Thứ sáu, 11/10/2024, 01:03

Bị lừa 6 triệu đồng, lên mạng 'cầu cứu' liền mất thêm 600 triệu

Lên mạng nhờ dịch vụ “hỗ trợ lấy lại tiền” để lấy lại 6 triệu đồng đã bị lừa, người phụ nữ ở Nghệ An bị lừa mất thêm 600 triệu đồng.

Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận trình báo của bà Q. (trú huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 600 triệu đồng qua mạng xã hội.

Theo đơn trình báo, bà Q. nhận tin nhắn qua Messenger của một người quen. Người này gọi điện trò chuyện, gọi đúng tên của bà và một số người thân trong gia đình nên bà tin tưởng, chuyển cho người gọi điện số tiền 6 triệu đồng.

Sau đó, bà Q. phát hiện tài khoản vừa vay tiền của bà đã bị kẻ xấu chiếm đoạt. Người vay tiền không phải là người quen mà đó là chiêu trò lừa đảo của tội phạm.

Bị lừa 6 triệu đồng, lên mạng 'cầu cứu' liền mất thêm 600 triệu ảnh 1

Công an Nghệ An tiếp nhận trình báo của bà Q. bị lừa đảo trực tuyến

Buồn vì mất một khoản tiền, bà Q. lướt Facebook và thấy hiện lên trang Fanpage với lời giới thiệu "hỗ trợ lấy lại tiền". Thông tin trên trang này ghi là của Cục An ninh mạng, đăng bài cảnh báo lừa đảo và hỗ trợ lấy lại tiền. Do tin trang này, bà Q. đã nhắn tin, trình bày và được cam kết sẽ hỗ trợ lấy lại tiền.

Sau khi tạo một tài khoản theo đường link được gửi và thực hiện các thao tác theo hướng dẫn, bà Q. thấy tài khoản của mình báo nhận được 1,5 triệu đồng.

Một người tự xưng là "Cán bộ cục an ninh" khẳng định, số tiền bị treo trước đó đã về tài khoản nhưng do vướng phần thủ tục tất toán, đề nghị bà Q. nộp một khoản tiền "bảo đảm" để rút về. Số tiền này sẽ được hoàn trả lại.

Bà Q. sau đó đã làm theo hướng dẫn và đã chuyển khoản nộp 600 triệu đồng. Nạn nhân đã bị chiếm đoạt toàn bộ số tiền trên.

Bị lừa 6 triệu đồng, lên mạng 'cầu cứu' liền mất thêm 600 triệu ảnh 2

Đối tượng lừa đảo lập các Fanpage giả mạo cơ quan chức năng để đánh lừa các nạn nhân

 

Trung tá Hà Huy Đức, Phòng cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Nghệ An cho biết, đây là thủ đoạn lừa đảo mới, nhắm tới nạn nhân các vụ lừa đảo trực tuyến. Để đánh lừa, nhóm tội phạm thường lập các trang Fanpage giả mạo các đơn vị công an, văn phòng luật sư... Thậm chí, chúng còn đăng tải nội dung cảnh báo về các vụ lừa đảo trực tuyến hay dàn dựng, cắt dán video thể hiện hoạt động phòng, chống tội phạm của công an khiến người dân nhầm lẫn, tin tưởng đây là trang Fanpage của lực lượng chức năng và chủ động liên hệ để nhờ giúp đỡ.

“Sau khi gửi một đường link đến trang web do nhóm lừa đảo lập, bị hại sẽ được hướng dẫn tạo một tài khoản cá nhân giống tài khoản ngân hàng. Khi nạn nhân thực hiện giao dịch chuyển hoặc rút tiền, bằng một thao tác trên hệ thống, nhóm này sẽ sửa con số ảo trên tài khoản đúng bằng số tiền bị hại chuyển hoặc rút. Vì vậy, làm cho nạn nhân tin rằng, tiền mình chuyển đã vào tài khoản cá nhân được mở trên web”, Trung tá Hà Huy Đức cho hay.

Bị lừa 6 triệu đồng, lên mạng 'cầu cứu' liền mất thêm 600 triệu ảnh 3

Cảnh báo tình trạng lừa đảo từ dịch vụ “hỗ trợ lấy lại tiền” trên mạng xã hội

Công an khuyến cáo, người dân cần cảnh giác trước mọi lời mời gọi tham gia thực hiện nhiệm vụ trên mạng xã hội để tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi bị lừa đảo, cần đến cơ quan công an trình báo, tuyệt đối không tìm đến các dịch vụ trên mạng xã hội để tránh sa vào bẫy “cú lừa thứ 2”.


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây