Thứ sáu, 22/11/2024, 00:34

Để văn hóa Nghệ An phát triển xứng tầm

Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An vừa tổ chức Hội thảo “Từ đề cương về văn hóa Việt Nam – định hướng chiến lược phát triển văn hóa tỉnh Nghệ An đến năm 2030”. Báo Nghệ An ghi lại ý kiến của một số nhà khoa học, nhà nghiên cứu tại hội thảo.

 

Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Dũng - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương:

gsts-dinh-van-dung-copy-4673.png

Cần liên kết, tạo thành con đường di sản văn hóa

Nhiều năm qua, trên các lĩnh vực văn hóa, Nghệ An đã kiên trì, thường xuyên đẩy mạnh sự phát triển, từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, đặc biệt là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, hoạt động văn hóa quần chúng, xây dựng gia đình văn hóa, gắn văn hóa với phát triển du lịch, hoạt động biểu diễn nghệ thuật, triển lãm, bảo tàng, thư viện và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ lớn của cả nước...

Tuy vậy, cá nhân tôi cho rằng, tiềm năng văn hóa của Nghệ An còn rất lớn nhưng chúng ta mới “khai thác” phần “lộ thiên”. Chiều sâu nội dung, ý nghĩa, giá trị văn hóa của các di sản chưa được nghiên cứu thật khoa học tạo sức lan tỏa trong quần chúng và với khách du lịch. Sản phẩm du lịch còn nghèo, đơn điệu, đôi nơi chưa thể hiện chuẩn mực tính chất văn hóa…

Đột phá chỉ có thể bắt đầu, bắt nguồn từ nội lực. Nội lực văn hóa của Nghệ An chính là các tiềm năng văn hóa và con người chưa được phát huy hết, một số còn “ngủ yên”, chưa được “đánh thức”.

Gần đây, người ta thường tổ chức liên kết thành con đường di sản văn hóa. Ở Nghệ An có một con đường di sản đặc biệt, đi từ truyền thống yêu nước đến truyền thống cách mạng, tới những con người vĩ đại của Nghệ An và của cả dân tộc. Đó là các địa danh đền Vua Lê, Di tích Phượng Hoàng Trung Đô, Di sản văn hóa Xô viết Nghệ - Tĩnh (Bảo tàng), Di tích Quốc gia đặc biệt Km0 - đường Hồ Chí Minh và Khu Di tích lịch sử Truông Bồn… Đó là các vĩ nhân, từ Hoàng đế Quang Trung đến Phan Bội Châu, từ Bác Hồ vĩ đại (Khu lưu niệm và Quảng trường Hồ Chí Minh) đến các nhà cách mạng lớn Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Phùng Chí Kiên, Hồ Tùng Mậu…

Tạo nên sự liên kết đó, tất nhiên phải tôn tạo, tu bổ, phục dựng và làm sáng rõ giá trị văn hóa - lịch sử của các di sản đó để tạo thành con đường đến với các địa chỉ đỏ và các vì “sao Khuê” ngời sáng của quê nhà. Từ đó, sẽ hình thành và phát triển các tuyến du lịch về nguồn trên đất Nghệ An, đối với bản thân nhân dân Nghệ An và cả nước, đặc biệt thế hệ trẻ từ nay về sau.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học Đông Á:

ts-nguyen-ngoc-chu-copy-4324.png

Xây dựng các cụm trung tâm văn hóa của Nghệ An

Trong các chiến lược phát triển văn hóa, phải có chiến lược phát triển các trung tâm văn hóa để đạt được thước đo “chiều cao”, đồng thời là chiến lược phát triển văn hóa trên diện rộng để nâng cao mặt bằng văn hóa.

Xuất phát từ chỉ đạo của Bộ Chính trị về văn hóa trong Nghị quyết số 39-NQ/TW, và dựa trên tình hình thực tế, Nghệ An nên tiến hành xây dựng 3 cụm trung tâm văn hóa du lịch phục vụ đời sống văn hóa nhân dân nội tỉnh cũng như thúc đẩy du lịch văn hóa từ ngoại tỉnh và quốc tế: Cụm trung tâm văn hóa Kim Liên, gắn với tên tuổi và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh; Cụm trung tâm văn hóa đền Cuông, gắn với lịch sử An Dương Vương và lịch sử Châu Diễn; Cụm trung tâm văn hóa Mai Hắc Đế, gắn với khởi nghĩa Hoan Châu và lịch sử Châu Hoan.

Hiểu “cụm trung tâm văn hóa” cho 3 trường hợp nêu trên như thế nào? Bản thân Khu Di tích lịch sử Quốc gia Kim Liên đã bao gồm nhiều địa điểm văn hóa. Nhưng hiện nay các địa điểm đó mới chỉ gắn liền với chủ đề lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi xây dựng “Cụm trung tâm văn hóa Kim Liên” thì Khu Di tích lịch sử Quốc gia Kim Liên chỉ là “một thành viên”, “một trung tâm văn hóa” mà thôi, vì trong “Cụm trung tâm văn hóa Kim Liên” sẽ còn chứa nhiều “trung tâm văn hóa” khác nữa.

Nếu ai đã đi du lịch nước ngoài nhiều lần thì sẽ hiểu một địa danh lịch sử không nhất thiết chỉ gắn với lịch sử địa danh đó mà có thể gồm chứa các công trình văn hóa khác. Thí dụ như trong “Cụm trung tâm văn hóa Kim Liên” có thể xây dựng công viên văn hóa tương tự như “Công viên cửa sổ thế giới” ở Thâm Quyến, nơi mô phỏng các công trình kiến trúc và danh lam, thắng cảnh của cả thế giới.

Việc hình thành các công viên văn hóa kết hợp ẩm thực du lịch sinh thái sẽ thúc đẩy không chỉ du lịch trong nước mà còn là du lịch quốc tế. Và việc có các “trung tâm văn hóa” thành viên nào trong “Cụm trung tâm văn hóa” là một đề án phải được nghiên cứu kỹ lưỡng một cách khoa học.

Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Quang Thanh – Giảng viên cao cấp, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam:

gsts-bui-quang-thanh-copy-5912.png

Cần có những nghiên cứu chuyên sâu về phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc thiểu số

Quan sát thực trạng sinh hoạt văn hóa cộng đồng nói chung ở Nghệ An hiện nay, không khó để nhận ra, đa số các địa phương vẫn còn hạn chế trong các khâu sưu tầm, ghi chép về lịch sử di tích văn hóa tín ngưỡng cũng như diễn trình của lễ hội truyền thống địa phương. Thực trạng đó dẫn đến sự rơi rụng, mất mát nguồn văn hóa phi vật thể quý báu vốn đã được sáng tạo, thực hành trong quá khứ, làm cho đời sống sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng hiện nay rơi vào hoàn cảnh đơn điệu, chắp vá và mất đi bản sắc độc đáo, hấp dẫn vốn có.

Thực tế cũng cho thấy, trong chục năm gần đây, chính quyền các cấp còn chưa thực sự năng động và sáng tạo trong việc mở rộng quan hệ, vận động sự quan tâm của các tổ chức phi chính phủ, các thành phố nước ngoài kết nghĩa với các huyện, thị và cấp tỉnh trong việc bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị của di sản văn hóa ở địa phương. Dù hiện nay, Nghệ An là tỉnh có số đơn vị hành chính nước ngoài kết nghĩa với các địa phương cấp huyện và với cấp tỉnh Nghệ An đã đến gần 70 thành phố, đô thị - thuộc diện nhiều nhất trên phạm vi cả nước.

Bên cạnh đó, có thể thấy rằng, kho tàng di sản văn hóa của cộng đồng nhiều dân tộc thiểu số ở Nghệ An vẫn chưa được quan tâm nghiên cứu, khai thác một cách sâu sắc và có hệ thống, phục vụ nhiệm vụ phát triển du lịch và phát triển một cách chiến lược công nghiệp văn hóa, góp phần phát triển kinh tế.

Những năm gần đây, mặc dù các địa phương khu vực miền núi thuộc Nghệ An đã và đang bắt tay triển khai Chương trình hành động quốc gia phát triển kinh tế, văn hóa xã hội các dân tộc thiểu số và khu vực miền núi, trong đó, quan tâm đến nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tộc người, đáp ứng nhu cầu xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và phát triển du lịch.

Tuy nhiên, vẫn cần có những nghiên cứu chuyên sâu và tổ chức các hội thảo khoa học tầm quốc gia để đánh giá thực trạng, xây dựng các giải pháp ứng dụng trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tộc người trong điều kiện phát triển xã hội đương đại ở các huyện, thị miền núi hiện nay.

Tiến sĩ Lê Doãn Hợp – nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An:

ts-le-doan-hop-copy-2023.png

Giáo dục tư tưởng đổi mới, canh tân của những danh nhân xứ Nghệ

Có thể khẳng định, Nghệ An có tiềm năng phát triển văn hóa đa dạng và phong phú, từ văn hóa vật thể (di tích, danh thắng) cho đến văn hóa phi vật thể (tài nguyên về con người, văn hóa truyền thống, văn hóa cách mạng), được đánh giá là hoàn toàn có đủ nội lực để Nghệ An tạo ra các đột phá lớn, các sản phẩm văn hóa đỉnh cao.

Tuy nhiên, việc phát huy giá trị văn hóa của Nghệ An vẫn chưa xứng so với tiềm năng văn hóa của tỉnh, khiến văn hóa Nghệ An như một cô gái đẹp chưa trang điểm. Do đó, trong mục tiêu phát triển văn hóa của tỉnh, cần quán triệt rõ phương châm xây dựng Nghệ An trở thành một tỉnh có kinh tế mạnh, văn hóa giàu, môi trường sạch. Mỗi nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh cần có 1 chương trình hành động về phát triển văn hóa của tỉnh, trong đó, xác định rõ nhiệm vụ cụ thể trên các lĩnh vực: Văn hóa gia đình, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa công sở, văn học – nghệ thuật, di sản...

Bên cạnh đó, cần gắn phát triển văn hóa với phát triển thể thao, du lịch, giáo dục truyền thống. Trong đó, chú trọng giáo dục tư tưởng đổi mới, cải cách, canh tân của những danh nhân là người con của quê hương Nghệ An như Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu, Nguyễn Trường Tộ.

Ngoài ra, cần thường xuyên tổ chức các cuộc thi sáng tác, diễn xướng dân ca; kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư tổ chức các hoạt động văn hóa gắn với phát triển du lịch...


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây