Thứ năm, 21/11/2024, 18:43

Lễ tưởng niệm 83 năm ngày mất Chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu

 Sáng 12/11, tại Khu Lưu niệm Phan Bội Châu ở thị trấn Nam Đàn, Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An tổ chức Lễ dâng hoa, dâng hương tưởng niệm 83 năm ngày mất của Chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu.

 

Tham dự buổi lễ có đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Hà - Phó Tư lệnh Quân khu 4 cùng các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An: Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao; Nguyễn Thị Hồng Hoa - Giám đốc Sở Y tế.
Cùng dự có đại diện các ban, sở, ngành, huyện Nam Đàn, Hội đồng gia tộc họ Phan, đại diện Ban giám hiệu, giáo viên, học sinh, cựu học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu.

bna_giỗ 83 năm cụ Phan Bội Châu1.JPG
Các đại biểu dâng hương tưởng niệm cụ Phan Bội Châu (Nam Đàn). Ảnh: Diệp Thanh

Cụ Phan Bội Châu tên húy là Phan Văn San, hiệu là Sào Nam, sinh ngày 26/12/1867 tại làng Sa Nam, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nhà hàn Nho yêu nước.

Thuở thiếu thời, Phan Văn San là người thông minh, mẫn tiệp. Chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, người dân lầm than, cậu Nho San đã nhen nhóm tư tưởng yêu nước thương nòi, quyết tâm tìm ra con đường cứu nước.

Với chủ trương cứu nước theo khuynh hướng bạo động, cụ Phan đã thành lập Duy Tân hội, Việt Nam Quang Phục hội rồi Việt Nam Quốc dân Đảng để tập hợp lực lượng và nhờ viện trợ của bên ngoài. Nổi bật nhất là phong trào Đông Du đã tạo nền tảng cho những thay đổi của đất nước đầu thế kỷ XX, góp phần đào tạo đội ngũ trí thức sẵn sàng tiếp nhận con đường cách mạng vô sản, và nhiều người sau này trở thành yếu nhân của cách mạng Việt Nam.

bna_giỗ 83 năm cụ Phan Bội Châu5.JPG
Ngôi nhà tranh tại Khu Lưu niệm Phan Bội Châu ở thị trấn Nam Đàn (huyện Nam Đàn). Ảnh: Diệp Thanh

Giữa năm 1925, cụ Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt ở Thượng Hải, giải về nước, đem xử ở tòa Đề hình Hà Nội. Trước phong trào đấu tranh của Nhân dân cả nước đòi thả Phan Bội Châu, Cụ được đưa về an trí tại Huế. Khi đã là Ông già Bến Ngự, cụ Phan vẫn chan chứa biết bao nỗi niềm tâm sự hy vọng vào thế hệ trẻ, vào sự thành công của cách mạng.

Sáng ngày 29/10/1940, tức ngày 29/9 năm Canh Thìn, Cụ Phan Bội Châu trút hơi thở cuối cùng tại căn nhà tranh ở dốc Bến Ngự.

bna_giỗ 83 năm cụ Phan Bội Châu4.JPG
Người dân đến dâng hương tại Khu Lưu niệm Phan Bội Châu ở thị trấn Nam Đàn (huyện Nam Đàn). Ảnh: Diệp Thanh

Không chỉ là một nhà cách mạng, cụ Phan Bội Châu còn là một nhà thơ, nhà văn hóa lớn. Cụ đã để lại cho đời một khối lượng di sản thơ ca khổng lồ với hàng nghìn trước tác. Bằng lòng yêu nước cháy bỏng, Cụ Phan Bội Châu đã dùng ngòi bút “làm đòn xoay chế độ”. Những di sản thơ ca này góp phần tô thắm thêm cho vườn hoa văn học Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX, khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tinh thần đấu tranh cách mạng bền bỉ trong mọi tầng lớp nhân dân.

bna_giỗ 83 năm cụ Phan Bội Châu.JPG
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Khu lưu niệm. Ảnh: Diệp Thanh

Trong không khí linh thiêng, trang trọng, các đại biểu đã dâng nén hương thơm, lẵng hoa tươi thắm bày tỏ tấm lòng thành kính, biết ơn vô hạn và rất đỗi tự hào đối với bậc tiền bối cách mạng, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam./.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây