Thứ ba, 23/04/2024, 23:23

'Siêu lừa' 433 tỉ đồng: Nhân viên ngân hàng giúp sức 'từ A tới Z'

Sáng nay, 13.3, TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét xử "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành cùng 25 bị cáo trong vụ chiếm đoạt 433 tỉ đồng của 3 ngân hàng NCB, PVcomBank, VietABank và nhiều cá nhân khác.

 

Trước đó, trong phần thẩm vấn diễn ra hôm qua, HĐXX dành thời gian để làm rõ phương thức, thủ đoạn lừa đảo của Thành và đồng phạm xảy ra tại VietABank.

'Siêu lừa' 433 tỉ đồng: Nhân viên ngân hàng giúp sức 'từ A tới Z' - Ảnh 1.

Phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành cùng 25 đồng phạm. Ảnh: Danh Lam

 

Ký khống chứng từ dù tiền chưa nộp vào ngân hàng

Cáo trạng xác định, Thành tìm những người có tiền để vay lãi suất cao hoặc rủ rê làm ăn. Do không có tài sản đảm bảo, Thành gợi ý người vay gửi tiết kiệm vào VietABank với hình thức đồng sở hữu. Sau khi có sổ tiết kiệm, Thành tìm cách cầm cố để vay tiền từ chính VietABank.

Để hành vi của Thành có thể thực hiện trót lọt, hàng loạt nhân viên VietABank đã giúp sức cho "siêu lừa" ở tất cả các khâu từ khi gửi tiết kiệm, thẩm định hồ sơ vay, nhận tiền giải ngân cho đến tất toán khoản vay.

Nguyễn Thị Thu Hương (Trưởng bộ phận quan hệ khách hàng doanh nghiệp Phòng giao dịch Đông Đô) là một trong số này. Nếu Thành có nhu cầu gửi tiền, Hương sẽ báo giao dịch viên để họ in, ký trước các giấy tờ, thậm chí lập khống chứng từ ngay cả khi Thành chưa có tiền nộp vào ngân hàng.

Thu Hương còn soạn thảo giấy đề nghị phong tỏa, đưa cho đối tác của Thành, để họ tin rằng tiền của mình đã được phong tỏa, nếu không có mặt cả 2 người đồng sở hữu thì không thể rút tiền ra.

Khi VietABank phát hành sổ tiết kiệm cho các khoản vay, Thu Hương và Thành không nói cho đối tác. Họ chỉ được cầm giấy gửi tiền tiết kiệm, phiếu thu, bảng kê thu tiền… để làm tin. Đây cũng là lý do Thành cùng đồng phạm làm giả chữ ký của các đồng sở hữu nhằm cầm cố sổ tiết kiệm nhưng họ không hề hay biết.

Vẫn theo cáo buộc, để đối tác tin tưởng và đồng ý bỏ tiền cùng gửi tiết kiệm đồng sở hữu, Thành buộc phải có một nửa hoặc một phần tiền. Những lúc Thành không có tiền, bị cáo tìm đến Đặng Thị Quỳnh Hương (Trưởng bộ phận khách hàng cá nhân, VietABank) nhờ vay giúp và hứa trả lãi cao.

Vốn đang quản lý một số khách có nhiều tiền, Quỳnh Hương chủ động liên hệ, đề nghị những người này cho Thành vay và sẽ trả trong ngày. Dù không biết Thành là ai, song Quỳnh Hương đứng ra bảo lãnh nên họ đồng ý.

Nhiều trường hợp khi chưa vay được tiền, Quỳnh Hương đã chỉ đạo lập chứng từ mở sổ tiết kiệm đồng sở hữu cho Thành và đối tác, trong đó có phần vốn của Thành mà Quỳnh Hương sẽ vay. Sau khi đối tác ra về, Quỳnh Hương thông báo với nhân viên rằng không vay được tiền cho Thành và chỉ đạo lập lại chứng từ mở sổ tiết kiệm chỉ bằng số tiền mà đối tác của Thành mang tới nộp.

Ngay khi có các sổ tiết kiệm, Thành nhờ Thu Hương, Quỳnh Hương thực hiện việc thế chấp để vay tiền của VietABank với số tiền lên tới 95% giá trị sổ tiết kiệm.

Với chuỗi hành vi trên, Thành chiếm đoạt gần 274 tỉ đồng của VietABank và 63 tỉ đồng của nhiều cá nhân khác.

'Siêu lừa' 433 tỉ đồng: Nhân viên ngân hàng giúp sức 'từ A tới Z' - Ảnh 2.

Bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành tại tòa. Ảnh: Danh Lam

 

Khách VIP nên "chăm sóc hết mức có thể"

Trả lời tại tòa, Nguyễn Thị Thu Hương thừa nhận hành vi sai phạm, nhưng cho rằng làm như vậy là để "khách VIP hài lòng, chăm sóc hết mức có thể, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu cho chi nhánh".

Đáng chú ý, HĐXX mời một khách gửi tiền tại VietABank tới tòa để phục vụ phiên xử, với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Vị khách này là một trong số những người cho "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành vay tiền thông qua Đặng Thị Quỳnh Hương.

Theo lời vị khách, ông không biết bị cáo Thành là ai, cũng chưa từng gặp. Tháng 11.2018, Quỳnh Hương gọi điện cho ông, giới thiệu khách có VIP là Thành đang đầu tư nhiều dự án lớn, đề nghị ông cho Thành vay 25 tỉ đồng để chứng minh năng lực tài chính trong kinh doanh.

Vị khách nói chỉ có 23 tỉ đồng, Quỳnh Hương bảo sẽ tự bù thêm 2 tỉ đồng cho đủ. Vì Quỳnh Hương đứng ra bảo lãnh, lại muốn mở rộng quan hệ với Thành để sau này có thể mua nhà đất ưu đãi, ông tin tưởng và đồng ý.

"Tôi tưởng nếu mượn sổ tiết kiệm để chứng minh tài chính thì tiền vẫn nguyên trong đó nên yên tâm", vị này trình bày và cho biết đến nay tài khoản ngân hàng và sổ tiết kiệm 23 tỉ đồng của ông đã bị VietAbank phong tỏa chiều rút. Ông cho rằng việc ngân hàng tự ý phong tỏa tài khoản là sai luật, nên đề nghị được lấy lại tiền của mình.

Về phi vụ trên, Thu Hương khai Quỳnh Hương chỉ đạo toàn bộ kế hoạch. Trong khi đó, Quỳnh Hương lại kêu oan về cả 2 tội danh bị truy tố là lừa đảo chiếm đoạt tài sản và vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng.

Quỳnh Hương nói không biết Thành và Thu Hương bàn bạc, lập kế hoạch như thế nào. "Tôi cũng tự bỏ tiền vào sổ tiết kiệm để góp với khách cho Thành vay. Tôi không dại gì đi lừa tiền của chính mình", nữ bị cáo khẳng định.

Đối với cáo buộc ký các tờ trình duyệt cho Thành vay tiền, Quỳnh Hương cho hay đây chỉ là thủ tục mang tính chủ trương, việc VietABank giải ngân cho Thành hay không, không phụ thuộc vào bị cáo.

Dọa đuổi việc nếu không làm theo chỉ đạo
Được xét hỏi, nhóm bị cáo là các cựu giao dịch viên và thủ quỹ của VietABank đều khai buộc phải làm theo chỉ đạo của cấp trên, trong đó có Nguyễn Thị Thu Hương và Đặng Thị Quỳnh Hương.
Nhóm này cho hay, khi phát hiện sai sót hồ sơ và nêu ý kiến thì bị chửi mắng ngay tại quầy giao dịch, ép ký khống, thường xuyên "vừa làm việc vừa khóc".
Bị cáo Bùi Thị Na và Đỗ Thị Liên (đều là cựu thủ quỹ VietABank) thừa nhận đóng dấu vào phiếu thu khống dù Nguyễn Thị Hà Thành chưa nộp tiền. Tuy nhiên, việc này xuất phát từ chỉ đạo của cấp trên, họ bị dọa đuổi việc nếu không thực hiện.
Cho rằng phạm tội vì áp lực từ cấp trên, bản thân lại không được hưởng lợi, nhóm bị cáo xin tòa xem xét xử lý về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, thay vì tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng.

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây