Dự hội thảo, về phía Trung ương và các tỉnh Bắc miền Trung, có: đại diện Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Lãnh đạo các Hội VHNT và cơ quan tạp chí văn nghệ các tỉnh Bắc miền Trung, đại diện diễn đàn Quán Chiêu Văn, các nhà tài trợ.
Về phía tỉnh Nghệ An có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; HĐND tỉnh, Sở Thông tin – Truyền thông, Sở Văn hóa – Thể thao, Công an tỉnh, các cơ quan truyền thông trong và ngoài tỉnh…
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Quốc Khánh – Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nhấn mạnh: Thời đại đã có những thay đổi lớn, nhu cầu thông tin của bạn đọc ngày càng cao, đòi hỏi báo chí, trong đó có các cơ quan tạp chí văn nghệ địa phương, phải thực sự làm cuộc “cách mạng” để không bị tụt hậu, để đủ sức gánh vác trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Chủ đề của cuộc hội thảo hôm nay “Tạp chí văn nghệ Bắc miền Trung – đổi mới để phát triển” đã cho thấy, các đồng chí lãnh đạo, các anh chị trong BBT các tạp chí văn nghệ Bắc miền Trung đã nhận thức rõ những yêu cầu của đời sống, của thời cuộc đối với chính tạp chí của mình. Đây là bài toán khó không chỉ đặt ra cho mỗi cơ quan tạp chí mà còn đặt ra cho tất cả chúng ta để phối hợp tìm ra lời giải.
Phát biểu đề dẫn, nhà báo Phạm Thùy Vinh – Tổng Biên tập Tạp chí Sông Lam, nhấn mạnh: Chúng ta buộc phải nhìn lại, buộc phải thay đổi, buộc phải thích nghi và buộc phải vươn lên… nếu không muốn bị giẫm chân, bị tụt hậu, thậm chí mất vai trò của mình trong đời sống tinh thần của công chúng. Phải thẳng thắn để nhận thấy rằng, cả một thời gian dài, chúng ta đã có nhiều khó khăn đến từ khách quan và chủ quan: bên cạnh việc chưa được quan tâm đúng mực, chưa được đầu tư xứng đáng về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực thì chính chúng ta, những người làm báo chí văn nghệ, đã tự thu hẹp mình trong một địa hạt nhỏ bé, riêng biệt, tư duy làm việc ngại thay đổi, xa rời đời sống thực tại, chậm chạp trong tìm nguồn tin lẫn cách thức đưa thông tin.
Hội thảo đã nhận được 9 tham luận, nội dung tập trung chỉ ra thực trạng, đề xuất những giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm xây dựng và phát triển các tạp chí văn nghệ Bắc miền Trung theo xu hướng vận động của báo chí hiện đại. Các tham luận đưa ra 6 nhóm giải pháp: đẩy mạnh hoạt động báo chí điện tử; nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực công nghệ thông tin của đội ngũ phóng viên, biên tập viên; thay đổi cơ chế vận hành cũ kỹ; tạo nguồn thu và nâng cao nguồn thu; đầu tư cơ sở vật chất – kỹ thuật; xây dựng đội ngũ cộng tác viên chất lượng, bền vững.
Nhà thơ, nhà báo Bùi Sỹ Hoa – nguyên Tổng Biên tập báo Vietnamnet, trong tham luận “Tạp chí điện tử và chuyện nhà văn làm báo” đề xuất: Để hướng tới một tờ tạp chí văn nghệ điện tử đứng được và ngày càng mạnh, bên cạnh việc đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng, đội ngũ kỹ thuật – công nghệ đảm bảo cho hoạt động của tạp chí, cần thiết phải bồi dưỡng nghiệp vụ làm báo điện tử cho lãnh đạo, đội ngũ phóng viên, biên tập viên theo yêu cầu. Người lãnh đạo một cơ quan báo chí điện tử bên cạnh việc thích ứng tốt với yêu cầu cập nhật thông tin, còn phải làm quen với việc phân cấp trong quản lý xuất bản. Thường xuyên đảm bảo cho hệ thống hoạt động trôi chảy, đảm bảo yêu cầu về nội dung và chất lượng thông tin, điều phối tốt các trang báo theo “nhịp cầu bạn đọc” để nhanh nhưng không đoảng, không quản mà còn tốt hơn quản, phát huy được sức mạnh của từng người cũng như cả tập thể mọi lúc, mọi nơi”.
Nhà văn Hoàng Thụy Anh – Tạp chí Nhật Lệ, cho rằng: chuyển đổi số mang đến quy trình vận hành mới bắt buộc cả tòa soạn đều phải thay đổi. Các biên tập viên, ngoài giỏi về chuyên môn, họ đồng thời phải giỏi về công nghệ thông tin, nắm vững kiến thức chuyển đổi số mới theo kịp xu hướng phát triển của thời đại. Như vậy, công nghệ số là điểm mấu chốt cấp bách để chuẩn hóa mô hình tòa soạn và đổi mới hình thức kinh doanh ở cả ba mặt: công nghệ, vốn đầu tư và con người.
Nhà báo Phan Trang Đoan – Tạp chí Sông Lam, nêu quan điểm cần nhận thức đúng chức năng, nhiệm vụ của một tạp chí văn nghệ: Tạp chí văn nghệ không phải chỉ đăng những bài viết thuộc thể loại văn học – nghệ thuật là đủ, nó phải mở ra những vấn đề về văn học nghệ thuật, đặc biệt là văn học nghệ thuật địa phương để thảo luận, trao đổi, nghiên cứu hay phát hiện ra những vấn đề mới.
4 của 4Đây là hội thảo thường niên do các tạp chí văn nghệ Bắc miền Trung luân phiên tổ chức nhằm tập trung thảo luận về những vấn đề cấp thiết của đời sống văn học nghệ thuật, báo chí để các tạp chí văn nghệ Bắc miền Trung đẩy mạnh trong hoạt động chuyên môn. Đây cũng là dịp để anh chị em phóng viên, biên tập viên các tạp chí văn nghệ Bắc miền Trung gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau cùng phát triển. Hội thảo Tạp chí văn nghệ các tỉnh Bắc miền Trung năm 2023 sẽ được Tạp chí Sông Hương đăng cai tổ chức tại thành phố Huế.
Theo Hữu Vinh (Tạp chí Sông Lam)