cũng cần đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực và cải thiện môi trường đầu tư.

Phó Bí thư Tỉnh ủy cũng khẳng định, việc thực hiện Nghị quyết 15 không chỉ là nhiệm vụ của huyện Đô Lương, mà cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh. UBND tỉnh sẽ phân công rõ trách nhiệm cho các sở, ngành và đơn vị liên quan, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện. Đảng đoàn HĐND tỉnh sẽ xem xét và ban hành các chính sách đặc thù hỗ trợ huyện Đô Lương. Các cơ quan tham mưu, giúp việc của tỉnh sẽ thường xuyên theo dõi, đôn đốc và hỗ trợ huyện trong việc triển khai Nghị quyết, đảm bảo mọi hoạt động đều diễn ra đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao.

bna_0202.jpg
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng cường công nghiệp, thương mại và dịch vụ, nâng cao chất lượng tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu lao động. Ảnh: Thành Cường
bna_5995.jpg
Ảnh: Thành Cường
bna_6084.jpg
Ảnh: Thành Cường

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu bày tỏ sự tin tưởng vào tinh thần đoàn kết, quyết tâm và khát vọng phát triển của toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đô Lương. Với vị thế đặc biệt về địa lý, truyền thống cách mạng và bản sắc văn hóa, Đô Lương được kỳ vọng sẽ hoàn thành xuất sắc mục tiêu trở thành thị xã trước năm 2030 và tiếp tục là động lực phát triển quan trọng của tỉnh Nghệ An trong thời gian tới. Điều này không chỉ góp phần nâng cao đời sống người dân địa phương mà còn đóng góp lớn vào sự phát triển toàn diện của tỉnh, góp phần đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá vào năm 2030 như mục tiêu đã đề ra.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây