Thứ sáu, 22/11/2024, 04:24

Tri ân sâu sắc các chiến sĩ Điện Biên

Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tỉnh Nghệ An đã, đang và sẽ làm hết sức mình để tri ân công lao của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ký ức chiến trường

Trong căn nhà ở khối 23, phường Hưng Bình (thành phố Vinh), cựu chiến binh Nguyễn Cảnh Thìn (SN 1928), là chiến sĩ trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ hiện vẫn còn rất minh mẫn. Nhớ lại ký ức năm xưa, ông Nguyễn Cảnh Thìn cho biết, năm 1950, ông hăng hái lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, được biên chế vào Trung đoàn 174, Sư đoàn 316. “Thời đó háo hức, ra đi hăng hái lắm. Chiến tranh, ai cũng nghĩ đến cái chết, nhưng không sợ. Nếu mất thì chỉ hy sinh bản thân mình, mà đổi lại được cả giang sơn, được Tổ quốc, là cái được rất lớn”, ông Thìn chia sẻ.

bna_Cựu chiến binh Nguyễn Cảnh Thìn (phường Hưng BÌnh, thành phố Vinh) trò chuyện về chiến dịch Điện Biên Phủ.jpg
Cựu chiến binh Nguyễn Cảnh Thìn (phường Hưng BÌnh, thành phố Vinh) trò chuyện về Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Minh Quân

Tháng 3/1954, ông Nguyễn Cảnh Thìn cùng đơn vị có mặt tại chiến trường Điện Biên Phủ từ rất sớm và đã tham gia 2 trận chiến đấu quan trọng trước khi nổ súng mở màn trận Điện Biên Phủ. Trong muôn vàn hiểm nguy, gian khó, thiếu thốn, với những đôi chân trần và ý chí thép, ông Thìn cùng đồng đội đã hòa mình vào cuộc chiến, góp phần đưa Chiến dịch Điện Biên Phủ đi đến thắng lợi cuối cùng.

“Vào chiến trận là chỉ biết xông lên, đầy quyết tâm. Niềm vui vỡ òa khi nhìn thấy quân địch dùng cờ trắng để đầu hàng và lá cờ quyết chiến, quyết thắng của quân đội ta tung bay trên nóc hầm sở chỉ huy địch. Những kỷ niệm đó luôn in đậm trong trái tim tôi, giúp tôi có thêm nghị lực, rèn luyện để hoàn thành các nhiệm vụ trong quân đội những năm tháng sau đó”, ông Nguyễn Cảnh Thìn nói.

Từng đi qua 2 cuộc chiến, song đối với ông Võ Nguộc (SN 1930), ở xã Hưng Nghĩa (Hưng Nguyên), việc được tham gia quân đội và được góp sức mình trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là một vinh dự và là kỷ niệm đặc biệt sâu sắc trong cuộc đời. Vừa tròn 22 tuổi, cũng như bao thanh niên khác, thanh niên Võ Nguộc theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường nhập ngũ tại D32, Quân khu 4, tham gia Chiến dịch Thượng Lào. Sau đó, đơn vị ông được chuyển sang Sư đoàn 36, cựu chiến binh Võ Nguộc được ở lại Đại đội 925 - D5, Trung đoàn 174, Sư đoàn 36 và bắt đầu tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Kỷ niệm ông Nguộc nhớ nhất khi tham gia chiến dịch là vào ngày 13/3/1954, khi bộ đội ta bắt đầu nổ súng, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, sư đoàn của ông nhận nhiệm vụ đánh vào đồi Him Lam, đồi Độc Lập. Thời điểm này, ông được phân công làm Tiểu đội trưởng, với nhiệm vụ lúc này là canh gác cho lính đào hầm, đào giao thông hào. Trong lúc đang làm nhiệm vụ thì một nhóm lính Pháp tấn công, ông đã lấy 2 quả lựu đạn ném ra, tiêu diệt một số lính địch, khiến chúng không dám tiến lên. Đây là chiến công đầu tiên của ông khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
 

bna_Cựu chiến binh Võ Nguộc cùng những bức ảnh chụp trong chiến dịch Điện Biên Phủ.jpg
Cựu chiến binh Võ Nguộc cùng những bức ảnh chụp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: NVCC

Còn cựu thanh niên xung phong Phạm Ngọc Hòa (SN 1946), ở xã Đà Sơn (Đô Lương), tháng 10/1953, khi mới 17 tuổi, trước yêu cầu chi viện sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Pháp, ông cùng nhiều thanh niên cùng lứa ở địa phương hăng hái xung phong lên đường.

BNA_Đức Anh-1349.jpg
Ông Phạm Ngọc Hòa - Cựu thanh niên xung phong từng trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ chia sẻ hồi ức tại buổi gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Đức Anh

“Xóm tôi có 50 người xung phong tham gia lực lượng thanh niên xung phong, nhưng chỉ chọn được 4 người, trong đó có tôi. Ngày đó, chúng tôi còn hồn nhiên lắm, chưa hiểu nhiều về cách mạng, về đường lối chính trị. Tuy nhiên, khi tập trung lên chiến trường Điện Biên mới thực sự được giác ngộ, mới hiểu mình cần làm gì cho Tổ quốc, cho nhân dân. Tôi cùng các đồng đội tham gia mở đường, san lấp hố bom, phá bom nổ chậm ở đèo Pha Đin - tuyến đường huyết mạch vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men ra chiến trường Điện Biên. Trong mỗi chúng tôi lúc đó ai cũng quyết tâm làm việc hết sức mình, không ngại gian khổ, không ngại hy sinh”, ông Hòa chia sẻ.

Cùng với đồng bào và chiến sĩ cả nước, quân và dân Nghệ An đã dành mọi nguồn lực, công sức đóng góp cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Từ tháng 2/1954, thực hiện Lệnh Tổng động viên phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, có 5.438 thanh niên Nghệ An hăng hái tham gia nhập ngũ. Ngoài ra, tỉnh Nghệ An đã huy động 6.600 dân công, đóng góp hơn 1,5 triệu ngày công mở đường ra tiền tuyến. Họ đều mang trong mình truyền thống của quê hương Xô viết anh hùng, bầu nhiệt huyết cách mạng, góp phần cùng cả nước làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Nghĩa cử tri ân

Nghệ An hiện có 696 liệt sĩ, 84 thương binh, 708 chiến sĩ Điện Biên, 408 thanh niên xung phong và 148 dân công hỏa tuyến từng trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ còn sống. Sau chiến đấu và chiến thắng, trở về với đời thường, các chiến sĩ Điện Biên năm xưa dù ở cương vị nào cũng luôn giữ vững bản chất “Bộ đội Cụ Hồ", làm nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Họ là những nhân chứng lịch sử sống động, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

BNA_1307-01.jpeg
Các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, cựu dân công hỏa tuyến từng trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Hồ Chí Minh. Ảnh: Đức Anh

Thời gian qua, Hội Cựu chiến binh tỉnh Nghệ An đã động viên cán bộ, hội viên phát huy tốt tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, nỗ lực phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ. Ông Nguyễn Duy Cần - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Nghệ An cho biết: Vào dịp lễ, Tết, kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, các cấp hội thường xuyên tổ chức các hoạt động như: Thăm hỏi, động viên, tặng quà; đồng thời, quan tâm đảm bảo đầy đủ chế độ, chính sách, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí, tổ chức mừng thọ… Bên cạnh đó, các cấp hội đã tổ chức rà soát, hỗ trợ kinh phí sửa chữa, làm nhà mới cho cựu chiến binh Điện Biên Phủ giúp họ ổn định cuộc sống.

Các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, cựu dân công hỏa tuyến tại buổi gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Đức Anh

Các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, cựu dân công hỏa tuyến tại buổi gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Đức Anh

Cùng với đó, trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An phối hợp các sở, ngành, địa phương rà soát các đối tượng là liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ; lập dự trù kinh phí; hướng dẫn các địa phương, đơn vị tùy điều kiện cụ thể để tổ chức các hoạt động tôn vinh, tri ân, tặng quà đảm bảo kịp thời, ý nghĩa.

Đến nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã phối hợp với các địa phương, ban, ngành tặng quà cho các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch; thăm hỏi thân nhân, thắp hương cho các liệt sĩ hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ với tổng số tiền gần 3,8 tỷ đồng (từ nguồn kinh phí của UBND tỉnh và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam).

Ngoài ra, các địa phương, đơn vị trên toàn tỉnh cũng trích ngân sách, huy động kinh phí, trao tặng hàng nghìn suất quà cho các đối tượng chính sách nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Bên cạnh đó, tỉnh còn tổ chức cho một số cựu chiến binh tiêu biểu đi tham dự các cuộc gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch được tổ chức tại tỉnh Thanh Hóa và Thủ đô Hà Nội.

BNA_Đức Anh-1432.jpg
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy tặng quà cho các chiến sĩ Điện Biên. Ảnh: Đức Anh

Tại buổi gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ được tổ chức vào cuối tháng 4 vừa qua, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: “Phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân tỉnh Nghệ An đã, đang và sẽ làm hết sức mình để tri ân công lao của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ bằng tất cả những gì có thể làm được để bù đắp một phần sự hy sinh, mất mát của các đồng chí".

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện đúng, đầy đủ, chu đáo các chính sách ưu đãi; tập trung chăm lo tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng; chú trọng công tác giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc và thành quả cách mạng tới mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đồng thời, địa phương huy động các nguồn lực xã hội chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người có công và gia đình người có công…

_______________________________

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An.

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây