Chủ nhật, 08/09/2024, 16:32

Bồi dưỡng phóng viên “vừa hồng, vừa chuyên” trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Bài toán “nhân lực” luôn được đặt lên hàng đầu, góp phần quan trọng để có những tác phẩm báo chí viết về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đạt hiệu quả.

Chính vì vậy, trong bối cảnh chuyển đổi số, trước nhiều thách thức mới, vấn đề bồi dưỡng trình độ, nghiệp vụ cho hội viên, nhà báo lại càng phải được coi trọng.

Khi chủ trương trở thành “đòn bẩy”…

Báo chí được đánh giá có vai trò quan trọng, là tuyến đầu trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch. Trong quá trình đổi mới, phát triển đất nước, các thế lực thù địch, phản động liên tục gia tăng các hoạt động chống phá với những hình thức tinh vi, đa dạng: phát tán thông tin xấu, độc, bịa đặt, vu khống, bôi nhọ danh dự và nhân phẩm lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, công tác điều hành của Chính phủ, các ngành và các địa phương…

Trong khi đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một đề tài khó. Nhà báo viết về đề tài này cần có trình độ nghiệp vụ chắc chắn, bản lĩnh chính trị vững vàng, có lòng trung thành với Đảng, trách nhiệm với Tổ quốc. Công tác đấu tranh của các cơ quan báo chí cần có kế hoạch cụ thể, rõ ràng, có sự phối hợp bài bản, nhuần nhuyễn giữa các cơ quan báo chí với nhau và với các cơ quan quản lý, có định hướng xuyên suốt của cơ quan chỉ đạo…

boi duong phong vien vua hong vua chuyen trong cong tac bao ve nen tang tu tuong cua dang hinh 1

Các phóng viên, hội viên tác nghiệp tại nghị trường Quốc Hội.

Đánh giá công tác tuyên truyền thời gian qua, nhà báo Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, các cơ quan báo chí, các cấp Hội nhà báo đã chủ động vào cuộc, tích cực tham gia quảng bá các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, chính sách, pháp luật tiến bộ của Nhà nước, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”; kiên cường đấu tranh với các nội dung xấu độc, các quan điểm sai trái trên mạng xã hội.

Một số cấp Hội đặc biệt quan tâm bồi dưỡng trình độ chính trị - nghiệp vụ cho hội viên. Có đơn vị báo chí có cách làm sáng tạo trong phát hiện, đào tạo, rèn luyện lực lượng tham gia đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch. Một số cơ quan báo chí đã chủ động xây dựng các chuyên mục, chuyên trang, các tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội nhằm tuyên truyền, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng sâu rộng hơn, góp phần định hướng dư luận xã hội, phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản động…

Đặc biệt, nhiều Hội Nhà báo tỉnh, thành phố thời gian qua đã rất coi trọng việc nâng cao trình độ, kĩ năng cho các phóng viên, hội viên để thúc đẩy khả năng sáng tạo, góp phần tạo nên những tác phẩm báo chí chất lượng cao trong lĩnh vực này.

Từ trách nhiệm ấy, trong thời gian qua, Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ báo chí đã tăng cường các lớp tập huấn, bồi dưỡng về lĩnh vực này. Bà Nguyễn Thị Hải Vân – Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí chia sẻ: “Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho các nhà báo, hằng năm Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí đều lên kế hoạch bồi dưỡng cho các hội viên ngoài các chủ đề cập nhật, nâng cao các kỹ năng làm báo cho các hội viên trong thời đại số… Trong các khóa học về kỹ năng, Trung tâm đều lồng ghép nói về Luật Báo chí, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo và Trung tâm cùng dành một số lượng các lớp học về chủ đề Kỹ năng viết báo về xây dựng Đảng; Kỹ năng viết tin bài đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Hằng năm, Hội Nhà báo các tỉnh cũng chủ động phối hợp cùng với Trung tâm tổ chức những lớp học về các chủ đề này cho đông đảo hội viên”.

Sự vào cuộc từ báo chí địa phương

Thời gian qua, các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo đã có nhiều giải pháp năng động trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục nhận thức chính trị, bồi dưỡng đạo đức, tập huấn nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ hội viên, nhà báo thông qua sinh hoạt chính trị, lớp bồi dưỡng, diễn đàn, tọa đàm nghiệp vụ, các cuộc thi viết, giải báo chí.

Trên thực tiễn, từ góc độ của địa phương, nhà báo Tạ Đình Nghĩa - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh Sóc Trăng cho biết, với sự nỗ lực mở hàng chục lớp bồi dưỡng nghiệp vụ của Hội Nhà báo tỉnh chỉ trong vài năm qua; cùng với sự quan tâm hơn của các cơ quan chủ quản báo chí, lãnh đạo các cơ quan báo chí địa phương, mặt bằng đào tạo cơ bản của cán bộ, phóng viên ở các cơ quan báo chí hiện nay đang được nâng dần về nghiệp vụ và chính trị; tạo nhiều điều kiện thuận lợi trong các hoạt động tác nghiệp.

Đội ngũ báo chí trong tỉnh luôn nhận thức đúng đắn vai trò, nhiệm vụ của mình. Nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng chống lại mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

boi duong phong vien vua hong vua chuyen trong cong tac bao ve nen tang tu tuong cua dang hinh 2

Các phóng viên, hội viên tác nghiệp tại Nhà Quốc Hội.

Thường trực Hội Nhà báo tỉnh thường xuyên chỉ đạo các chi hội tăng cường khuyến khích, động viên hội viên nhà báo là biên tập viên, phóng viên tích cực tu dưỡng, rèn luyện đạo đức người làm báo, tuân thủ nghiêm kỷ luật phát ngôn, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Chịu khó nghiên cứu, tìm tòi những đề tài mới, những vấn đề mang tính thời sự; từ đó tạo ra những tác phẩm báo chí có tính thiết thực, kịp thời, có nhiều tác phẩm hay mang tính chính trị - xã hội cao, góp phần định hướng dư luận xã hội.

Tăng cường bám sát cơ sở, thu thập thông tin kịp thời và viết tin bài, đăng tải trên cả báo chí địa phương lẫn trang thông tin điện tử cá nhân của mình nhằm góp phần “phủ xanh” thông tin tích cực về thành tựu kinh tế - xã hội địa phương, tình hình an ninh chính trị, an toàn trật tự xã hội, các vụ việc “nóng” mà dư luận xã hội quan tâm; “lấy hoa thơm đẩy lùi cỏ dại” và đấu tranh phản bác các thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp…

Bên cạnh đó, mạng lưới truyền thông còn có sự tham gia của 19 trang thông tin điện tử, hơn 350 Fangage, 30 nhóm Facebook công khai, 6 nhóm Mocha 35, 54 nhóm Zalo,… – với gần hai trăm ngàn lượt thành viên.

Không chỉ triển khai nhiều bài viết tham gia tuyên truyền trên không gian mạng về chủ trương, nghị quyết, pháp luật, chính sách của Đảng và Nhà nước mà còn tích cực chia sẻ những thông tin chính thống từ các cơ quan truyền thông đại chúng địa phương đối với các sự kiện chính trị quan trọng, những câu chuyện nhân văn, những bài báo hay về tấm gương người tốt việc tốt, những thành tích nổi bật trên các mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn,… nhằm góp phần lan tỏa những thông điệp tốt đẹp, những thông tin thời sự kịp thời, chính xác, khách quan, những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc,…

Một góc độ khác, nhà báo, ông Nguyễn Thế Lực – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Tây Ninh cho rằng, đối với báo chí địa phương viết về chủ đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thì không phải chuyện dễ.

Không phải phóng viên nào cũng có thể viết chính luận và viết hay, sắc sảo lại càng khó hơn. Cho nên ông đặt vấn đề rằng, mỗi tờ báo phải có một hai cây bút chính luận. Để làm được điều đó, hơn ai hết Ban biên tập phải biết chọn phóng viên có đủ năng lực, có tố chất viết chính luận để định hướng, bồi dưỡng và có chế độ đãi ngộ cũng như chỉ tiêu phù hợp…

Với thực tế của báo chí Tây Ninh, nhà báo Thế Lực chia sẻ: “Từ khi có Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018, của Bộ Chính trị “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Tây Ninh đã ban hành Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, phòng, chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, gỡ bỏ thông tin xấu, độc, xuyên tạc của các thế lực thù địch, giai đoạn 2022-2025. Từ đó, Hội Nhà báo Tây Ninh và các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động truyền bá các quan điểm sai trái, thù địch nói chung và đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng (NTTT) của Đảng nói riêng, một cách thường xuyên”…

Có thể nói, để nâng cao hiệu quả truyền thông của báo chí địa phương nói chung, tính thiết thực và hiệu quả của báo chí - truyền thông trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nói riêng thì quan trọng hàng đầu vẫn là yếu tố nguồn nhân lực. Và đặc biệt là, muốn nâng cao chất lượng đội ngũ phải triển khai song song với củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức và quản lý, lãnh đạo, điều hành ở các cơ quan báo chí địa phương – phải thực sự “vừa hồng, vừa chuyên”.

Sông Mây/Congluan.vn


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây