Thứ bảy, 27/07/2024, 09:54

Thể lệ Cuộc thi báo chí viết về mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu tỉnh Nghệ An năm 2024

Cuộc thi báo chí viết về mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu tỉnh Nghệ An góp phần tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về công tác dân vận, lan tỏa phong trào thi đua xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo”; phát hiện, phản ánh chân thực, sinh động về những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong các phong trào, đặc biệt là phong trào thi đua “Dân vận khéo”, làm nguồn cảm hứng để các nhà báo, cán bộ và nhân dân sáng tạo nên nhiều tác phẩm báo chí chất lượng.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Tên gọi và mục đích
1. Tên gọi: Cuộc thi báo chí viết về mô hình, điển hìnhDân vận khéo" tiêu biểu tỉnh Nghệ An năm 2024 (gọi tắt là cuộc thi).
2. Mục đích: Cuộc thi do Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” tỉnh Nghệ An tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị về vai trò của công tác dân vận nói chung và phong trào thi đua “Dân vận khéo” nói riêng; phát hiện các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” để tôn vinh, lan tỏa và nhân rộng trong hệ thống chính trị và xã hội. Cuộc thi làm tiền đề để biểu dương các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu trong triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội đảng các cấp, nhất là Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Điều 2. Phạm vi, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi: Thể lệ này quy định mục đích, ý nghĩa, tiêu chuẩn, điều kiện, thể loại, tiêu chí xét chọn, cơ cấu giải thưởng, mức thưởng, hồ sơ, quy trình, thủ tục, ban giám khảo chấm thi, kinh phí, cách thức tổ chức cuộc thi.
2. Đối tượng áp dụng: Mọi công dân Việt Nam ở trong và ngoài tỉnh Nghệ An. Mỗi tác giả được tham gia tối đa 03 tác phẩm; Thành viên Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, Tổ thư ký cuộc thi không được tham gia dự thi.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Tiêu chí xét chọn tác phẩm
- Là những tác phẩm báo chí viết về những mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
- Tác phẩm bảo đảm tính chân thực, chính xác, khách quan, có định hướng tư tưởng chính trị đúng đắn, được thể hiện bằng tiếng Việt, đăng tải, phát sóng trên các loại hình báo chí (báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình) được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép kể từ ngày 03/9/2023 đến hết ngày 02/9/2024, không vi phạm Luật Báo chí, Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định khác của pháp luật.
- Không nhận các tác phẩm có yếu tố hư cấu (như tiểu phẩm, câu chuyện văn nghệ, phim truyện, câu chuyện truyền thanh…), các tác phẩm đang gây tranh cãi hoặc đang chờ kết luận của các cơ quan có thẩm quyền; tác phẩm từng đoạt giải do các địa phương, ngành cấp tỉnh trở lên tổ chức.
- Đối với báo in, báo điện tử: Mỗi tác phẩm là một bài hoặc một loạt bài (bài không quá 05 kỳ; chùm ảnh không quá 10 ảnh; video clip không quá 10 phút) của cùng tác giả, nhóm tác giả cùng đứng tên, về cùng một sự kiện, cùng một đề tài, thời gian đăng tải.
- Đối với phát thanh: Mỗi tác phẩm phải là một hoặc một loạt phóng sự, ký sự, bài viết (không quá 05 kỳ), một hoặc một loạt chương trình phát thanh (không quá 05 chương trình) về một chủ đề, sự kiện. Thời lượng tối thiểu 05 phút/tác phẩm, tối đa 30 phút/tác phẩm.
- Đối với Truyền hình: Mỗi tác phẩm phải là một hoặc một loạt phóng sự, ký sự, phim tài liệu (không quá 05 kỳ), một hoặc một loạt chương trình truyền hình (không quá 05 chương trình) về một chủ đề, sự kiện, nhân vật. Thời lượng tối thiểu: 05 phút/tác phẩm, tối đa 30 phút/tác phẩm.

Điều 4. Đề tài, lĩnh vực phản ánh
Tác phẩm tham gia cuộc thi báo chí viết về những mô hình, điển hình “Dân vận khéo” là các tác phẩm báo chí phản ánh về các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong việc “khéo” tuyên truyền, vận động và tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Nghệ An, cụ thể:

1. Lĩnh vực kinh tế
"Khéo" trong vận động và tổ chức thực hiện hiệu quả các nội dung:
- Xây dựng các mô hình phát triển kinh tế như: Tuyên truyền vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường; liên kết sản xuất, nuôi, trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả và nguồn thu nhập kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.
- Nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ sản xuất kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng; xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, hợp tác phát triển sản xuất, câu lạc bộ, các loại quỹ hỗ trợ nhằm giúp nhau ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững.
- Vận động nhân dân đóng góp tài lực, vật lực để xây dựng nông thôn mới (nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đối với những xã đã về đích nông thôn mới), đô thị văn minh; tham gia hiến đất, giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình, dự án để phát triển kinh tế trên địa bàn.
- Giải quyết được việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

2. Lĩnh vực văn hóa - xã hội
 "Khéo" trong vận động và tổ chức thực hiện tốt các nội dung:
- Vận động xã hội hóa giáo dục, hướng nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân; bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống; thực hành tiết kiệm.
- Xây dựng tinh thần thi đua trong học tập, rèn luyện; thực hiện hiệu quả công tác gia đình; xây dựng xã hội học tập; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa; xóa bỏ các tập tục lạc hậu, ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; triển khai hiệu quả phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động chăm sóc gia đình chính sách, người nghèo, người neo đơn...
- Vận động nhân dân đóng góp để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, các thiết chế văn hóa...
- Vận động chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước theo phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”.

3. Lĩnh vực quốc phòng, an ninh
"Khéo" trong vận động tổ chức thực hiện tốt các nội dung:
- Vận động quần chúng nhân dân tham gia giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo; xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, xây dựng đơn vị an toàn, địa bàn an toàn, khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội.
- Phát triển các loại hình tự quản, xây dựng ý thức tự quản trong cộng đồng dân cư, đơn vị.
- Tuyên truyền, vận động nhân dân giải quyết tốt các vấn đề nổi cộm, bức xúc trong nhân dân, người lao động, không để xẩy ra “điểm nóng”, nhất là các vụ việc liên quan đến đất đai, môi trường, bồi thường, giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư khi thực hiện các dự án.
- Vận động nhân dân cùng tham gia giải quyết các vấn đề tồn đọng, bức xúc kéo dài tại cơ sở chưa giải quyết được.
- Tuyên truyền, vận động và thực hiện mô hình kết nghĩa bản và bản giữa hai bên biên giới Việt - Lào để giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; giữ gìn đường biên, cột mốc và và an ninh, trật tự vùng biên giới.
- Trong vận động, tranh thủ sự ủng hộ của các chức sắc, chức việc các tôn giáo, người có uy tín, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

4. Lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị
"Khéo" trong vận động, tổ chức thực hiện tốt các nội dung:
- Xây dựng nội dung, phương pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong đoàn viên, hội viên và nhân dân để thực hiện đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động các tầng lớp nhân dân tự nguyện tham gia vào các hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng trong khuôn khổ pháp luật.
- Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc phát huy vai trò của đoàn viên, hội viên và nhân dân, các tổ chức, cá nhân trong việc giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng đảng, chính quyền, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
- Xây dựng các giải pháp, mô hình, điển hình trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng.
- Các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị xây dựng các mô hình về thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân. Phát huy những sáng kiến hay của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong việc thực hiện cải cách hành chính, thực hiện tốt phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh.

Điều 5. Loại hình và thể loại
- Loại hình: Báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình.
- Thể loại: Bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép, bình luận, chuyên luận, phóng sự, ký sự, phim tài liệu, phóng sự ảnh, video clip; sản phẩm báo chí đa phương tiện.

Điều 6. Ban Tổ chức cuộc thi
1. Ban Tổ chức cuộc thi do Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” tỉnh ra quyết định thành lập, có nhiệm vụ chỉ đạo triển khai, tổ chức cuộc thi và tổ chức các hoạt động liên quan đến cuộc thi.
Ban Tổ chức cuộc thi được sử dụng con dấu của Ban Dân vận Tỉnh ủy trong quá trình hoạt động.
2. Cơ quan Thường trực cuộc thi là Ban Dân vận Tỉnh ủy, có trách nhiệm:
- Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai, phổ biến, hướng dẫn thực hiện Thể lệ cuộc thi tới các đơn vị, cá nhân liên quan.
- Phối hợp với các đơn vị tổ chức lễ trao thưởng.

Điều 7. Ban Giám khảo, Tổ thư ký cuộc thi
1. Ban Giám khảo, Tổ thư ký do Trưởng Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” tỉnh ra quyết định thành lập trên cơ sở đề nghị của cơ quan Thường trực cuộc thi là Ban Dân vận Tỉnh uỷ.
2. Ban Giám khảo xây dựng Quy chế chấm điểm phù hợp với yêu cầu của cuộc thi và Luật Báo chí; thực hiện chấm và báo cáo kết quả cho Ban Tổ chức cuộc thi.

Điều 8. Quy trình, thủ tục hồ sơ và thời gian
1. Quy trình
Các tác giả gửi tác phẩm dự thi qua Hội Nhà báo Tỉnh. Hội nhà báo Tỉnh tập hợp bài thi, phối hợp với cơ quan thường trực cuộc thi tiến hành thẩm định tại đơn vị, địa phương có mô hình, điển hình được viết bài. Sau khi thẩm định, cơ quan thường trực cuộc thi gửi Ban Giám khảo để tiến hành chấm và chọn ra các tác phẩm xuất sắc để trình công nhận tác phẩm đạt giải.

2. Thủ tục hồ sơ, địa chỉ nhận bài dự thi
2.1. Thủ tục hồ sơ
Mỗi tác phẩm dự thi phải sao, chụp thành 02 bộ và đảm bảo các yêu cầu sau:
- Ghi rõ tên tác phẩm, thể loại, thời lượng, thời gian đăng, phát, tên cơ quan báo chí, có xác nhận của cơ quan báo chí.
- Ghi rõ bút danh, họ và tên thật của tác giả, năm sinh, chức danh hiện tại, đơn vị công tác, số điện thoại cá nhân, email. 
- Cùng với hồ sơ gửi trực tiếp, cần gửi đầy đủ thông tin tác giả, tác phẩm dự thi vào địa chỉ email theo quy định của Thể lệ:
+ Đối với tác phẩm báo in, báo điện tử: Phải là bản in chính hoặc sao chụp từ báo in, yêu cầu sạch, đẹp, rõ ràng. Nếu tác phẩm có sự tiếp nối nhỏ, lẻ, phải cắt dán phần tiếp nối trên giấy trắng khổ A4 hoặc A3 và đánh số trang rõ ràng phần tiếp nối. Riêng báo điện tử kèm theo đường link đăng tải.
Các tác phẩm báo in chuyển bản mềm và điện tử phải chuyển đường link về địa chỉ email theo quy định.
+ Đối với tác phẩm phát thanh: Phải ghi file lên USB và ghi rõ tên đơn vị, tên tác phẩm, tác giả, thể loại, thời lượng và thời gian phát sóng, kèm theo văn bản phần lời của tác phẩm, đồng thời gửi đường link tác phẩm (nếu có).
+ Đối với tác phẩm truyền hình: ghi vào USB và ghi rõ tên đơn vị, tên tác phẩm, tác giả, thể loại, thời lượng và thời gian phát sóng; kèm theo bản thuyết minh và đường link phát sóng (nếu có). Khuyến khích tác phẩm dự giải có chuẩn kỹ thuật HD.

2.2. Địa chỉ nhận tác phẩm: Hội Nhà báo tỉnh Nghệ An, số 378 đường V.I.Lênin, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, email: danvankheo.cuocthiviet2024@gmail.com.
Ghi rõ “Bài dự thi báo chí viết về mô hình, điển hìnhDân vận khéo" tiêu biểu tỉnh Nghệ An năm 2024” ở ngoài bì thư (đối với hồ sơ gửi qua đường bưu điện) hoặc ghi ở phần tiêu đề (đối với hồ sơ gửi qua email).
Ban Tổ chức không chịu trách nhiệm nếu hồ sơ tham dự cuộc thi bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.

3. Thời gian
- Thời gian nhận tác phẩm: Đến hết 17h00’ ngày 15/9/2024.
- Thời gian chấm thi: Từ ngày 20/9 - 05/10/2024.
Ban Giám khảo đánh giá, thẩm định, lựa chọn ra những tác phẩm xuất sắc nhất trình Ban Tổ chức cuộc thi quyết định công nhận và trao giải. 
- Thời gian công bố và trao thưởng
Các tác phẩm đạt giải sẽ được trao thưởng trong dịp kỷ niệm 94 năm ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2024).

Điều 9. Quy định sử dụng tác phẩm tham gia cuộc thi
- Tác phẩm đạt giải và tác phẩm dự thi không trả lại tác giả. Ban Tổ chức cuộc thi được quyền sử dụng để phục vụ công tác tuyên truyền.
- Bản quyền tác phẩm thuộc về tác giả. Ban Tổ chức cuộc thi không chịu trách nhiệm về những tranh chấp quyền tác giả và quyền liên quan.
- Tác phẩm đạt giải nếu vi phạm quyền tác giả, vi phạm tính trung thực, tác giả vi phạm đạo đức trong quá trình tác nghiệp và vi phạm các quy định của pháp luật, Ban Tổ chức cuộc thi sẽ thu hồi tiền thưởng và Giấy chứng nhận.  

Điều 10. Cơ cấu giải và hình thức khen thưởng
1. Cơ cấu giải
- Giải cá nhân: Có 4 nhóm giải tương ứng với 4 loại hình báo chí: Báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình.
Mỗi loại hình báo chí có tối đa 01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 03 giải Ba và 05 giải Khuyến khích.
- Giải tập thể: Có 05 giải chuyên đề đối với các tập thể có nhiều tác phẩm tham gia cuộc thi, gồm 01 đơn vị cấp tỉnh, 02 đơn vị cấp huyện, 02 đơn vị cấp cơ sở.

2. Hình thức khen thưởng: Gồm giấy chứng nhận của Ban Tổ chức cuộc thi và tiền thưởng.
3. Mức thưởng
3.1. Giải cá nhân
- Giải nhất: 7.200.000 đồng/giải (tương đương 4 lần mức lương cơ sở)
- Giải Nhì: 5.400.000 đồng/giải (tương đương 3 lần mức lương cơ sở)
- Giải Ba: 3.600.000 đồng/giải (tương đương 2 lần mức lương cơ sở)
- Giải Khuyến khích: 1.800.000 đồng/giải (tương đương 1 lần mức lương cơ sở).

3.2. Giải tập thể
+ Đơn vị cấp tỉnh: 5.400.000 đồng/giải (tương đương 3 lần mức lương cơ sở)
+ Đơn vị cấp huyện: 3.600.000 đồng/giải (tương đương 2 lần mức lương cơ sở)
+ Đơn vị cấp cơ sở x 1.800.000 đồng/giải (tương đương 1 lần mức lương cơ sở).

Điều 11Kinh phí giải thưởng: Kinh phí tổ chức và giải thưởng được trích từ nguồn ngân sách tỉnh.
Điều 12. Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm
1. Các tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại về kết quả xét, tặng giải thưởng và những vi phạm quy định, trình tự, thủ tục xét, tặng giải thưởng. Đơn khiếu nại phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ, lý do khiếu nại và gửi cho Cơ quan Thường trực của cuộc thi.
2. Cơ quan Thường trực cuộc thi có trách nhiệm xem xét và trả lời đơn khiếu nại, báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại lên Ban Tổ chức cuộc thi. Không xem xét đơn không có tên, địa chỉ không rõ ràng hoặc mạo danh, nặc danh.
3. Tác phẩm báo chí dự thi nếu vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Báo chí, các quy định của Nhà nước có liên quan và Thể lệ này, Ban Tổ chức cuộc thi sẽ thu hồi giải thưởng, thông báo cơ quan chức năng để giải quyết theo quy định của pháp luật hiện hành.

BAN TỔ CHỨC CUỘC THI

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây