VÙNG ĐẤT TỐT LÀNH
Dù mới được thành lập hơn 16 năm, với xuất phát điểm rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng xã Xiêng My (Tương Dương) nay đang "thay da đổi thịt" từng ngày. Người dân xã Xiêng My đang vươn mình đứng dậy, nỗ lực phát triển kinh tế, tạo dựng một cuộc sống ấm no. Trong từng dấu mốc phát triển của địa phương, có sự chung tay góp sức đồng hành của cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Nghệ An.
Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa địa phương, ý nghĩa của tên gọi Xiêng My trong tiếng Thái là vùng đất tốt lành, trù phú, người dân có của ăn, của để. Xiêng hoặc Xiềng, nhằm chỉ vùng đất tập trung đông dân cư; còn My có nghĩa là có.
Xét về địa danh hành chính, xã Xiêng My mới được “khai sinh” từ tháng 4/2007, sau khi chia tách từ xã Nga My. Tuy nhiên, tên gọi Xiêng My đã có từ thời Lê Sơ, thuộc huyện Hội Ninh, phủ Trà Lân - là một trong những địa bàn cư ngụ sớm của người Thái ở huyện Tương Dương.
ADVERTISEMENT
Nhiều người dân Xiêng My vẫn còn truyền tai nhau truyền thuyết: “Xa xưa, nơi đây là vùng đất trù phú, có rất đông đồng bào Thái chung sống. Thế rồi, đến một năm nọ, hạn hán xảy ra, khiến người dân ly tán. Tạo mường Xiêng My có một người con gái xinh đẹp, đem lòng yêu một thanh niên nghèo khó trong vùng. Tạo mường không đồng ý, nên đã ra điều kiện nếu người thanh niên khơi được dòng chảy đưa nước về chống hạn thì mới cho cưới con gái...
Chấp nhận lời thách thức của Tạo mường, người thanh niên được sự giúp đỡ của người yêu và nhiều trai tráng trong làng đã quyết chí vượt núi cao tìm nguồn nước, khơi cho được dòng chảy đưa nước về. Kết quả, tất cả đều kiệt sức mà chết. Nhưng đổi lại là dòng nước ngọt lành đã được dẫn về, là khe Chỏn ngày nay. Xiêng My từ đó đã không còn khô hạn, người dân tứ xứ lại tìm đến sinh sống đông vui...”.
Xiêng My có 3 dân tộc cùng sinh sống là Thái, Kinh và Khơ mú, trong đó, trên 90% là người Thái. Người Thái ở đây thuộc 2 nhóm là nhóm Hàng Tổng và Man Thanh. Còn người Kinh theo đường sông lên đây làm ăn buôn bán rồi nhập cư ở lại. Người Khơ mú đến đây từ các mối quan hệ họ hàng, gia đình, hôn nhân.
Đời nối đời, dân số của Xiêng My nay đã phát triển hơn 3.202 nhân khẩu, 749 hộ sinh sống tại 7 bản gồm: Chon, Noóng Mò, Piêng Ồ, Đình Tài, Cha Hìa, Phảy và Khe Quỳnh. Người dân xã Xiêng My chủ yếu làm nương rẫy, trồng lúa nước, ngoài ra, còn có nghề chăn nuôi gia súc, khai thác lâm sản, trồng rừng, đánh bắt cá...
Nhớ lại 16 năm về trước, Bí thư Đảng ủy xã Xiêng My Lương Hồng Sơn kể rằng, khi mới được thành lập, Xiêng My phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách. Cơ sở vật chất, kỹ thuật chưa có gì, một số hạ tầng từ các bản thuộc Nga My trước đây cũng rất nghèo nàn, lạc hậu, trụ sở làm việc của chính quyền xã phải nhờ trường tiểu học, cách xa các bản, phương tiện giao thông, thông tin liên lạc rất khó khăn. Điều kiện kinh tế lạc hậu, đồng ruộng manh mún, địa hình chia cắt, giao thông cách trở. Trình độ dân trí thấp, giáo dục, y tế, đời sống văn hóa, xã hội của nhân dân khó khăn, thiếu thốn.
Trước những khó khăn đó, đòi hỏi cán bộ và nhân dân xã Xiêng My phải nỗ lực phấn đấu hết sức mình để xây dựng quê hương thoát nghèo, ngày càng tiến bộ, văn minh. Mặc dù thời gian đầu còn nhiều lúng túng, nhưng với tinh thần đoàn kết, gắn bó, vượt qua thử thách, xã Xiêng My đã tập trung xây dựng Đảng bộ xã vững mạnh, từ đó, lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền và nhân dân bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh. Đặc biệt, trong 16 năm nỗ lực “thay da đổi thịt” của xã nghèo vùng cao này, có đến 12 năm Báo Nghệ An là đơn vị đồng hành, hỗ trợ cả về tinh thần lẫn vật chất.
Dẫn chúng tôi đi thăm bản, Chủ tịch UBND xã Xiêng My Lô Ba Lịch vui mừng cho biết, sau hơn 2,5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã khóa IV, nhiệm kỳ 2020-2025, kinh tế của xã từng bước phát triển ổn định, thu ngân sách địa bàn đạt và vượt kế hoạch được giao. Hiện 7/7 bản đều có đường ô tô đi đến trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Tổng diện tích gieo trồng hằng năm đạt 600 ha, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 885,3 tấn, tổng đàn gia súc là 4.245 con.
Điều đáng mừng nhất là đời sống kinh tế - xã hội của người dân xã Xiêng My ngày càng được nâng cao. Riêng trong năm 2022, toàn xã đã có 61/268 hộ vươn lên thoát nghèo, tỷ lệ giảm nghèo 22,76%, qua đó kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 28,3%.
NỖ LỰC VƯƠN LÊN THOÁT NGHÈO
Với một địa bàn còn nhiều khó khăn, xuất phát điểm thấp, đời sống của người dân còn nghèo, nhưng với sự hỗ trợ tích cực của cấp trên, các đơn vị, doanh nghiệp, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, chương trình xây dựng nông thôn mới của xã Xiêng My đạt kết quả rất tích cực.
Hiện xã đã đạt 11/19 tiêu chí, bản Phẩy đạt 13/13 tiêu chí, các bản còn lại đạt từ 8 đến 13 tiêu chí. Xã đang phấn đấu đến hết năm 2023, có thêm 3 bản: Noóng Mò, Cha Hìa và Đình Tài sẽ về đích nông thôn mới theo kế hoạch đề ra. Đặc biệt, xã đã hoàn thành Đề án Xây dựng “Xã biên giới sạch về ma túy”, qua đó góp phần đảm bảo quốc phòng - an ninh, tạo sự ổn định cho phát triển.
Trở lại thăm Xiêng My, chúng tôi rất vui mừng khi nhận thấy nhiều người dân nơi đây đã không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại, nhiều hộ dân đã nỗ lực phát triển kinh tế hộ gia đình bằng việc xây dựng các mô hình kinh tế trồng cây ăn quả, nuôi trâu, bò nhốt, chăn nuôi lợn sinh sản, trồng cây rễ hương, trồng sắn cao sản...
Đi trên những tuyến đường nội bản, thấy bà con thi thoảng chỉ tay vào chuồng gia súc khoe: Đây là bò được Báo Nghệ An tặng đấy! Bò giống được chọn to khỏe, bò bản địa thích ứng tốt với khí hậu đặc thù ở vùng cao nên sinh trưởng tốt.
Như gia đình anh Lô Văn Sơn ở bản Phẩy, được Báo Nghệ An tặng bê cái năm 2012, từ đó đến nay, gia đình anh đã có được đàn bò 9 con. Sau khi bán đi 4 con bò, mỗi con từ 15 đến 18 triệu đồng, gia đình anh chị đã có tiền làm nhà ở kiên cố và thoát cảnh hộ nghèo.
"Có nhiều mô hình như nuôi bò sinh sản, trồng cây ăn quả với sự giúp đỡ của Báo Nghệ An và các doanh nghiệp, đơn vị đang phát huy hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, thu nhập bình quân của người dân xã Xiêng My đã tăng lên gần 30 triệu đồng/người/năm. Có thể nói, mỗi đổi thay của xã có sự đồng hành của Báo", Chủ tịch UBND xã Xiêng My Lô Ba Lịch phấn khởi chia sẻ.
Từ khi Quốc lộ 48C được đầu tư, nâng cấp, đường vào Xiêng My đã không còn khó khăn. Được sự quan tâm đầu tư của cấp trên, giai đoạn 2007 - 2022, hệ thống nhà làm việc, trường học, trạm xá và đường giao thông thiết yếu tại xã Xiêng My từng bước được xây dựng.
Xã đã khôi phục một số ngành nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, mộc, rèn, đáp ứng như cầu sử dụng trong nhân dân. Thương mại và dịch vụ có bước phát triển mới, trên địa bàn có 23 hộ kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ, buôn bán các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân, tăng nguồn thu cho địa phương.
Dù không có nhiều thời gian đi hết cả 7 bản, nhưng những trải nghiệm thực tế ở vùng đất này đã đủ để chúng tôi tin vào cảm nhận về sự đổi thay rõ rệt ở Xiêng My. Những thành tựu đạt được trong 16 năm qua đã thể hiện tinh thần đoàn kết, sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Xiêng My trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội.
Với lợi thế Quốc lộ 48C chạy qua, địa bàn tiếp giáp các địa phương Nam Sơn (Quỳ Hợp), Bình Chuẩn (Con Cuông), cùng với sự giúp đỡ của cấp trên, các đơn vị, doanh nghiệp, đặc biệt là sự quyết tâm, nỗ lực của cả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, tin rằng, xã Xiêng My sẽ tiếp tục phát triển, trở thành vùng đất tốt lành, trù phú, người dân có của ăn, của để đúng như tên gọi.
Thực hiện chủ trương mỗi cơ quan giúp đỡ một xã nghèo của UBND tỉnh, Báo Nghệ An nhận giúp đỡ xã Xiêng My từ năm 2011. Với phương châm “trao cần câu”, trong 12 năm qua, Báo Nghệ An đã giúp đỡ xã Xiêng My với nhiều hình thức như: Xây dựng ngân hàng bò sinh sản cho các hộ nghèo; vận động các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ xã xóa nhà tranh tre; hỗ trợ cây giống để giúp người dân xóa vườn tạp, trồng cây ăn quả phát triển kinh tế hộ gia đình; trao hàng ngàn suất quà hỗ trợ hộ nghèo vào dịp Tết Nguyên đán.
Từ khi xã có điện lưới, Báo Nghệ An đã hỗ trợ UBND xã Xiêng My mua sắm trang thiết bị như: Máy vi tính, máy in, máy photocopy,... và kêu gọi, huy động kinh phí mua hàng chục bộ bàn ghế, chăn, áo ấm cho các em học sinh trên địa bàn xã... Đoàn Thanh niên Báo Nghệ An cũng nhận giúp đỡ 1 em học sinh trên địa bàn có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong học tập.