Thứ sáu, 11/10/2024, 07:19

Thuận An, Phúc Sơn vi phạm về đấu thầu, không liên quan đến kiểm toán

Qua kiểm toán chủ đầu tư, ban quản lý dự án liên quan 2 tập đoàn Phúc Sơn và Thuận An, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra những sai sót, kiến nghị xử lý tài chính.

Sáng 5/6, lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến hoạt động kiểm toán tại các doanh nghiệp có nhiều sai phạm trong thời gian qua như Phúc Sơn, Thuận An.

Kiểm toán đã chỉ ra được những sai sót, kiến nghị xử lý tài chính 

Đại biểu Trịnh Minh Bình - Vĩnh Long nêu thực tế thời gian qua, các dự án đầu tư xây dựng đã được kiểm toán nhưng sau đó, các cơ quan chức năng vẫn phát hiện các sai phạm trong hoạt động đấu thầu.

“Đề nghị Tổng Kiểm toán lý giải vấn đề này và giải pháp khắc phục thời gian tới”, đại biểu Bình chất vấn. 

Đại biểu Trịnh Minh Bình - Vĩnh Long. Ảnh: QH
Đại biểu Trịnh Minh Bình - Vĩnh Long. Ảnh: QH

Trả lời, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho hay, theo quy định của pháp luật, Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, với chức năng đánh giá, kết luận, kiến nghị việc quản lý tài chính công, tài sản công.

Đơn vị được kiểm toán là những đơn vị trực tiếp quản lý tài chính công, tài sản công. Luật cũng quy định rõ 12 nhóm đơn vị này.

Đề cập đến việc thời gian qua xảy ra một số vụ án lớn, liên quan đến việc đấu thầu, cụ thể là vụ án Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An có sai sót trong đấu thầu, Tổng Kiểm toán khẳng định: “Hai đơn vị này là doanh nghiệp không có vốn Nhà nước, nên họ không phải là đơn vị được kiểm toán”.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng thông tin, 2 tập đoàn này có liên quan đến việc sử dụng tài chính công, tài sản công với tư cách là nhà thầu. Vì vậy, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán chủ đầu tư, ban quản lý dự án liên quan đến 2 tập đoàn này.

Cụ thể, trong kiểm toán về đấu thầu, trên cơ sở hồ sơ tài liệu của ban quản lý dự án, chủ đầu tư cung cấp, Kiểm toán Nhà nước thu thập tài liệu, bằng chứng để kết luận tính trung thực, đúng đắn của báo cáo tài chính. Từ đó, xác định xem gọi thầu đúng không, hồ sơ thầu, chấm thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu như thế nào.

“Quá trình kiểm toán, chúng tôi đã chỉ ra được những sai sót, kiến nghị xử lý tài chính, hoàn thiện văn bản, đặc biệt là kiến nghị xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan”, Tổng Kiểm toán Nhà nước thông tin.

Đúng vai, thuộc bài thì không bao giờ sai

Cùng mối quan tâm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường - đại biểu Quảng Bình cho rằng, từ các vụ án liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn, Thuận An và nhiều vụ án tham nhũng khác cho thấy có sự câu kết giữa doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước với một số cán bộ, công chức trong các dự án đầu tư công để trục lợi tài sản của Nhà nước.

Tuy các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước không thuộc đối tượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước như Tổng Kiểm toán đã giải trình, nhưng những vụ việc này đều có liên quan đến sử dụng tài chính công, tài sản công, dự án đầu tư công. 

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - Quảng Bình 

“Vì vậy, đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết có kiến nghị gì để Kiểm toán Nhà nước có thể tham gia phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc tương tự xảy ra trong thời gian tới”, đại biểu đoàn Quảng Bình nêu câu hỏi.

Trả lời, Tổng Kiểm toán Ngô Văn Tuấn nhắc lại việc Phúc Sơn và Thuận An đều là doanh nghiệp không có vốn nhà nước, không thuộc đối tượng được kiểm toán nhưng họ có đơn vị liên quan đến hoạt động kiểm toán.

"Riêng về Phúc Sơn, bị khởi tố liên quan đến chấp hành pháp luật về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Việc này hoàn toàn không liên quan đến hoạt động của Kiểm toán Nhà nước. Còn Thuận An vi phạm pháp luật về đấu thầu. Hoạt động của Kiểm toán Nhà nước đánh giá sự tuân thủ pháp luật và nội quy quy chế được kiểm toán", Tổng Kiểm toán phân tích.

Trên cơ sở hồ sơ tài liệu do đơn vị được kiểm toán cung cấp (chủ đầu tư, nhà thầu), Kiểm toán Nhà nước rà soát lại toàn bộ quy trình thực hiện pháp luật và cũng đưa ra các kiến nghị.

Để kiểm toán tham gia sâu hơn vào quá trình điều tra, ông Tuấn cho biết thuật ngữ "kiểm toán điều tra" đã được đề cập từ năm 1946 trong các diễn đàn của Hiệp hội cơ quan kiểm toán quốc tế - các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI).

Sau gần 80 năm mới dừng ở mức độ tranh luận xem kiểm toán có nên thực hiện thêm chức năng điều tra hay không, có nên đi đến cùng hành vi phạm tội, truy tố. Hiện nay có rất ít cơ quan kiểm toán tối cao ở các nước phát triển thực hiện chức năng này. INTOSAI chưa bao giờ có hướng dẫn về việc này.

"Dưới góc độ Kiểm toán Nhà nước Việt Nam, chúng tôi cố gắng hoàn thành tròn chức năng đánh giá xác nhận, kết luận kiến nghị theo quy định của pháp luật, theo đúng kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 'đúng vai, thuộc bài', 'thuộc bài, đúng vai' thì không bao giờ sai", ông Tuấn nhấn mạnh.

Do chây ì hay do vì cơ chế?

Quan tâm đến việc thực hiện các kiến nghị kiểm toán, đại biểu Ma Thị Thúy - Tuyên Quang dẫn báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho thấy số tiền kiến nghị chưa thu được nguyên nhân thuộc về đơn vị được kiểm toán chiếm tỷ lệ cao (59%).

Theo đại biểu, kết quả này cho thấy, đơn vị được kiểm toán chưa thực hiện nghiêm túc kết luận kiểm toán và đề nghị: “Tổng Kiểm toán cho biết lý do vì sao? Do không có điều kiện khắc phục, do chây ì hay do vì cơ chế? Trách nhiệm, giải pháp khắc phục của ngành?”, nữ đại biểu tỉnh Tuyên Quang chất vấn. 

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn. Ảnh: QH

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trả lời, việc thực hiện kết luận kiến nghị kiểm toán được các cơ quan hết sức quan tâm. Đặc biệt sau khi Quốc hội giám sát tối cao về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, “tiến độ và ý thức chấp hành kiến nghị kiểm toán cao hơn”.

Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận, hiện vẫn còn hơn 67 nghìn tỷ đồng kiến nghị theo kết luận kiểm toán chậm được thực hiện và chia làm 4 nhóm nguyên nhân.

Nguyên nhân thuộc về đơn vị được kiểm toán chiếm trên 59%; nhóm nguyên nhân thuộc bên thứ 3 chiếm trên 24 %; nguyên nhân khác chiếm 16% và nhóm nguyên nhân của Kiểm toán Nhà nước chiếm 0,4%.

Phân tích thêm nguyên nhân thuộc về đơn vị được kiểm toán cao, ông Tuấn cho biết, do ý thức trách nhiệm của đơn vị chưa tổ chức thực hiện. Ngoài ra còn có nguyên nhân khách quan do đơn vị khó khăn về tài chính, phụ thuộc vào hướng dẫn của cấp trên. Thậm chí có đơn vị được kiến nghị đã giải thể phá sản, nhưng Kiểm toán Nhà nước vẫn phải theo dõi. 

“Với trách nhiệm của mình, Kiểm toán Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi, kiểm tra, đôn đốc để làm sao kết luận kiểm toán được thực hiện nhanh hơn, tốt hơn”, ông Tuấn cam kết.

Theo Vietnamnet

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây