Thứ bảy, 27/04/2024, 00:10

Đôi điều về chi tiết, hình ảnh trong tác phẩm báo chí

(hoinhabaonghean.vn) - Không chỉ trong văn học mà cả trong báo chí, mỗi một chi tiết đắt, chi tiết quan trọng đều có thể được coi là “hạt bụi vàng” góp phần làm nên giá trị của tác phẩm.

Tất nhiên, chi tiết trong văn học là sản phẩm của trí tưởng tượng, của sự lựa chọn tinh tế, sâu sắc của nhà văn; còn trong báo chí, chi tiết/hình ảnh phải là sự thật, là sự lựa chọn tinh tế, nhanh nhạy của nhà báo, nhằm phản ánh đúng đắn nhất bản chất của hiện thực, của sự thật.
Hiện thực luôn sống động, vô vàn chi tiết/hình ảnh diễn ra từng giây, từng phút nhưng không phải chi tiết/hình ảnh nào cũng tự nó phản ánh chân thực, khách quan bản chất của cuộc sống theo quan điểm tiến bộ, phát triển hay ngược lại. Một trận lũ lụt lịch sử, khi các nhóm phóng viên không được chuẩn bị kỹ càng, không có góc nhìn riêng thì sẽ chỉ “bơi” trong vô vàn vụn vặt, chỉ gửi về tòa soạn những hình ảnh mênh mông sông nước, điều mà mùa lũ lụt nào cũng xảy ra, tưởng mới mà không hề mới. Trong khi vấn đề cần kíp nhất là sơ tán dân, tài sản… khỏi vùng ngập, bảo vệ đê, cứu hộ…, chưa kể bàn sâu tới vấn đề “sống chung với lũ”, xây dựng nhà chống lũ…thì không được phản ánh, ghi nhận hay kiến nghị?
 
lu 4 20211210093744
Phóng viên Đài PT – TH Nghệ An tác nghiệp tại vùng lũ thuộc giáo xứ Thuận Nghĩa, xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: NTV

Nói thế để thấy sự quan sát, tìm tòi, sự chuẩn bị công phu, rút kinh nghiệm nghiêm túc sau mỗi chuyến tác nghiệp là yêu cầu cần thiết đối với mọi nhà báo. Điều đó bắt đầu và kết thúc bằng việc phát hiện, lựa chọn những hình ảnh, chi tiết trong các bản tin, phóng sự, bài viết ngắn hay dài kỳ. Một chi tiết nhỏ, thú vị có thể làm “sáng” lên một bản tin, thậm chí một chương trình dài hơi.
Trong một lần về Truông Bồn phản ánh hoạt động đền ơn, đáp nghĩa ở đây, nhà báo Trần Ngọc (nay là Giám đốc Đài PT-TH NA) đã đưa vào khuôn hình cận cảnh một bông hoa mua giản dị, bên cạnh những hình ảnh khói hương nghi ngút, những gương mặt thành kính tưởng nhớ công lao người đã khuất. Hình ảnh không dài, ít thấy trong các bản tin thời sự, nhưng chắc chắn gây bất ngờ, liên tưởng sâu xa đến “hoa mua tím Truông Bồn” nhiều người biết tới. Đó cũng là một sự thật có suy nghĩ, có chọn lọc và mang tới một ý nghĩa mới, được nhà báo phản ánh một cách ý nhị, khéo léo, chỉ hình ảnh thôi đã gợi liên tưởng mạnh mẽ xung quanh sự kiện này.
Buổi tường thuật trực tiếp của Truyền hình Việt Nam về Lễ khánh thành Quảng trường và Tượng đài Bác Hồ tại TP. Vinh dịp 19/5/2003 có nhiều hình ảnh, chi tiết gây xúc động người xem, trong đó có hình ảnh vị lãnh đạo cao nhất của Đảng ta lúc bấy giờ lấy khăn lau nước mắt khi xem hình ảnh Bác trong chương trình. Đó là một hình ảnh thực, chi tiết chân thực, có sức lan tỏa lớn lao mà đạo diễn Nguyễn Hoàng Sơn đã “ghi” được, đảm bảo cho thành công mỹ mãn của một “tác phẩm” truyền hình trực tiếp. Nhưng đây không phải là chi tiết ngẫu nhiên hay vô tình mà là sự chuẩn bị công phu của nhóm tác giả, khi dày công suy nghĩ, tìm kiếm để thu được một khoảnh khắc kỳ diệu, sống động vào ống kính.
phong vien bao nghe an tac nghiep6914487 2062019
Phóng viên Báo Nghệ An tác nghiệp . Ảnh tư liệu Báo Nghệ An

Gần đây, một tác phẩm báo in viết về tấm gương thầy thuốc ở vùng miền núi rẻo cao của nhà báo Vũ Toàn (Báo Tuổi trẻ) được đánh giá rất cao bởi một chi tiết bất ngờ và thú vị. Đó là người bác sỹ trẻ tuổi đó, sau quá trình lăn lộn thực tế khó khăn ở quê mình, không chỉ giúp người dân phòng bệnh, chữa bệnh, chiến thắng các hủ tục lạc hậu, mà còn chiến thắng chính…cha đẻ mình, vốn là một thầy mo. Đó là khi người cha-thầy mo phải thừa nhận một thực tế rằng, ông đã nhìn thấy hết mọi nỗ lực của bác sỹ, y sỹ ở đây và tự nguyện bỏ nghề vì hoàn toàn không còn “đất sống”! Trong tác phẩm này, bên cạnh việc tác giả công phu tìm hiểu và phản ánh chân thực công trạng của người bác sỹ, quan trọng nhất và quyết định nhất vẫn là việc phát hiện ra “chi tiết” thầy mo để “kết” câu chuyện một cách chân thực và rất điển hình cho vùng miền núi.     
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều nhà báo đã dũng cảm bước vào trận chiến cam go cùng với đội ngũ y, bác sỹ trên tuyến đầu. Trong vô vàn gian khó, trong rất nhiều tấm gương trên mặt trận này, việc ghi nhận phản ánh của báo chí về đề tài nóng hổi này để lại nhiều bài học quý cho đồng nghiệp, như phim tài liệu Ranh giới của Truyền hình Việt Nam chẳng hạn. Việc tập trung thể hiện chân thực hình ảnh cuộc chiến đấu chống Covid-19 ở Bệnh viện Hùng Vương, chuyên điều trị sản phụ F0 là một lựa chọn hết sức đúng đắn của các tác giả, bởi vì ở đây không chỉ là việc chữa chạy cho các bệnh nhân thông thường mà là việc chữa bệnh, cứu sống những bà mẹ, những đứa con, phức tạp, khó khăn gấp bội so với nhiều nơi khác.
Nhìn rộng ra, khi phản ánh về đề tài này, nhiều tác giả đã tập trung phản ánh những câu chuyện cảm động về những bà mẹ-bác sỹ gửi con nhỏ lên đường làm nhiệm vụ, những tình huống tranh thủ nói chuyện với con qua điện thoại...Đó đều là những chi tiết, hình ảnh gây xúc động lớn lao trong lòng bạn đọc, đánh thức lương tâm của nhiều người và đó chính là tiền đề, là cơ sở thành công, là những ‘hạt bụi vàng” góp phần làm nên “những tấm huy chương vàng” lấp lánh được trao cho những tác phẩm báo chí xuất sắc trong làng báo.../.

Bùi Sỹ Hoa

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây