Công an thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua, đơn vị chức năng của ngành đã cảnh báo thủ đoạn lừa đảo khi tham gia đầu tư tiền ảo.
Các đối tượng thường giới thiệu đây là dự án với lãi suất cao, thời gian đầu, khi tham gia đầu tư tiền ảo người đầu tư sẽ có lãi và được kích thích nộp thêm tiền. Sau đó, chúng sẽ tư vấn để người dân đầu tư tiếp tục nộp tiền nhiều hơn rồi không cho rút tiền để chiếm đoạt.
Mới đây, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội tiếp nhận đơn trình báo của một bị hại về việc bị chiếm đoạt hơn 2 tỷ đồng khi tham gia đầu tư tiền ảo dạng Bitcoin.
Theo trình bày của bị hại này, qua giới thiệu của người bạn cũ, chỉ trong vòng 2 ngày, bị hại đã nạp tiền vào hệ thống ACO dold và thắng 226.000 USD.
Khi muốn rút tiền ra, các đối tượng đã yêu cầu bị hại nộp thêm tiền vào với các lý do như: Nộp tiền xác thực, nâng cấp tài khoản VIP, tiền rủi ro an toàn... nhưng cuối cùng tiền vẫn không được rút ra. Tổng cộng, bị hại đã thực hiện 15 giao dịch và bị chiếm đoạt mất hơn 2 tỷ đồng...
Để phòng tránh lừa đảo, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác khi tham gia đầu tư tài chính qua các ứng dụng đầu tư tài chính, Sàn giao dịch quốc tế được quảng cáo lãi suất cao, tiềm ẩn nguy cơ bị lừa đảo để tự bảo vệ mình và tránh rơi vào các cạm bẫy tài chính. Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ cơ quan Công an để giải quyết kịp thời vụ việc theo quy định.
Cũng theo đơn phản ánh đến cơ quan báo chí, một nhà đầu tư tên N.X.T (sinh sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, do nhẹ dạ cả tin, anh N.X.T đã bị lừa đảo, chiếm đoạt tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.
Cụ thể, vào đầu tháng 6/2022, anh N.X.T đã bị N.N.P dùng thủ đoạn tinh vi lúc đầu kết bạn Zalo, Telegram, xin số điện thoại chia sẻ đầu tư, dùng những lời dễ nghe, khoe khoang là người thành đạt, kiếm được nhiều tiền, mua được nhiều nhà để lấy lòng nhà đầu tư.
N.N.P hướng dẫn anh N.X.T chuyển tiền VNĐ vào tài khoản thư ký của N.N.P để mua 100$. Sau đó, N.N.P đứng ra tổ chức đọc lệnh Trade trên sàn Polkswallet.com, vào các khung giờ 2h, 4h, 8h, 10h.
Lúc đầu tham gia trải nghiệm thấy có lợi nhuận, khi đã chín muồi N.N.P đánh vào lòng tham của anh N.X.T, nhắn tin gọi điện nhiều lần cho anh N.X.T bảo lo thêm tiền nộp vào tài khoản.
Khi anh N.X.T vay mượn được khoản tiền lớn nộp vào tài khoản, N.N.P xin làm ủy thác ăn chia theo thỏa thuận 30% và 70%. Anh N.X.T tin tưởng đã giao tài khoản cho N.N.P và đội nhóm của N.N.P.
Đến thời điểm thấy trên tài khoản được lợi nhuận nhiều, anh N.X.T muốn rút tiền về thì N.N.P yêu cầu nộp thuế 10% giá trị trên tài khoản thì số tiền muốn rút ra sẽ về tài khoản ngân hàng của anh N.X.T.
Anh N.X.T đồng ý nộp đủ 10% (khoảng 300 triệu đồng), nhưng N.N.P đã can thiệp vào hệ thống, báo lỗi và lấy nhiều lý do để lý giải việc anh N.X.T không rút được tiền.
Sau đó, anh N.X.T lại nghe theo lời N.N.P vay mượn người thân nộp lại tiền thuế 10% (300 triệu đồng) thì mới rút được cả gốc và lãi lớn lên tới vài tỷ đồng. Nhưng ngay sau khi nộp xong 300 triệu đồng lần 2 (tổng 2 lần nộp thuế là 600 triệu đồng), anh N.X.T vẫn không thấy tiền về tài khoản cá nhân. N.N.P đã chặn số điện thoại, các mạng xã hội Zalo, Telegram không liên lạc được.
Đáng chú ý, theo trình bày của anh N.X.T, căn cứ vào căn cước công dân của N.N.P, anh đã tìm về địa phương của N.N.P nhờ cơ quan công an xác minh và được biết đó là căn cước công dân giả, N.N.P không có hộ khẩu thường trú tại địa chỉ trên căn cước công dân đó...
Anh N.X.T cho biết, hiện anh đã chuẩn bị đơn tố cáo để gửi tới cơ quan Công an thành phố Hà Nội đề nghị xác minh, làm rõ hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của N.N.P để xử lý hình sự theo đúng quy định của pháp luật.
Khánh Linh/Vietnamplus.vn